Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-04-2016

 Miến Điện : Con đường đầy chông gai của chính quyền mới

MYANMAR City Hall


Một khu phố thủ đô Rangoon
Reuters

Trong dòng thời sự đa dạng, tuần báo Courrier International quan tâm đến Miến Điện, với bài viết tựa đề "Đoạn tuyệt với nền kinh tế nhà binh".

Tạp chí trích báo Nhật Nikkei Asian Review, phân tích con đường khó khăn đang đón chờ chính quyền gần như hoàn toàn dân sự của tân tổng thống Htin Kyaw.

Theo Courrier International, chính quyền mới có nhiệm vụ khó khăn là biến Miến Điện thành một nền dân chủ thật sự, minh bạch hóa chế độ vốn bị quân đội khống chế từ 50 năm qua và trong bối cảnh họ vẫn có khả năng ngăn mọi cải tổ đe dọa quyền lợi của họ.
Bài báo dẫn một ví dụ điển hình : đập Myitsone, ở bang Kachin. Tại đây hai con sông chảy từ Trung Quốc nhập vào nhau thành sông Irrawaddy.

Năm 2009, tập đoàn điện lực Trung Quốc China Power Investment liên kết với tập đoàn Miến Điện Asia World, thân cận với giới quân đội cầm quyền lúc ấy, có kế hoạch xây dựng ở Myitsone một con đập thủy điện khổng lồ, cung cấp 90% điện sản xuất cho Trung Quốc.

Theo kế hoach xây dựng đập, 70.000 ha đất với hàng chục ngôi làng sẽ bị ngập chìm.
Trước sự phản đối của cư dân, tổng thống Thein Sein đã thông báo đình chỉ việc xây dựng cho đến khi rời chức vụ. Bắc Kinh đã rất phẫn nộ.
Quyết định tiếp tục đình chỉ hay cho thực hiện kế hoạch xây đập nằm trong tay chính quyền mới, và là một thử thách không nhỏ.

Thời chế độ quân sự cầm quyền, Miến Điện bị quốc tế trừng phạt đã phải dựa vào sự giúp đỡ của Trung Quốc, giúp quốc gia này có được một số hạ tầng cơ sở : nhà máy điện, hệ thống ống dẫn dầu khí, khai thác hầm mỏ.

 Các tập đoàn Trung Quốc tham gia cùng với đối tác tại chỗ là các tập đoàn Miến Điện trong tay quân đội hay thân cận quân đội.
Sau này, trong thời kỳ ông Thein Sein nắm quyền,  Miến Điện tăng trưởng hơn 7%.

Tình thế khó khăn của chính quyền mới, là đáp ứng kỳ vọng của dân chúng mong mỏi một xã hội công bằng minh bạch, và đưa nền kinh tế thoát khỏi sự khống chế các tập đoàn công nghiêp quân đội và Trung Quốc, nhưng lại không có gì trong tay : theo bộ trưởng Tài Chính Miến Điện, 3 trên 5 tập đoàn đóng thuế là của quân đội và họ nắm hầu như tất cả các lãnh vực.

Không chỉ thế Bắc Kinh cũng đang gây sức ép để quyền lợi của họ không bị đe dọa tại đây.

Con đường đầy chông gai, để giữ được lời hứa và sự tín nhiệm của người dân đang mong đợi thay đổi, bà Aung San Suu Kyi và ông Htin Kyaw phải phá vỡ một chế độ mà quân đội và những người thân cận của họ, đã xây nên từ hàng thập niên qua.

Các trang bìa đa dạng

Trang bìa tạp chí tuần này quả là mỗi tạp chí một vẻ : « 20 thách thức để xây dựng lại nước Pháp », một tựa đập mắt trên hình dạng bản đồ nước Pháp màu đen, đang được tu sửa.
Đây là hồ sơ chính của l’Express.

Le Point thì nhìn xa hơn, với ảnh tươi cười với độc giả của một cô gái Iran. Tạp chí giới thiệu hồ sơ lớn được quan tâm tuần này : « Nước Iran mới », một cường quốc đang trở lại sân khấu chính trị thế giới.

Tuần báo L’Obs mở lại hồ sơ tai tiếng tình dục của cầu thủ bóng đá Benzema, trong đội tuyển Pháp, tìm hiểu chuyện gì ở phía sau các sự vụ mà theo tạp chí đang trở thành một vấn đề chính trị.

Dưới dòng tựa : "Silicon Valley chinh phục thế giới Courrier International theo gót các chàng khổng lồ internet, Google, Facebook… đi chiếm lĩnh các miền đất mới, với những thủ đoạn tranh giành ác liệt".
Tạp chí trích hồ sơ điều tra của nhật báo tài chính Anh Quốc Financial Times.

Bầu cử tổng thống, dịp để đổi mới nước Pháp ?

Trong hồ sơ « 20 thách thức để xây dựng lại nước Pháp » - L’Express liệt kê các lãnh vực cần cải tổ đi từ an ninh, giáo dục, tôn giáo, cho đến sức khỏe, môi trường, nông nghiệp…, đáp ứng với những thách thức hiện tại cũng như tương lai của xã hội Pháp.

Theo L’Express, thật ra, đây là cả một chương trình hành động, cải tổ cần phải được thực hiện để nước Pháp lột xác, trở nên hiện đại hơn, cởi mở hơn.

Những điều cần thay đổi được một nhóm chuyên gia 35 người tập hợp dưới trướng của ông Jacques Attali ghi lại trong quyển sách « 100 ngày để nước Pháp thành công » soạn thảo từ một năm nay.
L’Express cho biết đây cũng là sự gợi ý của nhiều chuyên gia khác – hơn 40 người - và của những người quan tâm đến vấn đề và trả lời qua Internet.

20 thách thức nói trên là 20 công trình xem như dành cho tân tổng thống Pháp được bầu vào năm tới đây.
Một chương trình khó khăn, chông gai nhưng hệ quả là đổi mới được nước Pháp, mở ra một con đường tốt đẹp hơn.

Với giọng điệu chỉ trích, L’Express nhận xét : Cho đến nay các chương trình vận động tranh cử tổng thống từ hàng thập niên qua, tả cũng như hữu, xoay quanh những hứa hẹn giảm thuế, bảo vệ những quyền lợi các giới ngành nghề, thành phần xã hội.

Sau khi được bầu, thì tân tổng thống lại cho là hữu ích khi yêu cầu các ủy ban đề nghị cho ông những dự án cải tổ mà không một tổng thống nào cài vào chương trình của mình.
 Và dĩ nhiên là những đề nghị đưa ra không bao giờ được thực hiện.

Theo L’Express, thì các tổng thống đều phạm sai lầm trong 18 tháng đầu nhiệm kỳ, và sau đó, cố sửa chữa các sai lầm này trong phần còn lại của nhiệm kỳ.
Do đó L’Express lại nhấn mạnh là bầu cử tổng thống là chìa khóa thay đổi, cải tổ và cuộc vận động phải phong phú, phải có những chương trình thực sự.

Tổng thống tương lai phải nghĩ đến dài hạn, không quan tâm đến việc được lòng dân hay không hay việc được bầu lại hay không.
Đề nghị 20 công trình nói trên được cho là vì lợi ích tương lai nước Pháp.

Tổng thống Hollande bị chính người thân tín chỉ trích

Tạp chí Le Point nhìn lại nhiệm kỳ tổng thống Pháp Hollande, trong « Những ngày cuối (nhiệm kỳ 5 năm) », và nêu nhận xét : Hiện nay, trong số người Pháp chỉ trích, quy tội ông Hollande, những người gay gắt nhất lại là trong giới thân tín của tổng thống Pháp.

Le Point nhắc lại cuộc họp các cộng tác viên ở phủ tổng thống thứ Sáu 01/04 : không khí rất ảm đạm. Một số chủ trương đã thất bại gần đây như vấn đề tước quốc tịch (đối với người có tham gia vào hoạt động khủng bố), luật lao động đang bị phản đối ầm ĩ trên đường phố…

Bị chống đối gay gắt ngay trong đảng, điểm tín nhiệm trong dân chúng tuột dốc, một cố vấn trẻ của tổng thống đã mỉa mai là ông Hollande đang trong tình trạng « được chữa trị giảm đau tạm trong một năm ».

Những người khách đến phủ tổng thống ghi nhận không khí phi thực tế, cứ tưởng chừng ở nơi thôn dã : cây, cỏ xanh tươi và nhất là sự yên lặng ngay cả trong các hành lang, không một tiếng động cho dù có đến 860 người làm việc tại đây.
 Tuy nhiên ông Hollande đã gia tăng các nhóm tư vấn, phân tích và những cuộc gặp riêng rẽ với các lãnh đạo địa phương, tổng thống Pháp rõ ràng là đang suy nghĩ về cuộc tranh cử một nhiệm kỳ nữa cho dù ông vẫn phủ nhận.

Panama Papers

Hồ sơ tai tiếng Panama Papers nhìn chung hầu như chưa được L’Express hay Le Point chú ý. Nhưng cũng có hai tạp chí đề cập đến : L’Obs và Courrier International.

Tuy nhiên, L’Obs chỉ tóm lược ngắn gọn trong nửa trang xuất xứ và các tác nhân vụ việc, cũng như những người dính líu trong hồ sơ.
Tạp chí Pháp đã chọn hai nhân vật điển hình : Tổng thống Nga Putin cho giới lãnh đạo và Michel Platini cho giới bóng đá.

Tạp chí còn đánh giá là cái tên Panama thường gắn với những vụ tai tiếng đi vào lịch sử.

Đất nước này nổi tiếng với kênh đào nối liền hai đại dương – Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, nhưng cũng lại nổi tiếng là thiên đường trốn thuế, và những vụ xì căng đan to lớn, làm rung chuyển thế giới : Hiện nay là vụ công ty offshore, nhưng một vụ khác làm Panama ‘nổi tiếng’ là cách đây hơn 100 năm, vào năm 1890 – một vụ tham nhũng liên quan đến kênh đào, đã liên lụy đến nhiều chính khách, kỹ nghệ gia Pháp, và làm hàng trăm ngàn người phá sản.

Courrier International thì theo đúng bài bản, đã lược điểm những gì báo chí quốc tế từ Âu sang Á, Châu Mỹ la tinh đã nói về vụ này, với nhận định « Panama Papers : vấn đề khẩn cấp là không im lặng ».

Courrier trích lời chủ bút tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung, tờ báo đầu tiên nêu vụ việc, đánh giá là một việc « công ích » khi công bố các tài liệu cho thấy một số quốc gia hay nhân vật tên tuổi nhà nước tránh né luật pháp để làm giàu.
 Tờ báo đã dành bài bình luận cho vụ việc, dưới tựa đề « Giờ trừng phạt ».

Tác giả Eric Chol, mở đầu bài nhận định với giọng điệu gay gắt : Panama, một cái tên đi đội với tham nhũng, xì căng đan.
Bài báo nhắc lại vụ tham nhũng kênh đào Panama đã làm rung chuyển nền Đệ tam Cộng hòa Pháp, chính khách, bộ trưởng, dân biểu, nhà báo… đã bị vạ lây, một bộ trưởng bị kết án 5 năm tù, những tên tuổi thời ấy như Ferdinand de Lesseps, Gustave Eiffel đã suýt vào tù.

100 năm sau tên của quốc gia Trung Mỹ này lại làm rung chuyển hành tinh, phơi bày ra ánh sáng thủ thuật làm giàu mấp mé bờ phi pháp của các « ông lớn » trên thế giới.
Câu hỏi đặt ra là trừng phạt như thế nào đây đối với những người « nổi tiếng » này, xuất hiện trong vụ Panama Papers ?

Phụ nữ Nhật phẫn nộ vì thiếu nhà trẻ

Tạp chí hàng tuần của Le Monde tuần này đã chú ý đến một sự kiện xã hội tại Nhật Bản trong bài « Nạn thiếu nhà trẻ khiến phụ nữ Nhật nổi giận ».
Theo bài báo, sự vụ khỏi sự từ một bài viết trên trang blog của một bà mẹ có con nhỏ tại Tokyo, đã không tài nào tìm ra chỗ gởi con sau khi nghỉ hộ sản và chuẩn bị đi làm.

Bài blog đã gây tiếng vang rất lớn, và càng lúc càng có thêm người lên tiếng tố cáo tệ nạn thiếu nhà trẻ.
 Đầu tháng Ba đã có một cuộc biểu tình đầu tiên phản đối chính quyền thiếu quan tâm.
Theo Le Monde, tại khu vực trung tâm Tokyo chẳng hạn, 36% đơn xin chỗ trong nhà trẻ không được đáp ứng.

Tình hình thiếu thốn tệ hại đến mức mà cuối tháng Ba, bộ trưởng bộ Xã Hội Nhật Bản đã phải công bố một kế hoạch khẩn cấp, nhằm trấn an dân tình.

Liệu chính quyền có khiến người dân bớt bất mãn hay không ?
Đó là câu hỏi chưa có lời giải đáp, nhưng theo Le Monde, thủ tướng Shinzo Abe lại vụng về làm cho người dân giận dữ thêm.

Khi bị chất vấn tại Quốc Hội, ông Abe đã tránh né, không trả lời, và cho rằng không nên tin vào một điều được nêu lên trên một trang blog vô danh.
Ông lại còn lẫn lộn giữa « nhà trẻ » và « trung tâm chăm sóc ».

Đối với Le Monde, sự cố nêu trên đã khiến thủ tướng Nhật bị mang tiếng, vì lẽ từ ngày trở lại cầm quyền vào năm 2012, ông Abe lúc nào cũng khoe quyết tâm tạo điều kiện cho phụ nữ làm việc.

Vấn đề là không có nhà trẻ để giữ con thì làm sao một phụ nữ có thể đi làm được ?

Switch mode views: