Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-01-2013
- Thứ Bảy, 05 tháng Giêng năm 2013 21:40
- Tác Giả: Minh Anh
Liên hiệp châu Âu : Khả năng phòng thủ chỉ đủ cho một tuần
Chiến đấu cơ đa năng Typhoon EF-2000 do EADS, Alenia Aeronautica và BAE Systems consortium hợp tác sản xuất. Máy bay hiện được sử dụng chủ yếu trong quân đội Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha.
Reuters
Hoa Kỳ tập trung đến 46% các khoản chi tiêu quân sự trên thế giới. Trung Quốc và Nga đầu tư hàng loạt cho quốc phòng.
Riêng năm 2012, Trung Quốc đã tăng mức đầu tư cho quốc phòng đến 11,2%, cao hơn cả mức tăng 9,2% tổng sản phẩm nội địa trong năm 2011.
Ngược lại, tại Liên hiệp châu Âu, ngân sách chi cho quốc phòng chưa đến 2% của GDP.
Thấp đến mức tổng tư lệnh quân đội Thụy Điển, tướng Goranson buộc phải lên tiếng báo động, trong trường hợp có chiến sự, châu Âu không thể nào tồn tại được quá một tuần. Chủ đề này được báo Le Monde, số ra cuối tuần đề cập đến qua bài viết đề tựa « Theo tổng tư lệnh Thụy Điển, đất nước không thể nào tự vệ được nữa ».
Le Monde cho biết, Tổng tư lệnh quân đội Thụy Điển, tướng Sverker Goranson đã đưa ra một tuyên bố chấn động hồi đầu tuần này, khi cho rằng trong trường hợp bị tấn công quân sự cỡ vừa, Thụy Điển chỉ có thể tự vệ được trong vòng một tuần. Sau đó thì quân đội sẽ không còn khả năng kháng cự nếu chiến sự kéo dài.
Gần 15 năm nay, ngân sách chi cho quốc phòng của quốc gia đã bị cắt giảm đến một nửa, kể từ khi thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Thấp đến mức một giới chức Dân chủ Thiên chúa giáo phải lên tiếng cảnh báo « quốc phòng không thể nào được sử dụng như là một công cụ để điều tiết ngân sách ».
Le Monde cho biết, kể từ gia nhập Liên hiệp châu Âu năm 1995, Thụy Điển đã thay đổi học thuyết quân sự, từ lập trường « trung lập » thành « liên minh tự do ». Điều đó đòi hỏi một trách nhiệm nặng nề để mà có khả năng tự vệ bằng chính năng lực của mình trong trường hợp bất trắc.
Trong vòng một thập kỷ qua, các chính phủ nối tiếp nhau cho rằng an ninh quốc gia không còn bị đe dọa nữa, dẫn đến tình trạng cắt giảm thảm hại các khoản đầu tư thiết bị quốc phòng thay bằng cách dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Giờ đây, quân đội cho rằng mức độ mất an ninh bắt đầu tăng trở lại.
Đối với Thụy Điển, việc Nga tăng cường đầu tư ồ ạt trong quốc phòng là một mối hiểm họa chính. Vì vậy, lãnh đạo ngành tình báo quân sự Thụy Điển tuyên bố vào hồi mùa thu năm 2012 vừa qua, rằng Stockholm nên xem xét các hậu quả của sự việc từ đây cho đến lúc công bố chính sách quốc phòng lần tới vào năm 2015. Tuy nhiên, lời tuyên bố đó đã không được chính phủ đồng tình, khi nhắc lại rằng khung ngân sách quốc phòng đã được thiết lập cho đến năm 2019, rằng Tổng tư lệnh nên chấp nhận lấy điều đó.
Nguy hiểm : Liên hiệp châu Âu không muốn tự vệ
Liên quan đến chủ đề này, bài xã luận trên báo Le Monde mang tựa đề « Nguy hiểm : châu Âu từ bỏ phòng thủ » cho hay đa số các nước thành viên trong khối đều có cùng cảnh ngộ với Thụy Điển.
Theo nhận định của tác giả bài viết thì việc cắt giảm nghiêm trọng cho quốc phòng, không những có những tác động nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp quốc phòng.
Bãi xã luận cho rằng ngoài các vấn đề về an ninh, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng còn ảnh hưởng đến một khía cạnh chiến lược khác : đó chính là ngành công nghiệp quốc phòng. Bản báo cáo do cựu ngoại trưởng Pháp gửi cho tổng thống Pháp François Hollande có nhấn mạnh rằng, với nhịp độ cắt giảm ngân sách như hiện nay, rất có thể ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu cũng sẽ biến mất hoàn toàn trong các cuộc đấu thầu tại các nước mới trỗi dậy. Mà ví dụ điển hình là vụ tranh thầu bán chiến đấu cơ cho Brazil giữa hai quốc gia Pháp và Thụy Điển.
Nguy hiểm hơn nữa là việc không còn ngành công nghiệp quốc phòng sẽ khiến châu lục già cỗi này lệ thuộc hoàn toàn vào Hoa Kỳ, vốn đang khao khát tìm cách bù đắp lại chỗ thiếu hụt ngân sách mà họ cũng đang phải gánh chịu. Và như vậy châu Âu sẽ mất dân tầm ảnh hưởng, mất việc làm và quyền tự chủ. Đó chính là những mặt trái mà việc cắt giảm ngân sách quốc phòng cần phải xem xét đến.
Cuối cùng, bài xã luận nhận xét rằng, nếu bỏ ngoài tai những lời phàn nàn muôn thưở, thì các tướng lĩnh cũng có cái lý của họ : trong khi các nước trỗi dậy ở phía Nam tái vũ trang quân đội, thì châu Âu lại đi quá đà trong việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
Trung Quốc : việc kiểm duyệt một tuần san gây bất bình trong giới cư dân mạng và ký giả
Từ nhiều ngày nay, chưa bao giờ thế giới mạng tại Trung Quốc lại bị khuấy động mạnh đến như thế. Giới cư dân mạng trong nước lên án hành động kiểm duyệt thô bạo một bài xã luận, lẽ ra phải được đăng hôm thứ năm 03/01/2013, trên tờ tuần san "Nam Phương Chu Mạt", một tuần báo được coi là "có uy tín nhất" tại Trung Quốc.
Theo nhận định của báo Le Monde, sự việc không những gây bất bình trong giới cư dân mạng mà còn lan sang cả giới ký giả.
Nhiều người đã không ngần ngại lên án hành động kiểm duyệt trên như là một sự « xâm hại » đến tờ báo, vốn rất nổi tiếng về những bài phóng sự điều tra, những tiết lộ và nhất là về quan điểm ủng hộ cải cách.
Le Monde cho biết bài xã luận của ông Đới Chí Dũng đáng lẽ sẽ được đăng trong số mới đầu năm hôm thứ năm 03/01 vừa qua. Dưới tiêu đề « Giấc mơ Trung Hoa , giấc mơ một nhà nước pháp quyền », tác giả bài viết gợi nhắc lại những tia hy vọng cải cách chính trị mà nhiều nhân sĩ trí thức trong nước đã đề cập đến nhân kỳ bầu ban lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước.
Ông viết : « Dân tộc Trung Hoa phải là những con người tự do. Giấc mơ Trung Hoa phải là giấc mơ một nhà nước pháp quyền ». Ông còn nhấn mạnh thêm rằng : « Chỉ dưới một nhà nước pháp quyền đất nước mới trở nên hùng cường ».
Le Monde cho rằng tác giả bài viết đã khéo léo sử dụng lại chủ đề « Giấc mơ Trung Hoa » (Trung Hoa Mộng) do chính tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, trong đợt tham quan một buổi triễn lãm mang chủ đề « Con đường Đại phục hưng Trung Hoa ».
Bài báo trích lại lời tuyên bố như sau : « Như thế nào là giấc mơ Trung Hoa ? Thực hiện cuộc Đại phục hưng tinh thần dân tộc là giấc mơ lớn nhất của đất nước Trung Quốc hiện đại ».
Thế nhưng, theo báo Le Monde, thay vào bài xã luận là một bài viết ngắn ngủn, vô vị mang tựa đề « Chưa bao giờ chúng ta gần với giấc mộng của chúng ta đến thế », của ông Sải Chấn, Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Đông. Đó là chưa kể đến những sai lệch thực tế, lỗi chính tả, mà Le Monde đánh giá là một sự tổn hại nghiêm trọng trên trang nhất của tờ báo.
Tuy nhiên, theo báo Le Monde, dù bị kiểm duyệt không được đăng trên tạp chí, nhưng bài xã luận của ông Đới Chí Dũng không ngừng được phổ biến trên các trang mạng xã hội, bất chấp việc giao diện blog của các ký giả của tòa soạn bị các nhà kiểm duyệt hủy bỏ.
Ấn Độ : Chống xâm hại tình dục, xúc động và cơn giận
Báo Le Monde tiếp tục đưa độc giả đến Ấn Độ, quốc gia Nam Á. Cái chết của nữ sinh viên sau khi bị cưỡng hiếp tập thể đang làm trỗi dậy một cuộc tranh luận chưa từng có về các giá trị xã hội . Chủ đề này được báo Le Monde đề cập đến qua bài nhận định đề tựa « Chống xâm hại tình dục, sự xúc động và cơn thịnh nộ ».
Theo nhận định của Le Monde, ngoài làn sóng biểu tình chống lại nạn bạo hành phụ nữ, vụ cưỡng hiếp tập thể đó còn cho thấy một mặt trái khác của xã hội Ấn Độ đương đại.
Đầu tiên hết, tác giả bài viết quan tâm đến con số các vụ bạo hành phụ nữ do giới truyền thông đưa ra. Riêng trong năm 2011, tại Ấn Độ có đến 26 ngàn vụ cưỡng hiếp phụ nữ. Ai cũng biết rằng con số đưa ra đó vẫn còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Nhưng nếu quan sát kỹ, số liệu đưa ra cho thấy một xu hướng rất quan trọng : trong vòng 6 năm gần đây, số vụ cưỡng hiếp phụ nữ đã tăng vọt đến 25%. Và vụ cưỡng hiếp tập thể mới đây chỉ là giọt nước tràn ly.
Trong vòng hai tuần biểu tình, người dân không ngừng tố cáo thái độ lạnh lùng của chính phủ và sự bất lực của cảnh sát.
Ngoài những lời kêu gọi thù hằn, đòi treo cổ kẻ phạm tội, người ta còn cảm thấy một sự mặc tưởng đau đáu về cội rễ của sự xấu xa, mang tính xã hội và văn hóa. Xâm phạm tình dục là điểm chót cùng của một kiểu văn hóa quấy rối tình dục mà phụ nữ là đích ngắm hàng ngày ngay nơi công cộng tại Ấn Độ, chứ đừng nói đến nơi riêng tư.
Theo phân tích của một số chuyên gia, do phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội, nhất là trong thế giới việc làm, nên giới mày râu bắt đầu rơi vào khủng hoảng. Do đó, xâm hại tình dục là phương cách duy nhất để kéo phụ nữ về đúng chỗ của họ qua việc dạy những kẻ khác thường « một bài học ». Giống như chuyện một số mày râu thượng lưu tự cho mình quyền được cưỡng hiếp phụ nữ thuộc tầng lớp hạ đẳng nhằm nhắc nhở rằng họ thuộc tầng lớp thứ cấp trong xã hội.
Cuối cùng, tác giả bài viết đặt câu hỏi, sau ngày nổi dậy tại New Dehli, liệu kể từ giờ Ấn Độ có chấp nhận nhìn thẳng phía trước hay không ?
Tác giả cho rằng bài thực hành đó còn lắm gian truân.
Tin mới
- Hỏa tiễn Mỹ hạ sát 10 phiến quân tại Pakistan - 07/01/2013 22:56
- Việt kiều thắng kiện 55 triệu đôla - 07/01/2013 17:54
- Bộ Quốc phòng Mỹ và CIA có sếp mới - 07/01/2013 17:45
- TNS Chuck Hagel sẽ giữ chức bộ trưởng quốc phòng - 07/01/2013 02:32
- Ấn Độ và Pakistan đụng độ ở Kashmir - 07/01/2013 02:21
- Tổng thống Assad từ chối ra đi - 07/01/2013 02:16
- Hồ sơ Kachin: Aung San Suu Kyi chỉ can thiệp nếu chính quyền yêu cầu - 07/01/2013 01:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-01-2013 - 07/01/2013 00:45
- Iraq: Hàng ngàn người Hồi giáo Sunni biểu tình - 06/01/2013 03:24
- Báo VN gọi tập trận của TQ là trái phép - 06/01/2013 03:15
Các tin khác
- Chiến đấu cơ Nhật chận máy bay Trung Quốc gần không phận Senkaku - 05/01/2013 21:32
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-01-2012 - 05/01/2013 05:36
- Dân TQ chưa tin nước họ là 'siêu cường' - 03/01/2013 22:39
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-01-2013 - 03/01/2013 21:55
- Châu Á đua nhau mua vũ khí Mỹ - 02/01/2013 21:04
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-01-2012 - 02/01/2013 16:48
- ‘Fiscal cliff’ gần kề, nhưng tạm thời không ai bị tăng thuế - 02/01/2013 00:43
- TQ 'điều tàu chiến tàng hình ra Biển Đông' - 02/01/2013 00:34
- Lệnh lục soát tàu ở Biển Đông có hiệu lực - 02/01/2013 00:27
- Biểu tình chống TQ ‘gây bất ổn’ - 02/01/2013 00:20