Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khủng hoảng ngoại giao Qatar : Những nguyên nhân sâu xa

gulf-qatar-kuwait 1

Lãnh đạo Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani. Ảnh chụp ngày 25/03/2017.
Reuters

Từ khi được thành lập năm 1981, chưa bao giờ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh lại gặp khủng hoảng trầm trọng như hiện nay.

Về mặt chính thức các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, đã cắt đứt bang giao với Qatar vì nước này bị cáo buộc là yểm trợ khủng bố, cụ thể là yểm trợ tổ chức Nhà nước Hồi Giáo và Huynh đệ Hồi Giáo.

Nhưng quyết định nói trên thật ra xuất phát từ nguyên nhân sâu xa hơn, đó là nhằm làm suy yếu vai trò ngoại giao ngày càng lớn của Qatar, đồng thời khơi lại căng thẳng với Iran, quốc gia đang bành trướng thế lực trong vùng.

Từ nhiều ngày qua, giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh đã « cơm không lành, canh không ngọt », nhưng đỉnh điểm là ngày 23/05/2017, khi hãng tin chính thức của Qatar thông báo là trang web của họ đã bị tin tặc thao túng để phát đi những thông tin sai lạc, trong đó có những tuyên bố được cho là của lãnh đạo Qatar, Tamim al-Thani.

Lãnh đạo Qatar dường như đã cảnh báo các đồng minh vùng Vịnh là không nên đối đầu với Iran, cường quốc Hồi Giáo khu vực, đồng thời đã bênh vực cho tổ chức Hamas Palestine và Hezbollah Liban, hai tổ chức đều do Iran yểm trợ.

Mặc dù phía Doha đã cải chính, những tuyên bố đó đã được các phương tiện truyền thông của Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Liên Hiệp các Tiểu Vương Quốc Ả Rập liên tục phát đi phát lại, cho nên đã gây lên làn sóng phẫn nộ trên các mạng xã hội của những nước đó.

Trước đó, ngày 21/05, tổng thống Mỹ Donald Trump đã viếng thăm Ả Rập Xê Út và đã được đón tiếp rất trọng thể.

Khác với người tiền nhiệm Obama, đã cố hòa dịu với Iran để đạt được thoả thuận hạt nhân giữa quốc tế với Teheran, tại Riyad, ông Trump đã cực lực lên án Iran can thiệp gây mất ổn định các nước Ả Rập và yểm trợ khủng bố.

Tuyên bố như thế, tổng thống Mỹ coi như ủng hộ vai trò lãnh đạo khu vực của Ả Rập Xê Út và đồng tình với đường lối cứng rắn của Riyad đối với Iran.

Cho tới nay, Ả Rập Xê Út rất bực bội khi thấy đàn em Qatar vừa rất năng động về ngoại giao, vừa quá thân thiết với Mỹ.

Vào lúc Ả Rập Xê Út muốn lập một liên minh các nước Hồi Giáo Sunni để đối đầu với nước Iran Hồi Giáo Shia, Qatar lại kêu gọi cải thiện quan hệ với Iran.

Không thể chịu được nữa, Ả Rập Xê Út đã lợi dụng ngay tuyên bố được cho là của lãnh đạo Qatar để cáo buộc chính quyền Doha yểm trợ khủng bố, rồi lấy cớ để cắt đứt bang giao.

Vì Riyad cáo buộc Qatar yểm trợ tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, nên lôi kéo cả Ai Cập và Liên Hiệp các Tiểu Vương Quốc Ả Rập vào khủng hoảng ngoại giao.  
Cairo và Abou Dabi vốn rất thù ghét Huynh Đệ Hồi Giáo. Nhất là Ai Cập đang rất cần đến trợ giúp tài chính của Ả Rập Xê Út nên lại càng tích cực tham gia « dạy một bài học » cho Qatar.

Nhưng khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các láng giềng thật ra sẽ chỉ có lợi cho Iran, vì cho tới nay Teheran vẫn rất ngán ngại khối đoàn kết vùng Vịnh.
Nay khối đoàn kết này đang tan rã, nhất là vì trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, Koweit và Oman đã không theo chân Ả Rập Xê Út trong việc trừng phạt Qatar.

Trước mắt, lợi dụng tình hình này, Iran tỏ ra mình là một cường quốc có trách nhiệm khi kêu gọi Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh « nối lại đối thoại để giải quyết các bất đồng ».

Switch mode views: