Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-11-2012

 USA-BENGHAZI-RICE-OBAMA


Bà Susan Rice trong cuộc họp tại Nhà Trắng, Washington, 28/11/2012
REUTERS

 

John Kerry hay là Susan Rice, ai sẽ lên nắm quyền lãnh đạo nền ngoại giao Mỹ, cho đến giờ vẫn là một câu hỏi hóc búa dành cho tổng thống Barack Obama.

Nếu như nhân vật thứ hai nhận được nhiều ủng hộ từ phía tổng thống Mỹ, thì ngược lại phe Cộng hòa lại phản đối kịch liệt, thậm chí đe dọa sẽ gây cản trở nếu như bà Rice được đề cử trước Thượng viện.

Liên quan đến chủ đề này, báo Le Monde có bài nhận định đề tựa “Susan Rice không đủ uy tín để lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ ”.

Le Monde cho biết, nhiều nhân vật chủ chốt trong đảng Cộng hòa, nhất là cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ John McCain, đã kịch liệt phản đối ý định bổ nhiệm bà Susan Rice, 48 tuổi - nữ đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốctừ năm 2009 vào chiếc ghế Ngoại trưởng.

Phe Cộng hòa tuyên bố sẽ cản trở nếu như việc đề cử bà Rice được đưa ra trước Thượng viện.

Theo Le Monde, phe Cộng hòa đã chỉ trích bà Rice là lừa phỉnh dư luận trong một buổi trả lời phỏng vấn về vụ đại sứ quán Mỹ tại Benghzi bị tấn công hôm 11/9 vừa rồi.

Trên kênh truyền hình CBS, trong buổi phát sóng chương trình Face the Nation, bà Rice đã cho rằng sự việc xảy ra “là hệ quả trực tiếp của đoạn băng video gây thù hằn và báng bổ đạo Hồi” (Bộ phim Sự vô tội của người Hồi giáo). Phe Cộng hòa lập luận rằng không ai đi biểu tình mà lại vác theo súng chống tăng, một loại vũ khí hạng nặng.

Đối với phe Cộng hòa, rõ ràng sự khác biệt đó rất là quan trọng. Kể từ khi xảy ra vụ việc, phe Cộng hòa tại Mỹ tìm cách để chứng minh rằng chính quyền của ông Obama đang cố che dấu sự bất cẩn và sự bất lực của mình trong việc đảm bảo an toàn cho đại sứ Mỹ Chris Steven, bị thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 11/9.

Về phần mình, nữ đại sứ Rice đã chống chế rằng bà chỉ lấy lại lập luận do cơ quan tình báo chuẩn bị sẵn.

Cựu giám đốc tình báo CIA, David Patraeus, vừa từ nhiệm do có dính líu đến vụ tai tiếng quan hệ ngoài hôn nhân, đáp lại là tên của nhóm khủng bố Al-Qaida đã được đề cập đến trong số các tác nhân chính có thể có trong vụ tấn công đó. Thế nhưng, trong bản ghi nhớ gởi cho bà Rice lại không có tên của nhóm khủng bố này. Vậy thì ai đã xóa bỏ chi tiết đó? Đó chính là điểm tối mà phe Cộng hòa muốn làm sáng tỏ.

Nhằm xoa dịu các lời chỉ trích, bà Susan Rice đã đề nghị hội kiến với John McCain và các đồng sự của ông tại Thượng viện, với sự tháp tùng của người lãnh đạo tạm thời của CIA là ông Michael Morell. Nhưng theo Le Monde, buổi đối thoại đầu tiên, diễn ra hôm thứ Ba tuần này, đã có tác động ngược lại.

Rắc rối chồng thêm rắc rối. Nhất là khi lãnh đạo ngành CIA đã đổ tội cho FBI là đã gạt bỏ tên của nhóm khủng bố Al-Qaida. Để rồi sau đó vài giờ, buộc phải đính chính lại là đó là lỗi của CIA. Ông John McCain hầu như đã đề xuất với tổng thống Mỹ nên chọn một ứng viên khác, chẳng hạn như ông John Kerry, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại.

Theo nhận xét của Le Monde, sự việc trở nên phức tạp cũng bởi do tính tình khó khăn của Susan Rice. Giới ngoại giao quốc tế đánh giá bà là người không biết mềm dẻo, cũng như không biết xây dựng “chiến lược nước đôi” như ông Obama đang làm.

Một luận điểm khác cũng được Le Monde đề cập đến, đó chính là vấn đề chủng tộc. Nhiều đại biểu thuộc phe Black Caucus (dân biểu Mỹ gốc Phi châu) tại Quốc hội cho rằng phe Cộng hòa phản đối khi liên kết vụ việc với vấn đề giới tính và sắc tộc. Bởi vì, bà Susan Rice xuất thân từ một gia đình gốc Jamaica.

Thế nhưng, lập luận trên đã bị một nhà xã luận trên tờ New York Times bác bỏ, khi cho rằng vấn đề không phải là giới tính. “Nếu bà Rice không tài nào xoa dịu được cái tôi của vài chính trị gia khó tính, thì làm sao bà ấy có thể đàm phán được với Trung Quốc ?”.

Tờ báo nhận định, đối với ông Obama, rõ ràng đây là vấn đề khó xử trên phương diện tình cảm cũng như chính trị. Susan Rice, khi còn là nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, đã tạo ra các mạng lưới chính sách đối ngoại đầu tiên, lúc ông Obama còn là Thượng nghị sĩ bang Illinois. Còn nếu là John Kerry, là vì chính ông là người đã tạo cơ may cho ông Obama tại Đại hội đảng Dân chủ năm 2004.

Cuối cùng, Le Monde đặt câu hỏi: Liệu ông Obama có dám liều lĩnh lao vào cuộc chiến chính trị lần này, vào lúc mà ông đang cố đàm phán một thỏa thuận lịch sử với phe Cộng hòa về nợ công ?

Châu Âu: chính sách khắc khổ làm tê liệt khối euro ?

Trong bối cảnh tình hình kinh tế ngày càng đen tối, để vực dậy nền kinh tế đất nước, hầu hết các nước trong khối đồng tiền chung châu Âu đều áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng; giảm chi tiêu công.

Thế nhưng, một báo cáo gần đây do ba viện kinh tế của Pháp, Đức và Đan Mạch cùng công bố đã lên án mạnh mẽ chính sách khắc khổ của Ủy ban châu Âu. Đề tài được báo Liberation đề cập đến qua hàng tựa “Chính sách khắc khổ bị lên án làm chảy máu khối euro”.

Theo nội dung bản báo cáo do Viện quan sát tài chính của Pháp (OFCE), Đức (IMK) và của Đan Mạch (ECLM), không những chính sách khắc khổ bằng mọi giá kìm hãm sự tăng trưởng vốn đã èo uột, mà tất yếu nó còn làm gia tăng thất nghiệp, chi tiêu xã hội lệch lạc, giảm tiêu thụ và nguồn thu thuế cũng ít lại. Tóm lại, kìm hãm khả năng giảm nợ và nợ công của toàn khối đồng tiền chung châu Âu.

Bản báo cáo nhấn mạnh rằng “đây là chính sách phản tác dụng. Chính sách siết chặt ngân sách thu hẹp môi trường kinh doanh giữa các nước trong khối… Mỗi thành viên tạo ra sự suy thoái cho nước lân cận”.

Để thoát khỏi sự trì trệ, ba viện nghiên cứu đề nghị châu Âu nên xem xét lại liệu pháp của Ủy ban châu Âu. Cơ quan này đã ấn định rằng từ đây cho đến năm 2032, các nước thành viên trong khối phải đạt mục tiêu giảm nợ công xuống còn mức 60% của GDP.

Theo bản báo cáo, nhất thiết là phải làm trong sạch hóa nền tài chính công. Tuy nhiên, cả ba viện nghiên cứu cùng đề nghị triển hạn tiến trình sạch hóa tùy theo tình hình kinh tế của từng quốc gia.

Ví dụ như nước Pháp sẽ bắt đầu hiệu chỉnh ngân sách kể từ năm 2016. Như vậy, Paris có thể sẽ tìm lại được mức hoạt động gần với xu hướng tăng trưởng bình thường của mình. Và chí ít là cũng giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp.

Palestine được nâng cấp quy chế thành Nhà nước quan sát phi thành viên tại Liên Hiệp Quốc

Với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, như vậy Palestine đã chính thức trở thành Nhà nước quan sát phi thành viên tại Liên Hiệp Quốc. Một sự kiện lịch sử trọng đại mà người dân Palestine đã mong chờ từ 60 năm nay. Đây cũng là chủ đề thời sự quốc tế được một số báo Pháp hôm nay quan tâm đến.

“Ramallah, thủ đô của một quốc gia nguyên sơ” là hàng tựa trên trang quốc tế báo Le Figaro. Đối với người dân Palestine, đây là một bước tiến lớn.

Thế nhưng, Le Figaro cũng nhận thấy dư luận công chúng tại Ramallah bị chia làm đôi. Một bên cho rằng việc Liên Hiệp Quốc công nhận một phần Nhà nước Palestine cũng chẳng làm thay đổi được gì. Nhưng số khác lại tin tưởng vào tầm quan trọng của biểu tượng và sự thành công của chính sách ngoại giao từng bước.

Hiện tại, Palestine vẫn còn bị lệ thuộc nhiều vào Israel về nguồn cung ứng, năng lượng, thương mại và tài chính. Trong tâm thức người Palestine, con đường đi đến độc lập, toàn vẹn lãnh thổ vẫn còn dài.

Liberation theo dõi sự kiện dưới góc nhìn của Israel. Trong bài viết đề tựa “Tại Liên Hiệp quốc, Israel trong tư thếquan sát viên”, tờ báo cho biết, những phản ứng trái chiều ngay trong lòng quốc gia Do thái.

Về phần chính phủ, ngay khi Đại Hội Đồng Liên hiệp quốc thông qua việc nâng cấp quy chế cho Palestine, thủ tướng Israel Benyamin Nétanyahou đã nhấn mạnh rằng quyết định của Liên Hiệp Quốc “sẽ chẳng làm thay đổi gì cả”. Đối với ông, “phương cách duy nhất để đạt được hòa bình là phải thông qua đàm phán trực tiếp, vô điều kiện, chứ không phải thông qua nghị quyết đơn phương của Liên Hiệp Quốc, vốn không hề đếm xỉa đến các vấn đề an ninh của Israel”.

Điều lo ngại lớn nhất của người Israel là với quy chế mới đó, Palestine được quyền gởi yêu cầu truy tố các tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại hay tranh chấp lãnh thổ lên Tòa án hình sự quốc tế.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Israel cũng lên tiếng cảnh báo rằng, nếu Palestine có ý định như thế đối với Israel, thì Tel-Aviv có đủ biện pháp để hủy bỏ các thỏa thuận hiện hữu do hai bên ký kết.

Bởi vì kể từ năm 1994, quan hệ kinh tế giữa hai bên được quản lý theo Nghị định thư Paris, quy định các mối liên hệ trong các lãnh vực việc làm, thuế khóa và các dàn xếp về tiền tệ. Tuy nhiên, hầu như phía Israel quyết định số lượng giấy phép hành nghề cho người Palestine hay như việc cấp nước ngọt, Israel cũng có thể xem xét lại quota cấp nước.

Liberation cho rằng, bên cạnh đó còn có những người Israel ôn hòa ủng hộ tiến trình hòa bình cho Palestine.

Đối với số người này, lẽ ra Israel phải tỏ ra khôn ngoan hơn để biến tình thế này thành một cơ hội lớn. Lẽ ra Israel phải là quốc gia đầu tiên bỏ phiếu thuận cho nghị quyết đó.

Switch mode views: