Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trả đũa tin tặc Nga hay không ? Câu hỏi khó cho Mỹ

nga- tin tac 2

Barack Obama (trái) et Vladimir Putin hôm 20/11/2016 bên lề thượng đỉnh APEC ở Lima.
Brendan Smialowski / AFP

Washington sau khi trừng phạt Matxcơva hôm thứ Năm 29/12/2016 vì tin tặc Nga xâm nhập phá hoại bầu cử Mỹ, có thể bổ sung thêm biện pháp trả đũa về tin học.

 Đây sẽ là một quyết định chưa từng thấy và có thể gặp rủi ro.

Các biện pháp do tổng thống Barack Obama loan báo vào thời điểm chưa đầy một tháng nữa là mãn nhiệm : trục xuất 35 người bị cáo buộc là gián điệp Nga, đóng cửa hai cơ sở ở đông bắc Hoa Kỳ bị cho là căn cứ để tình báo Nga liên lạc.

Thêm vào đó, GRU (tình báo quân đội Nga) và FSB (tình báo liên bang Nga, tức KGB cũ) cũng bị trừng phạt kinh tế cùng với bốn lãnh đạo GRU trong đó có giám đốc Igor Korobov.
Và ông Barack Obama tuyên bố không có ý định dừng lại ở đây.

Hoa Kỳ tố cáo Nga đã tổ chức các vụ tấn công tin học để đánh cắp và công bố hàng ngàn email của các nhân vật có trách nhiệm trong đảng Dân Chủ, gây bất lợi cho bà Hillary Clinton.

Tổng thống sắp mãn nhiệm cảnh cáo, chính phủ Mỹ sẽ có những biện pháp trả đũa khác « vào thời điểm do chúng tôi chọn lựa », kể cả thông qua những hoạt động bí mật, không thông báo cho công chúng.

Đối với nhiều người, các hoạt động bí mật này có thể là trả đũa bằng tấn công tin học, chẳng hạn như thông qua cơ quan tình báo quốc gia NSA của Mỹ, vốn đã từng mở rộng hoạt động sang các mạng tin học trên toàn thế giới.
 « Bánh ít đi, bánh quy lại », nhằm chứng tỏ cho tổng thống Nga Vladimir Putin là Hoa Kỳ cũng có khả năng dùng tin tặc gây rối loạn guồng máy Nga.

Theo Evan Perkoski và Michael Poznansky, hai giáo sư đại học Mỹ chuyên về chính trị quốc tế và tình báo, các vụ tấn công tin học cũng có thể nhắm vào những máy tính của những người thân cận tổng thống Nga.

Trên một diễn đàn mới đây đăng ở trang War On The Rocks, một trang mạng của Mỹ chuyên tư vấn về chiến tranh và an ninh, hai ông viết :
 « Nhắm vào các đại gia mà sự ủng hộ của họ mang tính sống còn đối với Vladimir Putin, có thể thúc đẩy mạnh mẽ cho việc ngưng can thiệp vào các cuộc bầu cử khác ».

Người Mỹ cũng có thể tìm cách gây bất ổn cho các định chế tài chính hay công ty Nga « với mục đích làm cho công luận Nga quay lại chống đối chế độ ».
Tuy nhiên hai vị giáo sư trên không nêu rõ chi tiết dạng thức tấn công có thể sử dụng.

Bà Susan Hennessey, cựu luật gia của NSA cũng có nhận định tương tự : trừng phạt công khai cần phải đi kèm theo một chiến dịch bí mật « mang tính đe dọa đối với những người có trách nhiệm của điện Kremlin, làm cho họ hiểu rằng chúng ta có thể đánh vào những địa điểm mà họ ngỡ là được bảo vệ ».

Nhưng các chuyên gia đều thống nhất ở một điểm : một Nhà nước tiến hành tấn công tin học vào một Nhà nước khác, coi như phiêu lưu đến một miền đất chưa được thám hiểm, với tất cả những rủi ro.

Steve Grobman, giám đốc kỹ thuật của Intel Security, một tập đoàn Mỹ về an ninh mạng nhấn mạnh :
 « Trả đũa bằng tấn công tin học bí mật cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, và thực hiện một cách rất cụ thể, để không gây thiệt hại liên đới cho các hệ thống tin học không nằm trong mục tiêu ».

Cũng như nhiều chuyên gia khác, ông cảnh báo việc khởi động một cuộc chiến tranh mạng, sẽ gây thiệt hại nặng cho cả đôi bên.
« Một sự leo thang tấn công tin học từ cả hai phía có thể dẫn đến một xung đột thật sự ngoài đời ».

James Lewis, chuyên gia về an ninh mạng của trung tâm nghiên cứu CSIS cho rằng chính quyền Obama sẽ chùn tay, vào lúc chuẩn bị tấn công – nếu điều này là sự thật.
Và Mỹ sẽ không sử dụng « vũ khí tin học » mang tính hủy diệt đang có, thỉnh thoảng được nêu ra nhưng chưa bao giờ mô tả một cách cụ thể.

Ông nói : « Cần hết sức tránh leo thang trong loại xung đột này, kiểu như ‘người Nga sử dụng cách cưỡng bức, gián điệp, chính trị, thì chúng ta cũng có thể hành động tương tự’ ».

Dù sao đi nữa, việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ thêm một lần nữa cho thấy cần phải tăng cường an ninh mạng và bảo vệ các máy tính Mỹ chống xâm nhập.

Claude Barfield, chuyên gia American Enterprise Institute - trung tâm nghiên cứu có xu hướng bảo thủ của Mỹ - nhấn mạnh :
 « Trong tương lai, chính quyền nhất thiết phải cải thiện việc bảo vệ hệ thống tin học Mỹ, nếu muốn ngăn cản những vụ tấn công tương tự ».

Switch mode views: