Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tranh chấp Mỹ-Trung lan sang lãnh vực an ninh Biển Đông và Hoa Đông

BD tranh chap

Chiến đấu cơ Mỹ F-35B đáp xuống boong tàu đổ bộ USS Wasp ở ngoài khơi Biển Hoa Đông ngày 05/03/2018.
Michael Molina/U.S. Navy/Handout via REUTERS

Từ ngày tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền đến nay, chưa bao giờ quan hệ Washington-Bắc Kinh lại căng thẳng như hiện nay.

Hôm 30/09/2018, một quan chức Hoa Kỳ cao cấp đã xác nhận việc Trung Quốc hủy bỏ một cuộc họp Mỹ-Trung về an ninh đã được lên kế hoạch từ trước.

Đây là hành vi trả đũa mới nhất của Bắc Kinh sau một loạt động thái cứng rắn của Washington nhắm vào Trung Quốc, thoạt đầu trong địa hạt thương mại, và trong một vài tuần lễ nay, đã mở rộng hẳn ra để bao hàm cả lãnh vực an ninh quốc phòng, trong đó có vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Đối với nhiều nhà quan sát, sau khi khởi động cuộc chiến tranh thương mại đánh vào hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ, và trước các đòn phản công từ phía Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Donald Trump như đã áp dụng chiến thuật “gây sức ép tối đa” để buộc đối phương đàm phán.

Donald Trump mở thêm mặt trận tấn công Trung Quốc

Chính trong chiến thuật – được cho là đã thành công trong trường hợp Bắc Triều Tiên – mà ông Trump đã không ngần ngại mở thêm một loạt mặt trận khác, về mặt ngoại giao, và nhất là trong địa hạt an ninh quốc phòng.

Về ngoại giao, đòn được cho là dữ dội và bất ngờ nhất của tổng thống Mỹ là công khai cáo buộc ngay tại diễn đàn Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 26/09 là Trung Quốc đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2018 để gây hại cho đảng Cộng Hòa của ông.

Trước đó, trong lãnh vực quốc phòng, cũng trong một động thái bất ngờ và cứng rắn lạ thường nhắm vào Bắc Kinh, ngày 20/09, chính quyền Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt quân đội Trung Quốc về “tội” mua vũ khí của Nga.

Gây sức ép bằng Đài Loan và B-52 trên Biển Đông và Hoa Đông

Động thái cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc còn được thấy một cách cụ thể ngay trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc, từ Biển Đông lên đến Biển Hoa Đông.
Trước hết là tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan, trên nguyên tắc là đối thủ sát cạnh Trung Quốc.

Bốn ngày sau khi loan báo trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga, vi phạm luật của Mỹ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thông qua quyết định bán cho Đài Loan 330 triệu đô la thiết bị quân sự dùng cho các chiến đấu cơ F-16 và các loại máy bay khác.

Kế đến Quân Đội Mỹ đã cho oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay ngang Biển Đông hôm 25/09, và tham gia tập trận trên Biển Hoa Đông với không quân Nhật Bản, một đối thủ khác của Trung Quốc trong khu vực.

Dù phía Mỹ đã tuyên bố rằng các hoạt động của siêu pháo đài bay của họ chỉ là « bình thường », nhưng các nhà phân tích đều ghi nhận tần suất cao bất thường của các phi vụ B-52 tại Biển Đông :
Vào tháng 8/2018, một chiếc B-52 đã thực hiện một phi vụ tương tự ở vùng Biển Đông, hai tháng sau khi khi hai chiếc B-52 khác đã bay gần các đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Mặt khác, việc B-52 Mỹ liên tiếp xẻ dọc Biển Đông diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng trong cả lãnh vực thương mại, lẫn trên hồ sơ Đài Loan.
Và ngón đòn mới nhất là cho khu trục hạm USS Decatur, hôm 30/09, tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh hai đảo nhân tạo Gạc Ma và Ga Ven ở Trường Sa (Biển Đông), được Bắc Kinh biến thành tiền đồn quân sự.

Bắc Kinh trả đũa bằng cách cắt đối thoại quốc phòng

Cũng như trong cuộc chiến tranh thương mại, chỉ sau khi bị Mỹ tấn công, Trung Quốc mới có biện pháp trả đũa.

Ngoài các tuyên bố lớn tiếng, hay các bài bình luận dữ dội, Bắc Kinh lần này đã phản ứng thêm bằng cách hủy bỏ một số chương trình đã được dự kiến với Washington, như cấm không cho tàu đổ bộ USS Wasp thăm Hồng Kông, hủy bỏ chuyến thăm Mỹ của tư lệnh Hải Quân Trung Quốc Trầm Kim Long, và mới đây là hủy cuộc đối thoại an ninh từng được dự kiến tại Bắc Kinh với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis.

Trên hiện trường Biển Đông, quân đội Trung Quốc cũng tung chiến đấu cơ và oanh tạc cơ vào những cuộc tập trận bắn đạn thật, dù như thông lệ, không cho biết thời gian và địa điểm của sự kiện.
Nhìn chung, tất cả các quan sát viên đều nhất trí với nhau rằng vào thời điểm hiện tại cuộc tranh chấp thương mại Mỹ Trung đã lan sang những lãnh vực phi mậu dịch.

Bộ trưởng Hải Quân Mỹ: Bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông "bằng mọi giá"

Việc Bắc Kinh chủ động hủy bỏ các cuộc đối thoại an ninh từng được lên kế hoạch với Mỹ đã tạo ra một thái độ quan ngại nhất định về khả năng xẩy ra sự cố do tính toán sai lầm giữa lực lượng hai bên có thể nói là đang gườm nhau tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trên vấn đề này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã tỏ rõ thái độ không mấy quan ngại.

Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, phát biểu hôm 26/09 vừa qua về những căng thẳng phi mậu dịch nẩy sinh trong quan hệ Mỹ-Trung, ông Mattis cho rằng ông không thấy một thay đổi cơ bản nào trong quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Theo ông, quả là lúc này hai bên đang trải qua một giai đoạn căng thẳng, nhưng đó là điều tất yếu khi hai bên đang học cách quản lý những khác biệt và bất đồng.

Riêng bộ trưởng bộ Hải Quân Hoa Kỳ, ông Richard Spencer thì tiếp tục lên tiếng bênh vực cho các hoạt động tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông mà Mỹ liên tiếp thực hiện bất chấp những phản đối của Bắc Kinh, cũng như những loại vũ khí phòng không hay chống hạm mà Trung Quốc được cho là đã triển khai tại Trường Sa..

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông Mỹ CNBC ngày 27/09 vừa qua, ông Spencer khẳng định vai trò của Hải Quân Mỹ là sẽ bảo vệ các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông « bằng mọi giá » :
Hoa Kỳ, theo ông « sẽ cho chiến hạm qua lại mọi vùng biển tự do được quốc tế công nhận vào mọi lúc để đảm bảo nền thương mại và các tuyến giao thương luôn rộng mở ».

Đối với bộ trưởng Hải Quân Mỹ : « Nếu Trung Quốc hòa nhập vào thế giới và công nhận các quy tắc và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, thì quan hệ Mỹ-Trung sẽ tuyệt vời.
 Những nếu họ chọn việc sử dụng luật lệ của riêng họ và cách hiểu của họ về thương mại và bảo vệ không gian của họ, chúng ta sẽ phải có một cuộc thảo luận với họ trên các điểm đó trong tương lai ».

Cho đến nay, Trung Quốc luôn cho là hầu như toàn bộ Biển Đông thuộc chủ quyền của họ, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của nước khác.
 Họ cũng biện minh rằng các cơ sở của họ ở Trường Sa không nhắm mục tiêu quân sự.

Có điều là, theo kênh CNBC, các thiết bị gây nhiễu và hệ thống tên lửa trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây tại Trường Sa hoàn toàn không có một mục đích nào khác ngoài quân sự.

Switch mode views: