Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-12-2012

Ba thách thức đối với Nhật Bản

population japan

 

Nhật Bản trước thách thức dân số trên đà lão hóa.
DR

Le Monde dành nội dung chính của phụ trương cho chủ đề nước Nhật nhân cuộc bầu cử Quốc hội ngày 16/12/2012 với hàng tựa lớn : « Ba thách thức đối với Nhật Bản ».

 

Khủng hoảng chính trị, khủng hoảng về khả năng cạnh tranh kinh tế cùng với khủng hoảng xã hội là các thách thức chính của nước Nhật hiện nay.

Trong lĩnh vực xã hội, bất bình đẳng gia tăng và việc bộ phận dưới của tầng lớp trung lưu nghèo đi, trên cái nền chung dân cư ngày càng già hơn, là những khó khăn mà Nhật Bản đang phải đối diện.

Trong khoảng hai thập niên, hình ảnh của Nhật Bản đã chuyển từ một mẫu mực của sự phát triển trong những năm 1980, thành một đất nước bị coi là trì trệ, luẩn quẩn trong các vấn đề riêng.

Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua, không có ai trong số hai ứng cử viên nhắc đến, dù chỉ một lần, tên của quốc gia đồng minh lớn của Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương.

Ở nước ngoài, hình ảnh nước Nhật gợi lên nhiều bình luận mang tính thương hại hay giễu cợt, ví dụ như với thành ngữ « hội chứng Nhật Bản » trong nhận định « hội chứng Nhật Bản » đang rình rập Châu Âu.

Trong vòng 20 năm qua, tăng trưởng của Nhật Bản là 0% hoặc rất thấp, nợ của Nhật lên đến 230% GDP còn dân cư thì già đi nhanh. Dự đoán đến năm 2050, số người về hưu sẽ nhiều hơn số người ở độ tuổi lao động. Dân Nhật sẽ già nhất thế giới với tuổi thọ trung bình là 52,3 tuổi.

Tuy nhiên, Le Monde cũng chỉ ra tính chất tương đối trong những yếu điểm của nước Nhật. Ví dụ như sự lão hóa của dân cư cũng là vấn đề của cả Trung Quốc, Hàn Quốc… Và một xã hội mà dân cư già đi, thì tất nhiên tăng trưởng sẽ bị chậm lại. Bên cạnh đó, 95% nợ công của Nhật là do chính người Nhật (các định chế và các cá nhân) nắm giữ, chứ không phải là do các tổ chức tài chính quốc tế.

Vả chăng Nhật Bản vẫn là một nước giầu. Nhật đứng đầu thế giới về các tài sản ở nước ngoài và là quốc gia đứng thứ hai về các đóng góp cho các định chế tài chính thế giới.

Trong 5 năm tới, trong số các quốc gia được coi là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới, Nhật là nước đứng hàng thứ năm.

Theo kinh tế gia Jasper Koll thuộc công ty cung cấp dịch vụ tài chính JPMorgan Securities, Nhật có một hệ thống kiểm soát tài chính tốt nhất thế giới.

Cũng theo Le Monde, những khó khăn của công nghiệp điện tử Nhật không phải là tình trạng chung của nền công nghiệp nước này. Thế mạnh của Nhật vẫn là năng lực tạo ra các cách tân và việc ứng dụng vào sản xuất, với 3,6% GDP đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (mà trong đó 2/3 là do các doanh nghiệp thực hiện).

Chất lượng hàng Nhật Bản vẫn là mẫu mực đối với phần còn lại của Châu Á. Mặc dù, bong bóng đầu cơ đầu thập niên 1980 bị tan vỡ, kéo theo một phần tài sản quốc gia, Nhật vẫn là nước có chất lượng sống cao. Bất chấp những bất bình đẳng xã hội, liên hệ xã hội cộng đồng vẫn được bảo tồn.

Tỷ lệ tội phạm ở Nhật là thuộc loại thấp nhất thế giới, với số vụ giết người là 0,5 trên 100.000 dân, nghĩa là thấp hơn 10 lần so với Mỹ và chưa bằng một nửa Pháp (1,3).

Nhật Bản : Phong trào phản kháng nằm ngoài các đảng chính trị

Trong số các thách thức đối với Nhật Bản, Le Monde nhấn mạnh rằng, khủng hoảng chính trị là khủng hoảng rõ rệt nhất.

Đảng Dân chủ trong ba năm cầm quyền vừa qua, sau nửa thế kỷ thống trị của Tự do Dân chủ, đã không đáp ứng được các mong đợi của xã hội. Đảng Dân chủ không có kinh nghiệm cầm quyền, đã không nắm được bộ máy hành chính để có thể thực hiện được các chủ trương chính trị.

Thủ tướng Noda đã buộc phải tổ chức bầu lại Hạ viện trước kỳ hạn, đổi lấy sự ủng hộ của đối lập, để Ngân hàng Trung ương cấp một khoản tiền tương đương hơn 370 tỷ euro bù vào thâm hụt ngân sách.

Nạn tham nhũng là một khía cạnh khác, nghiêm trọng hơn nhiều, khiến dân chúng mất lòng tin vào giới chính trị, với các vụ bê bối không có hồi kết.

Tai nạn tại nhà máy hạt nhân Fukushima lại càng làm lộ rõ hơn sự đồng lõa giữa các giới chức của chính quyền với các doanh nghiệp tư. Các hoạt động kiểm toán mới đây cho thấy kẽ hở lớn của Nhà nước trong quản lý, với việc khoảng 240 tỷ yen, tức 2,25 tỷ euro, trong số tiền dành để tái thiết khu vực Fukushima sau thảm họa động đất – sóng thần đã không được sử dụng đúng chỗ. Thí dụ như một phần đã được dùng để thúc đẩy việc bán công nghệ hạt nhân cho Việt Nam thay vì phục vụ mục tiêu khắc phục hậu quả sóng thần và tai nạn nhà máy điện hạt nhân.

Dường như tệ nạn này đã đạt đến mức giới hạn của sự chịu đựng, thất vọng của một bộ phận lớn công luận Nhật Bản có thể biến thành một động lực để cải tổ.

Tuy nhiên, theo Le Monde, những thay đổi thực sự trong đời sống chính trị Nhật Bản cần phải nhìn nhận trong đời sống xã hội, nhiều hơn là trong những chuyển động bất ngờ của các đảng phái chính trị.

Tai nạn hạt nhân năm 2011 đã làm dấy lên phong trào chống hạt nhân, với các cuộc biểu tình tập hợp tới 100.000 người vào thứ Sáu hàng tuần tại Tokyo. Mà đây chỉ là bề nổi của phong trào phản đối lớn hơn nhiều trên khắp cả nước.

Trong quá khứ dù khá phẳng lặng của xã hội Nhật trong hơn 40 năm qua, không phải là không có những phong trào phản kháng, nhưng phong trào hiện nay tỏ ra khác biệt so với trước, với những thành phần tham gia mới mẻ, như các nhóm xã hội có thu nhập thấp, những người sống trong tình trạng bấp bênh.

Đây là những nhóm cư dân cảm thấy bị các đảng phái và các nghiệp đoàn bỏ rơi. Các phong trào phản đối hiện nay mang tính cá nhân và hoạt động theo các mạng xã hội nhiều hơn là phụ thuộc vào các tổ chức chính trị.

Nhà chính trị học Nhật Bản Masatoshi Mori nhận định : « Sự ngờ vực đối với giới chính trị trước thảm họa Fukushima, hiện nay, chuyển thành một phong trào hoạt động bên ngoài Nghị viện ». Để kết lại hồ sơ này, Le Monde đặt câu hỏi : « Hoạt động tranh đấu mang tính công dân » này liệu có thể có được các đại diện trong các đảng phái chính trị hay không ?

Hàn Quốc trên đường đi tìm một mô hình mới

Cũng về Châu Á, trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc ngày 19/12 tới, Le Monde có bài phân tích với tựa đề : « Hàn Quốc trên đường đi tìm một mô hình mới », với nhận định : sau một thập kỷ cất cánh kinh tế kỳ diệu, hiện tại người Hàn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như các nước phát triển khác : nhiều bất công, bất ổn xã hội, dân cư già đi…

Ghi nhận đầu tiên của đặc phái viên Le Monde từ Seoul là : bất kể ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tới, thì nền chính trị Hàn Quốc cũng phải được tái định hướng. Sự tương đồng trong cương lĩnh tranh cử của hai đối thủ chính cho thấy vấn đề chủ yếu của Hàn Quốc hiện nay : nền kinh tế được coi là có hiệu quả nhất trong khối các nước thuộc tổ chức OCDE, với thu nhập bình quân đầu người 20.000 đô la/năm, chưa tìm ra được một sự cân bằng giữa tính cạnh tranh của nền kinh tế và hệ thống an sinh xã hội.

Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của những căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, một phần do chính sách đối đầu với miền Bắc của tổng thống mãn nhiệm. Tuy nhiên các vấn đề trong nước vẫn được các cử tri Hàn Quốc quan tâm nhiều hơn.

Chân dung kẻ giết người hàng loạt tại Newtown

Về cuộc thảm sát chấn động nước Mỹ tại Newtown, Le Figaro có chùm hồ sơ, trong đó có bài viết đáng chú ý : « Kẻ giết người Newtown, một đứa trẻ có tính bất ổn sống trong một gia đình sở hữu rất nhiều vũ khí ».

Adam Lanza, 20 tuổi, sống cùng với mẹ, sau cuộc ly dị với bố từ năm 2009. Câu hỏi mà nhóm điều tra đặt ra là, những gì đã diễn ra trong những ngày trước cuộc thảm sát và tại sao thủ phạm đã có một hành động dã man và tuyệt vọng như vậy.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành động giết người kinh hoàng này vẫn còn là một điều bí ẩn, tuy nhiên các nhân chứng láng giềng và những chi tiết đầu tiên được cảnh sát thu thập cho thấy bước đầu chân dung của kẻ giết người.

Adam Lanza là một người sống hướng nội, gần như ẩn dật, cùng với Nancy, mẹ đẻ. Nancy là một người phụ nữ được coi là rất hòa hợp với cộng đồng địa phương, được coi là một người « tốt bụng » và « cởi mở ». Nhiều bạn học của Adam Lanza đều ghi nhận Nancy là một người mẹ quan tâm đến con, không thờ ơ với người khác.

Tuy nhiên, có một thực tế tương phản là, Nancy có một thái độ rất khác thường đối với người con trai. Adam vốn là một cậu bé thông minh, nhưng rất ít giao tiếp với người khác. Trong khi đó người mẹ Nancy lại chọn cách tách ly con khỏi trường học và tự mình giáo dục con.

Theo một người quen biết gia đình Lanza, thì bà mẹ có xu hướng tách người con trai khỏi thế giới xung quanh, và ông thường được bà ta chia sẻ về sở thích dùng súng của hai mẹ con.

Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal, một nhà tâm lý học quen biết gia đình Lanza cho hay, trong thời gian gần đây, Adam có vẻ trở nên cô độc hơn trước và ngày càng xa lánh mẹ mình. Các điều tra viên đang tiến hành phân tích máy tính của Adam từ thứ Sáu và hy vọng tìm ra một câu trả lời.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia FBI qua các kênh truyền hình, hành động thảm sát kinh hoàng tại Newtown không phải là một quyết định bất ngờ, mà là một kế hoạch đã được tính toán từ lâu.

Đa số người Mỹ muốn kiểm soát chặt hơn việc sử dụng vũ khí

Vụ thảm sát tại Newtown làm trỗi dậy cuộc tranh cãi xung quanh quyền sử dụng vũ khí cá nhân tại Mỹ.

Trong bài viết « Obama bị kẹt giữa Hiến pháp và các lobby », Le Figaro ghi nhận, đa số người Mỹ ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ hơn. 9/10 người Mỹ muốn cấm các cựu tù nhân và những người thiểu năng trí tuệ hay bị tâm thần được sử dụng vũ khí. 6/10 muốn cấm bán các súng tự động bắn nhiều hơn 10 viên một loạt. Trên thực tế, việc cấm này đã từng có hiệu lực trong vòng 10 năm (1994-2002) sau quyết định của tổng thống Clinton, nhưng đã không được triển hạn dưới thời tổng thống Bush.

Libération, trong bài « Các tập đoàn vũ khí trong tầm ngắm », nhấn mạnh đến các áp lực lên tổng thống Obama nhằm ngăn chặn các vụ giết người hàng loạt kiểu như trên.

Kể từ khi thảm kịch xảy ra, Obama đã hai lần hứa sẽ có « biện pháp đáng kể ». Tuy nhiên, tiểu bang Connecticut, nơi xảy ra vụ giết người, vốn đã là nơi có một chế độ kiểm soát vũ khí chặt chẽ nhất Hoa Kỳ.

Trên thực tế, theo New York Times, hiện nay việc sử dụng vũ khí cá nhân tại Hoa Kỳ lại được kiểm soát không chặt chẽ bằng việc kiểm soát xe hay việc nhận nuôi các động vật trong gia đình.

Switch mode views: