Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-03-2018

Khi nước Nhật tiêu vong chỉ vì dân Nhật già đi !

gia japan

Một bà cụ vỗ tay gọi chó robot tại viện dưỡng lão Shintomi ở Tokyo, ngày 02/02/2018.
REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Trong dòng thời sự được các tạp chí quan tâm và chạy tựa trang bìa khá đa dạng tuần này, tựa của tạp chí Courrier International khiến người đọc ngạc nhiên hơn cả :
 « Ngày mà Nhật Bản sẽ biến mất… », bên cạnh là bức ảnh một cụ già. Dòng chữ nhỏ bên trên hàng tựa giải thích : Đây là một phóng sự điều tra về thảm họa dân số đang đe dọa quần đảo.
Bên trong là một hồ sơ dài 7 trang, lược qua tình hình và nói về những phương thức có thể khắc phục.

Dân số Nhật hiện nay là 127 triệu. Theo kết quả nghiên cứu và những dự phóng gần đây thì vào năm 2065 số người trên lãnh thổ Nhật Bản chỉ còn lại 88 triệu.
Đây là một quả bom nổ chậm đang đe doa xứ hoa anh đào.

Tạo chí Courrier International trích dẫn tờ báo Nhật Ashahi Shimbun, đã rất lo lắng trước hiện tượng này và trách cứ chính quyền Nhật, là trong nhiều năm, đã không làm gì để ngăn chặn đà sụt giảm. Đây là một yếu tố đáng được quan tâm, trong lúc đó thì giới trẻ lại bị bỏ mặc.

 Quan điểm của thủ tướng Shinzo Abe hiện giờ trong việc khắc phục hiện tượng thiếu lao động, là không sử dụng lá bài nhập cư mà ưu tiên sẽ dành cho việc phát triển thông minh nhân tạo – robot - trong lao động và dịch vụ phục vụ con người. Nhưng mọi người đều hoài nghi.

Tuổi trẻ là sinh lực, nhưng lại bị lơ là

Báo Ashahi Shimbun tỏ vẻ khá gay gắt trước hiện tượng tầng lớp trẻ, thế hệ kế tục, sức mạnh của đất nước, lại không được quan tâm, nâng đỡ đúng mức.

Trên chính trường, tờ báo lấy làm tiếc rằng thanh niên có quá ít người đại diện, những người dưới 30 tuổi hầu như không tiếng nói.
Trong bối cảnh dân số già đi và giảm sụt nhanh chóng này, nhiều huyện dân cư thưa thớt hẳn, có nguy cơ không chóng thì chày biến mất, tầng lớp trẻ kế thừa phải tham gia năng động hơn vào sự vận hành của đất nước.
 Hiện nhiều người ở Nhật đã ý thức là phải cùng thanh niên xây dựng tương lai của đất nước .

Tờ báo còn nêu lại sự kiện một số công chức trẻ (20-30 tuổi) của các bộ Kinh Tế, Thương Mại năm ngoái 2017, đã đánh động dư luận qua một báo cáo đăng trên internet, tựa đề « Người lo âu, Nhà Nước tê liệt », nêu bật tình trạng nước Nhật trở thành khô cứng, tê liệt, đời sống chính trị do tầng lớp cao niên thâu tóm trong lúc xã hội lại thờ ơ trước thế hệ trong tuổi lao động, thanh niên không phát huy được vai trò của họ.

Báo cáo vẽ ra một nước Nhật thảm hại : Tỉ lệ sinh đẻ giảm sụt, dân chúng già đi, bất bình đẳng, tình trạng nghèo khó gia tăng, công việc làm tạm bợ ngày càng nhiều.
Trong mắt các tác giả, nước Nhật vẫn vận hành theo mô hình thời đại Showa trước đây, trong lúc đang ở thời đại Heisei (sẽ kết thúc khi đương kim Nhật Hoàng thoái vị vào ngày 19/04/2019).
Cảm nhận của họ là Nhật Bản đang đi trên một con đường nguy hiểm nếu tiếp tục như hiện nay.

Theo báo Asahi Shimbun, hiên có 896 huyện trên đà tiêu vong.
Tại những nơi mà số lượng phụ nữ trong tuổi có thể sinh đẻ giảm 50%, thì đà suy giảm dân số không thể đảo ngược.

Tại những huyện nói trên, tỉ lệ phụ nữ trong tuổi có thể sinh con giảm từ 50 đến 69%, có nơi giảm hơn 70%, đặc biệt là ở vùng phía bắc Nhật Bản như ở đảo Hokkaido, vùng Tohuku phía bắc Honshu.

Giải pháp của Shinzo Abe: Dùng robot chứ không cho nhập cư

Thủ tướng Abe như nói trên đã tuyên bố dứt khoát không nhờ đến lao động nhập cư để bổ khuyết tình trạng dân số suy giảm, tuy rằng trong thực tế, việc cấp visa đã dễ dãi hơn đối với một số thành phần lao động nước ngoài, đặc biệt trong những ngành nghề mà thanh niên Nhật không mấy hứng thú, và nhất là trước Thế Vận Hội 2020.

Theo giới chuyên gia thì Nhật Bản ít ra phải đón 200.000 người nước ngoài hàng năm, để dân số không xuống dưới ngưỡng 100 triệu dân.
 Thế nhưng chủ trương của thủ tướng Shinzo Abe là ưu tiên phát triển thông minh nhân tạo - sử dụng robot để bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân công.

Theo viện nghiên cứu Nomura, thị trường về robot cho lãnh vực dịch vụ sẽ lên đến 38 tỉ euro từ đây đến năm 2020.
Robot mang hình dáng con người có khả năng phát hiện cảm xúc để phản ứng như Pepper của SoftBank đã được triển khai ở 500 cửa hiệu.

 Theo dự kiến của bộ Y Tế Nhật, thì từ đây đến 2035, lãnh vục dịch vụ phục vụ người già sẽ thiếu 380.000 nhân công.
Nhưng vấn đề sử dụng robot trong dịch vụ phục vụ con người còn gặp 2 vấn đề : giá cả và an toàn.

Courrier International nêu bật : Đời sống khó khăn ở Nhật những năm gần đây là một yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng sụt giảm dân số.
Trong năm 2016, một người trên hai ở Nhật có việc làm tạm bợ. Năm 2015, một người đàn ông trên bốn sống độc thân.
Theo tạp chí Pháp thì khi thu nhập hàng năm chỉ ở mức 3 triệu yen – 23.000 euro - thì một người đàn ông sẽ ít chịu lấy vợ vì sẽ phải một mình đảm trách chi tiêu gia đình. Đến giờ thì 70% phụ nữ Nhật ở nhà sau khi sinh đứa con đầu lòng.

Trung tá Arnaud Beltrame: Một anh hùng Pháp

Tuần báo L’Obs đã dành trang bìa để vinh danh cố đại tá Hiến Binh Pháp Arnaud Beltrame, đã hy sinh bản thân để cứu một phụ nữ bị khủng bố bắt làm con tin ở tỉnh Aude hôm 23/03 vừa qua, với một bức ảnh của ông Beltrame bên cạnh câu hỏi lớn : « Thế nào là một anh hùng ? ».
Câu trả lời đã được L’Obs nêu rõ ở bên trong, trong một hồ sơ dài 13 trang, với phần mô tả chân dung của Arnaud Beltrame, một người đã sống vì người khác.

Riêng về khái niệm anh hùng là gì được nêu ở trang bìa, tuần báo đã nhờ năm trí thức nổi tiếng tại Pháp thử đưa ra những lời giải đáp, từ các sử gia Jean-Noel Jeanneney, Pascal Ory, nhà tâm lý học thần kinh Boris Cyrulnik, nhà xã hội học Michael Wieviorka, cho đến triết gia Frederick Worms.

Đồng nghiệp của L’Obs là Le Point cũng cho in một băng tang đen trên bìa ấn bản tuần này với hàng tựa bằng chữ trắng : « Arnaud Beltrame : Cuộc đời và số phận của một anh hùng ».
Bên trong, là một hồ sơ dài 7 trang do một ê kíp gồm 8 nhà báo thực hiện để nói về vụ khủng bố tại tỉnh Aude và người sĩ quan hiến binh Beltrame.
Riêng tuần báo L’Express thì chỉ dành một cột nhỏ để nói về Arnaud Beltrame, được tờ báo ghi nhận là một anh hùng, vừa là hội viên Hội Tam Điểm Pháp (Franc-maçon), vừa là một tín đồ Công Giáo.

Thánh chiến Pháp, họ là ai ?

Nhưng, điều đáng chú ý là tạp chí đã dành hai trang để nói về công trình của Marc Hecker, một nhà nghiên cứu về các phần tử thánh chiến tại Pháp, sắp được đăng trong chuyên san Focus Stratégique số 79 của viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, số ra tháng 4 năm 2018.
Nhà nghiên cứu này đã phân tích quá trình hoạt động của137 người, cả đàn ông lẫn phụ nữ, đã bị kết án về tội khủng bố mang tính chất Hồi Giáo cực đoan tại Pháp trong thời gian qua.

Kết quả cho thấy là 69% các phần tử thánh chiến này là người mang quốc tịch Pháp, và 22% là những người song tịch : Pháp-Maroc (như như Lakdim Radwan, kẻ khủng bố ở tỉnh Aude) ; Pháp-Algeri hay Pháp-Tunisie.

Trong 125 trường hợp trong số 137 đối tượng được nghiên cứu, nguồn gốc của cha mẹ những người này được nêu rõ : Vùng Bắc Phi Maghreb (74 người), Pháp (22 người) và châu Phi hạ Sahara trong đa số trường hợp.
Về tôn giáo, 101 người xuất thân từ gia đình theo Hồi Giáo, số còn lại là những người đã tự ý theo đạo Hồi. Rất nhiều người trong số này không biết gì về tôn giáo của họ.

Phân tích về đặc điểm vừa nêu, nhà xã hội học Farhad Khos Rokhavar đã cho rằng : « Tình trạng Hồi Giáo trở thành cực đoan ở các vùng ngoại ô Pháp không bắt nguồn từ việc hiểu biết sâu rộng trước đó về đạo Hồi, mà ngược lại là một sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng, đào sâu tâm lý cả tin, một dạng thức của sự ngây ngô ».

Phương Tây trên đà suy đồi ?

Tuần báo L’Express đã dành trang bìa cho một câu hỏi đang đè nặng trên giới trí thức Âu Mỹ : « Phương Tây phải chăng đã tiêu tùng ? – L’Occident est-il fichu ? », trước Daech, Trung Quốc, Nga và sự co cụm của Mỹ.

L’Express đã dành như vậy là 12 trang cho điều đang được gọi là chủ nghĩa suy đồi – déclinisme - ở phương Tây, trong đó có 5 trang nói về tác phẩm mới của học giả nổi tiếng Bernard Henri-Levy, thường được gọi dưới tên tắt là BHL.

Quyển sách mang tựa đề « Đế chế và 5 vị vua », đã được nhà xuất bản Grasset phát hành, trong đó tác giả tìm cách mô tả một châu Âu và một nước Mỹ đang bị năm thế lực đang vươn lên thách thức. Các thế lực đó là Trung Quốc, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Ả Rập bao che và phổ biến chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan.

Theo L’Express, dĩ nhiên là không phải ai cũng đồng ý với quan điểm cũng như con người của BHL. Một ví dụ : Trong bài "Những điều mù quáng nơi BHL", cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine đã cho rằng khung phân tích sự việc của tác giả quá trừu tượng.

Tuần báo Pháp cũng dành hai trang báo cho bài viết của Nicolas Baverez, kinh tế gia kiêm bình luận gia, người được cho là đã sáng tạo ra thuật ngữ « chủ nghĩa suy đồi – déclinisme ».

 Đối với tác giả này, tại phương Tây ngày nay, « Các chế độ dân chủ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất kể từ những năm 1930, nhưng có thể vươn dậy bằng cách thúc đẩy một sự tăng trưởng toàn diện, không loại trừ ai, và tái khẳng định các giá trị và số phận chung của mình, vượt lên trên các lợi ích riêng tư. Họ phải tự võ trang không chỉ trên mặt quân sự, mà trên tất cả các bình diện chính trị, trí tuệ và đạo đức, và tin tưởng trở lại vào sự tự do ».

Nhà Thờ Đức Bà Paris trong số kiệt tác kiến trúc bị lâm nguy

Trái với các đồng nghiệp, Le Point tuần này đã dành trang nhất và hồ sơ chính cho công cuộc « Cứu vớt di sản kiến trúc Pháp ».
Tuần báo đã độc quyền công bố danh sách 250 công trình kiến trúc Pháp đang bị đe dọa, sắp xếp theo từng vùng, với tổng chi phí trùng tu được dự kiến, và số tiền hiện còn thiếu để sửa sang.

Điều mà ít người biết đến là Nhà Thờ Đức Bà Paris cũng nằm trong danh sách công trình bị lâm nguy.
 Trong 4 trang báo, Le Point đã nêu bật tình trạng thảm hại và trên đà rệu rã của công trình vẫn được 13 triệu khách tham quan mỗi năm.
André Finot, người phụ trách truyền thông của Nhà Thờ Đức Bà đã phải công nhận rằng Nhà Thờ hiện nay giống như Liên Xô trước đây, « mặt tiền thì được phục hồi, nhưng phía sau là đống đổ nát ».

Với số lượng cả chục triệu khách mỗi năm, câu hỏi đặt ra là tại sao không thu phí vào cửa, khiêm tốn thôi, để có tiền bảo trì và trùng tu nhà thờ, nhất là khi đây là điều đang được thực hiện ở các nhà thờ đẹp nhất ở Venise, hay tại nhiều danh lam thắng cảnh khác ?
Thế nhưng, câu trả lời cho đến nay vẫn là không, cho dù Nhà Thờ Đức Bà hiện tiêu tốn 800 euro tiền sưởi và 1.000 euro tiền điện mỗi ngày, chưa kể đến lương của 67 nhân viên.

Switch mode views: