Bầu cử Quốc Hội Anh : Tâm điểm dư luận chuyển từ Brexit sang vấn đề khủng bố
- Thứ Năm, 08 tháng Sáu năm 2017 15:33
- Tác Giả: RFI, Lê Hải
Ám ảnh khủng bố có thể ảnh hưởng nhiều đến kết quả bầu cử Quốc Hội Anh. Trong ảnh, một điểm tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố London Bridge và Borough Market. Ảnh chụp ngày 06/06, hai ngày trước cuộc bầu cử.
REUTERS/Marko Djurica
Hôm nay, 08/06/2017, người dân Anh đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội sớm do thủ tướng Theresa May quyết định hồi tháng trước nhằm tìm kiếm sự ủng hộ để có đủ nhiệm kỳ 5 năm để đàm phán và thực hiện ý nguyện của cử tri muốn nước Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Tuy vậy, hai cuộc tấn công khủng bố đã làm lu mờ mọi cuộc tranh cãi về việc sẽ Brexit như thế nào và đổ dồn mọi chỉ trích vào vấn đề an ninh, mà chính bà thủ tướng trước kia là bộ trưởng phụ trách nội vụ và cũng là người quyết định cắt giảm ngân sách cho ngành cảnh sát.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải tường trình.
Các phòng phiếu trên khắp nước Anh mở cửa trong một ngày mây mù, chỉ thiếu có mưa là đúng cảnh ảm đạm thường gặp trên hòn đảo này.
Nhiều cử tri xếp hàng bỏ phiếu trước khi đi làm, để chiều muộn có thể thong thả đi uống bia với bạn bè nơi công sở xem dự báo kết quả chứ không phải gấp rút dồn phiếu vào giờ chót, như trong một cuộc bầu cử trước đây.
Tờ báo miễn phí cho độc giả có thiên hướng kinh doanh là City A.M. chạy hàng tít trên trang nhất gọi đây là « Ngày quyết định », thông báo chỉ số tài chính FTSE rớt điểm và kèm theo là một bài bình luận xem độc giả nên lên kế hoạch tối nay như thế nào theo từng kịch bản riêng biệt.
Cụ thể là nếu thủ tướng tái đắc cử thì con tàu nước Anh sẽ gặp nhiều cơn sóng lớn và người lèo lái nó sẽ đối mặt với nhiều khó khăn chính trị.
Trong khi đó, nếu Công Đảng đối lập thắng thì Brexit sẽ mềm hơn, nhưng đồng Bảng sẽ lên xuống thất thường.
Trong trường hợp lá phiếu của người dân tạo ra một quốc hội không có bên nào đủ mạnh thì tiền Anh mất giá và quá trình rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ vô cùng phức tạp.
Đài truyền hình BBC News thực hiện nguyên tắc im lặng bầu cử và không bàn chuyện chính trị nước Anh trong ngày hôm nay, còn báo Guardian thì tường thuật bầu cử trực tiếp trên trang mạng.
Hôm nay Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia của Anh cũng phải thay đổi luật lệ, không chỉ mở cửa phòng phiếu từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối như thường lệ mà đến đúng 10 giờ vẫn sẽ mở cửa cho đến khi người cuối cùng đứng trong hàng bỏ phiếu xong.
Thủ thướng Theresa May ra quyết định bầu cử sớm nhằm tận dụng thời điểm bên Công đảng đang yếu thế và theo dự kiến thì sẽ có một nhiệm kỳ 5 năm đủ để đàm phán Brexit trong 2 năm đầu và sau đó thì yên tâm thực hiện các kế hoạch đã đưa ra, mà không bị dân chúng phản ứng khiến Đảng Bảo Thủ bị mất quyền lãnh đạo.
Vậy thì tình hình cho đến lúc này là như thế nào?
Hãng cá cược Ladbrokes chạy quảng cáo trên trang nhất của tờ báo miễn phí có lượng ấn bản nhiều nhất nước Anh hiện nay là tờ Metro, phát hành ở thủ đô Luân Đôn và các thành phố lớn của nước Anh, đưa ra tỷ lệ thủ tướng tái đắc cử là 20 ăn 1.
Hãng cá cược Betfair thì tính tỷ lệ Đảng Bảo Thủ thắng là 93%, còn Công Đảng là 7%.
Trên mạng xã hội, tin tức lan truyền không còn tính theo giờ, mà có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào, khi các báo hầu như đều chạy video live trên mạng facebook, hay tin nhắn breaking news trên Twitter.
Ngoài ra, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người phát tin, và ngay cả thủ tướng Theresa May cũng phải mở trang riêng để vận động cử tri trên mạng Facebook.
Đảng Lib-Dem còn lập các nhóm riêng cho từng địa phương để không cần phải hội họp theo kiểu truyền thống, mà nhanh chóng điều phối nhau trong ngày hôm nay.
Công nghệ mạng xã hội cũng giúp họ giảm chi phí hoạt động và tạo ra thêm nhiều ứng viên ở các địa phương mà trước đây không thể với tới được với nguồn ngân sách và điều kiện hoạt động như cũ.
Cũng cần nói thêm rằng Đảng Bảo Thủ có vẻ như là chắc chắn sẽ thắng, nhưng thắng như thế nào mới là điều khó đoán trong ngày hôm nay.
Tổng cộng trên toàn nước Anh có 650 khu vực bầu cử để chọn ra 650 nghị sĩ Quốc Hội, vậy mà theo kết quả lần trước thì đã mất hết 56 ghế cho đảng BNP của người Scotland.
Muốn thắng để đủ sức tự mình lập chính phủ cầm quyền, thì một đảng cần kiếm đủ 326 ghế, mà trong cuộc bầu cử trước đây Đảng Bảo Thủ chỉ có được 331 ghế mà thôi, thực sự là không nhiều lắm.
Các vấn đề địa phương vẫn luôn là ẩn số bất ngờ nhất, như là chiến thắng của ứng viên da màu của phe Công Đảng vào chiếc ghế thị trưởng Luân Đôn, hay thất bại của một ứng viên từ Đảng Bảo Thủ ở khu tây bắc Luân Đôn vì kế hoạch mở rộng sân bay Heathrow.
Thủ tướng Anh đưa ra quyết định bầu cử sớm trên cơ sở đánh giá khả năng thắng áp đảo. Nhưng hai vụ khủng bố liên tiếp trong vòng một tháng vừa qua làm chết và bị thương rất nhiều người ở Manchester và Luân Đôn đã ảnh hưởng rất mạnh đến dư luận.
Vậy thì liệu bên phía đối lập có được thêm phiếu do đảng cầm quyền mất uy tín hay không?
Hai vụ tấn công khủng bố liên tiếp nhau không chỉ gây chấn động cho dư luận ở Anh, mà cả trong mắt nhìn của thế giới.
Mới sáng nay truyền thông ghi nhận thêm một nạn nhân người Pháp, bị chiếc xe của bọn khủng bố tông rớt xuống sông Thames, mà sau mấy ngày mới tìm được xác nơi hạ nguồn, còn cô người yêu đi cùng thì vẫn đang phải điều trị trong bệnh viện.
Đúng ngày bầu cử cảnh sát công bố đoạn phim quay đúng đoạn cảnh sát nã gần 50 phát đạn để tiêu diệt 3 kẻ khủng bố đeo thiết bị giả làm bom, có thể coi như là thông điệp trấn an dân chúng.
Phóng sự bầu cử trên truyền hình Sky News cũng ghi nhận sự có mặt của cảnh sát vũ trang ở nhiều điểm bỏ phiếu.
Chính phủ của thủ tướng Theresa May chịu nhiều chỉ trích đã để xảy ra vụ tấn công khủng bố và cắt giảm cảnh sát, nhưng đồng thời dư luận cũng nhận được nhiều thông tin trấn an kiểu như vậy, đặc biệt là phản ứng nhanh nhạy của lực lượng chức năng sớm giới hạn con số thương vong.
Do đó, khó có thể đánh giá rõ ràng xem vụ khủng bố đã ảnh hưởng như thế nào tới lá phiếu của người dân trong cuộc bầu cử Quốc Hội lần này.
Tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn là tâm điểm của dư luận hầu như đã chuyển hoàn toàn từ câu chuyện Brexit sang vấn đề an ninh và khủng bố quốc tế, làm đảo lộn mọi tính toán của các phe phái chính trị.
Chiến dịch tranh cử của các bên cũng phải tạm ngưng hai lần liền, đặc biệt nhất là đúng vào Chủ Nhật vừa rồi, thời điểm tốt nhất để chiến dịch vận động có thể tác động mạnh vào quyết định chọn lựa của người dân.
Cho nên, có thể nói rằng đây là một cuộc bầu cử mà cử tri ít được chuẩn bị tinh thần nhất, và cũng không có nhiều thời gian để suy tính chắc chắn xem là nên bỏ phiếu cho đảng nào.
Cho đến thời điểm này, các dự đoán đều thiên về khả năng đảng Bảo Thủ thắng cử và lập được chính phủ để lãnh đạo nước Anh trong vòng 5 năm tới.
Vậy thì có thể dự báo gì về con đường tương lai của đảo quốc ?
Các phương pháp khảo sát thăm dò hiện nay không còn chính xác như trước, bởi vì tác động của mạng xã hội khiến cho suy nghĩ của con người ta không chỉ dao động, mà còn thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là trong xã hội công nghệ cao như nước Anh này.
Trước đây con người suy nghĩ theo nhịp của báo chí hàng ngày, rồi dần sau đó là theo nhịp của các kênh truyền hình tin tức tính bằng giờ.
Trong các cuộc bầu cử gần đây, số lượng cử tri được vận động đi bỏ phiếu vào giờ chót đã làm thay đổi đáng kể kết quả kiểm phiếu.
Tuy nhiên, điểm chung cho kết quả bầu cử, bất kể là đảng nào thắng, thì chính phủ của họ đều chưa giải được bài toán ngân sách và người dân Anh sẽ phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng hoặc nộp thêm thuế để nuôi các dự án tốn kém của chính phủ.
Đảng yếu thế nhất là Lib-Dem chỉ trích hai đảng lớn là không lo nghĩ gì tới tương lai của nước Anh, và kêu gọi người dân hãy bỏ phiếu cho họ, tức là cho tương lai của mình, nhưng chương trình tranh cử lại không có gì cụ thể lắm để bảo đảm cho tương lai đó.
Một nước Anh đang rời bỏ bến bờ châu Âu và mong đợi sự trợ giúp từ Hoa Kỳ, nhưng lại đúng thời điểm tổng thống Mỹ bị chê bai chỉ trích, thì có thể thấy trước một kịch bản không lấy gì làm tươi đẹp cho lắm.
Tin mới
- Chính trường Anh chao đảo sau bầu cử - 09/06/2017 20:06
- Donald Trump phản bác nội dung điều trần của cựu giám đốc FBI - 09/06/2017 18:17
- Khủng bố: Pháp phối hợp chặt chẽ hơn các cơ quan tình báo - 09/06/2017 17:53
- Mỹ: Phiên điều trần của cựu giám đốc FBI phủ thêm bóng đen trên Nhà Trắng - 09/06/2017 17:27
- Ấn Độ gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải - 09/06/2017 16:51
- Bắc Kinh và California hợp tác phát triển công nghệ xanh - 09/06/2017 16:46
- “Chết bởi Trung Quốc”: cuốn sách làm Tổng thống Donald Trump thức tỉnh. - 09/06/2017 01:48
- Qatar bị cô lập, Trung Quốc vạ lây - 08/06/2017 21:21
- TT Trump đề cử luật sư Christopher Wray làm tân giám đốc FBI - 08/06/2017 19:17
- California: ‘Đấu súng’ ở Fresno, 3 chết, 1 bị thương - 08/06/2017 19:09
Các tin khác
- Bầu cử Anh : Liên Âu lo lắng cho thương lượng Brexit - 08/06/2017 15:14
- Pháp thành lập Trung tâm quốc gia chống khủng bố - 08/06/2017 13:39
- Bắc Triều Tiên tiếp tục bắn thử tên lửa - 08/06/2017 13:34
- Điều tra nghi án Nga : Cựu giám đốc FBI khẳng định bị tổng thống Mỹ gây sức ép - 08/06/2017 13:19
- Sợ bị trục xuất, nhiều di dân bất hợp pháp không dám lãnh food stamp - 07/06/2017 23:42
- Iran ủng hộ Qatar, lên án Mỹ gây căng thẳng Trung Ðông - 07/06/2017 23:31
- Máy bay quân sự Myanmar mất tích, chở theo 120 người - 07/06/2017 22:56
- Châu Âu dự định lập quỹ quốc phòng chung - 07/06/2017 20:07
- Syria : Daech bị vây hãm tại thủ phủ Raqqa - 07/06/2017 19:19
- Pháp : Chính phủ đưa ra lịch trình cải cách luật lao động - 07/06/2017 18:58