Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cuộc chiến chống tham nhũng cho phép cánh Tập Cận Bình củng cố quyền lực tại Trung Quốc

Xi-chongthamnhung


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chống tham nhũng hầu củng cố quyền lực.
Reuters


Vào cuối tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã lại tuyên bố là sẽ không khoan nhượng trong chiến dịch bài trừ tham nhũng lần này là trong quân đội.
Trước đó một vài hôm, Bắc Kinh chính thức loan báo việc cựu lãnh đạo công an Chu Vĩnh Khang bị điều tra về tội tham ô.

Theo nhiều chuyên gia Pháp được RFI phỏng vấn, chiến dịch bài trừ tham nhũng phát động vào năm ngoái, bên cạnh động cơ luôn được quảng bá rầm rộ là chống bất công, còn có động cơ chính trị không nói ra : Giúp cho phe cánh của ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực.

Phải nói là chiến dịch gọi nôm na là « đả hổ và đánh ruồi » do nhân vật số một tại Trung Quốc tung ra càng lúc càng tăng cường độ.
Theo Tân Hoa Xã, kể từ đầu năm đến nay, công cuộc điều tra tham nhũng ở Trung Quốc liên quan đến hơn 25.000 người, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với khẩu hiệu đấu tranh chống « ruồi và hổ », tức là cả các công chức cấp dưới lẫn các quan chức cấp cao, chiến dịch này, trong thời gian qua, đã động tới một loạt cán bộ ở thượng tầng chế độ Trung Quốc, mà tiêu biểu nhất là trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an.

 Đây là lần đầu tiên mà một cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành đối tượng một cuộc điều tra tham nhũng.

Củng cố quyền lực của một người và một phe

Theo ông Jean-François Di Meglio, Chủ tịch trung tâm nghiên cứu Pháp về châu Á,  Asia Centre, đằng sau chiến dịch bài trừ tham nhũng đó là một động cơ chính trị.
Đó là « tăng cường quyền lực của một người duy nhất và những người xung quanh ông ta để thực hiện những biện pháp cải cách vốn không bao giờ có thể được áp dụng ở Trung Quốc ».

Lý do theo chuyên gia Di Meglio, đó là vì sự tồn tại của hệ thống chính trị mang tính chất đồng thuận tại Trung Quốc, khiến cho mọi quyết định phải chú ý đến ý kiến của nhiều phe phái khác nhau.

Thế nhưng căn cứ vào diễn biến tình hình hiện nay, Giáo sư Di Meglio cho là « một phe đang ngày càng khẳng định uy thế và sẽ muốn làm gì thì làm ».

Đối với chuyên gia này, ngoài động cơ nói trên, cũng có một động lực chính trị khác thúc đẩy chiến dịch bài trừ tham nhũng tại Trung Quốc, đó là trấn an dân tình : « Hiện có một tình trạng chán ngán và phẫn nộ trong người dân Trung Quốc. Họ sẵn sàng thay đổi chế độ. Và điều đầu tiên (trong chế độ hiện hành) mà công luận phê phán là tệ nạn tham nhũng.

Tác nhân kinh tế cũng bị điều tra

Không chỉ có các nhân vật chính tri là bị chiến dịch chống tham nhũng nhòm ngó. Các tác nhân kinh tế, đặc biệt là các ngân hàng, cũng đang trở thành mục tiêu tấn công của công cuộc bài trừ tham ô.

Mới đây, định chế kiểm toán trung ương tại Trung Quốc đã vạch trần sai sót tại Quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc China Investment Corporation và hai ngân hàng sau một đợt kiểm tra.

 Đây là là một phần trong cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra. Tổng trị giá các giao dịch gian lận của ba định chế này được ước lượng lên đến 3,7 tỷ euro.

Đối với bà Mary-Françoise Renard, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại trung tâm CERDI : « Điều đó có nghĩa là các ngân hàng khác cần phải hoạt động trở lại theo khuôn khổ. Hiện đang có một tình trạng mập mờ rất nặng trong công việc quản lý tại các ngân hàng công. »

Theo nhà nghiên cứu Renard, thông điệp của chính quyền Trung Quốc đối với hệ thống ngân hàng rất rõ : « Nếu không chỉnh đốn lại, chính phủ sẽ can thiệp. Các ngân hàng do đó cần phải bắt đầu quản lý công việc một cách đúng đắn và hạn chế tình trạng tham nhũng. »

Một hệ quả bất ngờ của cuộc chiến chống tham nhũng rầm rộ tại Trung Quốc đã được Giáo sư Jean-François Di Meglio nêu bật. Đó là sự lan rộng của tâm lý hoài nghi.
Ở cấp độ chính trị, công chúng Trung Quốc rốt cuộc có thể kết luận rằng toàn bộ Đảng Cộng sản đều tham nhũng.


Switch mode views: