Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

LHQ : Tổng thống Pháp cổ vũ hợp tác đa phương

Macron-LHQ 2


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đọc diễn văn tại cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72, New York, ngày 19/09/2017.
REUTERS/Eduardo Munoz

Ngày 19/09/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài diễn văn đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc.

Theo các nhà quan sát, khi nhấn mạnh hợp tác đa phương là nền tảng và tương lai của quan hệ quốc tế, tổng thống Pháp đã thể hiện rõ sự khác biệt với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo ông, đây là phương tiện duy nhất cho phép cộng đồng quốc tế hóa giải được các khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng hiện nay như khủng bố, di cư, biến đổi khí hậu.
Emmanuel Macron đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng bài phát biểu dài 30 phút này.

Thông tín viên Valerie Gas tường trình từ New York,

« Emmanuel Macron đọc diễn văn hơi trễ, thời gian để ông trau chuốt bài phát biểu.
Ngay từ những câu đầu tiên, tổng thống Pháp đã muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc ông có cơ hội được trình bày.

‘‘Tôi có hân hạnh được phát biểu trước Quý vị.
Tôi biết tôi phải chịu ơn ai về điều này. Tôi phải chịu ơn tất cả những người mà cách nay hơn 70 năm, đã đứng lên chống lại một chế độ tàn bạo, xâm chiếm nước Pháp, quê hương tôi’’.

Nhắc lại lịch sử cũng là một cách để nguyên thủ Pháp nhấn mạnh rằng chúng ta đã từng có lúc quên đi các giá trị nền tảng của Liên Hiệp Quốc, đó là sự khoan dung, tình đoàn kết nhân loại, tự do.
Các giá trị mà tổng thống Pháp coi là của chính mình.

‘‘Tôi biết rằng, nước Pháp có nghĩa vụ cất lên tiếng nói thay cho những người thấp cổ bé họng.
Tôi muốn là người nói thay cho những ai bị quên lãng, như em Bana, một học sinh ở Aleppo, Syria (thành phố bị chiến tranh tàn phá)’’.

Chọn Bana Ousmane, hình tượng tiêu biểu cho các khủng hoảng toàn cầu, tổng thống Pháp hy vọng là bài phát biểu của ông mang một ý nghĩa cụ thể, phát biểu có mục tiêu cho thấy cộng đồng quốc tế phải có các hành động tập thể.

‘‘Mỗi lần mà các đại cường quốc ngồi bên bàn Hội Đồng Bảo An nhường bước cho tiếng nói của những kẻ mạnh nhất, chính là lúc họ không còn tôn trọng nguyên tắc đa phương, nền tảng của luật pháp’’.

Cảnh cáo cũng là để thuyết phục. Nguyên thủ Pháp nhấn mạnh : ‘‘Chúng ta bắt buộc phải liên đới với nhau trong một cộng đồng cùng chung số phận’’.
Đối mặt với tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra hung hăng hiếu chiến, tổng thống Pháp dựa vào tình đoàn kết nhân loại và chủ trương hòa dịu ».

Dấu ấn phong cách của tổng thống Pháp

Cùng với bài diễn văn nói trên, tổng thống Pháp có một loạt các hoạt động thể hiện phong cách riêng của ông, đó là kết hợp bày tỏ quan điểm chân thành và đối thoại xây dựng.

Ngày hôm qua, dự án Hiệp ước thế giới về môi trường do Pháp chủ trương nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia thuộc năm châu lục.
Khối các nước châu Phi ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến nói trên.

Hôm qua, nguyên thủ Pháp cũng có cuộc đối thoại « trực diện và cô đúc » (theo những người có mặt trực tiếp) với tổng thống Iran Hassan Rohani, quốc gia mà tổng thống Mỹ đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận về hạt nhân.
Lãnh đạo Pháp nhấn mạnh : Phá bỏ hiệp ước hạt nhân với Iran sẽ là « một sai lầm nghiêm trọng ».

Theo AFP, hôm thứ Hai vừa qua, Emmanuel Macron có cuộc nói chuyện với tổng thống Mỹ.
Bất chấp các bất đồng giữa hai bên, sau buổi hội kiến nói trên, ông Donald Trump bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tổng thống Pháp, khi khẳng định : Đó là một con người mạnh mẽ, thông minh, tôi có vinh dự được tiếp xúc với ông ấy.

Theo các cố vấn của tổng thống Pháp, trong buổi đối thoại này, tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra lưỡng lự trong vấn đề khí hậu, và yêu cầu một buổi gặp khác, dường như để có thể thương thuyết về việc ở lại Thỏa thuận khí hậu Paris, với điều kiện đóng góp tài chính của Mỹ được cắt giảm.

Switch mode views: