Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-12-2012
- Thứ Hai, 17 tháng Mười Hai năm 2012 06:33
- Tác Giả: Lê Phước
Dự báo kinh tế Châu Á : Năm 2013 sẽ khởi sắc
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Manila.
REUTERS/Cheryl Ravelo/Files
Năm 2012, Châu Âu vẫn loay hoay trong khủng hoảng, Mỹ thì trong trạng thái phục hồi trầy trật. Trong bối cảnh đó, Châu Á dường như bắt đầu thấm đòn của khủng hoảng từ phương Tây với biểu hiện là kinh tế mất đà tăng trưởng. Tình hình năm cũ là thế, còn trong năm mới 2013 sẽ như thế nào ?
Tạp chí kinh tế L’Expansion số ra cuối năm phác thảo sơ bộ diện mạo kinh tế thế giới năm 2013, trong đó bài viết về Châu Á chạy tựa : «Sự tái phục hồi trong tầm ngắm ».
Nhìn lại năm qua, tờ báo cho hay, tăng trưởng của Trung Quốc năm 2012 đạt 7%, tức mức thấp nhất kể từ 13 năm trở lại đây. Lần đầu tiên tính từ bảy năm nay, số tỉ phú tại trung Quốc cũng giảm đi trong năm 2012.
Tình trạng sa sút của nền kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng xấu đến kinh tế các nước trong khu vực bởi vì Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu lớn của các nước này.
Tại Ấn Độ, năm rồi kinh tế cũng rơi xuống mức tăng trưởng thấp nhất từ 9 năm trở lại đây. Chỉ có những nền kinh tế được xem là « Con hổ Đông Nam Á » là có thể trụ được, như Thái Lan, Indonésia và Malaysia, nhờ vào ngành dịch vụ và xây dựng.
Tình hình 2012 tuy u ám là vậy, nhưng năm 2013 L’Expansion cho rằng, kinh tế Châu Á sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Dự phóng này dựa trên cơ sở là những nền kinh tế có ảnh hưởng mạnh trên thế giới sẽ khởi sắc trong năm mới.
Năm 2013, kinh tế Mỹ có nhiều khả năng tái tăng trưởng. Còn Trung Quốc thì cũng đã tiến hành nhiều biện pháp để lấy lại đà như giảm lãi suất chỉ đạo, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng được cho vay nhiều hơn, các biện pháp ổn định xuất khẩu cũng đã được áp dụng như giảm thuế cho các nhà xuất khẩu hay đơn giản hóa thủ tục hải quan.
Ngược lại với Trung Quốc, L’Expansion dự báo, kinh tế Nhật sẽ khó khăn trong năm mới vì sẽ không còn tận dụng được ưu thế của việc tái xây dựng thời hậu thảm họa sóng thần, đồng yen sẽ tiếp tục cao giá gây ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu. Thêm vào đó, khủng hoảng ngoại giao với Trung Quốc sẽ còn dư chấn. Hãng Toyota đã từ bỏ chỉ tiêu 10 triệu sản phẩm trong năm 2012 do phong trào bài Nhật nổi lên ở Trung Quốc làm lượng bán của Toyota ở nước này bị giảm. Số du khách Trung Quốc đến Nhật Bản đã và sẽ tiếp tục giảm.
Trong bối cảnh « lưỡng hổ câu thương » thì các nền kinh tế khác trong khu vực cũng không để mất dịp « ngư ông đắc lợi ».
Theo L’Expansion, Philippines đã cam kết ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp Nhật Bản để thu hút các doanh nghiệp Nhật cuốn gói khỏi Trung Quốc.
Miến Điện cũng là một nơi lý tưởng khác cho các doanh nghiệp Nhật muốn rời Trung Quốc. Nhật hiện là chủ nợ lớn nhất của Miến Điện, hãng hàng không Nhật All Nippon Airways thì vừa khánh thành một tuyến bay thường xuyên Tokyo-Răngun.
L’Expansion còn đăng bản số liệu dự báo theo đó, tăng trưởng bình quân toàn Châu Á sẽ là 4,8% trong năm 2013.
Trung Quốc và Lào được xếp vào nước tăng trưởng từ 8% trở lên, tức mức cao nhất trong khu vực. Indonesia thì thuộc nhóm sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 6% đến 7,9%.
Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan và Phlippines được dự báo sẽ thuộc nhóm tăng trưởng từ 4 đến 5,9%, riêng Việt Nam là 5,5%. Kinh tế Nhật cũng sẽ có tăng trưởng, nhưng chỉ ở mức dưới 2%. Đối với Bắc Triều Tiên thì tờ báo cho biết là : không có thông tin.
Indonesia : Mộng ước trở thành « công xưởng thế giới » có thể tiêu tan ?
Nhìn riêng về kinh tế Indonesia, tuần san Tempo tại Jakarta có bài dự phóng kinh tế của nước này được Courrier International dẫn lại với dòng tựa : «Chờ đợi giới chủ nổi dậy ».
Gần đây chính phủ Trung Quốc quyết định cho tăng lương công nhân, khiến thị trường giá rẻ của nước này dần dần không còn rẻ nữa.
Các nhà đầu tư bắt đầu có xu hướng tìm đến những nước có giá lao động rẻ hơn. Một số kinh tế gia dự phóng, không chóng thì muộn Indonesia sẽ thay Trung Quốc để trở thành « công xưởng » của thế giới. Thế nhưng, Tempo cho rằng, viễn cảnh đó khó trở thành hiện thực vì các nhà đầu tư có thể sẽ lại rời Indonesia tìm đến một nước khác có giá lao động rẻ hơn.
Bàn về nguyên nhân, tờ báo nhấn mạnh đến việc nhà cầm quyền Indonesia quyết định buộc giới chủ tăng lương cho công nhân, mà việc tăng lương có khi lại quá cao. Chẳng hạn như tại thủ đô Jakarta, chính quyền ở đây đã quyết định buộc tăng lương công nhân thêm 43% so với hiện tại. Nhà cầm quyền các vùng lân cận Jakarta cũng theo đà này. Và những quyết định tăng lương đó sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm tới.
Vì sao chính quyền buộc tăng lương ? Tempo cho hay là do sức ép của công nhân.
Gần đây công nhân bắt đầu đình công dữ dội. Có công nhân còn đi đến mức đe dọa chủ doanh nghiệp, bắt cóc và đe dọa những công nhân không tham gia đình công đòi tăng lương, những hành động mà giới chủ cho là « vô chính phủ ».
Trong khi đó, chính phủ thì dường như để mặc cho các hành động quá khích đó và lại còn tăng lương để làm vừa lòng công nhân. Hành động này bị giới chủ tại Indonesia cho là « mị dân », nhằm dọn đường cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2014.
Trong bối cảnh đó, giới chủ đã quyết định yêu cầu cho hoãn việc tăng lương trước tòa hành chính, và nếu cần thiết họ sẽ cầu cứu đến tòa án tối cao. Nếu không được đáp ứng yêu cầu, họ có thể sẽ đóng cửa nhà máy để tìm đến nơi khác có giá nhân công rẻ hơn.
Thị trường lao động thế giới : « Rẻ » bị thất thế trước «cực rẻ»
Câu “an cư lạc nghiệp” dường như không còn phù hợp với các nhà đầu tư hiện tại, bởi vì họ buộc phải luôn chạy vạy đi tìm thị trường lao động giá rẻ, và sau đó lại đi tìm nơi có giá rẻ hơn.
Tạp chí kinh tế L’Expansion nhận định về hiện tượng này với bài viết : «Cuộc chiến không hồi kết giữa giá rẻ và giá cực rẻ ».
Tờ báo bàn về một số nước trước đây có thị trường lao động rẻ hơn nơi khác, nhưng hiện tại lại có nơi khác giá cạnh tranh hơn. Như trường hợp của Tunisia chằng hạn.
Sau Mùa xuân Ả Rập, tình hình xã hội nước này luôn căng thẳng, và lương công nhân ở đó đã tăng đến 25%. Còn ở Rumani cũng vậy, so với năm 2000 thì lương công nhân cũng đã tăng 30%. Còn ở Trung Quốc, mỗi năm lương lao động tăng 12%. Công nhân được tăng lương thì mừng, nhưng giới chủ lại lo bởi sản phẩm làm ra sẽ mất tính cạnh tranh. Từ đó, giới chủ phải đi tìm thị trường khác có giá rẻ hơn.
Và thế là, cái « rẻ » phải đối mặt với cái « cực rẻ ». Rumani, Tunisia hay Trung Quốc đang bị đe dọa bởi hiện tượng di dời nhà máy của các doanh nghiệp đến những nước khác có giá rẻ hơn.
Trong trường hợp Trung Quốc, các nhà đầu tư nhắm đến thị trường lao động Việt Nam, Indonesia, Philippines, Cam Bốt hay Miến Điện.
Tờ báo cho biết, lương một công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2011 tương đương với lương cách đây 10 năm của một công nhân miền nam Trung Quốc. Lương công nhân tại Philippines thì chỉ tăng có 5% trong vòng 10 năm qua.
Thị trường Miến Điện thì vừa hé mở, đang ra sức thu hút đầu tư.
Trong bối cảnh đó, Châu Âu cũng buộc phải nương theo chiều gió để thu hút đầu tư. Đầu năm nay, Hy Lạp đã giảm lương lao động 11,5%.
Tại Tây Ban Nha, lương công nhân hiện tại cũng giảm 6% so với cách đây 2 năm. Ở Bungari thì lương bình quân của người lao động là 350 euro/tháng, tức thấp hơn 2 lần so với Hungari, thấp hơn 3 lần so với Croatia.
Thổ Nhĩ Kỳ : Thất bại trên hồ sơ Syria
Xung đột tại Syria đã làm bộc lộ rõ những điểm yếu của Thổ Nhĩ Kỳ, đó là nhận xét của bài viết đăng trên mục Thời luận của tuần san L’Express với dòng tựa : « Khủng hoảng Syria làm hại hình mẫu Thổ Nhĩ Kỳ ».
Tờ báo dùng từ « hình mẫu » vì cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ từng được coi là mô hình làm say đắm các cuộc cách mạng trong Mùa xuân Ả Rập năm ngoái. Thế nhưng, cuộc chiến tại Syria đã cho thấy những thất bại của chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi mà chính phủ Syria dọa sẽ làm cháy cả khu vực để giành chiến thắng, thì Syria cũng không thiếu động thái đáp trả. Việc đó làm phương hại đến chính sách « láng giềng tốt » của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tờ báo nhắc lại, hôm 3 tháng 10 rồi, khi Syria pháo kích vào Thổ Nhĩ Kỳ làm năm thường dân thiệt mạng, thì Thổ Nhĩ Kỳ lập tức cho tăng cường quân sự dọc ranh giới với Syria đồng thời cũng cầu cứu đến NATO. Thế là, đầu tháng 12 này, NATO đã quyết định triển khai tên lửa Patriot để đánh chặn các tên lửa phóng từ Syria do Nga sản xuất.
Do yêu cầu kỹ thuật, nên sự hiện diện của tên lửa Patriot sẽ kéo theo sự hiện diện của một nhóm sĩ quan Đức trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
L’Express nhận định, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ, vì nước này vốn luôn tự hào về chủ quyền quốc gia, về sức mạnh quân sự và luôn xem mình là « quan tòa hòa bình ».
Một thất bại khác trong chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ, đó vấn đề liên quan đến phe đối lập tại Syria. Hội đồng Dân tộc Syria, theo kiểu Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp tại Libya, đóng đô ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ấy thế nhưng, Hội đồng này đã tỏ ra không hiệu quả, và cuối cùng phải nhường vai trò lại cho Liên Minh đối lập Syria. Liên minh này đã được nhiều nước phương Tây thừa nhận và đặt trụ sở tại Ai Cập. Điều đó tức là Ai Cập đã vượt Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò nước có ảnh hưởng trong khu vực.
Tiếp đến, việc nhiều người dân Syria chạy loạn đến Thổ Nhĩ Kỳ, và Thổ Nhĩ Kỳ muốn dùng việc đó để cộng đồng quốc tế thành lập vùng đệm ở phía bắc Syria hay thậm chí là một khu vực cấm bay, việc này đã không được như mong muốn. Thêm vào đó, người chạy loạn Syria trên đất Thổ Nhĩ Kỳ làm phức tập tình hình an ninh ở nước này.
Còn việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy tại Syria với sự hỗ trợ của Qatar đã làm dấy lên các xung đột võ trang dọc ranh giới với Syria, khiến cho tình hình thêm bất ổn.
Đối với Iran, các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã không lường trước được sự ủng hộ mạnh mẽ của Iran dành cho chế độ Assad, dẫn đến việc làm thất bại chính sách tái cân bằng với Iran của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên quan đến hồ sơ Palestine-Israel, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ nhóm Hồi giáo Hamas ở dải Gaza. Chính sách này đã khiến cho quan hệ ngoại giao với Israel bị xấu đi, trong khi mà sự hỗ trợ dành cho Hamas chưa chắc mang lại kết quả gì. Thế là, tờ báo mỉa mai, ở xứ sở Hồi giáo, nguyệt quế Thổ Nhĩ Kỳ bị héo tàn.
Nhật Bản : Phụ nữ thuê đàn ông để « chữa cháy » ?
Cuối cùng là một vấn đề xã hội khá nhạy cảm diễn ra tại Nhật Bản được tuần san Le Monde tóm lược trong bài : « Có thể thuê ở đâu một người đàn ông làm đủ mọi thứ ? ».
Tờ báo cho biết, ở Nhật, số người độc thân khá đông, vì thế đã xuất hiện một trang mạng cung ứng dịch vụ thuê đàn ông dành cho phụ nữ. Nội dung thuê có thể là « một cuộc hẹn ga-lăng », hay là « ngủ trong vòng tay » hoặc là « làm việc nhà ». Ấy thế nhưng, trang mạng nói rõ là cấm không được chụp hình, quay phim trong cuộc hẹn. Trang mạng cũng khẳng định dịch vụ này không phải là « dịch vụ tình dục ».
Như vậy, trên nguyên tắc đó chỉ là tìm người cho đỡ phần cô quạnh, chứ không phải thuê người làm chuyện gối chăn. Giá cả của loại hình dịch vụ này không hề rẻ : 280 euro/ 7 giờ, 450 euro/ 12 giờ.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-12-2012 - 19/12/2012 17:37
- Mỹ tái xác nhận việc áp thuế chống phá giá trên tháp điện gió Việt Nam - 19/12/2012 17:30
- Không cho đi Mỹ nhận giải nhân quyền? - 19/12/2012 01:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-12-2012 - 18/12/2012 23:57
- Thủ tướng VN đề ra nhiệm vụ cho công an - 18/12/2012 00:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-12-2012 - 17/12/2012 23:57
- Thủ tướng tương lai Nhật Bản : Không đàm phán với Trung Quốc về chủ quyền Senkaku - 17/12/2012 23:39
- Tổng thống Obama muốn hạn chế việc sử dụng súng - 17/12/2012 18:12
- Những nữ anh hùng của Newtown - 17/12/2012 18:04
- Philippines: Hơn 1.000 người thiệt mạng và mất tích do bão Bopha - 17/12/2012 06:47
Các tin khác
- Hung thủ dùng súng trường tấn công - 16/12/2012 01:51
- Philippines : Một thành viên Hồi giáo Jemaah Islamiya bị bắn chết - 16/12/2012 01:38
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-12-2012 - 15/12/2012 23:27
- Bắc Kinh nộp Liên Hiệp Quốc hồ sơ đăng ký chủ quyền vùng biển - 15/12/2012 23:17
- Thảm sát trường học Connecticut, ít nhất 27 chết, đa số là trẻ em - 15/12/2012 00:08
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-12-2012 - 14/12/2012 23:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-12-2012 - 13/12/2012 21:12
- Việt Nam dưới cái nhìn của “thiên triều” Trung Quốc - 13/12/2012 17:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-12-2012 - 13/12/2012 05:17
- Phát hiện tấm bản đồ cổ của Trung Quốc chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc - 12/12/2012 06:51