Mỹ tập trận tại châu Á-Thái Bình Dương : “Chuyện bình thường”
- Thứ Hai, 20 tháng Sáu năm 2016 16:20
- Tác Giả: Thu Hằng
Máy bay Carrier Air Win 5, Carrier Air Wing 9 và tàu sân bay USS John C. Stennis tập trận trong vùng biển Philippines, ngày 18/06/2016.
REUTERS/Courtesy Steve Smith/U.S. Navy
Tầu chiến và chiến đấu cơ của Mỹ thao diễn ngang dọc vùng Biển Đông và biển Nhật Bản trở thành “chuyện bình thường mới” trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Á-Thái Bình Dương bất chấp mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc và Nga.
Hãng tin AP (28/05/2016) nhận định, những động thái của Hoa Kỳ trong vài tháng gần đây đã khiến Nga và Trung Quốc phản ứng giận dữ.
Cả Bắc Kinh và Matxcơva đều cáo buộc chính quyền Obama đang góp phần thúc đẩy tình trạng bất ổn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thực hiện những chuyến lưu thông hàng hải bất hợp pháp và không an toàn trong khu vực này.
Ngược lại, các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ thì lại khẳng định tiếp tục bảo vệ các hoạt động trên và thực hiện quyền tự do hàng hải và thậm chí, với cường độ thường xuyên hơn trong thời gian tới.
Những lời chỉ trích ngày càng gay gắt trên cho thấy Trung Quốc và Nga đang cố gắng chứng tỏ ưu thế quân sự tại khu vực ngày càng đông đúc và cạnh tranh hơn trên thế giới.
Điều này cũng cho thấy một đối sách đầy căng thẳng nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo giữa một bên là Bắc Kinh và Matxcơva và bên kia là Washington.
Các cuộc tập trận cũng thể hiện chiến lược “xoay trục sang châu Á” của tổng thống Barack Obama.
Đây là quyết định được đưa ra trong đầu trong nhiệm kỳ của người đứng đầu Nhà Trắng để tập trung phát triển các mối quan hệ thương mại và kinh tế với các đối tác Thái Bình Dương.
Ông Derek Chollet, một cựu thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ về các vấn đề quốc tế và hiện là cố vấn cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức, nhận xét : “Chúng ta đang ở vào thời điểm mà cả Trung Quốc, Iran và Nga đều đưa ra nhiều hành động thách thức, ngày càng có hành vi liều lĩnh và buộc các chính trị gia tự hỏi : Họ chèn ép chúng ta đến mức nào và đến khi nào?
Chúng ta ủng hộ quyền tự do hàng hải và tôn trọng các quy tắc quốc tế. Đến một mức độ nào đó, chúng ta buộc phải phản đối việc thay đổi các quy tắc đó”.
Đô đốc John Richardson, tham mưu trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, nhận định : Lần đầu tiên kể từ 25 năm nay, Hoa Kỳ đang đối mặt với sự cạnh tranh để khẳng định tính ưu việt hàng hải, như với Trung Quốc và Nga, hai nước đang tích cực xây dựng lực lượng hải quân.
Bảo đảm quyền tự do hàng hải trên khắp thế giới
Việc Bắc Kinh cho xây dựng và phát triển các hòn đảo tại Biển Đông đã làm căng thẳng thêm mối quan hệ trong khu vực, bao gồm cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Hầu hết các nước đều lo ngại rằng Bắc Kinh, với các công trình xây dựng sân bay và đặt các hệ thống vũ khí trên các hòn đảo nhân tạo, sẽ sử dụng các cơ sở này để mở rộng phạm vi hoạt động quân sự và có thể để hạn chế hoạt động hàng hải trong khu vực.
Ba lần trong vòng 7 tháng qua, chiến hạm của Hoa Kỳ cố tình tiến gần vào một trong những hòn đảo nhân tạo trên để thực thi quyền tự do hàng hải và thách thức những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Đáp lại, Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ và chiến hạm để theo dõi và cảnh báo các tàu của Mỹ, đồng thời cáo buộc hành động khiêu khích của Hoa Kỳ.
Hai lần trong năm 2016, bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter đã đến thăm tầu sân bay của Hoa Kỳ ở Biển Đông trước sự có mặt của phóng viên. Hành động này nhằm truyền tải thông điệp rằng Hoa Kỳ sẽ không nhượng bộ về các quyền hàng hải.
Ông còn quay lại khu vực để dự diễn đàn an ninh Shangri-La tại Singapore.
Trong buổi lễ tốt nghiệp của Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ từng phát biểu : “Trung Quốc đã thực hiện một số hành động bành trướng chưa từng có tại vùng Biển Đông, tăng cường đòi hỏi chủ quyền quá đáng, trái với luật pháp quốc tế.
Hậu quả là các hành động của Trung Quốc có thể dẫn đến việc nước này tự xây dựng một bức trường thành cô lập”.
Các nước trong khu vực, từ đồng minh, đối tác và các nước trung lập, đang bày tỏ mối quan ngại ở cấp độ cao, dù là công khai hay chỉ riêng giữa hai nước.
Tương tự, chiến đấu cơ của Nga đã bay theo một chiến hạm của hải quân Mỹ trong vùng biển quốc tế ở biển Baltic vào tháng 04/2016.
Một tháng sau, Matxcơva lên tiếng chính thức phản đối một chuyến bay do thám của Mỹ trên biển Nhật Bản.
Washington khẳng định sứ mệnh của mình là bảo vệ quyền của Hoa Kỳ cũng như của các nước khác được qua lại những khu vực tự do, đồng thời ngăn chặn bất kỳ nỗ lực của quốc gia nào trong việc mở rộng ranh giới hoặc chủ quyền lãnh thổ một cách bất hợp pháp.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, đô đốc John Richardson phát biểu Hoa Kỳ đang thiết lập “một mức hoạt động bình thường mới hoặc tương tác” với chiến lược “ quay lại cạnh tranh quyền lực” của Nga và Trung Quốc.
Ông cũng cho biết hàng năm, các hoạt động tự do hàng hải vẫn được Mỹ tiến hành vài trăm lần trong sân sau của bạn bè và kẻ thù : “Chúng tôi vẫn làm việc này để phản đối những yêu sách quá đáng”.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, một quốc gia có thể đòi hỏi chủ quyền trong phạm vi 12 hải lý kể từ bờ biển của nước đó.
Thế nhưng, một số quốc gia lại đưa ra yêu sách nhiều hơn thế. Trong một số trường hợp khác, nhiều nước cố gắng hạn chế các quốc gia khác hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ chiểu theo luật quốc tế.
Ví dụ, họ có thể yêu cầu thông báo trước về một chuyến bay hoặc thông thuyền hoặc cấm hoạt động quân sự trong khu vực đặc quyền kinh tế.
Hàng năm, Lầu Năm Góc vẫn phát hành một bản báo cáo gồm danh sách các nước mà Mỹ đã đi vào bên trong vùng biển để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Các quan chức quân sự Hoa Kỳ cho biết ít nhất 80% những chuyến tuần tra trên được tiến hành bằng tàu thủy, nhưng không quân Mỹ cũng thực hiện nhiều chuyến bay để thách thức tuyên bố quá đáng đòi hỏi chủ quyền không phận.
Hoa Kỳ thường xuyên hoạt động để bảo vệ quyền tự do hàng hải ở eo biển Hormuz, nơi hàng năm có hàng trăm lượt tầu bè qua lại trong vùng lãnh hải mà cả Iran và Oman đều đòi chủ quyền.
Cả hai nước đều cố gắng hạn chế hoạt động tầu bè qua eo biển này, trong khi luật pháp quốc tế cho phép đi qua vô hại.
Quân đội Iran thường kêu gọi tầu của Mỹ rời khỏi khu vực nhưng con tàu của Hoa Kỳ tiếp tục hành trình của mình.
Ở nhiều nơi khác trên thế giới, bao gồm cả những khu vực của Ấn Độ hay những vùng biển lớn ở Nam Mỹ, hải quân Hoa Kỳ vẫn cho tầu thường xuyên đi vào những vùng biển bị đòi chủ quyền hay từ chối cung cấp trước các yêu cầu để được quá cảnh.
Thường thì những hoạt động được chú ý hoặc không gây bất kỳ phản ứng hay kháng cự nào.
Trong một số trường hợp khác, các quan chức Mỹ cho biết, nhiều nước chỉ nhận thức được sau khi Lầu Năm Góc phát hành báo cáo hàng năm.
Theo văn bản được công bố năm 2015, Hoa Kỳ đã tiến hành chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải để đáp trả những đòi hỏi quá đáng của 13 nước trên thế giới trong năm tài khoá kết thúc vào ngày 30/09/2015.
Tin mới
- Philippines, Malaysia và Indonesia hợp tác kiểm soát an ninh trên biển - 21/06/2016 16:00
- Quân đội Nhật báo động đề phòng tên lửa Bắc Triều Tiên - 21/06/2016 15:53
- Vụ mất tích: Lãnh đạo Hồng Kông chất vấn Bắc Kinh - 21/06/2016 15:46
- Trung Quốc: Dân làng Ô Khảm biểu tình đòi trả tự do cho trưởng thôn - 21/06/2016 15:41
- Biển Đông : Trung Quốc dọa rút khỏi UNCLOS - 21/06/2016 14:51
- Hàn Quốc cảnh báo mối đe dọa của IS đối với các căn cứ quân sự Mỹ - 20/06/2016 22:39
- Anh Quốc : Phe chống Brexit khởi sắc trở lại - 20/06/2016 17:18
- Hai trận đấu nhiều "hiểm nguy" ngày 20/06 - 20/06/2016 17:07
- Liên Hiệp Quốc : Người Rohingya, nạn nhân "tội ác chống nhân loại" - 20/06/2016 16:48
- Philippines : Giáo Hội báo động các vụ cảnh sát giết người - 20/06/2016 16:27
Các tin khác
- Ba lý do khiến Trung Quốc muốn Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu - 20/06/2016 13:13
- Bỉ khởi tố ba người bị tình nghi chuẩn bị tấn công khủng bố - 19/06/2016 23:25
- Đến lượT CIO ủng hộ quyết định cấm vận động viên Nga - 19/06/2016 23:17
- Đức chỉ trích thái độ « biểu dương lực lượng » của NATO - 19/06/2016 23:11
- Euro 2016 : Không còn những "viên gạch lót đường" cho các ông lớn - 19/06/2016 22:19
- Ấn Độ: Thống đốc Ngân hàng thông báo không tiếp tục nhiệm kỳ 2 - 19/06/2016 22:08
- Nhật Bản: Biểu tình phản đối căn cứ Mỹ ở Okinawa - 19/06/2016 21:52
- Vợ và cha hung thủ vụ Orlando trong 'danh sách cấm bay' - 18/06/2016 22:55
- Pháp truy tố một người định tấn công du khách nước ngoài - 18/06/2016 14:49
- Hồng Kông : Nhân viên nhà sách dẫn đầu đoàn biểu tình chống Trung Quốc - 18/06/2016 14:42