Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bạo hành gia đình gia tăng ở Trung Quốc

kim lee


Bà Kim Lee, vợ ông Lý Dương

 

Bà Kim Lee được tòa án tại Trung Quốc cho ly hôn và chồng bà phải trả tiền bồi thường

Hôm Chủ Nhật một vụ ly hôn kéo dài mà phần chủ chốt là bạo hành trong gia đình kết thúc tại tòa án ở Bắc Kinh.

Một bên của vụ xử là Lý Dương, một nhà triệu phủ nổi tiếng, người thành lập trường dạy tiếng Anh mang tên "Crazy English".

Bên kia là Kim Lee, bà vợ người Mỹ của ông Lý Dương; bà cáo buộc ông Lý tội bạo hành gia đình và muốn ly hôn đồng thời đòi một mình nuôi ba người con gái của họ.

Quan tòa đã quyết định cho ly hôn trên cơ sở bạo hành gia đình, cộng thêm lệnh cấm tiếp xúc trong ba tháng đối với ông Lý.

Tòa cũng hạ lệnh cho ông Lý phải trả cho bà Lý 50 ngàn nhân dân tệ (tương đương 8 ngàn đô la Mỹ) vì những đau khổ về tinh thần và tiền cấp dưỡng cho các con gái của họ cho tới khi chúng tới 18 tuổi, cộng thêm 12 triệu nhân dân tệ tiền bồi thường.

Sau khi bản án được đưa ra, trong tâm trạng có thể thấy rõ vừa thở phào nhẹ nhõm vừa muốn khóc, bà Lý nói với các phóng viên và những người ủng hộ bà: "Thu xếp một cuộc hôn nhân qua con đường tòa án không phải là cách tốt nhất, nhưng tình trạng bạo hành gia đình đã thực sự làm tôi đau khổ từ sâu thẳm tâm can."

Bà thúc giúc phụ nữ, những người vẫn đang phải chịu tình cảnh bị bạo hành tại gia, hãy sử dụng luật pháp để bảo vệ mình.

Cuộc chiến giữa hai vợ chồng bà bắt đầu vào tháng Tám năm 2011, khi bà Lee tung một vài tấm ảnh lên mạng xã hội Sina Weibo, cho thấy những vết bầm tím trên người mà bà nói rằng là kết quả do bị chồng đánh.

Những bức ảnh đã lan ra nhanh chóng trên mạng. Nhiều người đã rất kinh ngạc và bày tỏ quan ngại. Những người khác cho rằng bà Lee đã đi quá xa trong khi chính ông Lý Dương đưa ra những bác bỏ và đe dọa.

Ông Lý Dương là một người được nhiều người tại Trung Quốc biết đến, sau khi đi đầu trong phương pháp dạy tiếng Anh 'Crazy English' vào giữa những năm 1990s. Hơn 30 triệu người dự các buổi thuyết giảng của ông.

Vụ án ồn ào này đã khiến một vấn đề mà ít người muốn công khai đề cập tới trở thành trung tâm của những trao đổi trên toàn quốc.

Trên mạng xã hội Tencent Weibo, nhiều người tỏ thái độ giận dữ với ông Lý Dương.

"Làm sao ông ta có thể đi dạy thanh niên khi ông ta hành xử như vậy?" một người sử dụng mạng internet này viết.

"Cách cư xử của ông Lý Dương là không thể tha thứ được - nó phải bị lên án, phạt tiền là chưa đủ, ông phải nếm trải chính những gì ông đã hành xử đối với vợ ông," một người khác gợi ý.

Án tử hình

daigia li yang

 

Ông Lý Dương là một doanh gia nổi tiếng tại Trung Quốc

 

 

Theo một khảo sát được thực hiện trên toàn quốc năm 2011, một trong bốn phụ nữ tại Trung Quốc đã phải chịu một hình thức bạo hành gia đình nào đó.

Trong quá khứ, những phụ nữ bị đánh đập xem đó là chuyện gia đình và cảm thấy miễn cưỡng không muốn đi trình báo, nhưng thái độ này đang dần dần thay đổi.

Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã, năm 2005 tòa án tại Bắc Kinh đã giải quyết 217 trường hợp liên quan tới bạo hành gia đình; năm 2011 con số này tăng lên 657.

Trong khi bà Kim Lee giành thắng lợi trước ông chồng nổi tiếng của bà thì một vụ khác có thể có kết thúc không được có hậu như vậy.

Lý Diễm (không có họ hàng gì với Lý Dương), một phụ nữ ở tỉnh Tứ Xuyên, đã bị án tử hình hồi tháng Tư vì đã giết chồng, ông Đàm Dũng.

Bà Lý Diễm nói bà đã chịu đựng hàng năm trời tình trạng xâm hại và bạo hành dưới bàn tay ông Đàm, kể cả bị chồng dùng đầu thuốc lá đang hút châm bỏng, bị chặt ngón tay và bị khóa cửa không cho vào nhà trong những ngày mùa đông.

Bà Lý Diễm khiếu nại với cảnh sát và giới chức địa phương về tình trạng bị bạo hành nhưng họ đã không thực hiện điều tra.

Hồi tháng 11 năm 2010 bà giết chồng bà trong một vụ ẩu đả, đập ông này bằng báng súng hơi mà luật sư của bà Lý nói chồng bà đã dùng để dọa sẽ bắn chết bà. Sau đó bà chặt xác người chồng.

Bằng chứng về tình trạng bạo hành bao gồm hồ sơ của cảnh sát, hồ sơ tại bệnh viện, lời khai nhân chứng, ảnh chụp những thương tích của bà và những đơn khiếu nại tới ACWF (Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc) được trình bày trước tòa, tổ chức Human Rights Watch nói trong một tuyên bố hôm 30 tháng Giêng, nhưng tòa ra quyết định như vậy chưa đủ để chứng minh bà bị bạo hành gia đình.

Bà Lý Diễm kháng án tử hình trên cơ sở tự vệ nhưng đã bị Tòa Phúc thẩm tại Tứ Xuyên bác bỏ.

Có tin là Tòa án Nhân dân Tối cao đã bật đèn xanh cho việc thực thi án tử hình, mặc dù luật sư của bị cáo cho biết bà chưa nhận được quyết định. Việc thi hành án thường diễn ra trong vòng bảy ngày kể từ khi có quyết định của Tòa án Tối cao.

Không có bằng chứng?

china casamento

 

̣Đám cưới tại Bắc Kinh: hôn nhân Trung Quốc cũng chịu tác động của áp lực xã hội

 

 

Đang có những nỗ lực hối hả trong vài ngày qua để ngăn chặn việc tử hình. Hôm 25 tháng Giêng, hơn 100 luật sư, học giả và nhân viên các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã thúc giục Tòa Tối cao hãy xem xét lại quyết định của họ.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng gửi một kiến nghị, lập luận rằng nếu những người có quyền lực có hành động đủ để bảo vệ bà thì thảm kịch này đã có thể được ngăn chặn.

Người dân cũng đã tìm tới mạng xã hội để bày tỏ ý kiến của mình.

"Kết án tử hình với bà Lý Diễm là đi ngược lại với tinh thần của luật pháp; bà chỉ tự vệ, và đó là một hành động chính đáng," một người viết trên mạng Tencent Weibo.

"Bà Lý Diễm đã chịu đựng một thời gian dài, tại sao tòa lại có thể không tìm thấy một bằng chứng nào?" một người khác đặt câu hỏi.

Trung Quốc chưa có luật đặc biệt đề ra về bạo hành gia đình và nó đang gây ra vấn đề cho những vụ án tại tòa, như định nghĩa bạo hành gia đình và khó khăn trong việc lấy bằng chứng.

Cũng còn thiếu hỗ trợ cho chính những người đang bị bạo hành, như được thấy trong trường hợp bà Lý Diễm.

Có lẽ những trường hợp được nhiều người biết đến này sẽ buộc tòa án và cả xã hội phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về bạo hành trong gia đình.

Switch mode views: