Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-04-2016

Địa chấn « Panama Papers » lan rộng

panama-tax-lawyers 3
Một góc thiên đường thuế Panama.
REUTERS/Carlos Jasso

Đối với báo chí Pháp, thời sự nổi bật nhất ngày hôm nay 08/04/2016 vẫn là sức công phá của quả bom thiên đường thuế còn gọi là “Panama Papers” và thứ hai là chiến thuật của bộ trưởng kinh tế trẻ tuổi Emmanuel Macron, để chinh phục điện Elysée năm 2017.

Trong khi Bắc Kinh và Matxcơva cáo buộc “thế lực xấu” muốn bôi nhọ lãnh đạo Trung Quốc và Nga cất giấu tài sản ở các thiên đường thuế qua tổ hợp luật sư Panama Mossack Fonseca mà Mạng lưới phóng viên điều tra quốc tế phanh phui, thì báo chí Pháp cũng như đồng nghiệp tây phương không chừa một nhân vật nào từ khách hàng cho đến môi giới.

Thủ tướng Anh bị đẩy vào chân tường

Anh Quốc: David Cameron bị vụ tai tiếng Panama Papers nắm áo.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro chỉ nhắm một mình thủ tướng Anh.

Thoạt đầu, thủ tướng cánh hữu Anh Quốc phải thú nhận có 30.000 bảng Anh cổ phần trong một công ty nhưng đã bán hết vào năm 2010, và khai thuế trước khi lên làm thủ tướng.
Nhưng bị báo chí chất vấn liên tục qua năm cuộc phỏng vấn, cuối cùng ông nhìn nhận có thừa hưởng gia tài 400 ngàn đôla do cha để lại.

Nắm thông tin của “Panama Papers” trong tay, báo chí Anh tấn công tới tấp và David Cameron thú nhận “có tài sản ở Bahamas” do cha để lại và hứa công bố giấy khai thuế

Tuy số tiền này không là bao so với vị thế của thủ tướng của đại cường kinh tế thứ năm thế giới.
Nhưng theo Le Figaro, uy tín của nhà chính trị từ bốn năm nay luôn cổ vũ cho chính sách bài trừ nạn trốn thuế, sẽ bị tai tiếng “Panama Papers” làm cho suy yếu vào thời điểm, trong hai tháng nữa, nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý về câu hỏi đi hay ở với Liên Hiệp Châu Âu.

Tư bản đỏ Trung Quốc

Khác với Le Figaro, Le Monde dành trang nhất và 5 trang trong để mô tả “cơn địa chấn toàn cầu”, tựa chính của nhật báo độc lập mở đầu cho một loạt bài: Giới quý tộc đỏ ở Trung Quốc rất mê công ty bình phong, Bà dì của vua Tây Ban Nha bị nêu tên, Chính phủ Iceland thông báo bầu cử trước kỳ hạn vì thủ tướng bị tai tiếng “trốn thuế” phải từ chức.
Bằng cách nào thu nhập dầu khí ở Congo chạy vào túi con trai tổng thống Congo, chủ nhân nhiều công ty ở thiên đường thuế.

Ở Ukraina, nhiều nhân vật chế độ cũ và những nhà lãnh đạo sau cách mạng Maidan có tên trong hồ sơ giấu tiền ở thiên đường thuế.
Nhưng điểm khác biệt là tổng thống Porochenko không che dấu ông cất tiền ở nước ngoài để trốn thuế.

 Về phía thường dân, luật sư nổi tiếng của Thụy Sĩ Marc Bonnant, 71 tuổi, được mệnh danh là “Mozart của công ty bình phong” trợ giúp khách hàng bị tư pháp chiếu cố giấu tiền ở thiên đường thuế, được Le Monde ưu ái dành cho một trang báo dài.

Như Le Monde nhận định, vụ “Panama Papers" cho thấy, bên cạnh hàng ngàn khách hàng vô danh còn có những nhân vật tên tuổi trong mọi ngành mọi giới, từ tổng thống, chủ tịch nước cho đến vận động viên danh tiếng hay doanh nhân bị quốc tế trừng phạt đã bảo vệ tài sản qua các công ty bình phong.

Do vậy, tổ hợp Mossack Fonseca mà tài liệu bị lộ, đã giúp cho thân nhân của giới lãnh đạo Trung Quốc tại chức hay đã về hưu che giấu tài sản kết sù.
Chế độ tư bản theo kiểu “nước đục” của Trung Quốc phần nào được phơi bày qua vụ “xì căn đan Panama Papers” cũng như qua vụ tiết lộ China Leak năm 2014.

Hoa lục là thị trường lớn nhất của tổ hợp luật sư Mossack Fonseca, qua 8 văn phòng ở Hoa lục và Hồng Kông, đã quản lý đến 16.000 công ty bình phong của Trung Quốc. Trong số này có con cháu của những “nhà cách mạng” như Đặng Tiểu Bình, đao phủ thủ Thiên An Môn Lý Bằng, Tập Cận Bình, Giả Khánh Lâm, Trịnh Khánh Hồng, Lưu Vân Sơn …

Theo Le Monde, cấp lớn ăn theo cấp lớn, cấp nhỏ làm theo cấp nhỏ. Một nữ sinh viên, cha là cán bộ, mới ghi tên vào đại học Stanford đã làm chủ một công ty bình phong là một trong hàng ngàn trường hợp.

Kiểm duyệt

Trung Quốc phản ứng ra sao? Bắc Kinh ra lệnh cấm ngặt báo chí loan tin. Chỉ có Hoàn Cầu Thời Báo gián tiếp đề cập đến.
Trong một bài xã luận không nhắc tên con cháu các nhà lãnh đạo bị nêu tên, tờ báo có xu hướng đề cao Hán tộc và do đảng chỉ đạo tập trung lên án “báo chí tây phương định hướng diễn dịch mỗi lần có sự kiện tài liệu bị tiết lộ. Washington đã chứng tỏ có ảnh hưởng trong vụ này”.

Bộ trưởng Kinh Tế Pháp và giấc mơ điện Elysée

Thời sự Pháp sôi động với phong trào “En Marche” (Tiến Bước) của bộ trưởng Kinh Tế trẻ tuổi Emmanuel Macron trên các trang quan trọng của Libération, Les Echos, Le Figaro.
Ngay nhật báo công giáo La Croix cho rằng đảng Xã Hội sẽ bị nổ tung vì hai nhân vật trẻ nhiều tham vọng: thủ tướng Manuel Valls, dựa và một bộ phận canh tân của cánh tả để đầy lùi biên cương tả hữu truyền thống.

Còn bộ trưởng Emmanuel Macron thì tập hợp tất cả không phân biệt tả hữu. Cuộc chiến đã bắt đầu tuy chưa rõ ai sẽ thắng ai.
Le Monde có vẻ đặt cược vào bộ trưởng kinh tế Pháp trong cuộc bầu cử tổng thống 2017 với phân tích: bộ trưởng Macron tin rằng thời kỳ của một thủ lĩnh tối cao như Mitterrand, Chirac, Sarkozy đã qua.
 Giờ đây, người dân, bởi cá tính, không chống lại ý nghĩ bầu vào điện Elysée một bộ trưởng kinh tế trẻ tuổi, có tư tưởng tự do, thoải mái.
Cuộc đánh cược này từng được bộ trưởng Valéry Giscard d’Estaing thành công năm 1974.

Công ty khởi nghiệp Start Up ở đâu khởi sắc nhất?

Theo Les Echos, đó là Hàn Quốc. Quê hương của những đại tập đoàn (chaebol) như Hyundai, Samsung nay sản sinh ra một thế hệ doanh nhân trẻ không một chút mặc cảm, e dè khi cạnh tranh với các đại sư tổ công nghiệp.

 Tại một nửa bán đảo luôn bị chiến tranh đe dọa, một lực lượng hơn 30.000 doanh nhân trẻ, Hàn Quốc và  phương Tây, được xem là tấm gương của sự thành công và táo bạo. Một phần cũng là nhờ chính sách của chính phủ Hàn Quốc, đặt kinh tế sáng tạo là chủ lực phát triển quốc gia.

Lý do thứ hai đưa đến thành công là yếu tố văn hóa. Một sinh viên mới ra trường bao giờ cũng xin đi làm cho một chaebol như Samsung, Hyundai, LG để luyện rèn bản lĩnh.
Một khi đã “đủ sức” bay một mình thì giới trẻ lao ra thị trường trong sự tin tưởng của xã hội Hàn Quốc.

Còn về kinh tế Pháp có tin phấn khởi nào chăng?
Les Echos cho biết cơ xưởng tập đoàn xe hơi Renault ở Tây Ban Nha, Hungari, Maroc đang chạy hết tốc lực.
Cơ sở tại Pháp cũng tăng tốc, điều mà hai năm về trước không ai dám dự báo.
Từ động cơ cho đến xe hơi đều bán chạy như tôm tươi trong năm 2015 và dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường 850.000 chiếc trong năm 2017.

Cà phê chống ung thư ?

Trong lãnh vực y khoa, Le Figaro cho biết một khám phá khích lệ: theo giáo sư Stephan Gruber, đại học Nam California, dùng cà phê mỗi ngày có thể giảm đến 26% nguy cơ bị ung thư ruột già.
Nghiên cứu tác dụng của cà phê trên ung thư được thực hiện trên 9242 người ở tuổi trên dưới 70 chia làm hai nhóm, ở Israel.

Liều lượng ra sao ? Theo một kết quả do Nhật công bố gần đây, để chống ung thư hiệu nghiệm mỗi ngày phải dùng ba tách cà phê.
Chất đắng này dường như cũng giúp giảm đến một phần ba nguy cơ bị xơ gan ở những bợm nhậu ghiền cà phê.

Switch mode views: