Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-12-2012

LArtique xyenbaccuc

 

Trong tương lai không xa Bắc cực quanh năm băng giá sẽ trở thành tuyến đường hàng hải tấp nập?
REUTERS/Alistair Scrutton

 

Tuyến đường hàng hải Đông Bắc để cạnh tranh với Kênh đào Suez ?

 

Tiêu thụ nội địa, động lực chính của tăng trưởng kinh tế châu Á. Kim Jong Un đọ sức với Obama.Cuộc sức kéo dài giữa chính phủ Pháp và tập đoàn sản xuất thép Arcelor Mittal tại nhà máy , Ai Cập bị chia đôi giữa phe chống đối và ủng hộ tổng thống Morsi xuất thân từ hàng ngũ Huynh Đệ Hồi Giáo, Israel trừng phạt kinh tế Palestine, sau khi Palestine được công nhận là một nhà nước quan sát không thành viên Liên Hiệp Quốc. Đó là những chủ đề được các tờ báo Paris ngày đầu tuần quan tâm.

Nhưng trước hết xin được điểm bài báo dài trên phụ trang Địa lý& Chính trị của tờ Le Monde nói về chiến lược của Nga để làm chủ con đường giao thông trên biển –tuyến đường Đông Bắc, chung quanh Bắc Cực.

Chủ nhân con tàu phá băng Rosatomflot của Nga đang ấp ủ một công trình đầy tham vọng : mở rộng con đường hàng hải nối liền châu Á với Châu Âu đi ngang qua Bắc cực, vùng thuộc chủ quyền của Nga.

Về lâu về dài Matxcơva muốn biến con đường ấy thành một mối cạnh tranh lợi hại với Kênh đào Suez.Để so sánh, chặng đường nối liền cảng Busan của Hàn Quốc với Mourmansk của Nga dài hơn 19 700 km và phải mất 37 ngày tàu mới cặp bến. Với tuyến đường Đông Bắc, hành trình được rút ngắn xuống còn 18 ngày.

Tuy nhiên tuyến đường tắt đi ngang qua miền bắc nước Nga đòi hỏi một số điều kiện nhất định. Thứ nhất vỏ tàu bắt buộc phải có độ dày nào đó để bảo đảm an toàn khi đụng phải những tảng băng, thứ hai là tàu chở hàng chỉ được phép đi sau một con tàu phá băng của Nga. Bất tiện thứ ba là con đường Đông Bắc chỉ có thể hoạt động vài tuần hàng năm vào những tháng hè ấm áp nhất.

Hiện tại mỗi năm có 18 000 tàu bè đi qua Kênh đào Suez nối liền Hồng Hải với Địa Trung Hải, 1000 triệu tấn hàng được chung quyền qua ngả này.

Trong khi đó con đường hàng hải đi qua Bắc Cực, mang tên «tuyến đường Đông Bắc » do Nga khai thác mới chỉ mở ra cho tàu bè quốc tế qua lại từ năm 2010 và chỉ hoạt động được vài tháng trong năm.

Chỉ có 1,2 triệu tấn hàng- chủ yếu là dầu hỏa và khí đốt- được chung chuyển qua ngả này. Thế nhưng theo đặc phái viên báo Le Monde chỉ trong một vài năm nữa tuyến đường Đông Bắc sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn, nhờ dự án đầu tư khổng lồ Yamal của tập đoàn Nga Gazprom. Rosatomflot cho biết trong một thập niên tới, hàng năm sẽ có 20 triệu tấn hàng được chung chuyển qua ngả này, thay vì một triệu tấn như hiện nay.

Bản thân chính phủ Nga đã trang bị thêm tổng cộng là 6 tàu phá băng chạy bằng năng lượng nguyên tử để bảo đảm an toàn cho khách hàng. Sự phát triển của con đường hàng hải này có được nhờ khí hậu trái đất được hâm nóng.

Cách nay 2 năm, tàu bè chỉ có thể qua lại khu vực này trong vỏn vẹn vài tuần lễ từ tháng 6 đến tháng 9, thế nhưng năm nay, con đường Đông Bắc đã hoạt động mãi cho đến giữa tháng 11. Năm 2010, chỉ có 4 tàu nước ngoài đi ngang qua đây, đến nay thì đã có 46 chiếc sử dụng con đường hàng hải mới vừa mở ra nói trên.

Le Monde nhắc lại Nga từ xưa tới nay luôn đặc biệt quan tâm đến việc khai thác con đường hàng hải Đông Bắc. Thành phố cảng Mourmansk được dựng lên vào đầu thế kỷ XX nhằm bảo đảm cho nước Nga một cánh cổng ra biển Barents.

Kể từ năm 1970 con đường Đông Bắc đã đóng một vai trò chiến lược trong giai đoạn Liên Xô bắt đầu khai thác dầu khí ở Bắc cực. Ngay từ năm 1987 chủ tịch Liên Xô thời đó là ông Machail Gorbatchev đã chủ trương mở rộng con đường hàng hải này để cho tàu thuyền quốc tế qua lại. Thế rồi Liên Xô cũ sụp đổ vào tháng7/1991 và kế hoạch đó đã bị chìm vào quên lãng cho đến đầu những năm 2000 đề án nâng cấp con đường Đông Bắc mới được khởi động trở lại.

Hộ chiếu « lưỡi bò » Trung Quốc trên báo Pháp

Về thời sự châu Á, báo Công giáo La Croix có bài viết ngắn mang chủ đề « Trung Quốc mở rộng bờ cõi trên hộ chiếu mới ».

Tin này không mới đối với thính giả của ban Việt ngữ RFI nhưng xin điểm lại vì tờ La Croix nêu lên vấn đề qua ba câu hỏi ngắn gọn, giúp người đọc dễ hiểu : Thứ nhất, tại sao Trung Quốc lại áp đặt chủ quyền lãnh hải trên hộ chiếu ?

Thứ hai, các nước liên quan, như Việt Nam, Đài Loan, Philippines đã phản ứng ra sao và câu hỏi thứ ba tờ báo nêu ra là : Rồi liệu những tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Đông Á và Đông Nam Á sẽ đi về đâu?

Để trả lời câu hỏi này La Croix trích lời một chuyên gia hàng đầu của Pháp, Jean Pierre Cabestan, theo đó những bản đồ được Bắc Kinh trưng ra để đòi hỏi chủy quyền không thể được coi là những « bằng chứng lịch sử».

Về câu hỏi thứ nhất, tác giả bài báo trả lời : Trung Quốc quan niệm rằng những đòi hỏi chủ quyền của mình được căn cứ trên những « sự kiện và bằng chứng lịch sử ». Do vậy không chỉ trên hộ chiếu mà thực tế cho thấy là Bắc Kinh đã mở rộng quyền hạn của các lực lượng tuần duyên tại Biển Đông, tăng cường các biện pháp khám xét tàu bè qua lại khu vực có tranh chấp chủ quyền …Những dấu hiệu đó cho thấy tranh chấp ở khu vực này không sớm được đóng lại.

Liên quan đến phản ứng của các nước láng giềng trước việc Trung Quốc áp đặt chủ quyền, La Croix điểm lại lối hành xử của Philippines, Việt Nam, Đài Loan và Nhật Bản nhưng không bình luận.

Kim Jong Un thách thức Obama ?

Nhìn sang bán đảo Triều Tiên, bài báo trên Le Figaro mang tựa đề « Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un thách thức Obama ».

Việc Bình Nhưỡng chuẩn bị bắn tên lửa vào giữa tháng này không hơn không kém là một « thông điệp bày tỏ quyết tâm của chính quyền Kim Jong Un gửi tới tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama ».

Một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Sejong, được Le Figaro trích dẫn, nhận định lãnh đạo Bắc Triều Tiên thất vọng vì tới nay Hoa Kỳ vẫn chọn thái độ cứng rắn đối với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Le Figaro cũng lưu ý là Bình Nhưỡng chọn bắn thử tên lửa đúng vào thời điểm Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ bầu lại tổng thống.

Theo tác giả thì thái độ bướng bỉnh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ có lợi cho ứng cử viên tổng thống Park Geun Hye thuộc cánh bảo thủ.

Tiêu thụ nội địa, chìa khóa kinh tế của Châu Á

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Thái Lan, Bangkok Post lạc quan khi đánh giá về tình kinh tế châu Á vào năm tới. Theo Bangkok Post tiêu thụ nội địa và trao đổi mậu dịch giữa các nước trong khu vực sẽ động cơ tăng trưởng kinh tế của châu Á.

Tất cả những động lực kinh tế đem lại thịnh vượng cho các nước Á châu đều đang bị tê liệt : xuất khẩu sang hai thị trường Hoa Kỳ đến châu Âu giảm sụt do đình đốn kinh tế và khủng hoảng của khu vực đồng euro.

Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc cũng bắt đầu bị chựng lại. Nhật Bản thì vẫn chưa thoát khỏi bế tắc. Kim ngạnh xuất khẩu của Malaysia giảm 6 % so với tài khóa 2011, xuất khẩu của Malaysia và Thái Lan sang Liên Hiệp Châu Âu giảm 15 %, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường châu Âu cũng giảm 150 triệu đô la so với một năm trước đây.

Dù vậy kinh tế các nước Đông Nam Á vẫn « đứng vững » nhờ tiêu thụ nội địa và các khoản đầu tư công cộng.

Trong sáu tháng đầu 2012 chi tiêu công cộng của Malaysia, Indonesia và Philippines gia tăng đáng kể. Trong quý 2/2012, tổng đầu tư của nhà nước Malaysia tăng 30 % so với quý 1.

Chính phủ Thái Lan cũng đã chi ra rất nhiều tiền, chủ yếu để khắc phục hậu quả đợt lũ kỷ lục vào mùa thu năm 2011. Theo báo Bangkok Post tiêu thụ nội địa sẽ còn tiếp tục là nguồn đem lại tăng trưởng cho các nước châu Đông Nam Á suốt năm 2013 và những năm sau đó.

Tuổi nào để lập gia đình ?

Đó là câu hỏi phụ trang y tế của Le Figaro nêu lên trong một khung báo nhỏ. Đi từ một nhận xét là tại các nước Tây phương, trong 2 thập niên qua, người ta lập gia đình ngày càng trễ.

Tại Pháp chẳng hạn vào năm 1994, trung bình một thanh niên lấy vợ sau 28 tuổi còn đối với phái đẹp, thì độ tuổi « chín muồi » để lên xe hoa là 26. Nhưng đến năm 2010 thì mãi ngoài 30 người Pháp mới lập gia đình.

Tuy nhiên gần đây, một công trình nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Brigham Young University thực hiện cho thấy, giới trẻ giờ đây lại muốn sớm làm lễ thành hôn, trong lúc các bậc phụ huynh thì vẫn hy vọng con em mình phải ổn định về tài chính và có cương vị trong xã hội trước khi lấy vợ lấy chồng !

Switch mode views: