Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Học Khu Garden Grove: Thầy cô giáo góp phần thẩm định sách giáo khoa dạy Việt Ngữ


sachgiaokhoa vietngu 1
Từ trái, Thầy Đặng Ngọc Sinh, cô Thụy Vy Luyện và Thầy Vũ Hoàng trao đổi ý kiến về bộ sách Tiếng Việt Mến Yêu, quyển A. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Theo lời mời qua thông cáo của Học Khu Garden Grove, vào lúc 11 giờ sáng Thứ Sáu, 27 Tháng Tư, một phái đoàn gồm các thầy cô giáo dạy Việt ngữ thuộc Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California (BĐD) đến trụ sở học khu, số 10331 Stanford Ave., Garden Grove, CA 92840, để xem và đóng góp ý kiến cho bộ sách được đề nghị để dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cho học sinh lớp 7-12.

Phái đoàn gồm có thầy Vũ Hoàng, chủ tịch BĐD; thầy Nguyễn Văn Khoa, cố vấn; cô Thụy Vy Luyện, phó chủ tịch ngoại vụ; cô Loan Anh Phạm và thầy Văn Tường, Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam; và thầy Đặng Ngọc Sinh, ban tu thư của BĐD. Cô Nguyễn Chiêu Anh đến sau và cùng tham dự với các thầy cô.

Các sách mới được đề nghị, trưng bày tại chỗ, gồm sách để dạy tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, và bộ sách Tiếng Việt Mến Yêu để dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cho học sinh lớp 7-12, gồm quyển A, B, C và D theo trình độ.

sachgiaokhoa vietngu 2
Hàng đứng, thứ hai từ trái, Tiến Sĩ Gabriela Mafi, tổng quản trị Học Khu Garden Grove; Tiến Sĩ Lila Jenkins, giám đốc học vụ lớp 7-12, và ba nhân viên; cùng các thầy cô giáo thuộc Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Bộ sách Tiếng Việt Dấu Yêu do các thầy cô giáo dạy Việt ngữ hay các nhà ngữ học soạn thảo, và được phát hành, dùng làm sách giáo khoa dạy tiếng Việt của Học Khu Eastside ở San Jose từ năm 1995.

Các thầy cô giáo không ai bảo ai, tự chia thành bốn nhóm, hai người cùng ngồi xem chung một cuốn sách, bắt đầu giở từng trang một cách chăm chú khiến nhân viên của học khu phải ngạc nhiên.

Cô Liliana Diaz trực tại nơi triển lãm sách để sẵn sàng giải thích cho mọi người khi cần.

“Chỉ quan sát cách các thầy cô này làm việc, tôi có thể thấy được họ rất quan tâm. Mọi người có thể ghi danh và để lại lời phê bình hay đóng góp ý kiến cho bộ sách tiếng Việt trên giấy màu vàng có sẵn,” cô Diaz nói với nhật báo Người Việt.

sachgiaokhoa vietngu 3
Thầy Văn Tường bàn về bộ sách Tiếng Việt Mến Yêu, quyển D, với các giới chức của học khu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Trong khi các thầy cô giáo tiếng Việt làm việc, Tiến Sĩ Lila Jenkins, giám đốc Học Vụ lớp 7-12, ngỏ lời sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc, nếu có. Bà khuyên mọi người không cần vội vã, vì hàng ngày nơi đây mở cửa đến 5 giờ chiều.

Tiến Sĩ Gabriela Mafi, tổng quản trị Học Khu Garden Grove, ghé thăm, nhìn thấy các thầy cô ghi chép, bà nói: “Chúng tôi luôn đón nhận những ý kiến của cộng đồng và những vị thức giả. Những đề nghị hay những lỗi tìm được sẽ được chuyển đến nhà xuất bản để hoàn chỉnh khi tái bản.”

Thầy Vũ Hoàng và cô Thụy Vy xem cuốn A, ghi lại một số đề nghị về chọn lựa một số từ mà nhóm này nghĩ là chính xác hơn, kèm theo câu hỏi là trong bao lâu học sinh có thể học xong cuốn sách dày 400 trang?

sachgiaokhoa vietngu 4
Trang mục lục của bộ sách Tiếng Việt Mến Yêu, quyển B. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Cô Loan Anh Phạm, cô giáo dạy tiếng Việt ba năm tại Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, cho biết từng tự soạn tài liệu để dạy học.

Cô xem cuốn B và khen ngợi: “Sách rất hay. Chi tiết về mỗi một đề tài rất rõ ràng, mạch lạc. Sách luyện nghe hiểu, rất hay khi để vào các bài hát quê hương và những câu ca dao. Phương pháp soạn bài rất rõ ràng.”

“Chỉ có vị trí của các dấu có chỗ chưa đặt đúng. Thí dụ trang 56, ‘hóa trang’ đúng ra phải để dấu sắc trên chữ ‘a’ ,” cô ghi lại.

Cùng phê bình cuốn B, thầy Nguyễn Văn Khoa có cùng quan điểm với cô Loan Anh về vị trí của dấu phải được đặt trên nguyên âm chính.

“Tôi cũng nhận thấy có một số trang đánh dấu theo chủ âm không được hoàn toàn chính xác, có nghĩa là không thống nhất, có chỗ thế này có chỗ đặt dấu ở chỗ khác. Việc đánh dấu theo chủ âm cũng rất quan trọng cho học sinh học tiếng Việt dễ dàng và cho sự phát triển ngôn ngữ Việt Nam dựa theo tiêu chuẩn phiên âm quốc tế,” thầy góp ý.

Thầy khoa cũng thắc mắc về chiều dài của nước Việt Nam, trong sách ghi dài 2,000 km. Đúng có phải là 3,200 km không?

Thầy Đặng Ngọc Sinh và cô Chiêu Anh góp ý về cuốn C rằng: “Sách có ưu điểm là phần trình bày đẹp và rõ ràng. Nội dung sách được soạn rất công phu.”

Tuy nhiên nhóm này góp ý xây dựng rằng: “Từ ngữ dùng trong các câu thí dụ chưa chính xác (trang 13-15). Bài học dài. Bài đọc có nội dung cao, có thể không phù hợp với lứa tuổi cho Level C (Junior High School).”

Thầy (Tony) Văn Tường, hiện dạy môn Văn, Sử, Địa lớp 7, tại Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, cho biết: “Hình thức trình bày giống như textbook và workbook các lớp ESL, rất hay. Về nội dung, tôi thấy quyển này trình độ rất cao, có thể áp dụng ở đại học. Trung học không hợp cho lắm. Tuổi trẻ nên chọn những bài thơ tươi, hy vọng, lạc quan yêu đời; Nguyễn Bỉnh Khiêm yếm thế, không nên.”

sachgiaokhoa vietngu 5
Các thầy cô của Ban Đại Diện Các TTVN Nam California, từ trái, thầy Đặng Ngọc Sinh, thầy Văn Tường, cô Loan Anh, cô Thụy Vy, thầy Vũ Hoàng, và thầy Khoa Nguyễn trước trụ sở Học Khu Garden Grove.. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Các thầy cô ra về khoảng hơn 12 giờ trưa, chỉ riêng cô Chiêu Anh còn ở lại cho đến hai giờ chiều.

“Tôi thấy bộ sách Tiếng Việt Mến Yêu đẹp và hãnh diện khi để gần các cuốc sách khác. Hôm nay không phải đi làm nên tôi muốn ngồi lại để xem thêm. Sách soạn hay,” cô nói.

Trên đường về, thầy Khoa tâm sự: “Tôi nghĩ bộ sách giáo khoa Việt ngữ này khá thích hợp cho chương trình dạy Việt ngữ ở trong Học Khu Garden Grove, vì sách viết dựa theo chương trình giảng dạy song ngữ tại Hoa Kỳ. Mặt khác cũng khá thích hợp cho chương trình dạy Việt ngữ cho con em Việt Nam của chúng ta, vì đề cập khá nhiều đến văn hóa Việt Nam, đến ca dao tục ngữ, đến những giá trị về đức hạnh và gia đình.”

“Ngoài ra, chữ trong sách dùng cũng khá chính xác và trong sáng, trích dẫn những áng văn rất nhân bản. Sách cũng đề cập đến sự tham khảo với các nhà văn, nhà giáo, như cố giáo sư Nguyễn Sỹ Tế, cố giáo sư tiến sĩ ngữ học Nguyễn Đình Hòa, v.v…” ông nói.

Tưởng cũng nên nhắc lại, thời gian trưng bày sách ngày chót là 14 Tháng Năm. Vào các ngày trong tuần, giờ mở cửa thường lệ là từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều tại Khu Trưng Bày Sách Giáo Khoa (lầu một). Ngoài ra, trong ngày Thứ Tư, 9 Tháng Năm, sẽ mở thêm giờ- từ 5 giờ đến 7 giờ tối. Người xem sẽ được phát mẫu đánh giá tài liệu.

Trong buổi họp ngày 15 Tháng Năm sắp tới, Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove dự định sẽ xem xét các sách giáo khoa được đề nghị; nếu được chấp thuận, các sách giáo khoa và tài liệu này sẽ được dùng để giảng dạy cho học sinh bắt đầu từ niên học tới.

Để biết thêm chi tiết, xin gọi Văn Phòng Học Vụ số 714-663-6143. (Linh Nguyễn)

Switch mode views: