Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-11-2012
- Thứ Hai, 26 tháng Mười Một năm 2012 23:00
- Tác Giả: Trọng Thành
Một người từng trải qua các trại lao cải Trung Quốc
REUTERS/Stringer
Báo Le Monde có bài : « Chiến dịch chống trại lao cải Trung Quốc có thêm sức bật, sau vụ ông Nhậm Kiến Vũ được trả tự do trước hạn ».
Bài báo cho thấy phong trào đòi hủy bỏ hệ thống nhà tù trá hình tại Trung Quốc trở nên quyết liệt hơn, sau việc người chế giễu cựu lãnh đạo Bạc Hy Lai được thả.
Le Monde nhận định, được trả tự do ngày 19/11/2012 ông Nhậm Kiến Vũ (Ren Jianyu), 25 tuổi có lẽ là người tù duy nhất của hệ thống « trại lao cải » được truyền thống Trung Quốc chú ý đến mức như vậy.
Ông Nhậm Kiến Vũ bị bắt vào tháng 8/2011, vì đã đưa lên mạng internet những lời chế nhạo, của chính ông và nhiều người khác, đối với Bạc Hy Lai, lúc đó đang là lãnh đạo đầy uy quyền của thành phố Trùng Khánh.
Vào thời điểm này, ông Nhậm Kiến Vũ làm việc trong một cơ quan hành chính của một địa phương hẻo lánh thuộc thành phố khổng lồ miền tây nam Trung Quốc. Ông Nhậm Kiến Vũ đã bị kết án hai năm giam giữ tại trại cải tạo, không qua xét xử.
Các trại lao cải thực tế là một hệ thống nhà tù riêng do bộ Công an Trung Quốc kiểm soát.
Trong những tháng gần đây, ông Nhậm Kiến Vũ được rất nhiều người sử dụng Internet ủng hộ.
Việc mới đây, ngày 20/11, một tòa án Trùng Khánh bác đơn khiếu nại, yêu cầu hủy bỏ quyết định bắt giam ông Nhậm Kiến Vũ, càng khiến các phương tiện truyền thông chính thức tại Trung Quốc gia tăng yêu sách đòi hủy bỏ hệ thống trại lao cải.
Ngày 21/11/2012, tờ Nhân dân nhật báo đã bác bỏ tính chất hợp hiến của hệ thống trại lao cải. Trên trang mạng Quang minh nhật báo, một tờ báo chính thức khác, cùng ngày , có lời kêu gọi : « Không thể chậm trễ trong việc hủy bỏ hệ thống trại cải tạo lao động cưỡng bức ».
Một trong các trang mạng lớn tại Trung Quốc QQ.com có một bài viết dài với tựa đề « Hãy hủy bỏ trại lao cải, Trung Quốc không thể chịu đựng nổi nữa ! ». Trong khi đó, có ít nhất hai phương tiện truyền thông khác mời ông Nhậm Kiến Vũ tham gia thảo luận với người dùng internet.
Người tù nổi tiếng kể lại những điều kiện khổ ải trong thời gian bị giam giữ, với những ngày làm việc dài đằng đẵng.
Ông Nhậm Kế Vũ và luật sư Phổ Chí Cường (Pu Zhiqiang), chuyên gia về các vụ án « nhạy cảm », tuyên bố sẽ khiếu nại lại phán quyết kể trên của tòa án Trùng Khánh.
Cựu tù nhân trại lao cải Trùng Khánh tuyên bố trên Hoàn cầu thời báo, ngày 21/11/2012, rằng ông « hy vọng trường hợp của ông sẽ tạo thành một án lệ và việc ông bị bắt giam trong 15 tháng vừa qua sẽ có ích cho những người khác ».
Hiện tại, cuộc chiến đòi hủy bỏ hệ thống trại lao cải của truyền thông và giới luật gia, luật sư Trung Quốc có vẻ như được ê kíp lãnh đạo, mới được bầu ra trong đại hội 18, cho tồn tại.
Cách đây mươi năm, vào thời điểm hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lên nắm quyền năm 2003, một thanh niên khác đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến chống lại hệ thống đàn áp tàn bạo của chế độ Trung Quốc. Đó là Tôn Chí Cương (Sun Zhigang), một họa sĩ 27 tuổi, bị đánh chết tại một trại giam ở Quảng Đông, vì không có giấy tờ. Cái chết của người thanh niên đã gây ra một làn sóng phản kháng xã hội dữ dội tại Trung Quốc yêu cầu chính quyền tôn trọng các quyền dân sự.
Mười năm sau, có vẻ như đang bắt đầu một cuộc chiến mới chống lại hệ thống đàn áp tại Trung Quốc.
Nhật Bản dù suy yếu vẫn là một nền dân chủ
Cũng về Châu Á, tờ Les Echos có bài viết đáng chú ý « Nhật Bản trong chiếc gương Trung Quốc » nói về những ám ảnh của cường quốc kinh tế thứ ba thế giới.
Tác giả bài báo, một giáo sư đại học King’s College Luân Đôn nhận định, nhìn từ Tokyo, hơn bao giờ hết, Trung Quốc trở thành một mối đe dọa.
Để có thể đối mặt với Trung Quốc và bảo vệ được vị trí thứ ba thế giới của mình, nước Nhật phải vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và đặc biệt là tinh thần, vốn gắn liền với quốc gia này từ hơn hai thập niên nay.
Trước cuộc bầu cử Quốc hội được coi như là mang tính quyết định, nước Nhật dường như bị chia sẻ giữa hai nỗi ám ảnh truyền thống : Trung Quốc và chính bản thân Nhật.
Giáo sư đại học King’s College Luân Đôn nhấn mạnh đến tính chất cơ hội trong ứng xử Nhật Bản với Trung Quốc và phương Tây : nhấn mạnh đến dân chủ trước Trung Quốc, và muốn thể hiện sự tự hào của một thành viên của lục địa Châu Á đang trỗi dậy trước các nước Phương Tây.
Bài viết lưu ý độc giả về thái độ quá phụ thuộc Nhật Bản, cũng như của Hoa Kỳ, vào sự ổn định về kinh tế của Trung Quốc - và như vậy là vào sự ổn định về chính trị của Trung Quốc.
Theo tác giả bài báo, vào thời điểm tổng thống Obama vừa thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên tại Châu Á, ngay sau khi tái đắc cử và có một sự xuất hiện mang đầy tính biểu trưng tại Miến Điện, quốc gia đang thoát khỏi chế độ độc tài, thì nước Nhật cũng nhấn mạnh đến việc quốc gia này « đứng về phía chính nghĩa của Lịch sử ».
Bài viết kết luận, dù Nhật Bản dù bị suy thoái, quốc gia này vẫn có thể giữ được vai trò của mình : bởi vì Nhật Bản « vẫn là một nền dân chủ », và điều quan trọng hơn, đây là « một nền dân chủ nằm tại một lục địa của tương lai ».
Pháp : Đảng UMP – cái chết được báo trước
Cuộc khủng hoảng tại đảng cánh hữu UMP, đảng đối lập chủ yếu tại Pháp, tiếp tục là trung tâm chú ý của báo chí Pháp. Libération chạy tựa « UMP, một thế giới đáng thương ».
Tờ báo nhắc lại điệp khúc của bộ phim truyền hình nhiều tập « Dallas » : « JR đã chết ngày thứ Sáu, nhưng Dallas vẫn tiếp tục ».
Tờ báo đặt câu hỏi : « Vấn đề bây giờ là làm thế nào để thoát ra khỏi đống đổ nát ? » và tự trả lời : « Có thế hai ông Copé và Fillon sẽ chấm dứt hoạt động chính trị.
Và có thể cả đảng UMP cũng tiêu vong. Đảng này vốn đã tin rằng có thể trở thành đảng dân chủ chỉ trong một ngày chủ nhật, mà không cần biến đổi cái nền tảng truyền thống mang tính độc đoán, không cần phải chọn lựa giữa xu thế cực hữu và điều mà người ta vẫn gọi là cánh hữu cộng hòa ».
Le Figaro ghi nhận : « Cuộc tự sát được truyền trực tiếp » với khẳng định, « sự tan vỡ giữa Jean-François Copé và François Fillon đã diễn ra. Alain Juppé, người chấp nhận môi giới hòa giải với kế hoạch gặp gỡ hai bên vào hôm qua tại Quốc hội, đã thừa nhận trước 20 giờ rằng, sứ mạng này đã thất bại ».
Về vấn đề, liệu còn có cơ hội cho một sự thay đổi theo hướng tốt không ? Tờ báo trả lời : « Giải pháp duy nhất mang tính công bằng và hợp lý là tổ chức một kỳ bầu cử mới, với các quy định mang tính minh bạch, dưới sự chủ tọa của một hội đồng gồm những nhân cách đáng kính nể ».
Báo Le Monde ra chiều qua thì chạy tít : « Sự nổi giận của những người cánh hữu » với ghi nhận, các đảng viên UMP bày tỏ sự chán ghét của họ đối với cuộc cạnh tranh huynh đệ tương tàn giữa hai ứng cử viên chủ tịch đảng này.
Le Monde cũng lược lại 40 năm xung đột khốc liệt trong nội bộ đảng cánh hữu, trong bối cảnh hai đối thủ Copé và Fillon có cuộc gặp nhau mang lại cơ hội cuối cùng vào tối qua mà như chúng ta biết cuộc gặp đã không đạt kết quả.
Cam Bốt : Vi tín dụng có xu hướng phát triển
Trở lại Châu Á, La Croix có chùm bài về các nỗ lực phát triển vi tín dụng ở Cam Bốt sau một thời gian bị mất tin tưởng.
Theo La Croix, tại Cam Bốt vi tín dụng thu hút hơn một triệu khách hàng, và không bị các tệ nạn chi phối.
Theo ông Jean-Luc Perron, tổng đại diện của Fondation Grammeen-Crédit agricole - Quỹ cung cấp vi tín dụng -, thì nguồn tín dụng này giúp cho khoảng 205 triệu người trên thế giới tìm được cơ hội để tạo ra hay phát triển các hoạt động kinh doanh của mình (trong đó có 137 triệu người nghèo).
Ở Cam Bốt có 1,2 triệu người mượn được vốn từ các nguồn vi tín dụng , và con số này tăng lên 4% trong vòng 6 tháng qua. Khoảng 82% người mượn vi tín dụng này là phụ nữ.
Nhà nước Cam Bốt khuyến khích vi tín dụng từ năm 2006 và kiểm soát một cách khôn khéo lĩnh vực này. Một văn phòng tín dụng được thành lập vào tháng 4/2012. Lãnh đạo văn phòng này là ông Garry Wood, người New Zealand, rất có uy tín.
Văn phòng này có nhiệm vụ thẩm định các yêu cầu cấp tín dụng. Nếu số tiền hoàn trả vượt 30% tổng thu nhập, thì cơ quan cấp tín dụng sẽ ngừng cho vay, để bảo đảm khả năng trả nợ của người mượn. Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói của các chuyên gia khác, đòi hỏi phải có một sự công bằng hơn, để vốn có thể đến được dễ dàng với những người cần.
Về vấn đề hiệu quả của tín dụng nhỏ trong việc cải thiện điều kiện sống của những người vay.
Các nghiên cứu về chủ đề này cho thấy các kết quả không thuần nhất. Người ta khó phân biệt được việc khoản tiền nhỏ vay được sẽ được dùng để đầu tư hay để giúp gia đình mua các vật dụng cần thiết trong sinh hoạt.
Theo một chuyên gia kinh tế, vi tín dụng không thể giải quyết mọi vấn đề, nó không phải là vũ khí tối hậu để chống lại nghèo đói, mà chỉ là một công cụ trong số các công cụ khác, cho phép người nghèo thoát khỏi những kẻ cho vay nặng lãi và có một chút tiền đầu tư. Nhưng như thế cũng đã là nhiều rồi.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-12-2012 - 01/12/2012 19:55
- Thủ tướng tương lai Trung Quốc bị tố cáo là thủ phạm gây dịch Sida tại Hà Nam - 01/12/2012 19:19
- Cảnh sát Miến Điện xin lỗi đã đàn áp biểu tình chống mỏ đồng Trung Quốc - 01/12/2012 18:48
- Israel cho xây thêm nhà ở khu định cư - 01/12/2012 02:45
- NASA trấn an dư luận về 'ngày tận thế' - 01/12/2012 02:08
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-11-2012 - 30/11/2012 23:17
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-11-2012 - 29/11/2012 20:43
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-11-2012 - 28/11/2012 20:23
- Các lãnh đạo phong trào Áo Đỏ Thái Lan bị xét xử - 27/11/2012 18:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-11-2012 - 27/11/2012 17:53
Các tin khác
- Việt Nam nợ hơn 100 tỷ đô la - 26/11/2012 04:51
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-11-2012 - 25/11/2012 20:24
- Quốc hội Thái Lan thảo luận kiến nghị bất tín nhiệm thủ tướng Yingluck - 25/11/2012 19:56
- Nga điều biệt đội tàu chiến tới Dải Gaza - 25/11/2012 03:21
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-11-2012 - 24/11/2012 21:28
- Bangkok : Hàng chục ngàn người biểu tình đòi lật đổ chính phủ - 24/11/2012 20:32
- VN nổ súng bắt 'hải tặc' ở Biển Đông - 24/11/2012 06:44
- Thủ tướng hết nắm Ban chống tham nhũng - 24/11/2012 06:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-11-2012 - 23/11/2012 18:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-11-2012 - 23/11/2012 03:56