Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ không loại trừ khả năng lại tấn công trừng phạt vì Syria dùng vũ khí hóa học

syrie vukhi hoahoc

Cứu hộ cấp cứu một nạn nhân bị ngạt khí gaz, dường như do chế độ Damas tiến hành, ngày 21/08/2013.
REUTERS/Ammar Dar/Files

Các quan chức Mỹ ngày hôm qua, 01/02/2018, cho biết Hoa Kỳ không loại trừ việc tấn công Syria sau khi có những cáo buộc là quân đội nước này lại sử dụng vũ khí hóa học.

AFP trích dẫn phát biểu một quan chức Hoa Kỳ, xin ẩn danh, cho biết, chế độ Bachar Al Assad và tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo « tiếp tục dùng vũ khí hóa học ».

Do vậy, theo lời một quan chức khác, tổng thống Donald Trump không loại trừ khả năng nào và việc « sử dụng vũ lực quân sự vẫn đang được xem xét ».

Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi có những thông tin - cho đến lúc này chưa được kiểm chứng - cho rằng dường như quân đội Syria hôm 01/02 đã dùng đạn pháo và các loại vũ khí khác có mang chất hóa học, thay vì dùng trực thăng ném các thùng thuốc nổ để bắn vào Douma, ở phía đông Damas.
Khu vực này do quân nổi dậy chiếm giữ và hiện đang bị bao vây.

AFP nhắc lại ngày 07/04/2017, theo lệnh của tổng thống Donald Trump, quân đội Mỹ đã bắn 59 tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân của chế độ Damas, để trừng phạt vụ không quân Syria, với sự hỗ trợ của không quân Nga, đã dùng vũ khí hóa học tấn công vào thành phố Khan Cheikhoun, phía tây bắc tỉnh Idleb, nơi quân nổi dậy chiếm giữ, làm 87 người thiệt mạng, trong đó có 31 trẻ em.

Liên Hiệp Quốc báo động tình hình nhân đạo

Trong lĩnh vực nhân đạo, Liên Hiệp Quốc báo động về tình hình tại những nơi đang bị quân đội Syria vây hãm.
Lần cuối cùng, các đoàn xe viện trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tới được những nơi này là vào cuối tháng 11/2017. Từ đó đến nay, chính quyền Damas không cho phép nữa.

Từ Geneve, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết thêm thông tin :

« Những mặt hàng thiết yếu, thực phẩm hay thuốc men : từ ngày 28/11/2017 đến nay, không có gì được chuyển tới người dân tại những vùng đang bị bao vây.
Hơn nữa, vào thời điểm đó, hàng viện trợ của Liên Hiệp Quốc chỉ được phân phát tới 7200 người, trong lúc hàng trăm ngàn người đang rất cần được giúp đỡ.
Chỉ riêng tại vùng Ghouta, phía đông Damas, đã có khoảng 400 ngàn người đang cần được viện trợ.

Khu vực này vẫn do nhóm dân quân nổi dậy kiểm soát. Cũng tại đây, 750 người đang chờ được sơ tán khẩn cấp đến các bệnh viện.
Từ tháng 12/2017 đến nay, mới chỉ có một số ít người được sơ tán khỏi Ghouta, đánh đổi lấy việc các nhóm vũ trang trả tự do cho các tù binh.

Theo ông Jan Egeland, cố vấn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phụ trách giải quyết cuộc xung đột, tình hình trên thực địa trở nên rất tồi tệ, kể từ năm 2015.
Ông quy trách nhiệm cho cả chính quyền Damas và nhóm phiến quân.

Cho dù cả hai bên đều nói muốn hưu chiến, nhưng các trận đánh vẫn tiếp diễn xung quanh thủ đô Damas và ở phía bắc, trong vùng Idleb.
Mỗi tháng, khoảng 200 ngàn người Syria, tương đương với dân số của Geneve, phải bỏ cửa bỏ nhà đi lánh nạn».

Switch mode views: