Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vùng Donbass, « con tin » để Nga giữ chân Ukraina

Elysee


Từ trái sang phải: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nguyên thủ Nga Vladimir Putin và thủ tướng Angela Merkel tại điện Elysée ngày 09/12/2019.Christophe PETIT TESSON/POOL/AFP



Cuộc họp thượng đỉnh bốn nước Pháp, Đức, Nga và Ukraina theo « Công thức Normandie » tổ chức tại Paris nhằm tìm kiếm một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraina kết thúc tối khuya 09/12/2019.

Paris và Matxcơva cùng nói là có những tiến bộ.
Nhưng theo giới quan sát, đường đi đến hòa bình cho đông Ukraina vẫn còn xa.
Nước Nga khó có thể từ bỏ « quân cờ » Donbass, nhằm ngăn chặn Ukraina xích lại gần với phương Tây.

Tại cuộc họp báo, nguyên thủ hai nước Pháp và Nga đều lạc quan cho rằng thượng đỉnh lần này có « những bước tiến bộ quan trọng cho tiến trình hòa bình tại Ukraina ».

 

Lãnh đạo 4 nước cùng đồng thuận về một số điểm sau 3 năm gián đoạn đối thoại : Rút quân khỏi 3 điểm từ đây đến cuối tháng 3/2020 ; củng cố thêm lệnh ngừng bắn và tiến hành một đợt trao đổi tù nhân mới.

Tuy nhiên, tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, sau một giờ rưỡi hội đàm riêng với nguyên thủ Nga đã tỏ ra thất vọng vì không giải tỏa được một số điểm bất đồng lớn mà ông mong muốn có được những nhượng bộ từ phía Matxcơva.

Đây cũng chính là điều mà nhiều chuyên gia Pháp như bà Tatiana Kastouéva-Jean, giám đốc Trung tâm Nga và Các nước độc lập mới (NEI), dự báo trên đài RFI trước giờ diễn ra cuộc họp. Bà cho rằng thành công của thượng đỉnh sẽ rất hạn chế.

« Đối với Nga, mọi việc khá rõ ràng. Matxcơva mong muốn là thỏa thuận Minsk được áp dụng theo đúng như nội dung đã ghi. Và thỏa thuận này lại tương đối có lợi cho Nga.
Trong khi đó, Ukraina muốn bảo vệ chủ quyền và tìm cách duy trì khuôn khổ chung của thỏa thuận Minsk nhưng lại muốn thay đổi lịch trình thực hiện các giai đoạn được ghi trong văn bản này.

Có một vấn đề rất quan trọng, gây trở ngại lớn đối với Ukraina: Liệu các cuộc bầu cử ở cấp địa phương sẽ được tổ chức tại Donbass trước khi Kiev giành lại quyền kiểm soát đường biên giới chung với Nga hay không?
 Đây là điểm gây bất đồng lớn giữa hai bên.

Còn có một điểm lớn khác, cũng gây trở ngại, liên quan đến việc hiểu và diễn giải nội dung thỏa thuận: Ai sẽ người để đối thoại?
Nga muốn là chính quyền Ukraina thảo luận trực tiếp với các lãnh đạo ly khai ở miền đông.
Thế nhưng, Kiev từ chối. »

Donbass : « Con tin » của Nga để mặc cả với Ukraina

Ngay trước thượng đỉnh Normandie lần này, điện Elysée cũng đặt ra một mục tiêu khiêm tốn :
« Tránh một cuộc xung đột có quy mô lớn tại đông Ukraina » qua việc áp dụng một loạt các biện pháp của thỏa thuận Minks II và « Khởi động một tiến trình giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng ».

Thỏa thuận Minks được ký kết vào tháng 2/2015, và trong thế yếu quân sự trước Nga, chính quyền Kiev tiền nhiệm đã có những nhượng bộ quan trọng mà giờ đây ông Zelensky cho rằng « không thể chấp nhận được » và muốn thương thảo lại những điểm như chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean trình bày ở trên.

Tuy nhiên, sau một giờ rưỡi trao đổi song phương tại điện Elysée, dưới sự bảo trợ hòa giải của Paris và Berlin, đôi bên đã không đi đến được một đồng thuận mới nào ngoài ba điểm chính nêu trên.
Tổng thống Ukraina, trong cuộc họp báo, một lần nữa xác quyết chủ quyền lãnh thổ với hai vùng Donbass và Crimée.

Nhưng nguyên thủ Nga tỏ ra cứng rắn, kiên định với lập trường của mình cho rằng phải có « sửa đổi Hiến Pháp để cấp cho vùng Donbass một quy chế đặc biệt thường trực ».

Nhưng quy chế đặc biệt nào dành cho vùng lãnh thổ phía đông ?
Liệu những vùng lãnh thổ này sẽ có quyền thành lập một lực lượng an ninh riêng của chính mình hay không ?

Họ có được quyền phủ quyết trong các quyết định chính sách đối ngoại hay không ?
Tất cả những điều này chưa ai biết rõ và Ukraina cũng khó có thể chấp nhận.

Vậy nước Nga thật sự muốn gì ở Ukraina ? Tại sao Nga không cho sáp nhập Donbass như đã làm đối với bán đảo Crimée mà luôn có thái độ mập mờ trong các cuộc đàm phán hòa bình ?

 Bà Alexandra Goujon, chuyên gia chính trị học về Ukraina và Belarus, trường đại học Bourgogne-Franche Comté trên đài RFI giải thích.
« Nga chơi trò mập mờ, không rõ ràng.
Có nghĩa là nếu tình hình đàm phán trở nên rất căng thẳng thì họ sẽ nói điều này không liên quan đến chúng tôi.

Thực ra, chính sách của Nga trong không gian này là họ chỉ muốn một mình giữ vai trò cường quốc khu vực.
 Đồng thời, Nga đang xây dựng liên hiệp Á-Âu và muốn các nước láng giềng tham gia.
Và nhất là Nga làm mọi cách để tránh trường hợp Ukraina, Moldova, Gruzia, một ngày nào đó, tham gia Liên Hiệp Châu Âu hoặc NATO.
Do vậy, không phải là ngẫu nhiên mà cả ba nước nói trên đều có vấn đề ly khai.

Như vậy, ý tưởng của Nga là gây bất ổn tại các nước này, cần phải làm sao để chính quyền ba nước này không thể kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ quốc gia và tình trạng này sẽ làm cho ba nước càng thêm bấp bênh.

Liệu có nước nào có thể chấp nhận tình trạng bị chia cắt và chính quyền không kiểm soát được một phần lãnh thổ ? »
Năm 2018, bà Tatiana Kastouéva-Jean, trong một chương trình phát thanh đài France Culture, cũng từng giải thích các lý do khiến Nga không muốn sáp nhập vùng Donbass.

« Tôi không nghĩ là một ngày nào đó, Nga quyết định sáp nhập hoặc công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa này, bởi vì Nga sẽ phải hứng chịu hậu quả rất lớn.
Một mặt, đó là phản ứng của Ukraina. Có thể nói, quân đội Ukraina đã có thời gian để củng cố và tăng cường sức mạnh, kể từ khi xẩy ra cuộc xung đột.
Mặt khác, chắc chắn các nước phương Tây sẽ có phản ứng mạnh và tăng cường trừng phạt Nga.
Trong bối cảnh chuẩn bị cho bầu cử và giải bóng đá thế giới, Nga không có lợi ích gì khi làm cho bạo lực tái bùng phát. »

Vẫn theo bà Tatiana Kastouéva-Jean, trong hiện tại, Ukraina vẫn là mắt xích quan trọng trong việc cung cấp khí đốt cho các nước phương Tây.
« Có một yếu tố rất quan trọng, đó là hệ thống ống dẫn khí đốt của Nga chạy qua lãnh thổ Ukraina để cung cấp cho các nước châu Âu.
Nga không thể cắt đứt hoàn toàn đối thoại với Ukraina hoặc để xẩy ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao hoặc quân sự nghiêm trọng. »

Putin – Zelensky : Sói già và cừu non ?

Đạo diễn Oleg Sentsov, người Crimée, vừa được Nga trả tự do trong đợt trao trả tù binh vừa qua, đã có nhận xét cay đắng như sau :
 « Nga không nghĩ là sẽ trả các vùng lãnh thổ Donbass cho dù Nga cũng sẽ phải mệt mỏi khi ủng hộ các vùng này. Nhưng Nga muốn sử dụng các vùng đất này như một chiếc vòng kiềng mà Nga sẽ quàng lên cổ Ukraina và như vậy Nga có thể dẫn dắt như một chú chó nhà ngoan ngoãn ».

Cuộc xung đột tại Ukraina kéo dài từ 5 năm qua, làm khoảng 13.000 người chết, hơn một triệu người phải di tản.
Kinh tế hai vùng tự trị tự xưng Louhansk và Donetsk ngày càng khánh kiệt.
Những nhà xưởng lớn từng là đầu tầu kinh tế của vùng nay dời hết về Nga.
Các mỏ than thì bị ngập úng và không thể khai thác.
Đời sống người dân tại hai vùng này ngày càng trở nên khó khăn, trong khi mà cuộc chiến, tuy mức độ dữ dội không còn cao như trước, vẫn tiếp diễn mỗi ngày.

Đến với thượng đỉnh Normandie lần này với một vị thế tương đối thuận lợi, nhưng nguyên thủ Ukraina cũng không thể trông cậy nhiều vào hai nước trung gian hòa giải Pháp và Đức, vốn dĩ cũng có những quan điểm rất lập lờ.

Cặp đôi Paris – Berlin khó có thể gây ảnh hưởng với tổng thống Putin, bởi lẽ nước Nga còn là một đối tác quan trọng cho Pháp và Đức trong nhiều hồ sơ quốc tế khác, theo như phân tích của bà Alexandra Goujon:

« Quả thực đó là một trò chơi mập mờ, không rõ ràng.
Trong một chừng mực nào đó, hội nghị thượng đỉnh theo « công thức Normandie » này khá thú vị, bởi vì không một ai tham gia hội nghị, bao gồm cả Emmanuel và Angela Merkel, có ảo tưởng. Họ biết rất rõ là Nga sẽ chơi trò gì.

Thế nhưng, Nga là một đối tác cần thiết trong các hồ sơ quốc tế quan trọng khác.
Nga là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, một đối tác nặng ký và cần phải đối thoại.

Và thượng đỉnh theo « công thức Normandie » cũng là một trong những hình thức đối thoại.
Tôi xin nhắc lại rằng, thượng đỉnh theo « công thức Normandie » là một trong những công cụ được lập ra một cách không chính thức ».

Về phần mình, Hoa Kỳ tuy cam kết trang bị vũ khí cho Ukraina để tăng cường khả năng phòng thủ, nhưng có một lập trường rất rõ ràng :
Xung đột tại Donbass là chuyện riêng giữa Ukraina với Nga và phe ly khai. Hãy để cho họ tự giải quyết !
Tóm lại, Vladimir Putin đến Paris lần này trong thế thượng phong, với một tầm ảnh hưởng quân sự, năng lượng và ngoại giao rất lớn.

Nước Nga đương nhiên đang hứng chịu các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt, nhưng giới doanh nhân cũng như người dân Nga cũng đã quen thuộc với điều này nhân danh chính sách cường quốc của lãnh đạo.

Trước tình cảnh này, tổng thống Ukraina đành phải tìm cách xuôi theo Nga, giữa lời hứa tranh cử chấm dứt đối đầu ở đông Ukraina và việc không nhượng bộ Putin điều gì.
Cuộc chơi song phương lần này chẳng khác gì một cuộc gặp giữa « một con sói già và một chú cừu non » như lời ví von của hãng tin Pháp AFP !


Switch mode views: