Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-01-2012
- Thứ Bảy, 19 tháng Giêng năm 2013 02:05
- Tác Giả: Thanh Hà
Quốc tế hóa xung đột ở Mali
Mokhtar Belmokhtar trong một cuộn băng video không ghi ngày, được phát sau ngày 16/01/2013
REUTERS/Belmokhtar Brigade/Handout
« Chiến tranh Mali đã tràn sang Algéri ». « Bi kịch trong đợt giải cứu con tin » tại cơ sở dầu khí In Amenas.
Toàn bộ các tờ báo Pháp đưa tin và bình luận rất nhiều về thời sự nóng bỏng tại châu Phi.
Các tờ báo Paris rất thận trọng khi đưa những tin nóng liên quan đến chiến dịch giải cứu con tin quốc tế do quân đội Algéri tiến hành.
Nhưng Libération nói tới « một cuộc giải cứu đẫm máu ».
Các cụm từ « thảm cảnh » hay « bi kịch » cũng được các tờ từ La Croix đến L'Humanité sử dụng. Ngoài ra các báo đều nhấn mạnh : Cuộc chiến Mali đã được « quốc tế hóa » hay ít ra là « khu vực hóa ». Đấy không chỉ còn là một vấn đề của riêng Pháp với Mali.
« Xung đột Mali lan tới cơ sở khai thác dầu khí của Algéri », tựa trên báo kinh tế Les Echos. 18 % khí đốt của Algéri dành cho xuất khẩu được sản xuất từ In Amenas. Dầu khí chiếm đến 97 % kim ngạch xuất khẩu và đem về đến 2/3 nguồn thu nhập cho quốc gia này.
Theo nhận định của chuyên gia Pháp về dầu hỏa Francis Perrin, quân khủng bố tìm cách làm suy yếu chính quyền Alger khi tấn công thẳng vào quyền lợi kinh tế của Algéri.
Tờ Le Figaro lưu ý độc giả về « bước ngoặt » quan trọng trong xung đột võ trang tại Mali : Sáu ngày đầu cuộc chiến, nước Pháp gần như đơn phương độc mã trong nhiệm vụ đẩy lui các lực lượng võ trang Hồi giáo cực đoan khỏi miền nam Mali.
Nhưng chiến tranh Mali bỗng dưng đã được « quốc tế hóa » sau vụ hàng chục con tin làm việc tại cơ sở dầu khí In Amenas - miền nam Algéri bị bắt giữ. Sự kiện đó nhắc nhở chúng ta rằng, khủng bố là một vấn đề không biên giới.
Các tổ chức thân cận với Al Qaeda đã bám rễ vào khu vực vùng Sahel. Một điểm khác nữa là biên giới rất dài giữa miền nam Algéri với miền bắc Mali không được an toàn khiến Algéri đã trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc xung đột Mali : « Alger bắt buộc phải can thiệp hay nói đúng hơn là đã bị lôi vào vòng xoáy của chiến tranh khi quyền lợi kinh tế trọng yếu của quốc gia bắc Phi này bị tấn công ».
Tờ báo không quên đả kích chủ trương « đứng ngoài » của chính quyền Alger khi nhắc lại rằng : « Tình hình trong khu vực đã xấu đi đáng kể từ hai năm nay, sau phong trào Mùa Xuân Ả Rập.
Xung đột tại Libya đã mở đường cho các nhóm Hồi giáo cực đoan trang bị vũ khí và áp đặt luật chơi trong vùng. Giờ đây, chính Algéri không còn có thể nhắm mắt làm ngơ trước tình hình khu vực ».
Nhưng theo quan điểm của tờ báo, Algéri sẽ không phải là nạn nhân duy nhất tại châu Phi trong tầm ngắm của các tổ chức khủng bố. Aqmi, cánh tay nối dài của Al Qaeda trong khu vực, đã mở địa bàn hoạt động tại Mauritania sát cạnh Algéri và Mali.
Với sự can thiệp quân sự của Pháp bên cạnh quân đội Mali để giải phóng khu vực miền bắc nước này khỏi ách cai trị của các nhóm Hồi giáo cực đoan vũ trang, khiến nước Pháp trở thành mục tiêu tấn công, không chỉ ở trên lãnh thổ Pháp mà còn ở tất cả mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Phi.
Ngoài nước Pháp, các đồng minh của Paris - đứng đầu là Anh, Mỹ và kể cả các nước Tây Phi, cũng đã bị lôi vào cuộc chiến với vụ bắt con tin ở ở In Amenas vừa qua.
Libération trong bài xã luận cảnh báo : Cuộc chiến chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan tại châu Phi sẽ chỉ thành công với « đóng góp tích cực, với quyết tâm và thái độ kiên trì của chính quyền Alger ».
Tác giả bài báo so sánh : Sở dĩ Hoa Kỳ đã sa lầy tại Afghanistan và chưa chiến thắng toàn diện trước quân Taliban là do thái độ mập mờ của Pakistan.
Theo quan điểm của Libération, việc Algéri mở không phận cho quân đội Pháp can thiệp vào Mali và mở chiến dịch giải cứu con tin tại In Amenas vừa qua cho thấy thái độ cứng rắn của chính quyền nước này đối với các phần tử cực đoan. Nhưng cũng chính thái độ cương quyết của Algeri đang kiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Từ Paris đến Luân Đôn, từ Washington đến Tokyo, cùng lo lắng cho số phận các con tin bị bắt giữ.
Thái độ kém can đảm của quốc tế
Một khía cạnh khác trên hồ sơ Mali được đề cập đến nhiều trong ngày : Thái độ chần chữ của Liên Hiệp Châu Âu. Libération mỉa mai: « Liên Hiệp Châu Âu can đảm nhưng không mạnh bạo » : Trước mắt quân Pháp vẫn đơn phương trên chiến trận, nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa tính đến khả năng triển khai quân đội để hỗ trợ lính Pháp tại Mali.
Nói một cách khác, châu Âu mới chỉ tuyên bố hỗ trợ « hậu cần » cho quân đội Pháp, nhưng chưa một thành viên nào trong khối, kể cả Anh và Đức, lên tiếng về khả năng đưa quân sang Mali.
Điểm tựa quý giá nhất mà Pháp có được tới nay lại đến từ Hoa Kỳ. Hiện tại thì mới có quân đội của một số thành viên CEDEAO, tức Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi trong tư thế sẵn sàng.
Báo La Croix bồi thêm, « sự hỗ trợ của cộng động quốc tế đối với Pháp trên hồ sơ Mali tới nay mới chỉ mang tính chính trị ». Trích lời một chuyên gia về quan hệ quốc tế, tờ báo cho rằng tham vọng của Liên Hiệp Châu Âu để tiến tới một chính sách chung về quốc phòng và ngoại giao hãy còn là một giấc mơ.
Từ lâu nay, Paris đã báo động về mối đe dọa âm ỉ tại Mali, nhưng Bruxelles vẫn không tìm ra một giải pháp nào thỏa đáng.
Chân dung Mokhtar Belmokhtar
Le Monde phác họa chân dung kẻ đứng đằng sau vụ bắt cóc các con tin quốc tế tại cơ sở dầu khí In Amenas, Algéri : Mokhtar Belmokhtar, người còn được biết dưới tên gọi khác là Khaled Aboul Abbas. Đây là một gương mặt đáng gờm vào bậc nhất trong hàng ngũ các nhóm Hồi giáo cựu đoan võ trang tại Bắc Phi.
Từng hoạt động trong hàng ngũ Al Qaeda tại vùng Magreb- Bắc Phi, Mokhtar Belmokhtar là người Algéri, sinh năm 1972.
Trong thời gian năm 1991-1993, nhân vật này từng sang Afghanistan chiến đấu bên cạnh những người lính moudjahidine. Trên chiến trường Afghanistan, Mokhtar đã từng làm quen với những nhân vật mà sau này trở thành thủ lĩnh Al Qaeda.
Cũng tại đây, Belmokhtar đã bị thương và chột một mắt. Năm 1993 trở về Algéri, Belmokhtar lãnh đạo một chi nhánh của tổ chức Hồi giáo Vũ trang GIA trước khi tham gia vào việc thành lập tổ chức khủng bố Aqmi.
Các nguồn tin tình báo cho rằng, nhân vật này là tác giả của nhiều vụ bắc cóc con tin, trong đó có hai con tin người Pháp bị bắt vào tháng 01/2011 tại Niamey- Niger.
Cho đến tuần qua, Mokhtar Belmokhtar hoạt động trong vùng miền bắc Mali và theo lời một chuyên gia Pháp về các tổ chức Hồi giáo cực đoan, vào cuối năm ngoái, Belmokhtar đã ly khai với Aqmi và trở thành thủ lĩnh một nhóm tự xưng là « Những người ký tên bằng máu ».
Xích lại gần với một nhóm khủng bố khác đang tung hoành tại nhiều nước ở Tây Phi, Mokhtar Belmokhtar thống lĩnh một đội quân khoảng từ 2 đến 3 trăm « thánh chiến quân ».
Chuyên gia Pháp được Le Monde trích dẫn không quên nhắc lại Mokhtar Belmokhtar là người Algéri, biết rõ lãnh thổ quốc gia này và chắc chắn là có không ít đồng lõa tại Algéri.
Tờ Libération tiết lộ thêm, Mokhtar Belmokhtar từng sống tại Lybia và mua vũ khí ở quốc gia này. Đó là điều dẫn đến bài báo trên tờ Le Figaro mang tựa đề « Miền nam Libya, bãi sa mạc thuận lợi cho mọi hình thức buôn bán trái phép ».
Phóng viên của tờ báo cho biết, các phần tử Hồi giáo cực đoan ở vùng Benghazi, miền nam Libya thường xuyên đưa những chiếc xe tải đầy ắp vũ khí sang Niger và Algéri để hỗ trợ cho tổ chức Aqmi. Benghazi hiện đang vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Tripoli và bằng chứng là các vụ khủng bố liên tiếp diễn ra trong vùng.
Đã có không biết bao nhiêu quan chức của chính quyền và quân đội Libya thiệt mạng tại Benghazi.
Tình hình an ninh tại thành phố này trở nên nghiêm trọng đến nỗi chính quyền trung ương đang nghiên cứu khả năng ban hành tình trạng giới nghiêm ở Benghazi và hôm 16/12/2012 vừa qua, chính quyền Tripoli đã ra lệnh đóng cửa biên giới với các nước ở phía nam là Algéri, Tchad Niger và Soudan.
Boeing : Máy bay Dreamliner bị cấm bay
Đề tài thứ nhì được hầu hết các báo Pháp nhắc tới trong ngày là sự kiện những chiếc Boeing Dreamliner của Mỹ bị cấm bay trên toàn thế giới.
Les Echos chơi chữ ngay trên trang nhất : « Dreamliner của Boeing trong tình trạng khẩn cấp ».
Phụ trang kinh tế của tờ Le Figaro đăng ảnh chiếc Boeing 787 khổng lồ bên cạnh hàng chữ « bị cấm bay vô hạn định ». « Bảy sự cố liên tục xảy ra trong 10 ngày, một vố đau đối với tập đoàn công nghệ hàng không Mỹ ».
Le Monde châm biếm coi đây là « cơn ác mộng » của loại máy bay Dreamliner !
Sự kiện hy hữu chưa từng xảy ra từ năm 1979 tới nay. Dù khéo léo đưa tin một cách trung thực nhất, nhưng độc giả thấy rõ là các tờ báo Paris không khỏi mừng thầm khi thấy đối thủ của Airbus là Boeing gặp khó khăn.
Trong cuộc chạy đua giành cương vị số 1 trên thị trường máy bay, tập đoàn Airbus của châu Âu kỳ vọng đuổi kịp Boeing nhờ loại máy bay A 350. Những chiếc đầu tiên hy vọng sẽ bắt đầu bay kể từ tháng Sáu tới, để chính thức đi vào hoạt động kể từ năm 2014.
Tin mới
- Dân Israel đi bỏ phiếu bầu Quốc hội mới - 22/01/2013 20:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-01-2013 - 22/01/2013 17:22
- Pháp đề ra mục tiêu giúp Mali thu hồi lại toàn bộ lãnh thổ - 22/01/2013 17:14
- Tranh chấp Biển Đông : Philippines điệu Trung Quốc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc - 22/01/2013 16:52
- Ông Dũng lập ban chỉ đạo chống tội phạm - 22/01/2013 16:47
- Tổng bí thư Đảng CSVN gặp Giáo hoàng - 22/01/2013 16:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-01-2012 - 21/01/2013 02:41
- Nga giúp Pháp chuyển quân và trang thiết bị vào Mali - 21/01/2013 00:10
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-01-2013 - 20/01/2013 02:23
- Vụ con tin Algeri kết thúc : ít nhất 32 con tin và 29 khủng bố thiệt mạng - 20/01/2013 00:32
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-01-2013 - 17/01/2013 17:24
- Liên Hiệp Châu Âu tăng tốc giúp Pháp trong chiến dịch Mali - 17/01/2013 17:03
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-01-2012 - 17/01/2013 03:02
- Quân đội Trung Quốc được lệnh sẵn sàng chiến đấu trong năm 2013 - 17/01/2013 02:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-01-2012 - 16/01/2013 01:14
- Quân châu Phi chuẩn bị đến Mali - 15/01/2013 17:57
- Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh? - 15/01/2013 17:48
- Bản đồ Trung Quốc mới: chiếm hơn 130 đảo trên Biển Ðông - 14/01/2013 22:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-01-2013 - 14/01/2013 21:02
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-01-2013 - 12/01/2013 22:01