Bầu cử giữa kỳ: Bài trắc nghiệm của tổng thống Trump trước dân Mỹ và quốc tế
- Thứ Ba, 13 tháng Mười Một năm 2018 22:29
- Tác Giả: Anh Vũ
Cảnh một phòng phiếu ở Manhattan, New York City, Hoa Kỳ, ngày 6/11/2018.
REUTERS/Andrew Kelly
Chống hay ủng hộ ông Donald Trump ?
Chưa bao giờ một kỳ bầu cử giữa kỳ lại có tác động như một bài trắc nghiệm với người đứng đầu hành pháp Mỹ như kỳ bầu cử giữa kỳ 2018.
Đây cũng là cuộc bỏ phiếu thu hút sự chú ý đặc biệt của cả thế giới không kém gì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Hôm nay 06/11/2018, hơn 200 triệu cử tri Mỹ được kêu gọi tham gia cuộc bầu cử giữa kỳ quy mô, đồng thời gây chia rẽ sâu rộng đến như vậy.
Và cuộc bỏ phiếu lần này đã nhanh chóng chuyển hướng thành một "hàn thử biểu" đối với tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Năm 2016, nhà tỷ phú Donald Trump bất ngờ đắc cử tổng thống. Trong hai năm qua - nửa nhiệm kỳ tổng thống- ông Trump đã lãnh đạo nước Mỹ theo cách riêng của mình.
Không ít lần cả thế giới sững sờ bởi phong cách cũng như những quyết định của vị tổng thống Mỹ trung thành đường lối « Nước Mỹ trước tiên ».
Chính hai năm cầm quyền đầy sóng gió và gây nhiều tranh cãi đã là lý do để cuộc bầu cử giữa kỳ này biến thành bài trắc nghiệm để người dân Mỹ đánh giá những gì mà ông Trump đã theo đuổi và thực hiện từ khi bước chân vào Nhà Trắng.
Ý thức được tầm mức quan trọng của kỳ bầu cử này đối với hai năm còn lại của nhiệm kỳ, đích thân tổng thống Trump đã can dự vào chiến dịch vận động tranh cử cho các ứng viên Cộng Hòa, cứ như bản thân ông là ứng viên chủ chốt.
Theo nhật báo Le Monde, hơn một tháng qua, tổng thống Trump liên tiếp có mặt ở 15 cuộc mít tinh vận động cử tri.
Nếu tính từ mùa hè này, là khoảng ba chục cuộc, để truyền năng lượng đến hàng trăm triệu người ủng hộ trên khắp cả nước.
Cựu phát ngôn viên Hạ Viện, Newt Gingrich, một người thân cận với ông Trump, được le Figaro trích dẫn trong số báo hôm 30/10 nói : « Đây là chiến dịch tranh cử tổng thống thứ 2. Ông (Trump) áp đặt sự thống trị ở đảng Cộng Hòa kiên quyết hơn bất kỳ tổng thống nào thời hiện đại ».
Đây cũng là cuộc bỏ phiếu sôi động nhất nước Mỹ kể từ hai thập niên trở qua và được giới quan sát đánh giá là một kỳ bầu cử gây chia rẽ nghiêm trọng nhất tại Hoa Kỳ.
Thậm chí đã xuất hiện bóng dáng bạo lực giữa chiến dịch tranh cử, như nhiều vụ bom thư gửi đến nhà Obama, Clinton, rồi tiếp đó là vụ xả súng kinh hoàng trong nhà thờ Do Thái giáo ở Pittsburgh.
Phía đảng Dân Chủ nhân cơ hội này chỉ đích danh tổng thống Trump là người đã chia rẽ nước Mỹ một cách có chủ ý.
Những vụ bùng phát bạo lực sát ngày bầu cử đã làm dấy lên trong dư luận Mỹ cuộc tranh luận phải chăng những phát ngôn dữ dằn, gây sốc của tổng thống Mỹ đã ít nhiều gây hiệu ứng kích động trong một đất nước đa chủng tộc vốn đã bị phân hóa sâu sắc.
Hàng loạt các chủ đề khác cũng nổi lên thành mối quan tâm lớn của cử tri trong đợt này, như chuyện đối xử với phụ nữ, người nhập cư, cuộc chiến tranh thương mại hay bảo hiểm y tế.
Tất cả đều liên quan đến những chủ trương, chính sách gây tranh cãi của tổng thống Trump.
Về đối nội, kết quả bầu cử sẽ phản ánh niềm tin mà người dân Mỹ dành cho ông chủ Nhà Trắng, hay cũng có thể là cơ hội cho ông Trump kéo dài chiến thắng cho cuộc chạy đua ở nhiệm kỳ tiếp theo.
Trên phạm vi quốc tế, cuộc bầu cử giữa kỳ lần này của nước Mỹ thu hút sự chú ý nhiều nhất của thế giới. Không chỉ có các đồng minh mà ngay cả các đối thủ của Mỹ đều theo dõi sát sao, ngóng đợi kết quả của cuộc bầu cử hôm nay.
Bởi vì, tương quan lực lượng sau cuộc bầu cử sẽ tác động đến bàn cờ chính trị quốc tế cũng như phản ứng của nhiều quốc gia từng bị ảnh hưởng của các quyết sách đối ngoại gần đây của tổng thống Trump, như tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran - vốn đã bị tổng thống Trump xé bỏ, viễn ảnh lệnh cấm vận Nga cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và chiến lược bảo hộ mậu dịch sẽ đi về đâu.
Các cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ trước ngày bầu cử đều có chung một xu hướng: hệ thống lập pháp, kiểm soát quyền lực của Mỹ, sẽ được chia lại.
Đảng Dân Chủ có thể giành lại được đa số ở Hạ Viện, phe Cộng Hòa của tổng thống tiếp tục nắm đa số ở Thượng Viện.
Thế nhưng, đó vẫn chỉ là dự báo. Những gì đã diễn ra trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016 buộc các nhà quan sát phải thận trọng.
Tin mới
- Nước Pháp cần có 2 ông Trump - 13/12/2018 01:49
- Pháp : Tăng trưởng, nạn nhân của phe Áo Vàng - 11/12/2018 16:46
- Khủng hoảng Áo Vàng đe dọa tham vọng cải tổ nước Pháp của TT Macron - 06/12/2018 14:56
- Giải mã mưu lược của ông Trump đối với truyền thông - 03/12/2018 20:29
- Khủng hoảng Áo Vàng : Chính phủ Pháp tìm một lối thoát hẹp - 03/12/2018 19:47
- Trump sẽ mang vị mặn chát của Biển Đông và Biển Đen vào G20 và và bữa ăn tối với Tập cận Bình - 01/12/2018 02:41
- TT D. TRUMP: ĐÃ ĐẾN LÚC LHQ PHẢI CẢI CÁCH - 26/11/2018 03:24
- Tập Cận Bình đang thất bại ở nước nào? - 26/11/2018 00:14
- Hiệp định INF chấm dứt : Nguy cơ chiến tranh hạt nhân - 23/11/2018 17:05
- Tương lai Brexit bất định dù chính phủ thông qua thỏa thuận ly hôn với EU - 16/11/2018 01:08
Các tin khác
- Vụ Khashoggi đe dọa chiến lược của Mỹ tại Trung Đông - 18/10/2018 21:21
- Biên giới Ireland gây bế tắc cho đàm phán về Brexit - 17/10/2018 16:35
- 99% tiên đoán sai, chỉ 1% tiên đoán đúng trong đó có Donald Trump - 04/10/2018 04:07
- Đại họa cho Việt Nam nếu Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư kiêm Chủ Tịch nước - 30/09/2018 23:42
- Một Thỏa Hiệp cần xét lại - 30/09/2018 23:28
- Dấu ấn tuần qua: Khi cựu Tổng thống buông lời khiếm nhã - 12/09/2018 21:29
- TT TRUMP ĐANG THẮNG HAY THUA? - 09/09/2018 05:13
- Miến Điện vỡ mộng sau hai năm Aung San Suu Kyi cầm quyền - 06/09/2018 22:02
- Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác kinh tế với châu Phi để tạo liên minh chính trị - 03/09/2018 15:48
- Luận Anh Hùng, Mc Cain ? - 28/08/2018 22:20