Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-02-2018

Quan hệ Nga-Mỹ sẽ đi đến đâu?

putin trump kiss

Putin và Trump, một cảnh trên tường ở thủ đô Vilnius, Litva, 13/05/2016.
Petras Malukas / AFP

Ông Donald Trump, khi tranh cử tổng thống Mỹ, đã muốn cải thiện quan hệ Nga-Mỹ.
Nhưng để thực hiện được là cả một chặng đường, trong khi ông và các cộng sự thân cận lại đang lún trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Trên nhật báo Le Figaro, nhà báo Laure Mandeville, trích lại nhận định của phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, cho rằng một năm sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống, quan hệ song phương rơi vào tình trạng « sụp đổ ».

Ai là thủ phạm khiến qua hệ Nga-Mỹ xấu đi ?

Từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, các đời tổng thống Mỹ đã tìm cách « mở cửa » với Nga.
Nhưng tất cả đều không thay đổi được tình thế, khiến người ta nghĩ là quan hệ Nga-Mỹ là do những « nguyên tắc căn bản hơn » quy định, hơn là vấn đề con người.

« Điểm bất đồng đầu độc quan hệ song phương từ năm 1991 là trật tự quốc tế sau khi bức tường Berlin sụp đổ và sự tan rã của Liên Xô », theo nhận xét của ông John Herbst, một cựu đại sứ Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu ở Atlantic Council.
Sau Chiến tranh lạnh, Matxcơva vẫn chưa nguôi ngoai vì đế chế sụp đổ, nhiều nước thuộc liên bang gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, như vậy thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Nga.

Ý đồ khôi phục lại ảnh hưởng trở nên rõ nét hơn kể từ khi ông Putin trở thành tổng thống Nga.
« Không chỉ mỗi Putin muốn có vị trí trong câu lạc bộ những nhà quyết định thế giới, mà các nhân vật tự do quanh ông cũng cho rằng quá trình làm suy yếu nước Nga là cố ý », theo nhận định của nhà báo Mikhaïl Zygar.

Một bộ phận thiểu số chính trị gia Mỹ thuộc trường phái « hiện thực » cũng từng kêu gọi « Washington cân nhắc đến lợi ích của Nga ».

Tuy nhiên, thực tế lại đẩy xa ý tưởng này, bắt đầu từ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée vào năm 2014, khiến đa số chính trị gia tại Mỹ cho rằng Nga là một cường quốc xâm lăng, tìm cách thách thức hiện trạng và gây hại đến lợi ích của Washingtong ở khắp nơi.
Còn nhà báo Evguenia Albats, thành viên của phe đối lập tự do Nga, nhận định « bước ngoặt Ukraina 2014 vận dụng tinh thần dân tộc và phương Tây như kẻ thù tưởng tượng làm phương tiện để củng cố quyền lực của Putin », sau nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn chống tổng thống Nga năm 2012.

5 điểm chia rẽ sâu sắc nhất quan hệ Nga-Mỹ ?

Thứ nhất, hồ sơ Ukraina chiếm vị trí chính. Matxcơva bác bỏ là nguồn cội của quyết định ly khai của phe thân Nga ở Ukraina. Washington yêu cầu bán đảo Crimée được trả lại cho Ukraina để dỡ bỏ cấm vận được áp đặt từ thời tổng thống Obama.
Trái với những gì người ta tưởng trong kỳ vận động tranh cử của ông Trump, chính quyền hiện nay lại nghiêm giọng hơn và còn cấp vũ khí cho Kiev.

Thứ hai là nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Bộ Quốc Phòng Mỹ liệt chính sách tài trợ và tuyên truyền của Nga tại Mỹ và châu Âu vào hàng những mối đe dọa nghiêm trọng, còn trên cả « đe dọa khủng bố ».

Thứ ba là vai trò « tiêu cực » do Nga cố tình trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
 Tổng thống Mỹ cáo buộc Matxcơva, cùng với Bắc Kinh, phá vỡ lệnh trừng phạt dầu lửa nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng.

Thứ tư là chiến sự tại Syria. Tổng thống Nga đã tài tình tận dụng sự không can thiệp của đồng nhiệm Obama để chiếm ưu thế và loại bỏ nỗ lực của Mỹ trong hồ sơ này.

Cuối cùng, căng thẳng Nga-Mỹ cũng rất rõ nét trên hồ sơ hạt nhân Iran.
Chính quyền Trump liên tục đưa ra những tín hiệu cổ vũ các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Teheran, trong khi Nga lại tỏ ra lo lắng về « việc thay đổi chế độ ».

Ảnh hưởng của cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ ?

Trái ngược với những hy vọng ban đầu, Matxcơva hiện tin chắc rằng cuộc điều tra về nghi an Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ sẽ ngăn cản mọi cải thiện quan hệ song phương.
Và « điều này không sai, ông Trump sẽ không thể tự phép đưa ra bất kỳ sách lược nào liên quan đến Nga một khi cuộc điều tra chưa kết thúc », theo khẳng định của cựu đại sứ John Herbst.

Tuy nhiên, chưa chắc rằng tình thế sẽ thay đổi khi cuộc điều tra kết thúc, nếu căn cứ vào những điểm bất đồng gay gắt hiện nay, cũng như việc toàn bộ đội ngũ cố vấn, bộ trưởng của chính quyền Trump, và Nghị Viện đã bỏ phiếu gần như tuyệt đối loạt biện pháp mới trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, cựu đại sứ Mỹ John Herbst cũng không loại trừ điều bất ngờ nếu tổng thống Mỹ được rảnh tay hành động và tổng thống Putin đổi ý về hồ sơ Ukraina.

Trung Quốc đáp trả tấn công thương mại của Mỹ

Bắc Kinh quyết định « ăn miếng trả miếng » sau quyết định của Washington đánh thuế cao vào pin mặt trời, máy giặt, bị cáo buộc là được trợ giá.

Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết « Bắc Kinh đáp trả tấn công thương mại của Mỹ » với quyết định, được đưa ra ngày 04/02/2018, mở điều tra chống phá giá nhắm vào cao lương của Mỹ, bị cho là nhập vào Trung Quốc với giá thấp hơn giá thị trường, như vậy gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất địa phương.

Trước những xích mích về thương mại, Bắc Kinh yêu cầu Mỹ từ bỏ « tư tưởng chiến tranh lạnh » sau khi tổng thống Donald Trump đánh giá Trung Quốc là « đối thủ » đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ trong Thông điệp liên bang đọc trước Quốc Hội.

Làn sóng sốc toàn cầu của cải cách thuế của Trump

Chủ đề kinh tế Mỹ cũng được Les Echos đưa lên trang nhất với hàng tựa : « Cú sốc toàn cầu từ chính sách cải cách thuế của Trump ».
Các doanh nghiệp Mỹ có thể hồi hương đến 3.000 tỉ đô la. Thêm vào đó là doanh nghiệp được giảm thuế, từ 35% xuống còn 21%.
Giới chủ chấp nhận cuộc chơi với lời hứa đầu tư thêm và tăng lương cho nhân viên của họ, như Walmart, ExxonMobil…

Tuy nhiên, lợi nhuận có được sẽ chủ yếu được tái phân phối đến các cổ đông, thông qua việc mua lại cổ phiếu hoặc trả lợi tức.
Các chuyên gia kinh tế tỏ ra hoài nghi. Theo họ, tác động của chính sách cải cách thuế đến GDP của Mỹ sẽ giới hạn từ 0,3 đến 0,5 điểm vào năm 2018.
Cũng về kinh tế Mỹ, nhật báo Le Monde nhận định « Tăng lương tại Mỹ làm sụt giảm phố Wall ».

Đến cuối tháng 01/2018, lương ở Mỹ đã tăng thêm 2,9%. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 06/2009 khi Hoa Kỳ vừa thoát khỏi suy thoái.
Trong vòng 88 tháng liên tiếp, nền kinh tế số 1 thế giới liên tục tạo thêm việc làm, như thêm 200.000 việc làm vào tháng 01/2018, và tỉ lệ lao động ổn định, hiện là 62,7%.

Nga : Tăng trưởng sụt giảm đe dọa kỳ tranh cử trổng thống của Putin

Tăng trưởng Nga chỉ đạt mức 1,5% trong năm 2017, dưới ngưỡng 2% dự kiến của Kremlin, là một tin không vui đối với tổng thống Putin, trong khi ông bắt đầu vận động tranh cử để tiếp tục nhiệm kỳ mới.
Theo nhật báo Le Figaro, về mặt tiêu thụ, động cơ tăng trưởng thứ hai của nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, các hộ gia đình tiếp tục tỏ ra do dự trong bốn năm liên tiếp.
Tương tự, thu nhập cũng sụt giảm trong năm 2017 (giảm 1,7% so với dự kiến giảm 1%) khiến tổng thống Putin lại càng gặp khó khăn hơn để thực hiện lời hứa tăng lương, đặc biệt là trong lĩnh vực công.

Tổng thống Macron dưới sức ép của phe dân túy đảo Corse

Thời sự Pháp là chủ đề chính trên các nhật báo Le Figaro, Le Monde, La Croix, Libération. Trong hai ngày 06-07/02/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ thăm đảo Corse, nơi nổi tiếng với khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và muốn gìn giữ bản sắc văn hóa.

Nhật báo Les Echos nhận định : « Tổng thống Macron mắc vào hồ sơ Corse đầy tế nhị ».
Với tỉ lệ thất nghiệp là 13,2%, Corse còn có tỉ lệ nghèo cao nhất nước Pháp.
 Hòn đảo xinh đẹp cần được đầu tư lớn và dường như bị các quỹ của Liên Hiệp châu Âu lãng quên.

Trang nhất của Le Figaro đưa tin : Chuẩn bị tinh thần đón tổng thống, phe dân túy, chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương, đã biểu tình vào thứ Bẩy 03/02 yêu cầu tổng thống trình bày về quan điểm của ông đối với hòn đảo quanh những điểm bất đồng chính :
 Hiến pháp công nhận « đặc thù Corse », công nhận thổ ngữ Corse là ngôn ngữ chính thức như tiếng Pháp và yêu cầu tù nhân Corse phải được giam trên đảo, thay vì bị giam giữ trên đất liền.

 Với bài xã luận của Le Figaro, giữa tổng thống Macron mà phe dân túy trên đảo, có « sự hiểu lầm sâu sắc ».
Trong mục « Thảo luận », nhật báo La Croix đặt câu hỏi : Liệu tiếng Corse có nên được hưởng vị trí cùng là ngôn ngữ chính thức ?

Một nghị sĩ nam đảo Corse cho rằng « hai ngôn ngữ là công cụ để bảo tồn tiếng nói Corse », còn một giáo sư Lịch sử thuộc đại học Tours thì nhận định : « Tiếng Corse sẽ không tái sinh chỉ vì ý đồ chính trị ».

Xét xử Salah Abdeslam, kẻ khủng bố tại Paris năm 2015

Ngày 05/02/2018, « Phiên xét xử đầu tiên kẻ khủng bố Salah Abdeslam mở ra tại Bruxelles », theo thông tin của La Croix.
 Le Figaro nhận định : « Phiên tòa xử Abdeslam được bảo vệ nghiêm ngặt ».

Trang nhất của Libération là hình ảnh kẻ khủng bố còn sống sót duy nhất trong loạt tấn công ngày 13/11/2015 với hàng tựa :
 « Salah Abdeslam, kẻ khủng bố không hé lời ».
 Nhân vật này sẽ bị xét xử vì đã bắn vào cảnh sát trong khi trốn chạy ở Bruxelles vào năm 2016.

Người nhập cư trong ngõ cụt ở Calais

Trang nhất của La Croix trở lại tình trạng người nhập cư « Trong ngõ cụt ở Calais », miền bắc nước Pháp.
Họ vẫn giữ ý đồ vượt biển Manche sang Anh Quốc, bất chấp điều kiện sống tạm bợ và bạo lực khiến vài người bị thương trong những ngày qua.
Theo bài xã luận nhật báo Công giáo, việc sử dụng vũ khí trong cộng đồng người nhập cư ở Calais cho thấy tình trạng nặng nề và đầy những nguy hiểm.

Việc quản lý làn sóng nhập cư là công việc lâu dài, và sẽ phải trải qua những bước mò mẫm, điều chỉnh.
Những biện pháp được đưa ra cũng khá nhiều, bắt đầu từ việc rút ngắn thời hạn xem xét đơn xin tị nạn, điều phối chính sách tị nạn của châu Âu và mở thêm các bộ phận nhập cư ngay trên đất nước khởi đầu hành trình…

Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là chiến đấu không nhân nhượng mạng lưới buôn người, mà theo La Croix, hiện vẫn chưa đủ.

Quần thể Angkor và thách thức của du lịch đại trà

Năm 2017, quần thể Angkor nổi tiếng của Cam Bốt đón 5 triệu lượt khách.
Theo dự kiến sẽ đón 7 triệu người vào năm 2020 và khoảng 10 triệu du khách vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo bài phóng sự trên trang Le Monde, lượng khách càng tăng, càng khiến di tích được xếp hạng Di Sản Thế giới của Unesco xuống cấp.

 Một mặt, người dân địa phương tận dụng được lợi ích từ du lịch của quần thể, nhưng cũng trở thành nạn nhân trước tình trạng ô nhiễm không khí và lượng khách ồ ạt, đặc biệt là du khách Trung Quốc lên đến 1 triệu người vào năm 2017, coi « quần thể Angkor là Venise châu Á ».
 Nhiều hướng suy nghĩ đang được cân nhắc để di sản này không trở thành nạn nhân của sự nổi tiếng.


Switch mode views: