Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hồng Kông : Hai triệu dân xuống đường biểu tình, trưởng đặc khu xin lỗi

hongkong extradition 9

Theo ban tổ chức, có gần 2 triệu người tham gia biểu tình tại Hồng Kông, ngày 16/06/2019.
REUTERS/Athit Perawongmetha

 

Chủ Nhật 16/06/2019, đường phố Hồng Kông tràn ngập người trang phục đen và tuần hành với hai yêu sách : hủy bỏ vĩnh viễn dự luật dẫn độ và trưởng đặc khu thân Bắc Kinh từ chức.

Theo ban tổ chức, gần 2 triệu người tham gia biểu tình, đông gần gắp đôi số người xuống đường cuối tuần trước.

Cảnh sát Hồng Kông thẩm định có 338.000 người, gián tiếp nhìn nhận người dân tham gia đông đảo hơn.
Trước áp lực, chiều hôm qua, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) lên tiếng « xin lỗi » và nhìn nhận « có thiếu sót khi thực hiện bổn phận, dẫn đến nhiều xung khắc và bất hòa trong xã hội ».

Vì sao tình hình diễn biến thuận lợi cho phong trào tranh đấu ?

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Liu Zefan phân tích :

« Quyết định đình chỉ dự luật dẫn độ được thông báo hôm Chủ Nhật rơi đúng vào ngày sinh nhật của ông Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc có lẽ thích một món quà khác vừa ý hơn, nhưng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga buộc phải nhượng bộ áp lực của đường phố, một phong trào phản kháng chưa từng thấy tại Hồng Kông.

Lên án trưởng đặc khu hành chính chậm trễ xin lỗi dân chúng, cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ biến thành một cuộc tuần hành đòi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức.
Về mặt chính thức, Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ nhà lãnh đạo Hồng Kông thân Hoa lục, nhưng bên trong hậu trường thì khác.

Chiếc ghế lãnh đạo đặc khu có vẻ bị lung lay hơn bao giờ hết, vì cũng vào cuối tuần qua, tại đặc khu Thâm Quyến ở bên kia biên giới và đối diện với Hồng Kông, có một cuộc họp kín của cấp lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Đây là cuộc họp kín nhưng thông tin rò rỉ ra ngoài như một tiếng chuông cảnh báo đối với lãnh đạo Hồng Kông.

Lập trường chính thức của Bắc Kinh là « tôn trọng » quyết định đình chỉ dự luật của trưởng đặc khu Hồng Kông, nhưng trên thực tế, quyết định lùi bước là một đòn sỉ nhục bất thường đối với chế độ Trung Quốc.

 

Nhưng do bị sa lầy vào cuộc chiến tranh thương mại với Washington, nên Bắc Kinh không thể chấp nhận để xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị trước cửa nhà, trong bối cảnh chủ tịch Tập Cận Bình dự trù sẽ gặp tổng thống Mỹ Donald Trump tại Tokyo, vào cuối tháng 06 này bên lề thượng đỉnh G20 ».
Phong trào tranh đấu chống Trung Quốc nuốt lời cam kết « một quốc gia, hai chế độ » có thêm một tiếng nói dấn thân.

Bước lùi của chính quyền Hồng Kông trùng hợp với ngày sinh viên Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), một trong những lãnh đạo phong trào Dù Vàng 2014, ra khỏi nhà giam sau vài tuần lễ thọ án.
Năm 2014, khi mới 17 tuổi, Hoàng Chí Phong và phong trào dân chủ đã chiếm đóng trung tâm thành phố suốt hai tháng.

 Sáng hôm nay, ngay khi được thả, Hoàng Chí Phong tuyên bố tham gia tranh đấu và kêu gọi trưởng đặc khu Hồng Kông từ chức.

Switch mode views: