Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bắc Triều Tiên lao vào cuộc chiến chống đói

koreanorth food


Trẻ em ở một nhà trẻ Bắc Triều Tiên sống tạm trong lều vì trường đã bị lũ lụt phá hủy, đang chờ đợi khám độ suy dinh dưỡng ngày 30/09/2011.
Reuters


Từ hơn 30 năm nay, Bắc Triều Tiên luôn bên bờ vực khủng hoảng lương thực triền miên.
 Và từ hai năm nay, vụ mùa đang dần tiến bộ.
 Nếu Bình Nhưỡng tỏ ra rất hài lòng về chương trình cải cách do Kim Jong-un đề xướng, các tổ chức phi chính phủ lại cho rằng kết quả trên có được nhờ điều kiện thuận lợi bất thường.

Tuy nhiên, các tổ chức này khẳng định số người bị suy dinh dưỡng vẫn tiếp tục tăng lên.

Nạn đói là kẻ thù số một của chế độ Bắc Triều Tiên. Quốc gia này có điều kiện địa lý và khí hậu không mấy thuận lợi cho nền sản xuất nông nghiệp lớn : khí hậu lạnh, mùa sinh sản ngắn và địa hình núi non.

 Dù biết vậy nhưng vào những năm 1950, Bình Nhưỡng vẫn quyết định nhắm đến chuyện tự lực về nguồn lương thực.

 Một loạt các chiến lược không mấy thích hợp được đề ra, như điều chỉnh đất nông nghiệp tồi và sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu, trong đó sự bùng nổ giá thuốc vào những năm 1980 đã nhanh chóng đẩy đất nước này vào một cuộc khủng hoảng kéo dài.

Đỉnh điểm của khủng hoảng là nạn đói xảy ra trong giai đoạn 1996-1998, giết chết hàng trăm ngàn sinh mạng, trong một đất nước chỉ có khoảng 24 triệu dân.

 Bản báo cáo cuối cùng của Liên Hiệp Quốc, công bố hồi tháng 3 năm nay, ước tính có đến gần 1/3 dân số bị suy dinh dưỡng trầm trọng. “475 868 trẻ tăng trưởng chậm”, bản báo cáo giải thích. Liên Hiệp Quốc dự đoán “một tác động không thể đảo ngược lên sự phát triển của trẻ em và của đất nước nói chung”.

Pierre Rigoulot, sử gia và tác giả của nhiều công trình về Bắc Triều Tiên khẳng định: “Giới trẻ Bắc Triều Tiên trung bình thấp hơn người anh em phía Nam đến 25 cm”.

Chương trình lương thực thế giới (WFP) đã gởi đến Bắc Triều Tiên 84 220 tấn lương thực trong năm rồi.

Chính bản thân tổ chức này cũng phải tham gia vào chương trình phân phát các khẩu phần lương thực của chính phủ hồi năm rồi. Nhờ vậy, văn phòng Liên Hiệp Quốc tại BÌnh Nhưỡng có thể ước tính chi phí cho nhu cầu hỗ trợ lương thực là 150 triệu euro trong năm qua.

Bên cạnh đó, từ năm 2002, sự hỗ trợ của phương Tây đã giảm đi một cách đáng kể.

 Bắc Kinh đã lấp vào khoảng trống đó khi tuyên bố gởi 500 ngàn tấn gạo vào năm 2012 để trợ giúp cho quốc gia láng giềng.

Theo Pierre Rigoulot, "nhằm chống lại tình trạng thiếu ăn, chủ yếu ảnh hưởng mạnh ở vùng nông thôn và các đô thị nhỏ, người dân Bắc Triều Tiên thường hay đi buôn lậu ở phía bên kia biên giới Trung Quốc”.

Cải cách nông nghiệp được cho là thành công

Vào tháng 3 năm 2012, có lẽ Bắc Triều Tiên quyết định cải cách hệ thống nông nghiệp.

Từ trước đến nay, chính phủ quyết định tất mọi việc: từ việc lựa chọn kiểu canh tác, ngày gieo hạt và ngày gặt trong các hợp tác xã. Thế nhưng, chính việc để cho nông dân tự sử dụng một phần thu hoạch, được giữ lại, theo cách riêng của họ, thì mới tạo ra năng suất tốt nhất.

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi lên cầm quyền đã cam kết thực hiện tự do hóa nông nghiệp.

 Nông dân được quyền xử lý phân nửa diện tích đất canh tác mà họ được giao để sản xuất cho nhà nước và quân đội. Kết quả là vào năm 2012, bất chấp nạn hạn hán bất thường, Bắc Triều Tiên ghi nhận có sự tiến bộ trong thu hoạch năm thứ hai liên tiếp. Chương trình lương thực thế giới xác nhận là sản xuất nông nghiệp có tăng 10%.

Thế nhưng, mức tăng trên không phải là hệ quả của chính sách cải cách mới này. Bà Emilia Casella, điều phối viên của WFP cho rằng: “Các tiến bộ của năm vừa qua nhờ vào lượng phân bón có sẵn tạm thời, phân ủ, nhiên liệu và vải bạt để trùm lên bảo vệ các hạt giống”.

Theo giải thích của bà, “Thiếu đạm mới là mối bận tâm thật sự. Năm 2012, sản xuất đậu nành còn sụt đến 30%”.

Trong bản báo cáo cuối cùng, văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Bình Nhưỡng đã báo động tình trạng thiếu chất vitamin A ở 98% người dân Bắc Triều Tiên và hiện tượng thiếu máu ở gần như một nửa số người dưới 23 tuổi.

Hôm thứ năm 11/4 vừa qua, tờ báo Nhật Bản ủng hộ Bắc Triều Tiên Choson Sinbo đã vội vã lên tiếng ca ngợi thành công của cải cách. Viên quản lý một nông trại thí điểm ở phía nam đất nước, Ri Hye-suk khoe rằng sản xuất nông nghiệp tăng đến 24% trong vòng một năm.

 Dù rằng các kết quả này vẫn chưa thể nào được kiểm chứng bởi các nguồn độc lập.
 Ông ta giải thích: “Nông nghiệp là một công việc của mọi người. Vì vậy, điều quan trọng là phải tạo cho họ ý thức trách nhiệm với tư cách là người sở hữu để khuyến khích họ làm việc”.

Quân đội trên đồng ruộng, một mô hình của Trung Quốc

Quân đội Bắc Triều Tiên luôn đóng vai trò trực tiếp trong nông nghiệp.

Trên thực tế, quân số 1,2 triệu người, gồm đàn ông và phụ nữ, là điều rất quan trọng trong các trang trại.

Đầu tháng tư này, một bộ phận trong số này đã bắt đầu ra đồng để chuẩn bị gieo mạ cho vụ xuân. Và từ đây cho đến tháng năm, số người phải ra đồng có lẽ sẽ mỗi lúc mỗi đông.

Theo một nguồn tin thân cận của chính quyền Bình Nhưỡng, được hãng Reuteurs trích dẫn lại vào tháng 9/2012, chính quyền có lẽ đang có ý định lấy cảm hứng từ một mô hình “Truân điền” cũ của Trung Quốc.

Hiện mô hình này vẫn còn đang được áp dụng tại khu tự trị Tân Cương. Từ năm 1954, nông nghiệp tại khu vực này được một tổ chức bán quân sự có tên gọi là “Bộ phận sản xuất và xây dựng Tân Cương” quản lý.

Tổ chức đáng kinh ngạc này quản lý đến 2,6 triệu binh sĩ và nông dân trong năm 2011.
Là chủ nhân của 179 nông trại, 1400 doanh nghiệp, trường đại học, cơ quan báo chí, bệnh viện và thậm chí nhiều thành phố, tổ chức này thu lợi đến 9 tỷ euro trong năm 2010.

Một mức tăng trưởng mạnh đến nỗi mà một trong các chi nhánh của tổ chức này, Tân Cương Chalkis, đã được đẩy lên thành nhà cung cấp cà chua thứ hai trên thế giới.


Switch mode views: