Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sau đám tang Việt Dzũng, Hành trình của Việt Dzũng và địa chỉ của tương lai.


Sau thời gian tang chế, nay Việt Dzũng đã mồ yên mả đẹp. Thời gian này, cũng là lúc lòng người lắng xuống, để bắt đầu ngồi sắp xếp lại những mớ tình cảm ngổn ngang mà tất cả chúng ta, trên khắp thế giới đã dành cho Việt Dzũng.

Là những người nằm trong đại đa số người Việt Nam không Cộng Sản, chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu là lừa lọc, giả trá đến từ mọi phía. Và từ sau ngày tan đàn xẻ nghé, chúng ta luôn muốn xác tín mọi sự thật, nên thường có những câu hỏi ngược dòng sự kiện, rằng liệu có ai hay đảng phái nào vận động “thổi phồng” Việt Dzũng không? Hay tự bản thân với con đường mà anh một đời kiên trì theo đuổi, đã làm xúc động chúng ta trên toàn thế giới? Nếu như vậy thì con đường đó khởi đầu từ đâu và con đường này, sẽ đi tới địa chỉ nào của tương lai? Hỏi như thế, chúng ta lại phải soi rọi một lần nữa, xem Việt Dzũng như thế nào trong lòng mọi người?

Việt Dzũng qua cái nhìn của người lính VNCH

Làm quen với đời lính ở cái tuổi nhiều đứa con trai sinh trong gia đình hiếm muộn, được cha mẹ nuông chiều, lớn chín mười tuổi có khi còn đái dầm. Từ đó tôi hiểu điều đau đớn nhất, uất ức nhất của người lính, là chưa sống mái trận cuối cùng đã bị bán đứng, bị thua to, bị hành hạ, lăng nhục. Nhà tan cửa nát. Dân, nước điêu linh. Bị cầm tù nghiệt ngã trọn cả tuổi thanh xuân. Thoát ra ngoài nước, lại gặp toàn nghịch cảnh. Những quyền lợi chỗ này, chỗ kia, giây mơ, rễ má chồng chéo lên nhau, trong một thế trận nay bạn, mai thù, bán sinh mệnh nhau như cái quần cái áo. Lời nguyền đêm nao giữa chốn lao tù đói, nhục, với bạn bè “Ra được ngoài thì thế này, thế nọ”. Nhưng khi gặp lại ở quê người, trong sâu thẳm của tình thân, trầm giọng hỏi nhau như muốn khóc… làm sao mà “thế này, thế nọ” được đây? Ở những người lính già oằn vai với tuổi đời và nỗi đau mỏi mòn như thế, dễ dầu gì thúc đẩy họ phải lê tấm thân già từ bao nhiêu cây số, đến đứng nghiêm chào theo quân cách người chỉ đáng tuổi con, em mình. Chưa một lần cầm súng. Chưa một lần… “Nhảy dù! Cố Gắng”. Chưa một lần “Quỳ xuống” hay “Đứng lên”.

 vietdzung quantai nhathoKhoảng 2,000 người dự thánh lễ tang của Nhạc Sĩ Việt Dzũng. Photo Courtesy: Dân Huỳnh/Người Việt

Ấy vậy mà trong những ngày tang chế của Việt Dzũng, nguời ta đã thấy không chỉ năm, mười người, mà hàng này, lớp khác những người lính già đầy kiêu hận đó, nối tiếp nhau đến chào đưa Việt Dzũng. Và tận cùng của một xác tín, bừng sáng một rõ ràng: Họ quý, yêu, trọng, nễ Việt Dzũng. Các chú chào cháu, các anh chào em, Việt Dzũng. Hãy yên nghỉ, việc em còn dở dang sẽ được tiếp nối. Tấm lòng em để lại cho quê hương, dân tộc, chắc chắn sẽ có những lớp trẻ như em, hoặc sau em đón nhận. Hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy, của một trong những ngưòi lính đó, là hình ảnh phi công Lý Tống, người bơi qua eo biển giữa Thái Lan và Tân Gia Ba để đào tị, khiến báo chí Hoa Kỳ đã một thời chộn rộn. Lý Tống, người tự thuê máy bay từ Thái Lan, bay về quê mẹ kín đặc quân thù, rải truyền đơn rồi nhảy dù xuống, những mong hy sinh làm đốm lửa trong rừng khô. Rồi cũng lại chính người lính này, thuê máy bay Mỹ, tự lái từ Florida tới thủ đô của cái nước gọi là XHCN Cuba, rải truyền đơn kêu gọi người dân Cuba thức tỉnh. Và khi bay trở lại Florida, anh đã được Cộng Đồng Tị Nạn CS Cuba rầm rộ đón tiếp, xưng tụng anh là anh hùng. Báo chí Hoa Kỳ lại giật thót lên vì anh. Hôm nay, người lính ấy, người anh hùng ấy, nói lời từ biệt và đứng nghiêm, chào theo quân cách trước quan tài Việt Dzũng.

Việt Dzũng Qua Cái Nhìn Của Báo Chí, Truyền Thông trong Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn CS

Những người làm truyền thông kỳ cựu, cho cả báo Việt lẫn các hãng Thông Tấn ngoại quốc như AFP (Pháp), Reuter (Anh), AP (Mỹ), UPI (Mỹ, nay đã bán cho một nước ở Trung Đông), NHK (Nhật), Kinh Tế, Tài Chánh Nhật Bản (Nickey Shymbun), VOA (Mỹ), BBC (Anh)... từ trước năm 1975 ở Sài Gòn, sang đến Mỹ còn tiếp tục. Theo tôi đoán, họ là những người vô cùng bận rộn. Suốt này nào là đọc, phân tách, tổng hợp, viết. Thêm vào đó, là thời gian phải có cho sinh hoạt hàng ngày của bản thân, gia đình, bè bạn. Họ nổi tiếng, được vị nễ, dễ dầu gì ai lôi kéo được họ, dễ dầu gì họ để mặc cho tình cảm bùng ra với những người mà kinh nghiệm, tuổi đời, tăm tiếng trong nghề trẻ hơn họ. Vậy mà trong đám tang Việt Dzũng, cũng như trên đài truyền hình nói riêng về Việt Dzũng, tôi đã thấy họ, như: Ký giả Phạm Trần, UPI, AP, VOA. Nữ Ký giả Triều Giang, Hội Bảo Tồn Văn Hóa Việt Nam, Austin, Texas. Bùi Bảo Trúc, cựu Phát Ngôn Viên (từ nay xin đọc là PNV) Chánh Phủ VNCH, người mà trong giới ký giả sáng nào cũng ở Trung Tâm Báo Chí, đường Tự Do cho là hào hoa như Tây, tiếng Anh như gió. Chuyện Đông, chuyện Tây, chuyện Kim, chuyện Cổ trong thiên hạ có “ba bồ”, chàng đã chiếm mất hai, nên đối đáp như “thần”, trả đòn bọn nhà báo phương Tây phản chiến như máy. Bùi Bảo Trúc cũng là người cùng Nguyễn Bích Mạc, PNV Bộ Ngoại Giao VNCH, Trung tá Lê Trung Hiền, PNV Quân sự, hợp thành bộ ba, được ví như “Kiềng ba chân” trên chiến trường dư luận, dù cho thế nước lúc ấy đã ngả nghiêng lắm rồi. Nhà Văn Phan Nhật Nam, một sĩ quan Dù xuất thân từ khóa 18 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (Đà Lạt), tác giả “Mùa Hè Đỏ Lửa”, “Tù Binh Và Hòa Bình” “Dấu Binh Lửa” v.v... những tác phẩm cho đến nay, còn làm rung rinh tâm thức con người và tuổi trẻ ở cả hai phía Bạn, Thù. Nhà thơ, nhà báo, nhà văn Huy Phương, xuất thân từ trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, từng nổi tiếng qua các nguyệt san văn nghệ, văn học của Sài Gòn, và các Báo Tiền Tuyến, Tiền Phong, Chiến Sĩ Cộng Hòa của Quân Đội v.v... Còn tại Mỹ, thế hệ truyền thông được đào tạo qua các trường Đại Học của Hoa Kỳ như: Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do. Nguyễn Xuân Nam (Owner and Publisher of Cali Today Multi Media Network). Duy Khiêm (Ban Quản Trị Diễn Đàn Âm Nhạc của Trung Tâm ASIA). Võ Thành Nhân, Giám đốc đài SBTN Washington DC. Tố Uyên SBTN hay các nhà viết blog Nguyễn Bá Chổi của Dân Làm Báo, Nguyễn Thị Thanh Bình, Dân Làm Báo.vn ở trong nước, nhà báo, nhà phân tách thời sự trẻ như Đỗ Dũng của báo Nguời Việt, Mai Thanh Long của SBTN, Đỗ Tân Khoa của SBTN…. Đó là chưa kể đến Ngô Nhân Dụng - người viết bình luận “có gang có thép” về thời sự quốc tế, trong đó có Việt Nam, qua các lãnh vực Kinh tế, Chính trị, Xã Hội, Văn Hóa trên Nhật báo Người Việt, hoặc các hệ thống truyền thông quốc tế khác, cũng vừa có một bài sâu sắc về Việt Dzũng. Quả thật phải nói, mấy thập niên định cư tại Hoa Kỳ, tôi chưa từng thấy ai được những người kể trên dành nhiều tình cảm đến thế, như Việt Dzũng. Và tận cùng một xác tín, bừng sáng một rõ ràng: Họ đều quý, yêu, trọng, nễ Việt Dzũng.

Việt Dzũng Qua Cái Nhìn Của Cộng Đồng Việt, Mỹ

Trong giới hạn một bài viết ngắn, chúng tôi không thể nói tới, nói hết từng người, từng cảm nghĩ thương yêu, quý trọng Việt Dzũng, của hầu hết các danh ca nổi tiếng từ trước 1975 cho tới bây giờ, như: Khánh Ly (Đệ nhất danh ca khi “rao giảng bản thông điệp” Một Chút Quà Cho Quê Hương của Việt Dzũng), Lệ Thu, Hoàng Oanh, Phương Hoài Tâm, Ngọc Đan Thanh,... hoặc các Nam, Nữ Ca Sĩ đã, đang nổi tiếng như: Trần Thái Hòa, Diễm Liên, Nguyên Khang, Y Phương, Mai Thanh Sơn, Hồ Hoàng Yến, Nguyễn Hồng Nhung, Hà Thanh Xuân, Cát Linh, Diễm Chi, Thành Lễ, Quốc Khanh, Thiên Kim, Phạm Tuấn Ngọc, Thùy Dương (MC kiêm ca sĩ), Huỳnh Phi Tiễn,...

Còn về phía Tổ Chức, Đoàn Thể Cộng Đồng, các vị lãnh đạo tinh thần Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo. Các vị Dân Biểu Liên Bang, Tiểu Bang, các giới chức chính quyền cấp thành phố, quận hạt, đều dành cho Việt Dũng những tiếc thương, những biệt lệ hiếm thấy. Và Việt Dzũng, một người Tị Nạn Cộng Sản chưa hề cầm súng, nhưng đã được cả hai phía Việt Nam, Hoa Kỳ trao tặng hai lá cờ Việt, Mỹ rất ư trịnh trọng. Cho nên, cũng tận cùng một xác tín, bừng sáng một rõ ràng: Họ đều quý, yêu, nễ, trọng Việt Dzũng.

Việt Dzũng qua cái nhìn của người Việt Nam trong nước

Theo Dân Làm Báo blog - một tờ báo điện tử có số vào đọc online trên thế giới, tổng cộng cho đến nay lên đến 147.052.973 lần, trong đó Việt (nội địa) 8.69 triệu, Việt (Hoa Kỳ) 4.9 triệu, Việt (Canada) 473.655, Việt (Autralia) 453.655, Việt (Pháp) 221.503, số còn lại là người Việt các nước khác (thống kê lấy từ trang nhà Dân Làm Báo) – đưa tin: Ngày 1-1-2014 vừa qua, Dân Oan các tỉnh Vũng Tầu, Tiền Giang, Long An, Sài Gòn, Đồng Tháp và Bình Dương đã từ khắp các ngả đường, tụ lại biểu tình, khiếu nại trước cái gọi là Trụ sở Tiếp Dân của Trung Ương Đảng và Nhà Nước CHXHCN Việt Nam, tọa lạc tại số 210 Võ Thị Sáu. Sau đó tuần hành đến Công Viên 30-4 bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà với nhiều biểu ngữ, tố cáo đích danh nhiều quan chức Cộng Sản cướp nhà, cướp đất dân nghèo. Đặc biệt trong đó có một biểu ngữ lớn mầu trắng, chữ đỏ, mang nội dung “Vô Cùng Thương Tiếc Ca Nhạc Sĩ Việt Dzũng” - Kẻ từng bị đảng CSVN kết án tử hình khiếm diện năm 1985 như đã nói. Kèm theo là một clip quay lại diễn tiến cuộc biểu tình này. Từ bao nhiêu lâu nay, Dân Oan biểu tình hầu như đã trở thành “chuyện dài ở Huyện” theo như cách nói của người trong nước. Nhưng riêng lần này, ngoài mốc thời gian rớt ngay vào ngày mồng Một Tết Dương Lịch, nó còn mang một ý nghĩa khác: thách thức bạo quyền - với Công An Nhân Dân đánh chết dân như ngoé - Điều đáng nhấn mạnh, Việt Dzũng là kẻ thù không đội trời chung của đảng, là “tử tội” do Đảng và cái gọi là Nhà Nước CHXHCN Việt Nam kết án. Sức mạnh nào, nồng độ thương yêu, quý trọng Việt Dzũng cao đến đâu để khiến người ta coi thường sinh mệnh của mình như thế?

Điều này một lần nữa, giúp người ta thấy rõ là không một ai, kể cả các tổ chức hay đảng phái, có thể dấy lên một phòng trào quý yêu, nể trọng Việt Dzũng với thời gian ngắn như vậy. Cũng từ đó thấy rõ là: Chính Việt Dzũng với lòng nhiệt tình và quyết tâm theo đuổi con đường anh đi, đã là ngọn lửa thổi bùng lên trong lòng chúng ta những thương tiếc ngút ngàn, những bâng khuâng chất ngất, để từ đó, chúng ta trên khắp năm Châu, đồng bước tới tận cùng một xác tín, bừng sáng một rõ ràng: Chúng ta đều quý, yêu. trọng, nể Việt Dzũng.

Chỗ Khởi Đầu và Con Đường Của Việt Dzũng

Theo vận nước, đồng hành cùng dân tộc khởi đi từ đáy vực của khổ nạn, thương đau, của trắng tay sau mất mát. Chúng ta thử hình dung, qua ẩn dụ với một nhân tố có thật: Việt Dzũng, tay bút, tay đàn, vai mang máy móc truyền thông trĩu nặng trên đôi nạng gỗ. Mắt rực sáng nhìn về phía trước, khập khểnh tiến trên con đường đấu tranh - cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền, cho Dân Oan, cho các cô gái, các em bé Việt Nam dưới trào XHCN, phải chìm đời trong tệ nạn buôn bán nô lệ tình dục. Thật sự, tôi chưa từng đọc, thấy trong chánh sử hay huyền sử của đất nước chúng ta, ngay cả sử cận đại hay cái gọi là “Sử Đảng” của đảng CSVN, (dù họ rất quen dựng chuyện không thành có), ghi lại hình ảnh nào bi hùng nhưng vô cùng lẫm liệt như thế: Đó là hình ảnh của một người rất trẻ, tật nguyền, song song cùng những người khác còng lưng vác nặng đống gia tài của mẹ - chỉ gồm toàn khổ đau.

Nhìn trở lại hơn ba chục năm qua, như cái nhìn của bình luận gia Ngô Nhân Dụng, hai sự kiện đáng nhớ xảy ra trong Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn và không Cộng Sản ở Hoa Kỳ: Thứ nhất là vụ Trần Trường, treo cờ đỏ sao vàng và ảnh “bác”. Thứ hai là đám tang Việt Dzũng. Cả hai sự kiện này, khiến chúng ta mường tượng thấy một tập thể thoạt nhìn thì rã rượi, loãng tan, tập họp cỡ vài trăm đã khó. Nhưng khi đụng chuyện, cụ thể như vụ cờ đỏ cờ vàng, chúng ta mới biết: Trong môi trường Tự Do, chúng ta có thể năm bè bảy mối. Nhưng trong cuộc chiến Quốc Kỳ, thì triệu người Việt Tị Nạn sẽ thành Một ngay tức khắc.

Trong nội chiến, hai phe Quốc Cộng tỉ thí nhau bằng súng đạn. Nay súng đạn đã ngừng, chiến cuộc chuyển qua mặt trận Quốc Kỳ không súng đạn. Ở cuộc chiến này - một bên là Cờ Đỏ Sao Vàng, một bên là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, nay còn được tượng trưng cho ba lẽ sống không thể thiếu của con người, đó là: Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền - Việt Dzũng đã tham dự, và đã xông lên tuyến đầu trên đôi nạng gỗ. Vậy trên con đường tranh đấu mà Việt Dzũng đi không tiếng súng đó, nơi nào anh và nhân dân, nhất là những người Miền Nam muốn tới. Và cái địa chỉ của tương lai đó ở đâu?

Địa Chỉ Của Tương Lai

Vào thập niên của những năm 1980, thời điểm đã ướt sũng những nước mắt, những đau thương trong thân phận hầu hết người Việt Miền Nam không Cộng Sản. Nào là phong trào vượt biên, vượt biển với con số tử nạn đã đánh động lương tâm thế giới. Đến như Mỹ, một tay chơi chính trị giai đoạn thượng thặng, cũng phải quay trở về cùng một thứ “Tình Bạn Muốn Thôi” (tựa đề truyện ngắn của Hàn Sinh đăng trên nguyệt san Sáng Tạo của Mai Thảo ở Sài Gòn trước kia), vì không thể táng tận làm ngơ. Cho đến sự ra đời và trong nháy mắt, lan rộng khắp năm châu của Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do Đề đốc Hoàng Cơ Minh khởi xướng. Đây cũng là lúc mà những “thông điệp” đầy thống khổ như “Một Chút Quà cho Quê Hương, “Lời Kinh Đêm” của Việt Dzũng (phổ theo ý thơ Mãn Thuận), đã len lỏi vào tận cùng ngõ ngách sâu thẳm trong trái tim của nhiều người Việt, trong nước cũng như hải ngoại, ngoài nhà tù lớn là toàn Miền Nam hay trong nhà tù nhỏ là những trại giam, trại học tập cải tạo, trải dài trên cùng khắp đất nước. Từ Nam ra Bắc, từ trên rừng sâu, núi thẳm xuống dưới đồng bằng phì nhiêu. Đưa đến sự kiện đảng CSVN phải mở một phiên tòa vớ vẩn, kết án “Tử Hình Khiếm Diện” Việt Dzũng (và Nguyệt Ánh) khoảng năm 1985 như báo Công An loan tải. Từ đó, con đường Việt Dzũng đi, ngày càng rõ nét. Và dĩ nhiên, nơi đến có đấy, nhưng rất mông lung, kiểu “nhà nhạt số, phố không đèn”, khiến có người yếu bóng vía đã phải buột miệng than rằng …“đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Để rồi, một người con gái cũng còn rất trẻ, vừa là chị, vừa là bạn chiến đấu của Việt Dzũng, dường như sau “Đông Tiến” thì viết “Em Vẫn Mơ Một Ngày Về”. Ngay lập tức, bản nhạc này cũng lại biến thành như một thứ “Thông Điệp”, được tác giả của nó: Nguyệt Ánh, hợp cùng Việt Dzũng và Phong Trào Hưng Ca, đi truyền rao khắp thế giới, ở bất cứ nơi đâu có người Việt Tị Nạn CS sinh sống. Thông điệp đó, của Nguyệt Ánh, thua xa một trời một vực với bản thông điệp “Tiến Quân Ca” của Văn Cao, với thề phanh thây uống máu quân thù. Bởi vì “Em Vẫn Mơ Một Ngày Về” không có máu, không có cuồng nộ. Vả lại, khi nghe Tiến Quân Ca của Văn Cao, người ta có thể xích chân thuộc cấp của mình vào các khẩu súng cộng đồng hay trong xe tăng T 54, như tấm vé một chiều tiến về cõi chết. Chết thay họ. Để hôm nay, họ và gia đình họ được sống với “Bao nhiêu lợi quyền về hết tay ta” như lời bản Quốc Tế Ca của cả khối Cộng Sản thời hưng thịnh. Ngược lại, hãy nghe bản “thông điệp” mang tiếng lòng của Nguyệt Ánh và cũng là tiếng lòng của biết bao người Việt Nam không Cộng Sản khác “Em vẫn mơ, một ngày nào, anh với em chung tình bạc đầu. Trên quê hương nghèo, trong khu rừng già, trước mái nhà cờ vàng bay phất phơ” hay “Bên mái hiên ta ngồi chuyện trò, khoai nướng thơm hương tình ruộng đồng. Con thơ ngoan hiền, ê a đánh vần, Vê En Nờ (VN) là Việt Nam muôn đời”.

Căn nhà có mùi khoai nướng thơm hơi đồng ruộng, có lá cờ vàng phất phơ bay bay đó, chính là cái “địa chỉ của tương lai” mà đôi chị em, hay đôi bạn đồng hành trong đấu tranh Nguyệt Ánh - Việt Dzũng đã tô đậm trong lòng chúng ta. Chuyển đổi từ ước mơ ra đời thường, từ đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh, sang …“ta đứng yên nghe rừng thì thầm, ta ngước trông sao trời thật gần”. Ở cái địa chỉ của tuơng lai đó, không có cảnh quan Cộng Sản cướp ruộng, cướp đất, cướp nhà nhân dân để nhét cho chặt túi tham. Quan bán cả đất nước, giang san cho Tầu Cộng ở Hội Nghị Thành Đô, còn xin làm thuộc quốc để được “Thiên Triều” bảo vệ cho cái ghế quyền lực đang mục nát cả bốn chân của họ. Và, lá cờ vàng phất phơ bay bay đó, cũng chính là cái địa chỉ của tương lai đầy hiền hòa, đầy nhân bản của Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, của chúng ta, đại đa số người Việt Nam không Cộng Sản, trong và ngoài nước. Bởi vì càng suy ngẫm, ta càng thấy về lâu về dài, chắc chắn mọi người sẽ tới, vì nó vừa lòng người, hợp ý trời.


Switch mode views: