Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-12-2012
- Thứ Sáu, 07 tháng Mười Hai năm 2012 21:25
- Tác Giả: Minh Anh
Cáp của tàu Bình Minh 02 bị cắt. Ảnh chụp ngày 30/11/2012
@PVN
Hộ chiếu « lưỡi bò », quyền được lục soát và trục xuất các tàu nước ngoài trên Biển Đông và gần đây nhất là cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 2, thuộc tập đoàn Petro Vietnam… đã cho thấy hành động ngày càng lấn lướt của Trung Quốc trên các nước láng giềng nhằm xác lập chủ quyền Bắc Kinh trên hầu hết khu vực Biển Đông.
Liên quan đến chủ đề này, báo Le Figaro có đăng một bài nhận định với tựa đề « Bắc Kinh đi các quân tốt trong trận chiến dầu hỏa ».
Arnaud de la Grange , tác giả bài viết ghi nhận : « Cuộc chiến dầu hỏa đang làm Biển Đông dậy sóng ».
Hôm qua, thứ năm 06/12/2012, Bắc Kinh đã yêu cầu Việt Nam ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí ở các vùng lãnh hải tranh chấp. Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định : « Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động đơn phương liên quan đến dầu hỏa và khí trong khu vực và phải ngừng việc chặn các tàu đánh cá Trung Quốc.
Trước đó hai ngày, Hà Nội tố cáo Bắc Kinh có hành vi phá hoại khi một tàu đánh cá Trung Quốc đã cắt dây cáp thăm dò dầu khí của một chiếc tàu thuộc tập đoàn Petro Vietnam, tại lô số 113, do tập đoàn dầu khí Nga Gazprom thầu khai thác. Ngay lập tức, Bắc Kinh đã lên tiếng phản bác lời tố cáo.
« Một Palestine châu Á »
Theo nhận định của Arnaud de la Grange , căng thẳng leo thang khi có sự tham gia của Ấn Độ. New Dehli tuyên bố sẵn sàng triển khai các hạm đội của mình trên Biển Đông nhằm bảo vệ các phương tiện thăm dò dầu khí.
Tác giả bài viết cho rằng, mặc dù không có liên can đến tranh chấp lãnh thổ, nhưng Ấn Độ vẫn dấn thân vào chốn nguy hiểm là vì quyền lợi kinh tế.
Tập đoàn dầu khí Ấn Độ (ONGC) có cổ phần khai thác một mỏ dầu tại vùng biển Nam Côn Sơn.
Tác giả nhận xét, tình hình trở nên xuống cấp trầm trọng những ngày gần đây khi Bắc Kinh tuyên bố kể từ ngày 01/01/2013, lực lượng tuần duyên Hải Nam được phép ngăn chặn, lục soát hay xua đuổi các tàu bè đi lại trên vùng biển được cho là thuộc chủ quyền của mình.
Tuyên bố trên đã gặp phải phản ứng dữ dội từ phía Việt Nam cũng như Philippines. Manila xem đây như là « thái độ độc tài », còn phía Washington đề nghị làm « sáng tỏ » lời tuyên bố, trên vì cho rằng nó có thể vi phạm đến quyền tự do đi lại trên biển.
Về phần mình, Hà Nội quyết định sẽ cho triển khai các đội tuần tra kể từ ngày 25 tháng giêng năm tới nhằm ngăn chặn các tàu nước ngoài xâm nhập vùng lãnh hải của Việt Nam.
Tác giả còn nhắc lại rằng cách đây mười ngày, chính quyền Bắc Kinh đã chọc giận các nước trong khu vực khi cho lưu hành hộ chiếu mới có in tấm bản đồ « đường lưỡi bò », thể hiện yêu sách chủ quyền hầu như trên toàn bộ vùng Biển Đông.
Công an cửa khẩu Việt Nam đã từ chối đóng dấu lên hộ chiếu và cấp visa rời cho các du khách Trung Quốc. Tuần rồi, tổng thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) buộc phải lên tiếng báo động không nên để khu vực này trở thành một « Palestine của châu Á ».
Bão tàn phá nặng nề phía Nam Philippines
Đến với Philippines, báo Le Monde cho biết « Miền nam Philippines bị bão tàn phá nặng nề ». Theo ước tính, gần 500 người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích và khoảng 25 ngàn người mất nhà cửa… Bên cạnh đó, bão Bopha còn gây thiệt hại cho ngành trồng chuối đến gần 5 triệu euro.
Tờ báo cho rằng sự khốn cùng giải thích phần nào tầm mức của thiệt hại. Đảo Mindanao vừa thoát ra khỏi 40 năm xung đột giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy Hồi giáo chỉ cách đây có một tháng rưỡi.
Phe du kích cuối cùng cũng chấp nhận ký vào bản hiệp ước hòa bình mong manh vào ngày 15/10 vừa qua. Cuộc xung đột quân sự đã làm cho hơn 120 ngàn người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người buộc phải di tản khỏi khu vực và hàng ngàn người hiện phải sống tạm bợ trong các trại tỵ nạn. Nhất làxung đột đã nhấn khu vực vào trong sự nghèo khổ triền miên.
Đa số các nạn nhân của bão Bopha đều là dân di cư rất nghèo. Phần đông sống tập trung tại hai thành phố cao nguyên New Bataan và Monkayo, để kiếm việc làm trong các mỏ vàng thiếu an toàn. Theo Cơ quan an toàn dân sự, phân nửa các nạn nhân của bão Bopha đều là cư dân của hai thành phố đó.
Ngược lại, về phần mình, chính phủ Philippines cho rằng việc chuẩn bị tốt công tác dự phòng đã cứu sống được nhiều nhân mạng. Một quan điểm được một số tổ chức phi chính phủ và Văn phòng phối hợp các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc đồng chia sẻ.
Một nguyên nhân khác cũng được báo Le Monde đề cập đến chính là sự quản lý không nhất quán từ trung ương cho đến địa phương. Trước đó, chính quyền Manila đã nghiêm cấm xây dựng các khu dân cư tại những khu vực mà bão Bopha tràn qua, vì cho rằng quá nguy hiểm.
Thế nhưng, chính quyền địa phương vẫn nhắm mắt làm ngơ, tiếp tục cấp giấy phép xây dựng. Điều đó cho thấy chính quyền sở tại không còn khả năng chấm dứt tình trạng mở rộng các khu dân cư.
Le Monde cho biết hàng năm người dân Philippines phải đối phó gần 20 cơn bão lớn. Bão Bopha là cơn bão thứ 16 trong năm 2012 này.
Năm 2011, 29 cơn bão đã làm thiệt mạng đến 1500 người và gây thiệt hại kinh tế đến 60 tỷ peso (tương đương với 1,1 tỷ euro). Theo ước tính, lần này, bão Bopha đã gây thiệt hại ít nhất là 5 triệu euro, cho ngành trồng chuối, ngành nông nghiệp chính của đảo.
An ninh lương thực : Qatar xây dựng các trang trại nông nghiệp trên sa mạc
Báo Le Monde tiếp tục đưa độc giả đến vùng Vịnh với bài viết « Qatar xây dựng các trang trại trong sa mạc để đảm bảo an ninh lương thực của mình ».
Trước mối đe dọa khí hậu ấm dần, tiểu vương quốc Ả rập này không còn muốn lệ thuộc nhiều vào ngành nông nghiệp nước ngoài.
Cách Doha khoảng 30 km về phía Tây, ngay giữa lòng sa mạc, người ta có thể nhìn thấy mọc lên hoa hồng, lay-ơn, hồng môn, hay cúc… trong trại hoa nhà lồng của ông Jean-Pierre Moreau. Ông cho biết theo yêu cầu của Quốc vương Qatar , Hamid Ben Khalifa Al-Thani, mỗi năm, ông phải đảm bảo cung cấp khoảng 4 triệu nhánh hoa. Trại của ông có khoảng 60 nhân viên làm việc, chủ yếu đến từ các quốc gia Nepal và Ấn Độ.
Jean-Pierre Moreau khẳng định với Le Monde rằng trồng hoa mới chỉ là bước khởi đầu. Ông nói : « Với phương tiện và công nghệ đời mới, chúng tôi có thể trồng được cả cà chua, ớt bị và tất cả các loại rau củ ».
Theo Le Monde, vấn đề an ninh lương thực nằm trong trọng tâm chiến lược của kế hoạch « Tầm nhìn 2030 » do chính quyền Qatar đề ra. Với dân số 2 triệu người, trong đó người bản xứ chỉ có 300 ngàn người, có đến 90% sản phẩm tiêu thụ trong nước là nhập khẩu. Điều này có thể dễ dàng nhận ra ngay tại khu chợ đầu mối. Cà tím đến từ Ả rập Xê út, táo của Liban và Trung Quốc, cà chua Hà Lan, chuối Philippines, dâu tây Ai Cập… Tương tự cho thịt và ngũ cốc.
Chính quyền Qatar cho rằng đã đến lúc nên hạn chế bớt sự lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu lương thực. Biến đổi khí hậu và các tác động lên sản xuất nông nghiệp có nguy cơ buộc một số nước phải giảm lượng xuất khẩu. Trong khi đó, nền sản xuất nông nghiệp của đất nước lại quá lạc hậu, năng suất thấp. Do đó, đất nước cần nhiều nhân tài, đào tạo chuyên môn và công nghệ.
Trong kế hoạch « Tầm nhìn 2030 », nhằm cải thiện tình trạng khan hiếm nước, Qatar sẽ phải xây dựng nhiều nhà máy khử muối mới, được vận hành bằng năng lượng mặt trời chứ không phải bằng nhiên liệu hóa thạch.
Theo Le Monde, việc tái tập trung lại sản xuất nông nghiệp trong nước cũng không có nghĩa là tiểu vương quốc Ả Rập này sẽ từ bỏ chính sách sở hữu đất đai ở nước ngoài.
Tuy nhiên theo giải thích của ông Fahad Ben Mohammed Al-Attiya, chủ tịch Chương trình an ninh lương thực quốc gia Qatar (QNFSP) với Le Monde, chính sách đó là một sự đầu tư, có sự tôn trọng lẫn nhau giữa các bên, chứ không phải là một sự chiếm đoạt đất đai.
Nhà tù Pháp quá tải, xuống cấp trầm trọng
Đề tài xã hội Pháp là chủ đề chính trên trang nhất Le Monde với hàng tít « Tại Marseille, nhà tù của sự nhục nhã ».
Tờ báo đã dành toàn bộ trang hai và trang ba để phơi bày những tệ nạn và tình hình xuống cấp trầm trọng trong các trại giam của Pháp.
Le Monde mô tả, đoàn tổng thanh tra các trại giam ra về trong tình trạng hốt hoảng. Nhất là tại nhà giam Les Baumettes ở Marseille, phía Nam nước Pháp, một cảnh tượng hãi hùng chưa từng thấy. Mùi ô uế từ rác rưởi và nước tiểu khắp nơi, các bức tường thì đổ nát, nước chảy lênh láng trong tòa nhà, chuột chạy tứ tung đến nỗi các quản giáo phải dậm chân huỳnh huỵch lên nền đất để xua đuổi chúng.
Đoàn thanh tra còn ngạc nhiên khi nhìn thấy một tù nhân đang tớp nước trong nhà cầu vì vòi nước trong phòng giam của anh ta từ ba tuần nay vẫn chưa sửa xong. Đó là chưa kể đến tình trạng bức hiếp, thậm chí là lạm dụng tình dục giữa các « ma cũ » và « ma mới » trong trại giam.
Tin mới
- Truyền thông VN im lặng về biểu tình - 11/12/2012 00:19
- Tổng thống Ai Cập cho phép quân đội trấn áp đối lập - 10/12/2012 23:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-12-2012 - 10/12/2012 18:31
- Biển Đông : Người Việt phẫn nộ trước hành động thái quá của Trung Quốc - 10/12/2012 17:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-12-2012 - 10/12/2012 05:14
- Canada đồng ý bán công ty dầu khí Nexen cho Trung Quốc - 10/12/2012 04:41
- Việt Nam: Hà Nội và Sài Gòn biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông - 10/12/2012 00:08
- Biển Đông: Thuốc thử mới cho Hà Nội - 08/12/2012 19:19
- Ấn Độ ủng hộ quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông - 08/12/2012 18:46
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-12-2012 - 08/12/2012 18:32
Các tin khác
- Sẽ có biểu tình chống TQ vào Chủ nhật? - 06/12/2012 23:21
- Xây nhà máy đất hiếm ở Quảng Ninh - 06/12/2012 23:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-12-2012 - 06/12/2012 22:24
- Ai Cập: 5 người biểu tình thiệt mạng, quân đội trấn giữ trước Dinh Tổng thống - 06/12/2012 22:03
- Nhật Bản triển khai ba khu trục hạm đối phó với tên lửa Bắc Triều Tiên - 06/12/2012 21:26
- Lời tố giác của Linh mục Juan Carlos Martos cmf, thư ký hội Thừa sai Kitô Giáo về nạn khủng bố Hồi Giáo. - 06/12/2012 20:55
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-12-2012 - 05/12/2012 20:57
- Việt Nam bị mất hơn 10 hạng trên danh sách các nước tham nhũng - 05/12/2012 20:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-12-2012 - 05/12/2012 00:55
- Bom tự sát tấn công căn cứ Mỹ ở Afghanistan - 04/12/2012 00:31