Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thượng đỉnh Bratislava : Châu Âu tìm một thỏa thuận quốc phòng chung

eu-summit-britain-eu

Cờ Liên Hiệp Châu Âu và Slovakia bên ngoài Bratislava Castle (Hrad) trước thượng đỉnh Bratislava, 15/09/2016.
REUTERS/Yves Herman

Thứ Sáu 16/09/2016, tại Bratislava, thủ đô Slovakia, sẽ diễn ra thượng đỉnh không chính thức của 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

 Theo các nhà quan sát, một vấn đề trọng tâm của hội nghị quan trọng đầu tiên của Liên Hiệp - kể từ sau cử tri Anh quyết định Brexit - sẽ là phối hợp nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng riêng của toàn khối.

 Đây là chủ đề mà khối 27 nước hy vọng có thể đạt được đồng thuận, trong bối cảnh rất nhiều vấn đề gây chia rẽ như chính sách nhập cư, tài chính...

Việc Anh Quốc – với 42 tỷ euro chi phí quốc phòng một năm, chiếm khoảng ¼ ngân sách chung của Liên Hiệp Châu Âu trong lĩnh vực này - rời châu Âu chắc chắn để lại những hệ quả quan trọng.

Tuy nhiên, viễn cảnh Brexit – cùng với sự chấm dứt quyền phủ quyết của Luân Đôn, kéo dài từ 43 năm nay – cũng mở cửa cho nhiều sáng kiến mới trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng châu Âu.

Tăng cường năng lực quốc phòng chung để đối phó với các đe dọa chung của toàn khối ngày càng được coi là một thách thức cần sớm được giải quyết.
Trước thềm thượng đỉnh Bratislava, một loạt sáng kiến được đưa ra, đáng chú ý là các đề nghị chung của Pháp và Đức – hai cường quốc quân sự của châu Âu, được Bruxelles ủng hộ.

Hôm thứ Hai 12/09, Paris và Berlin chính thức công bố các đề nghị, qua một văn bản dài 6 trang, được gửi đến ủy viên phụ trách Ngoại giao của châu Âu.

Sáng kiến thận trọng của Pháp-Đức

Sáng kiến của Pháp và Đức đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường các lực lượng triển khai nhanh của châu Âu, trong đó có lực lượng Eurocorps, bao gồm các đơn vị quân đội của các nước thành viên Liên Hiệp, hoặc của NATO, được huy động vào các chiến dịch phòng vệ hay làm nhiệm vụ quốc tế, do châu Âu chủ trì.

Để gia tăng sức mạnh phản ứng nhanh của châu Âu, Pháp và Đức cũng đề nghị cải thiện năng lực tác chiến của các nhóm « battle group », mỗi đơn vị gồm 1.500 binh sĩ thường trực, luân phiên có mặt tại một số quốc gia thành viên, có thể được triển khai trong vòng 10 ngày.
 Đây là một sáng kiến đã được đưa ra từ năm 2007, nhưng chưa bao giờ được khởi sự, do thiếu quyết tâm chính trị.

Sáng kiến Đức-Pháp dự kiến xây dựng nguồn lực quân y riêng của châu Âu, cùng với một hệ thống vận tải đường bộ, đường biển và đường không nhằm phục vụ cho các chiến dịch.

Trong văn bản nói trên, Pháp, Đức và một số lãnh đạo cao cấp châu Âu nhấn mạnh rằng « một nền quốc phòng châu Âu mạnh hơn, hiệu quả hơn, cũng sẽ giúp cho NATO mạnh hơn ».

Sáng kiến nói trên cũng dự kiến lần đầu tiên đưa chi phí nghiên cứu cho quốc phòng vào ngân sách chung của Liên Hiệp Châu Âu, cho tài khóa 2021-2027.
Riêng Pháp và Đức đã đề nghị đóng góp ngay 90 triệu euro cho hai năm tới 2017-2019.

Bất đồng trong lĩnh vực này là, Đức và Pháp muốn ưu tiên tăng cường công nghiệp quốc phòng châu Âu, trong khi nhiều nước châu Âu- thành viên NATO- lại muốn mua vũ khí của Mỹ.

Hiện tại, toàn bộ ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu là 178,2 tỷ đô la, bằng khoảng 1/3 ngân sách của Mỹ, chiếm khoảng 1,5% GDP của toàn khối, ít hơn nhiều so với tỉ lệ 2% mà NATO khuyến cáo.

Khả năng lập một tổng hành dinh tại Bruxelles

Về quốc phòng châu Âu, Bruxelles đưa ra đề nghị lập một trụ sở Quốc Phòng thường trực châu Âu tại Bruxelles, nhưng sáng kiến này trước mắt không được Pháp và Đức hưởng ứng ngay.

 Theo ông Vivien Pertusot, chuyên gia Viện Quan Hệ Chiến Lược Quốc Tế Pháp (IFRI), Paris và Berlin đều rất thận trọng, bởi không phải quốc gia châu Âu nào cũng ủng hộ sáng kiến này, và cho dù Anh Quốc sẽ rời khỏi Liên Hiệp, nhưng quan điểm của Luân Đôn vẫn sẽ được một số quốc gia ủng hộ.

Trong trường hợp sáng kiến lập tổng hành dinh tại Bruxelles bị phản đối, văn bản đề nghị của Đức và Pháp dự kiến thành lập một hội đồng quốc phòng quy mô nhỏ, chiểu theo một cơ chế đã có trong Hiệp định Lisboa.

Theo Pháp và Đức, khối 27 nước sẽ phải thảo ra một « lộ trình » trong vấn đề này, bao gồm một danh sách các mục tiêu và một lịch trình cụ thể, từ nay cho đến tháng 3/2017, đúng vào thời điểm mang tính biểu tượng, kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Roma, tức hiệp ước khai sinh ra Liên Hiệp Châu Âu.

Quân đội chung châu Âu : Hungary và Ba Lan tỏ ra sốt sắng

Về nỗ lực gia tăng sức mạnh quốc phòng chung của châu Âu, nếu như Pháp và Đức rất thận trọng, thì nhiều nước Đông và Trung Âu lại rất sốt sắng, nhất là Ba Lan và Hungary.

 Thủ tướng Hungary Victor Orban gây ngạc nhiên khi khẳng định kiên quyết ủng hộ việc thành lập quân đội chung của châu Âu hồi tháng trước.
 Ba Lan cũng ủng hộ một nền quốc phòng chung của châu Âu, « với điều kiện không cạnh tranh với NATO ».

Tuy nhiên đối với ông Judy thuộc trung tâm Carnegie Europe, lời kêu gọi của Ba Lan và Hung xây dựng một lực lượng quốc phòng chung của khối, nếu không phải là « giả dối », thì chí ít cũng « ngây thơ », bởi « dù có hay không có nước Anh, thì các quốc gia thành viên châu Âu vẫn sẽ chiến đấu đến cùng với nhau để giữ quyền kiểm soát quân đội riêng của mình ».

Theo các chuyên gia, mối quan tâm trước hết của Ba Lan và Hungary, cũng như các nước Đông và Bắc Âu, là gia tăng sức mạnh quốc phòng để đối phó với các đe dọa từ Nga.
 Trong khi đó, đối với Pháp, Ý và Tây Ban Nha, ý tưởng lực lượng quốc phòng chung của châu Âu là trước hết để đối phó với các đe dọa từ phía từ Địa Trung Hải, Trung Đông, hay châu Phi.

Bất chấp sự hăng hái của một số quốc gia châu Âu trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng của châu Âu, một số nhà quan sát tỏ ra không mấy tin tưởng vào triển vọng 27 nước đạt đồng thuận.

Bà Rosa Balfour, chuyên gia tại Quỹ Marshall của Đức, hồ sơ quốc phòng châu Âu trong từ hai mươi nay đã chỉ tiến lên với tốc độ « rùa bò », vì vậy không thể hy vọng đạt được các thỏa thuận đáng kể ngay trong thượng đỉnh tới.

Ưu tiên cho lực lượng biên phòng chung

Hy Lạp và nhiều quốc gia Địa Trung Hải bị ám ảnh trước hết bởi chính sách nhập cư chung của châu Âu, cuối tuần trước thủ tướng Hy Lạp – trong cuộc họp với lãnh đạo các nước tham gia thượng đỉnh Châu Âu – Địa Trung Hải, đã kêu gọi vấn đề ưu tiên trước hết của châu Âu là đoàn kết hơn trong vấn đề nhập cư.

Đối phó với nhập cư cũng là ưu tiên của chủ tịch ủy ban Châu Âu. Ông Jean-Claude Juncker, trong bài phát biểu trước nghị viện châu Âu tại Strasbourg, hôm qua, đề nghị khẩn trương thành lập lực lượng tuần duyên và biên phòng trên bộ của châu Âu, và ngay trước mắt một « hệ thống tin học chung của châu Âu, quản lý các dữ liệu về những người ra vào biên giới toàn châu Âu » .

Nếu đạt được đồng thuận tại Bratislava, bộ trưởng Quốc Phòng 27 nước Châu Âu sẽ họp lại trong hai ngày 26-27/09, và 15/11 để bàn về các biện pháp tiếp theo.

Switch mode views: