Hội Chứng Stockholm
- Thứ Năm, 15 tháng Tám năm 2013 12:13
- Tác Giả: Tiểu Đĩnh
Danh từ bệnh nói chung trong y khoa được gom thành hai loại: Một là căn bệnh, hai là chứng bệnh. Căn bệnh (deep-seated disease) là bệnh đã được tìm ra căn nguyên của bệnh , cách lây truyền, cách chữa trị. Căn bệnh còn có tên gọi khác là bệnh hoạn hay bệnh tật, tức là bệnh gây cho bệnh nhân sự khó ở, đau nhức chủ yếu về thể xác. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có thể bị tử vong.
Chứng bệnh. (symptomatic disease) là bệnh tâm lý. Bệnh này thường không gây thống khổ cho thể xác mà chỉ có chỉ dấu bề ngoài được y khoa qui cho là đặc trưng của bệnh đó. Nếu có nhiều chỉ dấu đồng quy thì chứng bệnh này được gọi là hội chứng.
Cho đến nay, y khoa đã tìm thấy hai loại hội chứng. Loại có và loại không có dấu chỉ bề ngoài. Hội chứng William (William syndrome) và hội chứng Laron (Laron syndrome) [1] là hai trong nhiều thí dụ thuộc loại trước. Loại không chỉ dấu thì nhiều. Trong đó có hội chứng Stockholm và hội chứng Lima. Cả hai không có chỉ dấu đặc biệt – nhiều khi bệnh nhân không biết mình mang bệnh nầy.
Những ai bị giam giữ lâu ngày, bất kể lý do gì, thường mắc phải hội chứng Stockholm. Bệnh này khiến người tù có cảm tình với nơi chốn cũng như với những cai tù nơi mình bị giam. Ngược lại, hội chứng Lima chỉ tình cảm gắng bó giữa những người cai tù và những người tù bị giam trong thời hạn đáng kể.
Sau tháng Tư năm 1975, hầu hết nhân viên quân cán chính thuộc chính quyền miền Nam đều bị chính quyền mới bắt giữ tập trung về trại Suối Máu, Biên Hòa. Vào khoảng giữa năm 1976, một số trên dưới 600 tù cải tạo tại trại này được tách ra; phần lớn gồm cựu sĩ quan cao cấp trong Quân lực Miền Nam. Tất cả được chuyển ra Bắc bằng hai đợt, cách nhau hai ngày. Đến đất Bắc thì người trong mỗi đợt được đưa đến trại “Nhà Ngói” tại vùng Yên Bái.
Trại Nhà Ngói là trại có độc một nhà xây tường gạch và nóc ngói đỏ. Mọi nhà cửa dân làng chung quanh, kể cả trại của trại trưởng và cán bộ cũng như lính canh đều là nhà tranh. Do thế mà có tên trại “Nhà ngói.” Đa số anh em tù cải tạo ở trại này năm đó tuổi trên dưới 40 hoặc 50. Theo Đông phương thì đó là tuổi giữa nghi bất hoặc, và tri thiên mệnh, tức là tuổi bắt đầu thấy được phần nào cơ trời, xấu cũng như tốt.
Lúc còn trẻ, họ cho rằng đứng trước cái ác mà không bất bình, không phẫn nộ thì là vô cảm. Đến từng tuổi đó, sau khi đã làm hết sức mà không cứu được đất nước và lý tưởng của mình thì họ mới thấy vô cảm là không nhận diện được cái khác biệt giữa cái ác —hay là căn nguyên của đau khổ— và cái thiện. Phẫn nộ chỉ mang lại hậu quả tức thời là tự tạo địa ngục trong tâm lòng mình. Giận thì mất khôn. Con đường đúng nhất lúc bấy giờ là mưu sinh thoát hiềm về mặt tinh thần rồi mọi việc sẽ được tính sau.
Trước 1975, tại miền Nam thấy xuất hiện quyền sách tựa đề Ý Nghĩa Của Đau Khổ, tác giả là một tu sĩ Công Giáo. Là tín đồ duy linh, ông qui mọi đau khổ tinh thần cũng như thể xác vào tình thương của Thượng Đế đối với con người, giống như hễ “thương thì cho roi cho vọt”. Nói khác, đau khổ là món quà tự trời cao, là bài học quí báu dạy con người sống đẹp lòng thiên chủ.
Người theo duy tâm, thường dễ dàng chấp nhận luận cứ này. Khác một điều là duy tâm qui mọi việc không vào Thượng đế mà vào luật nhân quả do Ngài tạo ra. Nghĩa là con người hoàn toàn trách nhiệm về sự an nguy của chính mình và của đồng loại. Vấn đề là con người phải biện biệt cho ra thế nào là thiện và thế nào là ác. [2]
Hiểu như vậy, đa số anh em tù cải tạo tin mức độ mọi sự tốt hay xấu xảy ra cho từng cá nhân là do luật nhân quả mà trong đó có phần nhiệm của từng người. Trong mọi tình huống vui buồn hay an nguy, họ vẫn trầm tĩnh và lạc quan, vui cái vui của người mỗi cuối tháng biết mình đủ khả năng trả hết những hóa đơn mình còn nợ. Mọi sự phải có “cái duyên đi liền với cái nghiệp,” nói theo ý của Thượng tọa Thanh Long, một người tù cải tạo đáng kính. [3]
Thời này, bộ đội nhân dân miền Bắc nhận nhiệm vụ quản lý các trại giam. Cái nỗi éo le là cán bộ bộ đội miền Bắc nhìn những cựu quân nhân miền Nam với con mắt một quân nhân nhìn một quân nhân. Lúc đầu bên kia còn giữ khoảng cách bắt buộc. Chừng tháng kế thì không khí có khác.
Bốn hôm sau khi ổn định chỗ ở tại trại Nhà Ngói, anh em được tổ chức thành đội. Mỗi đội có một đội trưởng, đội phó và anh phụ nấu nước giúp anh em giải khát trong khi lao động. Một sĩ quan bộ đội, nước da trắng bệch, có mái tóc quăn, gương mặt lưỡi cày, đến tập họp anh em tù để thông báo nội qui của trại. Lời đầu tiên là,” Mọi tù cải tạo phải gọi cán bộ là cha mẹ...và xưng mình là con.” Vừa nghe đến đó, tất cả anh em tù đồng thanh phản đối.
Tiếng ồn ào mỗi lúc mỗi tăng. Cán bộ trưởng trại chạy đến. Ông ta mang quân hàm Thiếu tá, tuổi khoảng 40, nói giọng người Nha Trang. Một anh em tù đứng lên nói lý do của sự phản đối. Nghe xong, trưởng trại cho rằng vì cán bộ quản giáo còn trẻ, nên lỡ xúc phạm đến “anh em trại viên.” Ông yêu cầu mọi người bỏ qua, và sẽ đề nghị đổi đương sự đến một đơn vị khác. Không khí bớt căng, nhưng nói chung thì vẫn còn ngột ngạt: Một bước lùi ngoạn mục để có nhiều bước độc ác tiếp theo?
Sau vài hôm, cán bộ quản giáo mới, một Trung úy bộ đội khoảng 30 tuổi, đến nhận đội dẫn đi lao động bên ngoài. Công việc là đến một nơi cách trại độ bốn ngàn thước. Nơi này là rừng nhân tạo trồng cây bồ đề xuất cảng sang ... Liên Sô. Anh em tù đến đây nhặt những cây và cành khô, gom lại rồi mang về trại làm củi đun. Sáng đi chiều về. Cứ thế mà qua tháng đầu. Một hôm, quản giáo nói:
“Ngày mai này đội ta sẽ “hành quân” lấy cát từ bến phà Yên Bái về trại.”
Khoảng cách từ đó theo đường núi đến bờ sông Yên Bái xa khoảng tám ngàn thước. Phương tiện chuyên chở là sáu xe cải tiến, mỗi xe được giao cho năm người vừa kéo vừa đẩy. Thời gian ước lượng cả đi và về là 12 giờ.
Xe cải tiến là xe bò thu nhỏ, có hai bánh, hai gọng, một thùng gỗ chứa hàng, sức chở khoảng nửa tấn, vừa một người kéo, nếu là xe không. Anh em trong đội được phát khoai mì luộc và nước uống nguyên ngày: ba kí sắn và gần hai lít nước đã đun sôi. Giày dép cá nhân lớp hư, lớp bị thất lạc, đa số anh em đi chân trần.
Để tránh cái nắng tháng Tám, cái nắng rám vỏ bưởi, đội rời trại lúc trời chưa sáng. Sương mù xứ núi tràn lan mặt đường, dày cả thước. Ai nấy như tiên ông đang ở trên mây. Anh em tù men theo vách núi mà kéo xe “lên đèo xuống thung,” hướng thị trấn Yên Bái. Bước chân trần trên đường núi quả là một thử thách không nhỏ trên con đường Thập giá quá dài. Nhưng rồi cũng phải quen. Một anh pha trò nói:” Vui lên anh em. Chúng ta đang lên Thiên thai thăm quê của vợ Từ Thức đây. Rồi sẽ tha hồ mà...tiên nga tóc xõa bên nguồn.”
Đến nơi lấy cát cạnh bờ sông Yên Bái là gần trưa. Ga xe lửa và thị xã Yên Bái phía bên kia bờ tuy gần về địa lý nhưng mắt nhìn thấy xa vô cùng xa, và vắng hoe. Anh em ngồi ở bờ sông, ăn phần củ mì mang theo. Xong thì chia nhau dùng xẻng xúc cát vào đầy các xe rồi phân công người kéo người phụ đẩy cho xe lăn bánh về trại.
Nắng rát cả mặt. Độc đạo không bóng người. Làng mạc rải rác, thấp thoáng xa xa. Gặp khúc đường dốc, anh em bị đuối sức. Mọi người chậm bước rồi tự động hạ càng xe. Trung úy quản giáo từ phía sau đi lên. Đội trưởng nói với anh em, “ Hắn có bắt mình tiếp tục thì anh em nói là đi không nổi, phải nghỉ lấy sức, nha quý bạn.”
Anh em ngồi bẹp bên lề đường, tay cầm nón lá mà quạt cho nhau. Trời cao xanh ngắt, không bóng mây. Lá trên cành cây không cái nào động đậy. Trên con đường xa tấp trước mặt, nắng đổ hào quang. Miệng ai nấy đều khô khốc. Hai lon nước mỗi người buổi sáng mang theo, lúc bấy giờ không còn một giọt. Trên đầu thì nắng ụp xuống như thiêu như đốt. Phía mặt đất hơi nóng phà lên, khiến dáng người đã mệt mỏi càng thêm khô khốc, phờ phạc.
Nhìn anh em tù trong cảnh đó, hai mắt quản giáo bỗng đỏ ngầu, nói:
“Anh em tìm đá cuội chêm bánh cho xe khỏi tuột dốc. Xong thì đến nơi nhiều lùm cây mà ngồi chờ tôi.”
Nói xong, anh ta kêu một trong hai lính bảo vệ theo mình, rồi cả hai bương bả đi vào một xóm làng xa bên đường. Nhìn theo thấy lưng họ đầy dẫy những đốm ánh sáng rơi rụng như sao trời.
Độ một giờ sau thì cả hai từ đó trở ra, mỗi người mang trên lưng một bao bố. Đến nơi anh em tù ngồi thì mở miệng bao, trút ra đếm được 50 trái bưởi vừa mới hái trong vườn nhà dân. Anh em tù đang khát nước cực độ, mắt nhìn thấy bưởi, nước miếng tự nhiên kéo đến đầy mồm. Quản giáo nói:
“ Các anh bốc bưởi chia nhau ăn cho đỡ khát nước. Nghỉ bao giờ khỏe hẳn đi.”
Không ai tin ở tai mình. Mọi người ngồi yên. Ở miền đó có tiếng “mời lơi,” nghĩa là mời mà không mời. Đợi quản giáo nhắc lần thứ hai, anh em mới bắt đầu bốc vỏ bưởi rồi theo phép lịch sự, mang đến mời quản giáo và hai lính bảo vệ đang ngồi cách xa có đến vài chục thước. Cả ba từ chối, tuy mặt người nào cũng đỏ gay, trán ngập mồ hôi.
Mặt trời lên đến đỉnh, đứng yên một chút rồi bắt đầu chao xuống. Anh em theo đội trưởng, tự động đứng lên, tiếp tục vừa kéo vừa đẩy xe về trại, lòng suy nghĩ mông lung. Việc vừa xảy ra mang tín hiệu gì thật là khó hiểu!
Sau chuyến đi lấy cát, đội được giao công tác lên rừng lấy gỗ, lấy chổm về làm nhà. Chổm là loại cây giữa tre và trúc. Đến nơi “hạ trại” thì quản giáo tìm chỗ vắng, mở bị vải mang theo, lấy trong đó ra một quyển sách dầy có đến trăm trang, ngồi chăm chỉ đọc. Lòe nhau chăng? Sau hỏi ra thì không phải lòe mà là đọc để tìm bằng chứng.
Trước đó không lâu, nhân lúc anh em nghỉ giải lao, quản giáo “lên lớp”, nói:” Nước ta giàu tài nguyên nhất thế giới!? Rừng Cúc Phương của ta có cây ‘ngà voi,’ mỗi cây thân to ba người ôm không hết. Liên Sô gạ ta đổi một cây lấy một máy phát điện dùng cho cả nước mà ta chưa chịu. Còn về ….”
Trong anh em có người nghe thế bèn nói:
“ Chuyện đó khó tin quá! Nói cái gì khác đi, cán bộ”
Mặt viên cán bộ quản giáo bỗng nhiên đỏ bừng, mắt nhìn thẳng người vừa phát biểu, nuốt nước miếng rồi nói:
“ Tôi nói sự thật đấy. Đồng chí Duẫn của chúng tôi viết sách nói như thế mà.”
Thế là cán bộ đi tìm sách, dò đúng đoạn muốn tìm rồi mang đến cho anh em xem.
Thì ra trong sách tuyên huấn dùng cho cán bộ các cấp,“đồng chí Duẫn” có viết đúng như vậy. Khi vài anh em xem xong, quản giáo hỏi:
”Giờ thì mấy anh tin chứ?”
Một anh nói:
“ Đành là sách có nói, nhưng đó là sự thật Mác-Lê. Nghĩa là những gì có lợi cho đường lối tuyên truyền đều là sự thật, bất kể đúng sai. Đời này mà cứ tận tín thư thì nhầm chết thôi.”
Rồi tiếp:
” Đọc sách mà tin sách 100% thì thà đừng đọc. Nay nước ta đâu còn vua. Mang luân lý Quân, sư, phụcủa Khổng Tử ra dạy đời thì lạc hậu quá đi chứ! Cán bộ có nhận thế không?”
Quản giáo nghe thế, mặt càng đỏ hơn, nhíu mày ra chiều suy tư dữ dội.
Một hôm thấy một cụ già khoảng 60, mặc áo dài thâm, quần giống như màu trắng, cắp dù đen, lọm thọm đi lên đồi. Hỏi ra biết ông là bố đẻ của cán bộ quản giáo. Cụ từ quê mò đi thăm con mỗi tháng hai lần, mỗi lần ở chơi khoảng mươi ngày. Dạo đó nhà quê gạo không đủ ăn. Ông lấy cớ thăm con rồi ở lại ăn khính vào khẩu phần của con bù cho những ngày bị đói. Về quê độ mươi ngày thì ... lặn lội thăm con.
Ngày ông cụ ra về, anh em thấy mặt quản giáo có vẽ sượng sượng, buồn buồn. Lúc hơn chín giờ đêm, anh ta thình lình tập họp anh em trong đội ra sân điểm danh. Khi anh em ra sân đầy đủ thì quản giáo nói:
“Tập họp đội ta vào giờ này e làm phiền anh em quá. Nhưng số là sáng nay trước khi ra về, bố tôi nói với tôi nguyên văn như sau, ‘ Con, tức là tôi đây, nên đối xử anh em tù cải tạo một cách đường hoàng. Các anh ấy không có tội gì ngoài tội yêu tổ quốc, nhưng chẳng may đất nước sa vào thế trận toàn cầu mà bị hi sinh cho quyền lợi các nước lớn. Ở đây mấy hôm, bố thấy các anh ấy lên rừng lao động. Bố e không tránh khỏi có người bị kiệt sức, ngã ra chết xa vợ xa con. Thương họ quá nên bố nhờ con giúp các anh ấy được gì thì giúp.‘ “
Rồi thêm:
“ Bố tôi nói thế, nhưng cấp trên tôi dạy rằng các anh là kẻ thù của giai cấp, nên có hòa giải nhưng không hòa cả làng. Bây giờ bố tôi nói thế thì các anh khuyên tôi phải làm gì đây?”
Anh em nghe xong thì lặng thinh, có người che miệng ngáp, quản giáo chấm dứt tập họp, mọi người về phòng.
Trăng trung tuần chênh chết ngang trời. Đúng cảnh “gió mát trăng thanh” [4] tác giả Thornton Wilder tả trong truyện Our Town . Ánh trăng này khiến ai nhìn thấy, nhất là phái nữ, là phải rạo rực, xao xuyến không tài nào ngủ được. Vài con chim loại ăn đêm bay qua. Bóng chúng chạy ngang sân trại ngập ánh trăng mềm, thấy là cứ như muốn đưa tay sờ thử. Quản giáo quay lưng bước ra cổng trại tù, “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.”
Từ đó, mỗi khi vào trại dẫn đội đi lao động, quản giáo trông không như trước. Anh ta vốn ít cười. Lúc bấy giờ thì mặt lạnh như tiền, giống một Sphinx nằm canh các cổ mộ Ai Cập. Không như viên trưởng trại.
Ông ta mang quân hàm Thiếu tá, tuổi trên dưới 40, cao khoảng thước rưởi, hơi có bề ngang. Lúc nào ông cũng cười mỉm, lạc quan và hạnh phúc như một người thành đạt, có nhà ngói cây mít, vợ con đề huề. Đôi khi tình cờ nhìn thấy anh em cải tạo đang đi bên trong trại thì ông ta gật đầu cười chào, nhưng không có vẫy tay. Một anh tù cải tạo nói: “ Không biết tại các trại khác thế nào. Ở đây gặp cái thằng cha bộ đội này làm trưởng trại thì cũng... đỡ đỡ.“ Tiếng điệp trạng từ “đỡ đỡ” mang dấu ngã, nằm đúng vị trí ở cuối câu, phát âm theo giọng Bắc chính cống trước 1954, nghe cũng vui tai.
Mùa Đông 1976, số tù được tách đôi, một ở lại trại cũ, một di chuyển đến trại mới, cách nơi cũ gần ngàn thước. Trại mới nằm trên một ngọn đồi cao ước khoảng 50 thước, nhà làm bằng gỗ rừng, tre nứa, mái tranh, nền đất; chung quanh đồi núi chập chùng. Thời tiết trở lạnh khác thường. Buổi sáng nước đóng lớp băng mỏng. Anh em trại viên lên núi lấy lá chuối rừng, mang về phơi khô lót sạp tre ban đêm nằm cho đỡ rét. Bên trong mỗi nhà ở thì đào bốn hố, mỗi hố rộng một thước vuông, sâu năm tấc, đốt củi ngày đêm để sưởi ấm. Mọi lao động đều ngưng.
Thấy anh em ở không thì buồn rồi nghĩ vơ nghĩ vẩn, anh đội trưởng nói cán bộ cho anh em chia phiên xuống nhà bếp phụ lột vỏ khoai mì nấu phát cho anh em ăn hàng ngày.
Lương thực chính thời đó ở đó là củ mì, miền Bắc gọi là củ sắn, trong khi củ sắn trong Nam thì gọi là củ đậu. Tính theo mức dinh dưỡng thì một gạo bằng ba khoai lang, hay bốn mì. Mỗi ngày nhân viên nhà bếp bốc vỏ hàng tấn củ mì để nấu cho cả trại. Anh em xung phong lột vỏ, vừa lột vừa nói chuyện vui. Một anh đưa ý kiến lén bỏ túi vài củ. Xong thì kêu mỏi lưng rồi tự động mang chiến lợi phẩm về phòng. Xong trở xuống làm chuyến kế tiếp. Ban đêm lùi sắn ở những hố sưởi để ăn thì không chi ấm bụng hơn. Nói là làm.
Mưa phùn lất phất, đường đi trơn trợt, gió rét thấu xương. Bốn, năm anh em đang leo cả trăm bậc thang đất dẫn lên đồi. Bỗng một anh thấy có ai từ phía sau dùng tay sờ túi quần của mình, bên trong mỗi túi có vài ba củ mì. Nhìn lui thấy bàn tay của trại trưởng. Ông ta cười nói:
“ Giấu sắn mà để nó lòi ra bên ngoài thì người ta thấy hết. Bỏ nó vào áo thì tiện. Đêm nay nướng sắn ăn thêm, phải không?”
Chuyện lấy sắn như thế là vi phạm nội qui ăn uống của trại, có thể qui thành “tội làm thất thoát tài sản XHCN,” đáng ra tòa đại hình. Nhưng trại trưởng nói thế thì nghĩa gì?
Trời tối mịt từ đầu đêm. Trên đồi, gió hú từng chập, mỗi lúc mỗi tăng. Anh em nằm trong chăn vừa run vì rét, vừa chờ lửa bớt ngọn để lùi khoai. Ánh lửa từ mấy hố sưởi lóe lên bập bùng, bắn tàn như pháo bông. Một số anh em đến ngồi xổm bên hố lửa, đưa hai tay ra hơ rồi chấp lại, xoa xoa, miệng rên hù hù. Điếu cày và thuốc lào được mang ra thay phiên nhau mồi lửa mà kéo. Tiếng điếu kêu lọc xọc chấm dứt bằng tiếng rít cao vút, rồi khói thuốc tỏa như mây trời đêm.
Bỗng trại trưởng xuất hiện, tay cầm cây gậy đi rừng. Ông ta nói:
“ Trời năm nay lạnh quá, mấy anh. Lâu nay định hỏi mấy anh một chuyện mà bận quá thành quên. Trong đây có anh em nào trước từng làm việc ở Nha Trang? Tôi có người em tên Hồ quang Tâm sinh năm 1942, chức Thiếu tá trong quân đội miền Nam, phục vụ tại tiểu khu Nha Trang năm 1972 đến 1975. Nay không biết sống hay chết. Nếu còn sống thì đi cải tạo ở đâu. Anh em nếu biết thì xin chỉ giùm đặng tôi đi tìm em tôi.”
Mấy tiếng “Tôi đi tìm em tôi” vang lên nghe như một nỗi xót xa khiến người nghe cho dù bên ni hay bên tê cũng phải động lòng. Nhiều tiếng thở dài vang nhẹ đâu đó. Một anh nói:
“ Trại này hiện có khoảng ba trăm anh em. Trại gần đây cũng khoảng đó. Khi có dịp, chúng tôi thử hỏi ai biết thì sẽ báo trại trưởng sau.”
Nghe thế, trại trưởng nói:
“Anh em nhớ giúp giùm tôi. Hơn năm nay tôi ăn ngủ không yên. Giờ thì tôi hết nước rồi. Xin cám ơn anh em trước.”
Gần một năm sau thì từ nơi đó nghe tiếng đại bác xa xa gầm thét ngày đêm. Biên giới phía Bắc có “biến động”. Vài hôm kế thì có tin mọi tù cải tạo chuẩn bị chuyển trại về xuôi, đi đâu thì không nói. Các cán bộ quản giáo tập họp từng đội. Trại trưởng hai mắt đỏ hoe, nói:
“Trên lệnh giao các anh về Bộ Công An để chúng tôi rảnh tay hành quân ra mặt trận. Cuộc chiến này sẽ rất căng. Sống với các anh lâu nay, chúng tôi học nhiều điều quí giá. Nếu trong thời gian qua chúng tôi có lỡ làm điều phật lòng thì xin các anh quên cho. Những gì đã xảy ra, vui hay buồn giờ đây chỉ còn là kỷ niệm đáng nhớ. Thôi, chúng tôi chúc các anh lên đường bình an và xin nhớ bảo trọng.”
Nói xong thì ông ta cùng các quản giáo vẫy tay đưa tiễn, những cái vẫy bạn hữu anh em nhìn thấy lần đầu. Sau đó thì người tù mang hành lý cá nhân, chân mang dép râu trại phát vài tháng trước, lặng lẽ thành hàng ra khỏi trại, không một ai quay lại nhìn cảnh và người bỗng chốc trở thành cái vang bóng một thời.
Lời nói của những người cai tù chia tay những người tù mà mình từng quản lý, với lời lẽ ướt át có phải do hội chứng Lima mà ra hay không? Câu hỏi này chỉ thoáng qua rồi thôi. Mọi người cuốc bộ đường núi đến bến phà Yên Bái. Đi vài tiếng thì trời đổ mưa. Đường thành lầy lội, dép đi một bên, chân đi một ngả, đành tháo dép, buộc lại, vắt lên vai, càn mưa mà đi cho kịp giờ.
Xuống phà qua bên kia bờ thì có đoàn xe molotova chờ đưa anh em tù về xuôi. Đây là bến phà mà hai năm trước, anh em nghe người lái phà nói: “Tôi làm nghề này hai mươi năm. Chỉ có đưa người sang bên kia mà không đón một ai trở lại!” Lúc bấy giờ ông thấy có người trở lại bèn nói:” Tôi vẫn còn nhớ quí anh.” Quí anh? Đối với anh em tù thì hai tiếng “Quí anh” lóe lên như “ánh sáng cuối đường”.
Đến nơi mới vào lúc xẩm chiều. Một hàng rào lính công an đứng chờ. Mặt ai ai, nam như nữ, cũng hầm hầm tưởng như nếu ăn thịt được anh em tù thì cũng là chuyện nhỏ đối với họ. Nhìn quang cảnh có các chòi canh kiên cố, bờ tường cao hơn ba thước, bên trên có rào mấy lớp kẽm gai, đèn rọi, máy phóng thanh giăng mắc tứ tung, một anh tù lẩm bẩm:” Đây mới đúng là gulag, rập kiểu Liên Sô!” Mọi người có cảm tường mình lạc vào một quốc gia với con người, tướng mạo, tư duy, ngôn ngữ và hành động của văn hóa nhà tù, nơi có vào mà khó có ra nguyên vẹn hình hài.
Cái may là khi về trại tù mới, nơi vài năm trước từng là trại giam giữ một số tù binh Hoa Kỳ, anh em được gặp hàng nhiều trăm người tù miền Nam khác. Trong số này có cựu Thủ tướng, cựu Tổng, Bộ trưởng, cựu giáo sư, cựu phục quốc, cựu tướng lãnh và hàng trăm tu sĩ các tôn giáo. Tất cả cùng nhau ngồi một xuồng chở đầy thương khó.
Kể lại chuyện vui thì được vui hai lần. Kể lại những kinh nghiệm đau buồn mình theo duyên cùng nghiệp mà trải qua, thì phải gánh chịu nó hai lần; điều mà không ai muốn làm để tỏ ra mình là người hùng...mạt lộ.
Văn hào Montaigne (Pháp) nói: “Loài người đau khổ do hoàn cảnh thì ít mà do ý niệm của mình về hoàn cảnh thì nhiều”. Do đó, nếu thay đổi được tâm trạng thì ngoại cảnh sẽ thay đổi theo. Nguyễn Du trong Kiều có câu, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ,” nghe cũng hay. Nhưng cái buồn của Tiên Điền là cái buồn hoài vọng nhà Lê có ông vua thương bản thân và dòng họ nhà mình hơn thương dân, thương nước. Cái buồn của anh em tù là cái buồn quốc phá gia vong, cái buồn của thời thế. Mà thời thế thì lúc thế này lúc thế kia, như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông là tình tự (emotion) của quả địa cầu. Không có bốn mùa này thì địa cầu sẽ bị tiệt tiêu. Biết lẽ thịnh suy trong vạn vật, anh em bảo nhau câu “người vui cảnh có buồn đâu bao giờ,” theo đó mà tìm sinh lộ.
Điều làm cho hoàn cảnh trại tù do công an quản lý thay đổi là cái thời đến lúc chính sách có dễ dãi trong chế độ thăm nuôi. Nhiều anh em tù có thân nhân nước ngoài. Họ gửi quà về giúp người thân, trong quà có thứ quí nhất thời bấy giờ là thuốc Tây và tiền xanh đổi thành tiền đỏ. Đây là tin vui cho trại và cả một vùng rộng lớn chung quanh những nhà tù được xây kiên cố trên ngọn đồi độc lập, từ xa trông nó như treo lơ lửng giữa mấy tầng mây, sáng như chiều.
Thuốc Tây thời nào cũng là thứ hiếm và rất quí. Từ đó, mỗi khi trong nhà con cái bị sổ mũi, đau bụng, tay chân trầy trụa, hay bản thân mình bị nhức đầu, hoặc thình lình mắc chứng đau thắt ngang lưng, đau chằng dạ dưới, các cán bộ công an gái bảo nhau lén lút vào trại tù để qua đường lối ngoại giao thường tình của phái đẹp mà xin thuốc về chữa bệnh cho mình, và cho cả chồng con. Người sống với văn hóa miền Nam thời đó tính tình dễ dãi lại quen tính nịnh đầm cố hữu từ thời cha ông. Lần nào quí cô có nhu cầu thì cũng gặp dễ dàng.
Dần dà cứ thế mà thành quen. Quen rồi thì đến mậu dịch những thứ khác như giúp anh em tù mua thịt thà, rau trái để ăn thêm cho có chất tươi. Nhu cầu rau trái, chất tươi tăng thì thu nhập các nhà trồng trọt chăn nuôi trong làng cũng tăng theo. Mậu dịch chứng minh câu “phi thương bất phú”. Việc nào làm ra lãi, tăng thu nhập thì cũng làm ra nụ cười, tạo thêm gắng bó, cảm tình.
Đến ngày được tin hầu hết những người tù sấp được tha theo chính sách, các cô hớt hải vào bên trong trại báo tin và nói thật điều từ lâu vẫn giữ tận đáy lòng:
“Các anh đi rồi từ nay khi cần thuốc men hay gì khác thì chúng em biết tìm đâu! Mà tụi này thì cần nhiều thứ lắm. Thứ nào các anh trong này cũng có. Cái chúng em quí nhất là các anh có cách nói làm chúng em vui, làm chúng em cười mãi quên thôi.”
Riêng trưởng trại sau khi công bố lệnh tha, bèn phát biểu: “Đây rồi khi về lại nhà biết đâu các anh lại chẳng thấy ... nhớ chúng tôi?”
Người ta có thể nghi ngờ sự thành thật của những lời nói trên đây. Nhưng ở vào hoàn cảnh đó thật khó thể nghĩ rằng nó không phát xuất từ hội chứng Lima, chứng bệnh người cai tù cảm thấy lưu luyến những người từng chịu sự cai quản của họ trong nhiều năm. Thời gian rõ ràng làm được điều kỳ diệu.
Vua Phổ Nghi sinh năm 1906 là vị Hoàng đế cuối cùng nhà Mãn Thanh. Ông bị ép thoái vị sau Cách mạng Tân Hợi (1911), về lại Mãn Châu. Người Nhật đưa ông lên làm Hoàng đế bù nhìn ở quê hương tổ tiên ông. Nhật thua trận năm 1945, Liên Sô bắt giữ ông đến năm 1950 thì giải về Trung Quốc để đi tù cải tạo. Đạo diễn Bernado Bertolucci làm phim Vị Hoàng đế Cuối Cùng diễn lại cảnh chủ ngục hành hạ, nhục mạ, đay nghiến ông trong tù cách độc ác và dã man ra sao. Ông được tha năm 1959 về nhà sống đời thường dân. Năm 1967, trong lúc ông ra phố bỗng thấy có Vệ Binh Đỏ áp giải một đoàn tù đi bêu rếu trước công chúng. Trong số tù này có viên chủ ngục và nhiều cán bộ đã hành hạ ông trước kia!
Phim nói trên nhằm hai điểm chính. Một là khi duyên đã khởi thì hoàn cảnh đổi thay và diễn viên đổi vai: người tù được tha và cai tù vào thế. Và hai là cựu tù Phổ Nghi, mang hội chứng Stockholm hơi nặng: Khi thấy viên cựu chủ ngục bị đoàn người hung hăng la hét mang đi hành hạ thì cựu tù Phổ Nghi liền chạy theo, lớn tiếng xin tha cho nạn nhân vì ông ta là .... người tốt!
Còn anh em cựu tù có bị hội chứng Stockholm hay không? Không thấy dấu hiệu gì rõ ràng. Nếu có thì lâu về sau, thỉnh thoảng gặp lại nhau nghe hỏi nhau những chuyện như: “ Các cán bộ quản giáo ở Yên Bái năm đó liệu có được bình yên sau những trận chiến biên giới phía Bắc với Trung Cộng?” rồi phê “ Họ đúng là chiến sĩ, nên tính vừa lãng mạn vừa hào hùng.” Hay là:”Không biết lão trưởng trại Cốc ở Yên Bái có tìm được người em của ông ta chưa? Ông ta cũng là nạn nhân của ái ác, và ông ta luôn chống lại nó.”
Độc đáo hơn, một anh cựu tù nói:
” Ai còn nhớ vụ cán bộ quản giáo biếu bưởi cho anh em mình ăn đỡ khát trong chuyến đội mình “hành quân” lấy cát ở bờ sông ngày đêm gầm thét tại Yên Bái năm 76 hay không? Tôi hỏi anh võ trang bưởi từ đâu có. Anh ta nói do quản giáo xuất tiền túi ra mua. Mà quan giáo có giàu tiền gì! Nhiều lúc anh ta theo anh em mình ra hiện trường lao động. Đến con suối cạn, thấy cua là anh ta chụp từng con, bẻ càng bỏ túi mang về độn cơm. Lúc anh em mình lên rừng lấy củi thì anh ta cũng theo lên, đốn củi gánh về cho vợ đun bếp.”
Một cựu Dân biểu góp ý, “Cán bộ công an S., người có cặp mắt gái Bắc Ninh đó, có lần bị chồng đánh giập be sườn rồi vào trại tìm anh em mình xin thuốc để bôi. Nay sống hay chết?” và “Còn nữ cán bộ công an tên L., người lén lút giúp anh em mình đổi bạc, nhận bao nhiêu mang về bấy nhiêu, nay còn sống cũng e quá năm bó rồi. Bây giờ không biết chừng đã thành đại gia.”
Đáng đồng tiền bát gạo là câu nói:” Cán bộ công an gái tên H. có cái răng khểnh ở hàm trên, anh em có ai nhớ không? Một hôm, khi nhận mấy quả cà chua tôi nhờ cô mua giùm, tôi nói 'Cám ơn cán bộ giúp anh em cải tạo.' Cô ta nghiêng mặt bốn mươi lăm độ, liếc tôi, bĩu môi nói, 'Ai cải tạo ai? Mắc cỡ chưa?' Mắc cỡ là tiếng trong Nam. Cô ta học tiếng đó bao giờ mà nói rành thế cũng không biết.”
Mọi sự đều không thoát số phận an bài theo luật định. Tình tự này làm liên tưởng một tù binh phi công Hoa Kỳ từng bị giam tại trại N.H. Ông dùng cục than bếp viết lên tường phòng giam mấy câu hiểu theo tiếng Việt là:
Lạy Thượng đế!
Xin cho con đủ can đảm để sửa lại những gì cần phải sửa lại.
Xin cho con đủ sức mạnh để gánh chịu những gì con không thể sửa.
Sau cùng, xin cho con đủ khôn ngoan để cam đành sự con đã xin mà không được gì! Amen [5]
Người phi công tù binh này hẳn sống theo văn hóa Tây phương. Ông đã làm hết sức cho quê hương đất nước mình. Kết cuộc là phải ngồi trong một phòng giam tù binh mà gậm nhấm hàng ngày nỗi buồn không biết gọi là gì cho thật đúng tên. Ông hướng về Đông phương mà viết lên những câu nặng nét đành tâm và uy dũng, vừa phảng phất ý nghĩa của cá nghiệp hòa với cộng nghiệp. Cho dù ông tự mình nghĩ ra hay nghe nó từ ai đó, ý của những câu trên đơn giản một điều là: sau khi đã tận lực dâng hiến cuộc đời trai trẻ của mình cho đất nước mà ý nguyện không thành thì con người nên chấp nhận định phận an bài qua đoạn “ nhận lãnh sự con xin mà không được gì.” Đó là hi vọng cuối cùng sau khi bị mất tất cả. Ông cho giữ được hi vọng là tự cứu lấy bản thân, và làm được như thế là khôn ngoan.Nhưng khôn ngoan hơn có lẽ là nhận biết cái “không được gì” đó đến từ bản thân; không nên thể đổ nó cho ai khác ngoài chính mình, diễn viên từng giai đoạn suốt cuộc đời mỗi người – nếu phải làm như vậy.
Suy cho cùng thì mọi con người trên cuộc đời chỉ là diễn viên của một sân khấu vĩ mô. Nơi đó mỗi diễn viên được giao vai trò đúng theo khả năng và tài nghệ của mình. Xong vai của mình thì xuống luôn hoặc chờ diễn phiên kế tiếp nếu đạo diễn xét thấy cần. Khi lên sân khấu dù để đóng vai thiện hay ác thì thực chất của người đóng vai cũng chỉ là diễn viên. Xuống sân khấu thật sự rồi thì không còn ai là thiện với ai là ác.
Trại cải tạo là nơi anh em tù trại Nhà Ngói có dịp tìm gặp lại bản thân trong hành trình qua sông mê. Đến bỉ ngạn rồi thì mọi người bỏ lại chiếc bè mà không luyến tiếc. Chút hơi hám của hội chứng Stockholm qua những câu nói anh em cựu tù cải tạo nhắc lại với nhau, nghe như có rơi rụng từng giọt nước mắt của thần Eloa, một hôm nhìn vào hỏa ngục nghe thấy tiếng kêu thương không dứt của những linh hồn trong đó còn bị trầm luân. Đó là những giọt nước mắt đạo diễn Bertolucci cho cựu hoàng đế nhà Mãn Châu đổ ra trong khi cố hết sức để bênh vực người cựu cai tù ác độc đã từng hành hạ người cựu tù Phổ Nghi trong ròng rã 10 năm trời!
Khá lâu trước ngày ông qua đời, cựu tù Phổ Nghi, nạn nhân của hội chứng Stockholm đã, sau thời gian đau khổ đã may mắn tìm lại được bản thân, đã thực sự biết con người là nhỏ bé, không phải hạt cát mà là hạt bụi trong vũ trụ, và mọi sự trên cuộc sống này đều là hư ảo. Tâm niệm của ông trong tình huống đó là “Cám ơn tất cả con người ta gặp trên đường đời, trong đó có người thương và cả người ghét ta.”
Thật vậy, trong kinh Ananda, đoạn nói về Đức Phật dùng thức ăn cúng dường mà phạm chất độc khiến khi ăn xong thì Ngài đau rồi hấp hối. Đệ tử Amanda nói:” Thưa Đức Thế Tôn, người cúng dường thức ăn đó là đáng trách.” Đức Phật nói:” Không đáng trách. Ta phải cám ơn người đó đã giúp ta nhập diệt.” Kinh sách là do người kể lại và viết ra, không rõ đích xác đến mức độ nào. Nhưng ít ra cũng có người nghĩ và viết ra như vậy.
Tiểu Đĩnh
[1] Hội chúng William khiến trẻ con sinh có khuyết điểm ở tim, mặt có dấu không bình thường, trí nhớ kém. Hội chứng Laron khiến trẻ con không phát triển chiều cao.
[2] Đề tài chân thiện và chân ác là vấn đề các tôn giáo lớn dường như chưa nhất trí với nhau. Đó là đầu mối của tao loạn triền miên trong xã hội loài người.
[3] Nguyên văn lời thầy Thanh Long nói trong tù cải tạo:” Không phải ra khỏi nơi đây là dễ. Cũng không phải được vào đây là dễ. Phải có cái duyên đi liền với cái nghiệp của từng người và của đất nước.”
[4] Potato weather-- Mrs. Gibbs:”Look at that moon will you! Tsk, Tsk, Tsk! Potato weather, for sure.'” So yes, in the context of Our Town Mrs Gibbs is referring to the full moon and the cool air.
[5] O my Lord! Grant me enough courage to alter what needs to change. Bestow upon me enough strength to bear what I can not change. And finally, accord me enough wisdom to stomach my having asked and got nothing! Amen.
Related news items:
Tin mới
- Tôn Vinh Phụ Nữ Việt Nam - Chẳng Phải Một Ngày - 10/03/2014 15:58
- Năm Mới, Học Về Chữ Tâm - 10/02/2014 19:40
- Sau đám tang Việt Dzũng, Hành trình của Việt Dzũng và địa chỉ của tương lai. - 12/01/2014 17:49
- Cuộc hành trình hy vọng của Việt Dzũng - 01/01/2014 12:57
- Năm mới nói chuyện “Tâm niệm đầu năm” - 01/01/2014 01:27
- Cái chết của Việt Dzũng - 30/12/2013 15:36
- Việt Dzũng và tôi - 25/12/2013 19:01
- Người Việt bị cấm vào cửa hàng Kaufland - 27/10/2013 17:46
- Hồn sỏi đá - 25/10/2013 22:22
- Chuyến bay Delta 15 - 23/09/2013 00:15
Các tin khác
- Chuyện cái lỗ tai bằng vàng của quan Chưởng Vệ Hồ Oai - 29/07/2013 13:35
- Đừng được nắng rồi... quên mưa" - 23/06/2013 23:45
- Viết Vẽ Bậy Bạ - 11/06/2013 11:36
- Miễn phúng điếu hay phúng điếu? - 22/05/2013 21:22
- Ba nhân vật, một cội nguồn - 20/05/2013 18:54
- Việt kiều tội nghiệp - 10/05/2013 10:50
- ‘Tôi vừa ở bệnh viện về!’ - 02/04/2013 03:26
- Cô Giáo Và Cậu Học Trò Lớp Năm - 10/03/2013 19:00
- Người Sài Gòn - 26/02/2013 01:20
- Đến nursing home thăm những người không ăn Tết - 13/02/2013 03:49