Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-09-2018

Khủng hoảng cơ chế đa phương quốc tế : Lá cờ đầu trong tay Pháp

general assembly

(Ảnh minh họa) - Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
ONU

Thời sự trong nước là tựa trang nhất của nhiều nhật báo Pháp hôm nay, với chủ đề ngân sách quốc gia, dự kiến công bố trong ngày, thứ Hai 24/09/2018 :

Les Echos nói đến « cú đặt cược mạo hiểm », còn Libération đăng hình gương mặt đầy ưu tư của tổng thống Pháp.

Le Figaro dành trang nhất cho vụ phóng tên lửa đẩy Ariane 5 lần thứ 100, trong lúc chủ đề chính của La Croix là « thỏa thuận lịch sử » giữa Vatican và Bắc Kinh.

Le Monde có bài phân tích đáng chú ý về nền ngoại giao đa phương thế giới bị mất hướng và niềm hy vọng đặt vào nước Pháp.

Bài xã luận của Le Monde, mang tựa đề « Trong một thế giới hỗn loạn, ngoại giao bị mất hướng », được đăng tải đúng vào lúc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc phiên họp thường niên.
Trong lần họp này, 95 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ sẽ tham gia.

Le Monde ghi nhận chưa bao giờ lại có đông đảo lãnh đạo các nước tề tựu về trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York như vậy, như thể để cho thấy một bộ phận lớn cộng đồng quốc tế đang hết sức lo ngại cho cơ chế đa phương quốc tế đang ngày càng bị đe dọa nhiều hơn.
Cơ chế đa phương được thiết lập sau Thế chiến Hai, với sự ra đời của Liên Hiệp Quốc (tháng 10/1945) và nhiều định chế quốc tế khác.

Le Monde nhấn mạnh là, kể từ khi tổng thống Trump lên nắm quyền, chính Hoa Kỳ - được coi là cột trụ và quốc gia đóng góp chính cho Liên Hiệp Quốc - đã có nhiều quyết định chống lại cơ chế đa phương quốc tế.

 Cụ thể là các tuyên bố rút khỏi UNESCO (tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc), thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, thỏa thuận về hạt nhân Iran 2015…, hay các đe dọa rút khỏi các hiệp ước thương mại quốc tế, được cộng đồng quốc tế dày công xây dựng.

Đối mặt với lập trường co cụm của tổng thống Mỹ, cách nay đúng một năm, cũng tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lớn tiếng cổ vũ cho một nhân loại, ngày càng gắn bó với nhau trong một cộng đồng mà ông gọi là « đồng hội, đồng thuyền » (communauté de destin).

Tiếng nói của nước Pháp ngày càng được chú ý trong bối cảnh, một số quốc gia đang trỗi dậy, đặc biệt là Trung Quốc, đang tạo ra một thế giới « đa cực, thậm chí vô cực, đầy bất trắc », trong đó luật pháp quốc tế không được tôn trọng.
Trong bối cảnh đó, Pháp có nhiều sáng kiến để huy động sự đóng góp của các cường quốc bậc trung, nhằm xây dựng « một cơ chế đa phương vững mạnh ».

Ngày 26/09, tại Paris sẽ diễn ra thượng đỉnh One Planet Summit lần thứ hai, về khí hậu, để tạo đà cho các đàm phán tại COP 24 ở Ba Lan cuối năm.
 Ngày 11/11, Paris sẽ đón hơn 80 lãnh đạo các nước tham dự Diễn đàn về Hòa Bình, nhân kỉ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất.

Cho dù uy tín trong nước bị sụt giảm mạnh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn rất được trân trọng trong cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh lãnh đạo các cường quốc phương Tây khác, như Anh bị suy yếu do vấn đề Brexit, và Đức do bất đồng nội bộ, Pháp hiện là tiếng nói « rõ ràng nhất » của một lãnh đạo phương Tây, vì một cơ chế đa phương quốc tế vững mạnh.
 Vấn đề là, theo Le Monde, nếu thiếu đồng minh, Paris rất có thể sẽ không làm được gì nhiều.

Paris hy vọng tập hợp được « các cường quốc có thiện chí »

Cũng về chủ đề « cơ chế đa phương quốc tế », Le Monde có bài phỏng vấn ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian.
Lãnh đạo ngoại giao Pháp tin tưởng Paris có thể tập hợp được « các cường quốc có thiện chí ».

Trong bài phỏng vấn dài với Le Monde, ông Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh đến nhiều « bước tiến quan trọng » của Liên Hiệp Châu Âu trong hơn một năm gần đây, với đóng góp lớn của tổng thống Pháp, những tiến bộ vốn rất ít được biết đến và thừa nhận.
Cụ thể là các thỏa thuận về lao động biệt phái (từng bị coi là bất khả thi), về chiến lược công nghệ số, bảo vệ tác quyền, việc lập ra Quỹ phòng vệ chung của châu Âu (với 13 tỉ euro), hay việc châu Âu đoàn kết kháng cự lại Hoa Kỳ sau quyết định của Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong quyết định của Nghị Viện Châu Âu cảnh báo sẽ tước quyền bỏ phiếu của Hungary, vì các xâm phạm đến Nhà nước pháp quyền, cũng có phần đóng góp quan trọng của Pháp.

Ngoại trưởng Pháp cũng điểm lại hàng loạt lĩnh vực hiện đang có sự đóng góp lớn của Pháp, nhằm « phục hồi một cơ chế đa phương hiệu quả ».
Ngoài các sáng kiến đã được nêu trong bài xã luận nói trên, Paris có vai trò trụ cột trong việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình G5 tại châu Phi, làm cầu nối cho việc giải quyết khủng hoảng Syria...

 Trong cuộc khủng hoảng Idlib (Syria) vừa qua, có thể thấy các cảnh báo và áp lực quốc tế đã giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận với Nga, nhằm hoãn lại cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Damas, nếu xảy ra, sẽ gây thiệt hại nhân mạng khủng khiếp, và một làn sóng hàng triệu người tị nạn.

Ngoại trưởng Pháp tin tưởng nỗ lực phục hồi cơ chế đa phương quốc tế sẽ được sự hưởng ứng mạnh của các « cường quốc có thiện chí », trước hết là Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada, Mêhicô, cũng như « các quốc gia gắn bó với cuộc chơi dân chủ, với pháp quyền, với nhu cầu hợp tác quốc tế ».

« Ốc đảo bình yên » tại Trung Đông bốc lửa : Bài học từ một nước nhỏ

Nội chiến và khủng hoảng kéo dài tại Syria, cũng như tình hình bất ổn tại nhiều khu vực, khiến nhiều người bi quan.
 Trang quốc tế báo Le Figaro có bài giới thiệu về một « Phép lạ Liban mới », giải thích lý do vì sao lại có « một ốc đảo bình yên » tại một Trung Cận Đông bốc lửa.

Cho đến nay, Liban - với hơn 6 triệu cư dân - đã tiếp nhận một triệu dân tị nạn Syria. Quốc gia tí hon này cũng đã tránh được cuộc chiến tàn khốc giữa hai hệ phái Hồi Giáo, Sunni và Shia, đang tàn phá Trung Cận Đông.
Cho dù, lực lượng Hezbollah, theo hệ phái Shia, thân Iran, có thế lực rất mạnh tại Liban, và định chế Nhà nước tại quốc gia này không đủ mạnh.

Bí quyết nào đã giúp cho Liban giữ được tình hình tương đối ổn định hiện nay ?
Theo Le Figaro, tại đất nước của « cây tùng xứ tuyết » (Cedrus), các cộng đồng tôn giáo lớn đã thành công trong việc tìm cơ chế cho phép cả nước đoàn kết.

 Cứ mỗi thứ Năm hàng tuần, 30 bộ trưởng thuộc bốn cộng đồng tôn giáo, Thiên Chúa Giáo, Shia, Sunni và Druze - một hệ phái Hồi Giáo nhỏ, họp lại để đưa ra các quyết định chung.
Liban không bị cuốn vào phong trào chống độc tài, vì dân chủ, mang tên « mùa xuân Ả Rập », bùng lên tại Tunisia hồi 2011, bởi trước đó nhiều năm, Liban đã làm nên « mùa xuân » cho mình, với các cuộc biểu tình khổng lồ năm 2005, buộc quân đội Syria phải rút đi.

Kể từ đó, Liban, với nền tự do báo chí và bầu cử minh bạch, được coi là quốc gia dân chủ duy nhất của vùng Trung Đông.
Theo Le Figaro, bài học Liban có ích cho toàn Trung Đông. Beyrouth - cái tên một thời từng gắn với chiến tranh, máu lửa - giờ đây có thể đứng ra làm môi giới cho cuộc đàm phán tìm kiếm hòa bình giữa Ả Rập Xê Út và Iran, hai cường quốc khu vực, đứng đầu hai hệ phái Sunni và Shia.

Công Giáo : « Thỏa thuận sơ bộ » Vatican - Trung Quốc có ý nghĩa gì ?

Về thời sự châu Á, cuộc dàn xếp giữa Vatican và chính quyền Trung Quốc là chủ đề quan trọng hàng đầu.

Báo Công Giáo chạy tựa trang nhất : « Trung Quốc - Vatican : Một kỷ nguyên mới ? », với nhận định là thỏa thuận « tạm thời » về bổ nhiệm giám mục mở ra giai đoạn đầu tiên cho phép hai bên giải quyết được bất đồng đã 60 năm nay.

Bài « Thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh : Người Công Giáo Trung Quốc bị chia rẽ » của Le Figaro lưu ý là thỏa thuận công nhận bảy giám mục do Bắc Kinh cho phép (vốn không được Tòa Thánh công nhận trước đây) được các tín đồ của Giáo hội Công Giáo gọi là « yêu nước » (trung thành với chính quyền) hưởng ứng, trong lúc các tín đồ của Giáo hội ngầm, vốn trung thành với Tòa thánh, rất lo ngại.

Thậm chí một số người, như cựu giám mục Hồng Kông Trần Nhật Quân, thậm chí còn coi đây là một hành động đầu hàng, phản bội lại những người trung kiên với đức tin.
Về phần mình, xã luận báo La Croix, với tựa đề « Cái giá của sự hòa giải », nhấn mạnh đến đây là một bước đi đầu tiên hướng đến sự tin tưởng lẫn nhau của Vatican với Bắc Kinh, vốn được khởi sự dưới thời giáo hoàng tiền nhiệm.

Theo La Croix, giáo hoàng Phanxicô - người tiếp tục hướng đi này - đặt niềm tin vào khát vọng tìm được tiếng nói chung với các đồng đạo và tinh thần sáng tạo của các cơ sở Công Giáo vốn không được công nhận tại Trung Quốc, trong sứ mạng « hòa giải » và « sống đạo », bất chấp các áp lực của quyền lực thế tục.

Cũng La Croix ghi nhận phản ứng chính của phía Trung Quốc.

Nhật báo Global Times, một cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, nhấn mạnh là Bắc Kinh đã có rất nhiều nhân nhượng trong thỏa thuận này, kể cả trong vấn đề Đài Loan (Vatican là một trong hơn 10 quốc gia công nhận Đài Bắc).

Trong bối cảnh, Bắc Kinh đang phải đương đầu với Hoa Kỳ, thỏa thuận với Tòa Thánh được coi là một « thắng lợi ngoại giao » của Trung Quốc, cho dù 12 triệu tín đồ Công Giáo không phải là một ưu tiên của Bắc Kinh, quốc gia hơn một tỉ dân.
50 triệu tín đồ Tin Lành, được coi là dễ bị ảnh hưởng bởi Hoa Kỳ, mới là vấn đề với Trung Quốc.

Trong một bài viết khác, Le Figaro đi sâu tìm hiểu « các lý do của quyết định lịch sử của giáo hoàng ».
 Theo Le Figaro, quan điểm của Vatican là bằng mọi cách khai thông bế tắc, và tương lai của Công Giáo là ở châu Á, cũng có nghĩa là tại Trung Quốc.

Đây là vấn đề của thiên niên kỷ thứ ba, chứ không phải là việc giải quyết các hệ quả của chủ nghĩa cộng sản toàn trị thế kỷ XX.
Le Figaro nhấn mạnh là, đây là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh thừa nhận thẩm quyền tôn giáo của người lãnh đạo Tòa Thánh.

Litva nhân 100 năm ngày độc lập : Lời nhắn nhủ của giáo hoàng

Báo Công Giáo La Croix chú ý đến chuyến đi cuối tuần qua của giáo hoàng Phanxicô tới Litva, nước cộng hòa vùng Baltic, nhân dịp 100 năm kỉ niệm ngày độc lập.
Litva - bị Liên Xô xâm chiếm năm 1939, theo một thỏa thuận giữa Stalin và Hitler, bị Đức Quốc xã xâm lược, rồi bị sáp nhập vào Liên Xô - đã giành lại được độc lập, sau khi Liên Xô tan vỡ.

Gặp gỡ các tín đồ Công Giáo ở Vilnius, giáo hoàng Phanxicô chia sẻ những hồi ức đau đớn vẫn còn hằn sâu đối với rất nhiều người Litva, khi nhắc đến cái tên Sibêri, với những trại tập trung, hay những trại giam ở thủ đô Vilnius.

Người đứng đầu Tòa Thánh cũng nhắc nhở các lãnh đạo chính quyền, người dân Litva là hãy tìm lại những gì đích thực nhất, độc đáo nhất, trong sâu thẳm con người mình, hãy tìm lấy sức mạnh trong quá khứ, cho dù đó là đau đớn.

« Khoan dung, hiếu khách, tôn trọng và đoàn kết » làm nên sức mạnh.
 Hãy cảnh giác với sự trỗi dậy của các tư tưởng kỳ thị, đố ky, gieo rắc sự đối kháng.
Các khuyến cáo của giáo hoàng Phanxicô liên hệ trực tiếp với cuộc tranh cãi dữ dội tại châu Âu, về vấn đề thái độ với những người di cư, với sự trỗi dậy của làn sóng bài ngoại.

Về nước Nga, La Croix cũng chú ý đến phòng trào phản kháng dự án cải cách hưu trí đang lan rộng, cho dù điện Kremlin cho rằng việc Nghị Viện Nga thông qua luật này dường như chỉ còn là một thủ tục.

Không gian : Châu Âu cần cải tổ để tiếp tục dẫn đầu

Trong lĩnh vực công nghệ, vụ phóng tên lửa đẩy Ariane 5 lần thứ 100 vào ngày mai, tại căn cứ Kourou, ở Guyanne, thuộc Pháp, được Le Figaro đặc biệt chú ý.

Ariane lần này sẽ đưa hai vệ tinh viễn thông địa tĩnh lên quỹ đạo cách Trái đất 36.000 km.
Tổng cộng, kể từ năm 1996, Ariane 5 đã đưa 205 vệ tinh lên không gian.
Với thành tích này, châu Âu rõ ràng đang đứng đầu thế giới.
Thế nhưng Le Figaro lưu ý ngành không gian châu Âu cần phải « tái tổ chức » mới có thể tiếp tục dẫn đầu.

 Đối thủ chính của châu Âu là nước Mỹ, với cơ chế hợp tác năng động giữa các doanh nghiệp tư nhân, trẻ trung, như SpaceX của Elon Musk, được ngân sách Nhà nước tài trợ. Trong khi đó, châu Âu không có được các cơ chế  như vậy.

Pháp : Ngân sách 2019, chủ đề nhạy cảm

Tại Pháp, ngân sách quốc gia dự kiến công bố hôm nay là chủ đề chính của nhiều nhật báo.
Theo Le Figaro thiên hữu, tổng thống có tỉ lệ ủng hộ xuống thấp chưa từng có, theo các điều tra mới đây, quyết định có bước đi mạo hiểm.

Trong ngân sách quốc gia năm tới, ông Macron sẽ giảm bớt tổng cộng 6 tỉ euro tiền thuế và các đóng góp xã hội khác, nhằm thể hiện đứng về phía quyền lợi của người dân thường.
 Về phần mình, Libération ví tổng thống Macron như một nghệ sĩ phải thực hiện tiết mục đi thăng bằng trên dây, cùng một lúc đảm bảo hỗ trợ tài chính cho các đầu tư kinh tế, để thúc đẩy tăng trưởng, giảm chi phí công, đồng thời đảm bảo được cam kết cải thiện điều kiện sống của người thu nhập thấp.

Theo tờ báo thiên tả, trong bối cảnh mức tăng trưởng dự kiến năm nay bị giảm xuống, đầu tư cho chính phủ Pháp cho các gia đình thu nhập thấp ắt là sẽ không tương xứng với các biện pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và giới khá giả.

 Libération nhấn mạnh « sức mua » của người dân là chủ đề « nhạy cảm nhất », các quyết sách trong vấn đề này sẽ có ảnh hưởng lớn đến uy tín của tổng thống.

Switch mode views: