Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

California giảm tù nhân, cắt ngân sách

WESTMINSTER (NV) - Khoảng 2,200 người đang làm việc cho cơ quan Dịch Vụ Y Tế Nhà Tù California (California Correctional Health Care Services - CCHCS), cơ quan chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của hệ thống nhà tù California, nhận được thư thông báo cho nghỉ việc của tiểu bang hồi đầu tháng 12, 2012.

NhaTuCali

 

Tình trạng quá chật chội tại một trong 33 nhà tù trong hệ thống nhà tù tiểu bang California dẫn đến nhiều xô xát, bạo lực, bệnh tật: Mỗi tuần có một tù nhân chết trong hệ thống này. (Hình: website www.cdcr.ca.gov)

 

Trong số này có nhiều người gốc Việt!

“Ðọc danh sách sa thải mà chân tay bủn rủn.” Dược Sĩ Tâm Nguyễn than.

“Tôi già quá rồi, không biết có chỗ nào mướn không. Không có việc làm chắc tôi chết sớm quá.” Bác Sĩ Bình Phan tâm sự, với hàng nước mắt.

“15 năm làm việc ở đây như một kỳ nghỉ dài hạn.” Y tá Garcia Hernandez trầm ngâm nói về thời gian làm việc ở một nhà tù tiểu bang California.

Nay, “kỳ nghỉ” của Garcia, và của nhiều người khác, đã đến thời điểm chấm dứt.

Kỳ sa thải này sẽ ảnh hưởng đến 60 ngạch khác nhau trong ngành chăm sóc sức khỏe trên toàn tiểu bang, từ bác sĩ đến lao công, từ dược sĩ đến thư ký đánh máy. Nhiều trong số những người vừa nhận giấy báo sa thải cư ngụ tại quận Cam, Riverside, San Bernadino, và là người gốc Việt.

Thông báo sa thải của CCHCS tuy làm nhiều người rúng động, nhưng “không ngạc nhiên.”

Kể từ cuối năm 2011, hệ thống nhà tù California (California Department of Corrections and Rehabilitation - CDCR) thông báo sẽ phải sa thải 26,000 nhân viên, đa số là nhân viên canh gác nhà tù.

Lý do, là vì số tù nhân hiện đang được giam giữ tại 33 nhà tù trên khắp tiểu bang California đã giảm đáng kể.

Ði tìm căn nguyên

Mọi việc bắt đầu khi cách đây khoảng 6 năm, Tòa án Liên bang ra lệnh cho tiểu bang California phải cải thiện tình trạng y tế bị cho là dưới tiêu chuẩn quá xa, khi thống kê cho thấy trung bình mỗi tuần có một tù nhân chết trong 33 nhà tù của tiểu bang này.

Cả 33 nhà tù của California tràn ngập người, với số tù nhân cao gần gấp đôi so sức chứa. Trong một vụ kiện kéo dài nhiều năm, luật sư của tù nhân đã thuyết phục được tòa án liên bang rằng lý do nạn tử vong trong tù quá cao là do cuộc sống tù túng, chật như nêm cối, đưa đến bực bội, bạo lực, sự bùng phát của bệnh tật, mà không có sự chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

Không chỉ ra lệnh cho California giảm số người tù, Thẩm Phán Henderson còn bổ nhiệm ông J. Clark Kelso giám sát hệ thống chăm sóc sức khỏe của CDCR, và đưa ra những chương trình cải tổ cần thiết.

Sau nhiều năm cố gắng giảm thiểu số tù nhân, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vào Tháng Tư, 2012, CDCR công bố chương trình tái tổ chức hệ thống nhà tù, và xin chính quyền liên bang chấm dứt việc giám sát.

Kể từ khi nhận án lệnh giảm số tù nhân của liên bang, California giảm được 35,000 người bị giam, tuy thế vẫn chưa giảm đúng mức tòa án liên bang đòi hỏi, là chỉ chứa được tối đa là 137% sức chứa.

Việc giảm số tù nhân đưa đến việc phải cắt giảm nhân viên. Ðó là lý do của những danh sách sa thải dài lê thê làm nhiều người bị ảnh hưởng.

Thặng dư và phí phạm

NhaTuCali2

 

Những cái cũi tiêu biểu trong đó tù nhân trong hệ thống nhà tù tiểu bang California chờ để được khám bệnh. (Hình: website www.cdcr.ca.gov)

 

 

Tin sa thải nhân viên làm mọi người bối rối. Giới Công Ðoàn nhảy ngay vào cuộc, phản đối việc sa thải công chức tiểu bang.

Về phía nhân viên, tuy không ai “thích” bị sa thải, một số công chức cũng nhìn nhận tình trạng dư nhân lực và làm việc không hữu hiệu trong hệ thống nhà tù là có thật.

“Trong suốt 10 giờ làm việc, có dược sĩ không làm được 1 toa thuốc nào.” Dược Sĩ Tâm Nguyễn kể, và nói “sếp biết đấy nhưng chỉ cảnh cáo cho qua chuyện rồi đâu lại vào đấy. Ðuổi một công chức chính ngạch là chuyện vô cùng phức tạp.”

“Tôi thấy có rất nhiều người trốn việc trong nhà kho.” Ông Tim Henson, một công chức có thâm niên gần 20 năm, thuật lại. Ông bảo “khi hỏi sếp sao tuyển dụng nhiều người vậy,” sếp cười và bảo “cần dư người để phòng khi có nhân viên đau bệnh xin nghỉ bệnh hay nghỉ phép.”

Rồi như để chứng minh câu chuyện mình nói là thực, ông Tim nêu một ví dụ của việc điều hành nhà tù: “Buổi sáng, thuê người đào hố trồng cây, chiều lại ra lệnh lấp cái hố đó.”

Y tá Garcia Hernandez cho biết lâu lâu các sếp lại đến lập kế hoạch quản lý mới, thực hiện một thời gian rồi quay trở về cách cũ.

Tại sao lại có thể có tình trạng thặng dư nhân viên này?

Giới phân tích cho rằng, trong nhiều thập kỷ, số lượng tù tăng không ngừng tạo điều kiện cho giới lãnh đạo các cấp thảnh thơi lập ra quá nhiều kế hoạch trong hệ thống tù. Mỗi kế hoạch, dù lớn hay nhỏ, đều tốn ngân sách lẫn nhân lực.

Thêm vào đó, vì hệ thống nhà tù khép kín với xã hội nên ít bị sự nhòm ngó, và tránh được búa rìu phê phán của dư luận.

Thật ra thì vấn đề phí phạm của hệ thống nhà tù California không phải là không được báo chí nhắc đến.

Trong bài “State prison system lucrative for corrections workers” đăng trên tờ OC Register Tháng Giêng năm 2011, ký giả Brian Joseph đề cập đến việc cơ quan CDCR mướn nhiều người nhất, và trả lương cao nhất trong 150 cơ quan của tiểu bang California.

Tài liệu của California State Controller's Office cho thấy trong năm 2009, CDCR có tất cả 68,000 nhân viên, và trả họ một số lương tổng cộng... $4.78 tỉ.

Tình trạng phí phạm công quỹ của nhiều cơ quan công quyền giải thích tại sao làm việc cho chính phủ Mỹ là niềm mơ ước của nhiều người.

Một công chức, nếu không thăng quan tiến chức, thì cũng yên tâm an nhàn làm việc chờ ngày nghỉ hưu với bổng lộc hậu hĩ.

Hoặc phải chờ cho đến khi có những áp lực khiến các cơ quan này phải xét lại guồng máy làm việc của mình, như trường hợp sa thải hàng loạt của CDCR.

Sự kiện này cũng giải thích lý do tại sao người dân California không ủng hộ dự luật nào bắt họ phải đóng thêm thuế.

(Ghi chú: Các nhân vật trả lời phỏng vấn trong bài này đã được đổi tên, theo yêu cầu của người trả lời phỏng vấn.)

Switch mode views: