Những điều không thể đảo ngược nếu Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ
- Thứ Tư, 19 tháng Sáu năm 2019 22:47
- Tác Giả: Mai Vân
Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo chính thức tranh cử cho nhiệm kỳ 2. Ảnh tại Aoorland, Florida, ngày 18/06/2019.
REUTERS/Carlo Allegri
Tổng thống Mỹ, Donald Trump vào hôm qua, 18/06/2019, đã chính thức loan báo tranh cử nhiệm kỳ 2. Ông Trump, mừng sinh nhật thứ 73 hôm 14/06, đã luôn tỏ ra nôn nóng lao vào cuộc tranh cử cho năm 2020.
Nhiều người đến giờ tỏ ra nghi ngờ về khả năng thắng cử của ông do hàng loạt tai tiếng, nhưng một số chuyên gia nhìn thấy nhiều yếu tố có thể giúp ông tái đắc cử.
Trên tờ Huffington Post, ngày 18/06/2016, Jean-Eric Braana, chuyên gia về Hoa Kỳ và Donald Cuccioletta, chuyên gia về chính trị Mỹ tại Montréal, Canada, đã nêu bật khả năng trên và còn nhìn thấy một số quyết định đáng tiếc không thể đảo ngược được.
Hai chuyên gia nhắc lại là cho dù ông Trump bị nhiều người chỉ trích, nhất là trên báo chí hay các mạng xã hội, thì không nên quên rằng ông cũng có một nền tảng cử tri vững chắc ủng hộ.
Ông đã được bầu vào năm 2016 trên cơ sở một chương trình gây nhiều tranh cãi và việc ông cố gắng thực hiện những điều đã hứa, đôi khi không dễ dàng chút nào, như xây bức tường ở biên giới với Mêhicô, có thể khuyến khích cử tri đảng Cộng Hòa và những thành phần bảo thủ bỏ phiếu cho ông một lần nữa.
Vì sao Donald Trump có nhiều khả năng tái đắc cử
Theo Hufington Post, tổng thống đương nhiệm đang nắm được nhiều lợi thế để được tái đắc cử, trước tiên hết là những số liệu cho thấy kinh tế tốt lên.
Về kinh tế Mỹ, mới đây tạp chí Mỹ Forbes đã ghi nhận : « Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất, lạm phát cũng vậy và nhịp độ tạo công việc làm dồn dập. Những người nghiên cứu về chính sách của tổng thống, ai cũng biết rằng kinh tế mạnh là yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ cho tổng thống mãn nhiệm ».
Nhiều yếu tố khác thuận lợi đáng kể nữa : thuế giảm, nước Mỹ « thái bình » vì chủ nhân Nhà Trắng đã giảm xuống mức tối thiểu sự hiện quân đội Mỹ ở những nước có tình hình căng thẳng.
Ngoài ra, căn cứ vào lịch sử, rất hiếm khi cử tri Mỹ ngăn không cho một tổng thống mãn nhiệm làm tiếp nhiệm kỳ thứ hai, ngoại trừ một số trường hợp cá biệt như đối với Jimmy Carter và George Bush cha. Các ông Nixon, Reagan, Clinton, G.W. Bush et Obama, tất cả đều được bầu lại nhiệm kỳ 2, bất kể việc ít ra hai người trong số này đã gây nhiều tranh cãi. Nhưng nghịch lý là những tổng thống gây tranh cãi nhiều nhất lại là những người có xu hướng tập hợp nhiều cơ may tái đắc cử, như tờ Forbes ghi nhận.
Nhìn chung, khả năng có « thêm 4 năm nữa » có vẻ không nằm ngoài tầm tay của ông Trump, và điều này sẽ cho phép ông tiếp tục và củng cố quan điểm của ông.
Những điều khó thể đảo ngược
Đối với giới phân tích, trong chiều hướng đó, hậu quả của một số quyết định của tổng thống Mỹ sẽ không thể đảo ngược được nữa.
Theo ghi nhận của chuyên gia Donald Cuccioletta, thì « quan điểm của ông Trump sẽ cứng rắn thêm, đi xa hơn nữa trong các mục tiêu đề ra, ví dụ như việc xây bức tường, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vốn có thể trở thành một cuộc chiến quân sự, hay củng cố quan hệ với Bắc Triều Tiên, cho đất nước này một tầm quan trọng lớn hơn ».
Giới quan sát cho rằng có 3 lãnh vực chịu tác động từ các chính sách của ông Trump mà hậu quả sẽ khó có thể đảo ngược được. Trước tiên hết là lãnh vực khí hậu.
Hậu quả do chính sách khí hậu của ông Trump và việc ông rút khỏi Hiệp Định Paris sẽ đè nặng hơn nữa lên khí hậu. Chuyên gia Jean-Eric Braana lấy làm tiếc là « không thể bù lại được thời gian mà Hoa Kỳ đã bỏ bê, không quan tâm đến khí hậu, không kiểm soát việc thải khí CO2. Thời gian có hạn, khí hậu hâm nóng đã bắt đầu tác hại và nếu ông Trump được bầu 4 năm nữa thì thời gian này vĩnh viễn bị lãng phí, không còn cơ cứu vãn ».
Nếu ông Trump được bầu cho một nhiệm kỳ 4 năm nữa thì phải đợi đến năm 2025 để cường quốc hàng đầu thế giới giảm khí thải – với điều kiện người kế nhiệm ông Trump, tích cực lao vào.
Theo Global Carbon Project, một nhóm chuyên gia liên chính phủ về chuyển biến khí hậu, nếu việc « phi carbon hóa » có thể bắt đầu trên thế giới vào năm 2000, thì việc giảm 2% khí thải có thể đủ để duy trì mức khí hậu hâm nóng dưới 2 độ C. Bây giờ thì phải cố giảm đến 5% mỗi năm và nếu đợi một thập niên nữa thì phải giảm đến 9%. Hiện tại, mức thải CO2 vẫn tăng lên.
Tiến trình thứ hai không thể đảo ngược là cuộc chạy đua vũ trang
« Chiến tranh giải quyết tất cả các vấn đề ». Chuyên gia Donald Cuccioletta nhắc lại đây là suy nghĩ của John Bolton, cố vấn an ninh Nhà Trắng, và ông đã quyết định thực hiện câu nói này, khởi động một cuộc chạy đua vũ trang khó cản lại được.
Theo ông Cuccioletta, việc ông Trump tấn công vào các liên minh, rút ra khỏi các hiệp định như hiệp định hạt nhân Iran, hiệp định kiểm soát vũ khí, đã khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn nhiều, một thời kỳ căng thẳng không an toàn.
Đây cũng là quan điểm của báo The Atlantic mà tờ Huffington Post trích dẫn : Nếu ông Trump được bầu lại, nhiều quốc gia có thể chọn trang bị cho mình vũ khí hạt nhân, đặc biệt những nước trong các vùng đã nhờ đến bảo đảm an ninh của Mỹ như Trung Đông và Đông Bắc Á. Một kịch bản sẽ khai tử chế độ toàn cầu không phổ biến hạt nhân mà Hoa Kỳ và châu Âu đã xúc tiến thành công.
Chuyên gia Donald Cuccioletta ghi nhận là « Brazil đang trang bị vũ khí hạt nhân với sự giúp đỡ của ông Trump », và khi một quốc gia trang bị vũ khí nguyên tử thì quá trễ để quay đầu lại.
Một xu thế khó có thể đảo ngược khác nếu ông Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai là thế cân bằng của Tòa Án Tối Cao Mỹ sẽ nghiêng hẳn về hướng bảo thủ, với những hậu quả hệ trọng cho xã hội Mỹ.
Donald Trump đã đưa vào định chế tư pháp có thẩm quyền cao nhất nước Mỹ hai thẩm phán bảo thủ : Neil Gorsuch, một người có quan điểm chống phá thai, tán thành việc mang vũ khí, và Brett Kavanaugh. Vị thẩm phán này vào Tòa Án Tối Cao đã phá thế cân bằng, đặt các thẩm phán xu hướng tiến bộ vào thế thiểu số, tức 4 trên 9, và tình trạng đó sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Nhiệm kỳ 2 của ông Trump sẽ còn khiến Tòa Án Tối Cao mất thêm cân bằng : Thẩm phán cao niên nhất của tòa án, bà Ruth Bader Ginsburg, 86 tuổi, bị ung thư, đã hứa cầm cự cho đến hết nhiệm kỳ đầu của ông Trump… nhưng có lẽ bà sẽ không trụ được thêm 4 năm nữa.
Nếu bà ra đi thì Tòa Án Tối Cao sẽ mất đi một thẩm phán Dân Chủ, tiến bộ, tài năng và ông Trump có thể đưa vào thêm một thẩm phán bảo thủ.
Ngoài ra, thẩm phán tiến bộ khác Stephen Breyer sẽ 82 tuổi vào năm 2020, tuy nhiên theo Donald Cuccioletta, sức khỏe của ông vẫn tốt, có thể cầm cự thêm một nhiệm kỳ mới của ông Trump.
Những thay đổi trong Tòa Án Tối Cao không phải là không có hậu quả trên bình diện xã hội, nhất là về quyền của phụ nữ chẳng hạn : trong những tuần lễ gần đây, người ta đã thấy nhiều tiểu bang đưa ra luật lệ rất gắt gao trong việc phá thai. Mục tiêu là buộc Tòa Án Tối Cao xem lại luật lệ ban hành năm 1973, điều khoản gọi là « Roe vs.Wade » đưa quyền phá thai vào Hiến Pháp. Khả năng xem xét lại rất có thể diễn ra với một đa số bảo thủ ở Tòa Án.
Donald Trump sẽ nắm quyền lực gần như tuyệt đối
Nhờ hai thẩm phán mà ông đưa vào Tòa Án Tối Cao, Donald Trump có nhiều tự do hành động hơn. Tuy nhiên, từ năm 2018, ông đã không thể thực sự cho thông qua những luật mới vì đã mất đa số ở Hạ Viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, và ông phải sử dụng đến sắc lệnh để hành động.
Nhưng sau cuộc bầu cử tổng thống 2020, thì ông Trump vẫn có thể giành lại Hạ Viện và điều đó được cho là không khó.
Theo Donald Cuccioletta, « không nên bịt mắt trước thực tế là dù ông Trump không nắm được Hạ Viện, thì ngay trong số các dân biểu Dân Chủ cũng có những người bảo thủ có thể chấp nhận một số luật mà ông Trump đề nghị, và như thế dù không được rảnh tay như trước, nhưng ông vẫn có thể cho thông qua những dự luật bảo thủ », nhất là trong địa hạt phá thai hay những giới hạn nghiêm khắc đối với người đồng tính, đặc biệt những người chuyển giới.
Chuyên gia Jean – Eric Braana đi đến kết luận : « Phải thừa nhận rằng nếu được bầu lại, thì ông Trump sẽ vô cùng mạnh mẽ và chứng minh là việc ông được bầu năm 2016 không phải là một sai lầm, và người Mỹ muốn các chính sách mà ông đề nghị. Kế đến, thắng lợi của ông là thất bại của đảng Dân Chủ, vấn đề sẽ được đặt lại từ phía bên trong đảng, có thể dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng do các bất đồng nội bộ, mọi người đổ lỗi cho nhau. Chính trường Mỹ sẽ kinh qua một giai đoạn rất khó khăn. »
Tin mới
- Mỹ-Iran : Washington tiến hành «biện pháp trừng phạt mới » kể từ thứ Hai - 24/06/2019 01:42
- Cam Bốt : Một tòa nhà do Trung Quốc xây sụp đổ, ít nhất 18 người chết - 24/06/2019 01:27
- ASEAN loan báo đạt « tiến bộ » về RCEP, dự án mậu dịch với Trung Quốc - 23/06/2019 17:58
- Báo cáo Úc: Văn minh nhân loại lụi tàn năm 2050 - 22/06/2019 14:53
- ASEAN họp thượng đỉnh với trọng tâm là thương mại - 22/06/2019 14:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-6-2019 - 22/06/2019 01:26
- Bầu tổng thống Mỹ 2020 : Bốn lợi thế của Trump - 22/06/2019 00:46
- Mỹ đe dọa tấn công Iran, nhưng vẫn tỏ thiện chí thương lượng - 21/06/2019 16:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-6-2019 - 20/06/2019 23:14
- Pháp : Cựu tổng thống Sarkozy sẽ phải ra tòa về tội "tham nhũng" - 20/06/2019 22:02
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-6-2019 - 19/06/2019 18:43
- Thăm Bắc Triều Tiên: chủ tịch Trung Quốc muốn có thêm lá bài mặc cả với Mỹ - 19/06/2019 16:04
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-6-2019 - 18/06/2019 16:04
- Những nghi vấn quanh vụ tấn công hai tàu dầu trên biển Oman - 17/06/2019 23:25
- Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án báo New York Times « bội phản » - 17/06/2019 20:50
- Hồng Kông : Hai triệu dân xuống đường biểu tình, trưởng đặc khu xin lỗi - 17/06/2019 16:16
- Hạn hán nghiêm trọng, Ấn Độ cấp nước theo « khẩu phần » - 15/06/2019 18:51
- Hồng Kông : Giấu mình trên mạng để tránh cặp mắt cú vọ của Bắc Kinh - 15/06/2019 18:28
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-6-2019 - 15/06/2019 14:48
- Hồng Kông: Lãnh đạo đặc khu tuyên bố đình chỉ dự luật dẫn độ - 15/06/2019 14:14