Phi hạt nhân hóa bế tắc nhưng quan hệ liên Triều tiếp tục cải thiện
- Thứ Ba, 18 tháng Chín năm 2018 22:58
- Tác Giả: Thanh Phương
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (t) và phu nhân được lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cùng phu nhân và em gái Kim Yo Jong nghênh đón trọng thể tại Bình Nhưỡng (Bắc Triều Tiên) ngày 18/09/2018.
Pyeongyang Press Corps/Pool via REUTERS
Một ngày trước chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng của ông Moon Jae In, phủ tổng thống Hàn Quốc hôm 17/09/2018 đã ra tuyên bố khẳng định phi hạt nhân hóa sẽ là ưu tiên của ông trong cuộc họp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba.
Nhưng không ai chờ đợi là thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng sẽ có những bước đột phá về phi hạt nhân hóa, do bất đồng giữa Bình Nhưỡng và Washington trên vấn đề này vẫn còn quá lớn.
Thượng đỉnh lần này tuy vậy sẽ thúc đẩy hơn nữa tiến trình xích lại gần nhau giữa hai miền.
Việc ông Kim Jong Un đón tổng thống Moon Jae In ngay tại sân bay, một hành động hiếm thấy, là biểu hiện rõ rệt nhất của quan hệ ngày càng thắm thiết của lãnh đạo hai miền. Để tỏ sự tôn trọng thượng khách miền Nam, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng còn huy động hàng ngàn người dân Bắc Triều Tiên đón chào dọc hai bên đường.
Tiến trình “tan băng” giữa hai miền đã khởi đầu với cuộc họp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào tháng 4 ở Bàn Môn Điếm.
Trong cuộc gặp đầu tiên đó, lãnh đạo hai miền đã tuyên bố “một thời đại hòa bình mới”.
Lúc đó, ông Kim Jong Un, một cách biểu tượng, đã là lãnh đạo đầu tiên của miền Bắc đặt chân lên miền Nam.
Sau đó, hai ông đã gặp lại nhau vào tháng 5, ngay trước cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Singapore vào tháng 6.
Theo đánh giá của công ty tư vấn Eurasia Group, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, nhân cuộc họp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un sẽ thúc ép việc tăng cường hợp tác liên Triều, nhất là trong những lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho miền Bắc.
Bản thân tổng thống Moon Jae In, mà uy tín hiện đang sụt giảm do kinh tế Hàn Quốc đang đình trệ, cũng cố gắng tăng cường hợp tác giữa hai miền Triều Tiên.
Tiến trình này đang trên đà thuận lợi.
Vào tuần trước, hai nước đã mở văn phòng đại diện đầu tiên, đặt tại tỉnh biên giới Kaesong của Bắc Triều Tiên, để liên lạc với nhau dễ dàng hơn.
Cho tới nay, Seoul và Bình Nhưỡng chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại và fax.
Văn phòng liên lạc nói trên là biểu tượng mới nhất của sự hòa giải giữa hai cựu thù, vì nó được đặt ngay tại một khu công nghiệp mà hai miền đã cùng điều hành cho đến khi bị đóng cửa vào năm 2016.
Trong khuôn khổ chính sách xích gần lại Bắc Triều Tiên, tổng thống Moon Jae In dự trù nhiều dự án kinh tế chung để cải thiện các cơ sở hạ tầng của miền Bắc, như đường bộ, đường sắt, hệ thống cung cấp điện…
Không phải vô cớ mà trong phái đoàn đi thăm miền Bắc lần này, tháp tùng tổng thống Moon Jae In có lãnh đạo những tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
Nhưng hai miền có đi đến một nền hòa bình bền vững hay không là tùy thuộc chủ yếu vào đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.
Trong cuộc gặp lịch sử với tổng thống Donald Trump ngày 12/06 tại Singapore, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã cam kết “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, một cụm từ rất mơ hồ, muốn hiểu sao cũng được.
Hai bên cho tới nay vẫn bất đồng với nhau về định nghĩa thế nào là phi hạt nhân hóa.
Washington đòi tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên phải là “hoàn toàn, vĩnh viễn và có thể kiểm chứng được”, nhưng Bình Nhưỡng thì lại muốn là trước hết Hoa Kỳ phải chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến đã kết thúc vào năm 1953 chỉ với một hiệp định đình chiến.
Bắc Triều Tiên đã lên án Mỹ hành xử theo kiểu “xã hội đen”, chỉ đòi Bình Nhưỡng đơn phương giải trừ vũ khí mà không có những nhân nhượng, không đưa ra những bảo đảm về an ninh, mà cũng không giảm nhẹ áp lực và các trừng phạt.
Hôm nay, tờ Rodong Shinmun, cơ quan ngôn luận của đảng cầm quyền tại Bắc Triều Tiên, đã lập lại những cáo buộc đó, cho rằng Washington “hoàn toàn chịu trách nhiệm” về bế tắc hiện nay.
Vốn đã là trung gian cho cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tại Singapore, tổng thống Moon Jae In nay sẽ phải nỗ lực thu hẹp bất đồng giữa hai bên.
Tin mới
- Lãnh đạo Nam Bắc Triều Tiên viếng thăm đỉnh núi thiêng Paektu - 20/09/2018 15:35
- Tàu ngầm Nhật tập trận ở Biển Đông: Tokyo thách thức Bắc Kinh mạnh hơn - 19/09/2018 18:21
- Tòa Án Hình Sự Quốc Tế điều tra về hồ sơ Rohingya - 19/09/2018 18:14
- Mỹ buộc truyền thông Trung Quốc đăng ký như cơ quan nước ngoài - 19/09/2018 18:06
- Máy bay Nga bị bắn hạ tại Syria : Putin và Netanyahu đấu dịu - 19/09/2018 16:47
- Vì sao Nga bị cáo buộc « can thiệp » vào Macedonia ? - 19/09/2018 16:37
- Ba Lan sẵn sàng chi 2 tỉ đô la để có căn cứ quân sự Mỹ - 19/09/2018 16:28
- Đức : Angela Merkel cách chức lãnh đạo sở phản gián - 19/09/2018 16:21
- Ông Đinh Việt đứng đầu về pháp lý và chính sách cho Công ty Fox mới - 19/09/2018 02:18
- Mỹ: Trump chính thức áp thuế đợt 2 lên 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc. - 19/09/2018 02:06
Các tin khác
- Trừng phạt Bình Nhưỡng: Mỹ, Nga đấu khẩu dữ dội tại Hội Đồng Bảo An - 18/09/2018 22:48
- Venezuela : Dân đói kém, tổng thống xài sang - 18/09/2018 20:26
- Doanh nghiệp châu Âu tố cáo nạn cạnh tranh bất bình đẳng ở Trung Quốc - 18/09/2018 19:13
- Liên Hiệp Quốc cổ vũ Miến Điện rút quân đội ra khỏi chính trường - 18/09/2018 18:44
- Seoul: Ưu tiên của thượng đỉnh liên Triều là phi hạt nhân hóa - 17/09/2018 21:25
- Thượng đỉnh Moon-Kim lần 3 giúp gì cho phi hạt nhân hóa ? - 17/09/2018 21:18
- Thương mại Mỹ-Trung : Bắc Kinh cam kết "trả đũa" - 17/09/2018 20:36
- Bão Mangkhut ập vào Hoa lục sau khi tàn phá Philippines - 17/09/2018 19:22
- Bão Mangkhut tại Philippines : Hơn 60 người thiệt mạng - 17/09/2018 19:14
- Căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Palestine - 17/09/2018 16:43