Di dân nhập cư : Bất lực chính trị của châu Âu
- Thứ Năm, 28 tháng Sáu năm 2018 14:52
- Tác Giả: Tú Anh
Tiểu thượng đỉnh châu Âu bế tắc về hồ sơ nhập cư, Bruxelles, ngày 24/06/2018Geert Vanden Wijngaert/Pool via Reuters
Thảm nạn thuyền nhân trên biển Địa Trung Hải với vụ tàu Aquarius và 629 người sống sót đào sâu thêm xung khắc trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu.
Chính sách rộng lượng đón tiếp di dân của thủ tướng Đức Angela Merkel bị chống đối mạnh từ trong liên minh cầm quyền.
Một giải pháp tạm thời « lập trại tị nạn cách ly » đang được tính đến.
Hư thực ra sao về lập luận « quá tải » của phe bài ngoại?
Và vì sao Liên Hiệp Châu Âu không tìm ra được một thỏa hiệp?
Trong chương trình « Giải mã » của RFI, hai chuyên gia Hans Stark, giáo sư văn minh Đức , đại học Sorbonne và Thomas Liebig của tổ chức OCDE phân tích căn nguyên nguồn cội.
Tháng Sáu, tháng của mùa du lịch và chuẩn bị đi nghỉ hè, Điạ Trung Hải bắt đầu thu hút du khách. Nhưng từ đầu tháng này, một thảm nạn thuyền nhân gợi nhớ đến tình cảnh của 900 người
Do Thái chạy trốn chính sách đàn áp của Đức Quốc Xã năm 1939 trên con tàu Saint Louis, khởi hành từ Hamburg, không một nước nào cho cặp bến.
Ngày 09/06/2018, tàu Aquarius của một số hiệp hội thiện nguyện, trong đó có Tổ Chức Y Sĩ Không Biên Giới, vớt được 629 thuyền nhân đa số gốc châu Phi sắp bị chết chìm.
Sau đó, không một quốc gia duyên hải nào chấp nhận đón tiếp. Chính phủ mới tại Ý, thuộc phe dân túy và bài ngoại, dứt khoát muốn lật qua trang sử bao dung của các chính quyền tiền nhiệm, tiếp đón làn sóng di dân từ bờ biển Tunisia và nhất là Libya vượt biển trên những chiếc ca nô mỏng manh, tìm miền đất hứa ở châu Âu.
Cuối cùng, sau khi được Pháp khuyến khích, tân chính phủ Tây Ban Nha, thuộc đảng Xã Hội chấp thuận cho Aquarius cập bến.
Tại Đức, bộ trưởng Nội Vụ Horst Seehofer, chủ tịch đảng CSU, cánh bảo thủ trong liên minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo tuyên bố dứt khoát không để tái diễn trường hợp 2015, mở cửa đón 1,5 triệu di dân.
Trong bối cảnh châu Âu cố gắng tìm một giải pháp thỏa hiệp, chia sẻ gánh nặng, bộ trưởng Nội Vụ Horst Seehofer, một mặt, thành lập « trục Đức - Áo - Ý » chống di dân, mặt khác, ra tối hậu thư « cho » thủ tướng trong vòng hai tuần phải tìm cho ra một giải pháp ngăn chận nhập cư cấp châu Âu.
Vì sao Horst Seehofer và đảng CSU tỏ ra cứng rắn nếu không muốn nói là cố tình gây khủng hoảng chính trị?
Áp lực chính trị
Hans Start, giáo sư văn minh Đức tại Sorbonne phân tích thâm ý của bộ trưởng Nội Vụ Đức:
Một bộ trưởng Đức có thể gây sức ép tới cùng, nhân danh thẩm quyền quản lý tự trị (bang Bayern) để bắt chẹt thủ tướng .
Nhưng cuối cùng, thủ tướng là người có tiếng nói quyết định trong việc hoạch định chính sách quốc gia.
Nếu bà Merkel không quyết đoán được thì bà sẽ bị xem là nhu nhược và chính thái độ thiếu cương quyết đó sẽ làm hại tương lai chính trị của bà.
Ngược lại, nếu bà chống lại quan điểm của bộ trưởng Nội Vụ Horst Seehofer thì hai bên khó tránh khỏi « đụng độ » với hậu quả là bộ trưởng phải từ chức.
Theo tôi, ông Horst Seehofer không khiêu khích để …mất chức. Nước Đức đang đứng trước một bối cảnh chính trị rất khó khăn.
Bang Bayern của đảng CSU sắp bầu lại vào tháng 10. Đảng của Horst Seehofer luôn chiếm đa số tuyệt đối tại nghị viện địa phương nếu lần này phải liên minh với các đảng khác thì ông ấy rất bực mình.
Thêm vào đó, đảng cực hữu bài ngoại AfD củng cố được số cử tri nòng cốt 12%.
Mọi nỗ lực của CSU chinh phục thành phần cử tri của AfD đều thất bại. Do vậy CSU bị mất tinh thần vì biết rằng, tuy không thua, nhưng sẽ thắng rất chật vật cuộc bầu cử ngày 14/10/2018.
Do vậy, họ bắt chẹt bà Angela Merkel thậm chí muốn ép thủ tướng từ chức để chinh phục cảm tình của cử tri, thành phần này xem thủ tướng Đức là kẻ thù vì mở cửa biên giới đón tiếp hơn một triệu dân tị nạn năm 2015.
Từ Bruxelles cho đến các thủ đô thành viên, tất cả đều muốn tránh tình trạng hỗn loạn cách nay ba năm khi hàng hàng lớp lớp di dân ồ ạt tràn vào châu Âu.
Tuy nhiên, tất cả đều cũng muốn tránh một cuộc tranh cãi về di dân. Năm 2019, là năm bầu Nghị Viện Châu Âu.
Đề tài di dân nếu bị khai thác sẽ tạo thêm thời cơ cho các đảng cực hữu và bài ngoại. Thế nhưng, xung khắc tiềm tàng biến thành đấu khẩu: tranh cãi trong nội bộ chính phủ Đức, lời qua tiếng lại giữa Pháp và Ý, giữa Bruxelles và Roma.
Trong khi đó, nhóm bốn nước Đông Âu gồm Ba Lan, Hungari, cộng hòa Séc và Slovakia đứng riêng dứt khoát không chia sẻ một tý gánh nặng thuyền nhân.
Thực tế, châu Âu thừa sức « hấp thụ » di dân .
Chia sẻ gánh nặng còn thể hiện đúng tinh thần liên đới, một trong những yếu tố nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu.
Theo chuyên gia Thomas Liebig Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển Châu Âu OCDE thì châu Âu có thừa khả năng đón tiếp số lượng di dân nhập cư hiện nay:
Luồng di dân vào nước Đức năm 2015, phần chiếm đa số, không phải là người tị nạn.
Đầu tiên, đó là làn sóng di dân bên trong lãnh thổ châu Âu bắt nguồn từ nhu cầu đáp ứng thị trường lao động tại nước Đức thiếu nhân công, tức là phản ảnh tình hình kinh tế hưng thịnh của Đức.
Thành phần nhập cư thứ hai mới là người xin tị nạn. Thành phần này mới gặp khó khăn trong vấn đề hội nhập vào xã hội Đức nói chung và thị trường lao động nói riêng.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển Châu Âu OCDE, thành phần tị nạn vì không đông, nên không ảnh hưởng nhiều cho thị trường lao động, không chiếm công ăn việc làm của dân Đức như phe bài ngoại khẳng định.
Chỉ có một nhóm trẻ không tay nghề là vấn đề của nước Đức.
Nhưng với hệ thống giáo dục và huấn nghệ rất tốt của nước Đức, các thanh niên nhập cư này sẽ không trở thành những đối thủ chiếm đoạt công ăn việc làm của thanh niên Đức.
Mặt khác, thị trường lao động Đức vẫn phất phới với khả năng thu dụng được một lực lượng nhân công đông đảo như trước khi xảy ra làn sóng nhập cư năm 2015.
Cũng như vào năm 2015, thủ tướng Đức Angela Merkel kỳ vọng vào một « giải pháp châu Âu », với sự hợp tác, tình nguyện chia bớt gánh nặng của nhau: Ý đón thuyền nhân, Pháp và Đức lo phân bổ định mức.
Nhưng cuối cùng, sau bao nhiêu cuộc họp, giải pháp liên đới chỉ là những tuyên bố bởi vì các nước Đông Âu kiên quyết bác bỏ mọi đề nghị thỏa hiệp làm Roma cảm thấy đơn độc và do vậy bất bình.
Không có ba nước Pháp, Đức, Ý sẽ không có một giải pháp nào cho thuyền nhân.
Thế mà tại Đức, phe hữu muốn đóng cửa biên giới với lý do bảo vệ công ăn việc làm cho dân Đức và chống đạo Hồi xâm nhập.
Thực tế, áp lực này là một cuộc mặc cả chính trị, theo giáo sư Hans Stark:
Trong năm 2017, khoảng 187.000 người xin tị nạn chính trị đặt chân đến nước Đức. Con số này chỉ bằng một phần năm con số của năm 2016.
Làn sóng tị nạn giảm dần vì trong ba tháng đầu năm nay, số người nộp đơn giảm thêm 15% so với cùng thời kỳ của năm 2017.
Do vậy, không thể nói có nhu cầu khẩn cấp giải quyết ngăn chận làn sóng di dân nhập cư.
Tuy nhiên, tại Đức, vì tính toán chính trị, phe hữu trong chính phủ Merkel, khai thác hồ sơ này với hai mục tiêu: « lấn sân » của phe cực hữu bài ngoại và gây thêm sức ép buộc thủ tướng Angela Merkel từ chức.
Trong đảng CSU và CDU (liên minh cánh hữu) có một nhóm thiểu số muốn thay đổi người lãnh đạo Liên bang. Do vậy, hồ sơ di dân nhập cư trở thành nóng bỏng.
Cùng quan điểm, Thomas Liebig cho rằng di dân là nạn nhân bị phe dân túy khai thác như một lá bài tranh cử:
Trong cuộc khủng hoảng 2015, 2016, phân nửa làn sóng di dân nhập cư là người Syria, Irak và Afghanistan chạy sang châu Âu tị nạn.
Hiện nay, thành phần di dân đến được châu Âu có nhiều xuất xứ khác nhau, ngoài ba nước bị chiến tranh kể trên. Đông nhất tại Pháp là người Albani.
Tại Đức, thành phần đông nhất vẫn là người Syria, Irak và Afghanistan, nhưng cũng giảm rất nhiều so với ba năm trước.
Họ là những thuyền nhân vượt biển sang Hy Lạp và Ý. Vì thế, bà Angela Merkel không quên lưu ý công luận là hai nước bên bờ Địa Trung Hải kể trên đã và đang lãnh gánh nặng lớn nhất cưu mang dân tị nạn, cho dù làn sóng di dân đã giảm rất nhiều trong năm 2018 này.
Vấn đề là phải chia đều gánh nặng, hiện nằm trên đôi vai của một vài nước thành viên.
Vụ con tàu Aquarius cứu thuyền nhân trên biển với hơn 600 người bị Ý và Malta từ chối đón tiếp trong đầu tháng 6 này là một bằng chứng không biện minh được về thực trạng thiếu tinh thần liên đới trong Liên Hiệp Châu Âu
Cho đến bây giờ, dường như chỉ có phe chủ trương cứng rắn là đoàn kết với nhau. Đó là phe « trục Đức - Áo- Ý » muốn đóng cửa biên giới.
Chủ trương này, biết đâu sẽ tạo ra phản ứng trong phe « ôn hòa », mỗi bên nhường nhau một ít: Merkel tìm ra một giải pháp trung dung với Seehofer, Macron chịu đón thuyền nhân đến Ý .
Theo giáo sư Hans Stark, Đức thông hiểu tình trạng khó khăn của các thành viên phương nam:
Chính phủ Đức muốn tránh rơi vào tình trạng « chuột vờn mèo » của Ý và Pháp: Ý đón thuyền nhân vượt biển, cho giấy tạm trú, rồi để cho họ chạy sang Pháp. Pháp bắt được, trả lại Ý.
Trong số di dân xin tị nạn tại Đức có 70.000 người đã nộp đơn xin cứu xét quy chế này tại một nước thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu.
Cho đến nay, chính phủ Đức làm ngơ để yên hầu giảm bớt phần nào áp lực và gánh nặng cho hai thành viên Ý và Hy Lạp, cho dù Berlin không nói ra.
Nếu thủ tục xin tị nạn tại Đức không được giải quyết nhanh thì chuyện gì xảy ra?
Sau một thời gian, đơn xin cứu xét quy chế tị nạn tại quốc gia đầu tiên tức là ở Ý hay ở Hy Lạp sẽ mất tính hiệu lực.
Lúc đó, đơn của các ứng viên này nộp tại Đức sẽ trở thành « hợp pháp ».
Chính phủ Đức sẽ chính thức xem xét. Đó là lý do mà bộ trưởng Nội Vụ Đức Horst Seehofer đòi hỏi « không cho một di dân nào đặt chân vào lãnh thổ Đức. Người nào đã xin quy chế tị nạn ở một nước khác thì phải trục xuất họ về nước đó ngay ».
Thủ tướng Angela Merkel bác bỏ ngay lập trường này của đồng minh CSU Bayern bởi vì, trong tinh thần thượng tôn pháp luật, Đức không có quyền đơn phương hành động trục xuất di dân về nước tiếp cư đầu tiên mà không có sự đồng ý của đối tác.
Thượng đỉnh tham khảo ngày 24/06 là nhằm tìm kiếm một khung pháp lý cho hồ sơ di dân.
Liệu có đề nghị khả thi cho một hiện tượng tự nhiên đất lành chim đậu?
Để hóa giải phần nào áp lực của cử tri và nội bộ đảng trách cứ chính sách sai lầm khi « mở cửa » nước Đức vào năm 2015, Berlin đã siết chặt chính sách nhập cư, giới hạn diện đoàn tụ gia đình.
Những nghi án hay vụ án xâm hại tình dục, cưỡng hiếp, âm mưu khủng bố mà hung thủ là di dân Trung Đông, Bắc Phi cũng làm cho uy tín của thủ tướng Merkel suy yếu và giúp cho đảng bài ngoại và cực hữu lên điểm trong các cuộc bầu cử vừa qua từ địa phương cho đến liên bang.Nhưng mọi biện pháp theo kiểu « ngăn chận tuyệt đối » là ảo vọng.
Chính phủ Đức đã suy tính đến chính sách nhập cư có lựa chọn, đặt ra quy chế « di dân lao động ».
Các chính phủ châu Âu thừa biết, trong số những người xin tị nạn, không phải ai cùng cần được bảo vệ chính trị. Phần đông họ đi tìm vùng đất hứa để đời sống kinh tế tốt đẹp hơn.
Ba năm sau cuộc khủng hoảng di dân năm 2015, Ủy Ban Châu Âu, cơ quan hành pháp của Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa có giải pháp nào khả thi đối phó với một cuộc khủng hoảng mà tổng thư ký Liên Hiệp Quốc gọi là « hiện tượng tự nhiên của nhân loại ».
Related news items:
Tin mới
- Hun Sen bổ nhiệm con trai làm tư lệnh Quân đội Hoàng gia Cam Bốt - 30/06/2018 15:38
- Úc đổi mới đội tầu Hải Quân để đối phó với Trung Quốc - 30/06/2018 15:31
- NATO : Mỹ nghiên cứu việc rút quân khỏi Đức - 30/06/2018 15:04
- Hung thủ bắn chết 5 người của tờ báo ở Maryland bị truy tố - 29/06/2018 23:48
- Tháp Eiffel khoác áo giáp chống khủng bố - 29/06/2018 23:08
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-06-2018 - 29/06/2018 22:54
- Kim Jong Un cho hành quyết một tướng lãnh vì cấp thêm thực phẩm cho lính - 29/06/2018 22:39
- Giới lãnh đạo TQ ‘loạn trí’ vì ‘loạn sách’ thương mại của TT Mỹ - 29/06/2018 20:23
- Chuyên gia Mỹ : Nhật Bản, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, các tân cường quốc tương lai ? - 28/06/2018 21:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-06-2018 - 28/06/2018 20:02
Các tin khác
- Bộ trưởng Mattis xác quyết Mỹ tiếp tục « chiến đấu » bảo vệ Hàn Quốc - 28/06/2018 13:39
- Mỹ bóp nghẹt kinh tế Iran - 27/06/2018 18:02
- Tối Cao Pháp Viện Mỹ chuẩn y sắc lệnh cấm nhập cảnh của tổng thống Trump - 27/06/2018 17:25
- Anh Quốc : Luật Brexit được ban hành - 27/06/2018 16:46
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-06-2018 - 27/06/2018 16:38
- Thế giới sẽ ra sao nếu không còn loài ong ? - 27/06/2018 16:13
- Tập trận hải quân RIMPAC 2018: Không có tàu Việt Nam tham dự - 27/06/2018 16:00
- Cháy rừng lớn ở Bắc California, hàng ngàn người di tản - 26/06/2018 19:02
- Liên Hiệp Quốc: Chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ đang gia tăng - 26/06/2018 18:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-06-2018 - 26/06/2018 16:17