Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đức giáo hoàng viết thư trấn an giáo dân Trung Quốc

china-vatican-pope

Giáo hội Công Giáo thầm lặng tại Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh ngày 25/03/2016.
REUTERS/Damir Sagolj/File Photo

Bốn ngày sau khi thỏa thuận lịch sử giữa Trung Quốc và Tòa Thánh Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục, đức giáo hoàng Phanxicô hôm 26/09/2018 viết một lá thư gởi người Công Giáo tại Trung Quốc.

Trong thư, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo đã giải thích ý nghĩa của sự xích lại gần Bắc Kinh và xác nhận mong muốn hòa giải các cộng đồng Công Giáo tại Trung Quốc.

Từ Vatican, thông tín viên Eric Sénanque giải thích :

Vào tháng 5 năm 2007, Benedictô 16 đã viết thư cho người Công Giáo Trung Quốc để bày tỏ mong muốn chấm dứt tình trạng chia rẽ trong cộng đồng người Công Giáo Trung Quốc, giữa một bên theo Giáo Hội thầm lặng và bên kia theo Giáo Hội nhà nước.

Mười một năm sau, người kế nhiệm của ông lại cầm bút và đưa ra lời giải thích sau thỏa thuận với Bắc Kinh ngày 22 tháng Chín vừa qua.

Trong bức thư, Phanxicô trước hết tìm cách xua tan những nỗi lo lắng của giáo dân Trung Quốc, xác nhận rằng ngài ngày nào cũng cầu nguyện cho họ, và ca ngợi « lòng trung thành » của họ bất chấp « những kinh nghiệm đau thương » của quá khứ.
Với lá thư, đức giáo hoàng khuyên các giáo dân Trung Quốc đừng nên lo sợ cho tương lai, bất chấp những bất trắc và vết thương từ quá khứ.

 Giống như người tiền nhiệm dòng Tên của ông là Matteo Ricci, người đã truyền bá Công Giáo ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ mười sáu, đức giáo hoàng đã cổ vũ cho đối thoại.
Theo ngài, thỏa thuận hồi tuần trước chính là kết quả của đối thoại.

Lá thư nói rõ là mục đích của việc xích lại gần Bắc Kinh chỉ nhằm « hoàn thành những mục tiêu tinh thần và mục vụ của Giáo Hội », hỗ trợ và thúc đẩy việc truyền bá đức tin và đạt đến và duy trì sự thống nhất của cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc.

Trọng tâm bức thư nằm ở chỗ đó : Phanxicô kêu gọi mọi giáo dân Trung Quốc trở thành « tác nhân hòa giải ».
Thỏa thuận đã ký không phải là một cứu cánh, mà là một công cụ phục vụ cho một tiến trình hợp tác ổn định với Trung Quốc.

Sau cùng, đức giáo hoàng cũng nhắc nhở là Giáo Hội ở Trung Quốc « không đòi hỏi bất kỳ đặc quyền nào », mà mục tiêu chỉ là « đạt tới một quan hệ tôn trọng và thông cảm sâu sắc cho nhau ».

Thỏa thuận Vatican Bắc Kinh tiếp tục được Đài Loan quan tâm.
 Chính quyền đảo này vào hôm nay, 27/09/2018 khẳng định rằng quan hệ Đài Bắc -Vatican vẫn ổn định, cho dù chính quyền Đài Bắc sẽ theo dõi chặt chẽ những gì nó mô tả là âm mưu « loại trừ » của Trung Quốc sau một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Bắc Kinh và Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục tại Trung Quốc.

Đài Loan lo ngại rằng việc Tòa Thánh và Trung Quốc tái lập bang giao có thể dẫn đến việc Vatican đoạn giao với Đài Bắc, như Bắc Kinh thường đòi hỏi trước đây.
Tòa Thánh là đồng minh ngoại giao còn lại cuối cùng của Đài Loan ở châu Âu.
 

Switch mode views: