Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm báo Phap Quoc ngay 09-04-2015

Thiện chí mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ

india-narendra
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi, Paris hy vọng nâng cao tầm hợp tác với Ấn Độ

Chia rẽ trong gia đình lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc FN Pháp, Paris cho giải mật hồ sơ diệt chủng Rwanda năm 1994 và chuyến công du Châu Âu đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là những chủ đề thời sự nổi bật trên các nhật báo hôm nay 09/04/2015.

Ông Narendra Modi đến Paris vào chiều tối nay, giờ địa phương.
Đây là chuyến thăm Châu Âu đầu tiên và là lần công du thứ hai đến các quốc gia Phương Tây kể từ khi ông Modi lên cầm quyền cách đây mười tháng.

Trong khi đó, cũng trong khoảng thời gian ấy, Thủ tướng Ấn Độ lần lượt đi thăm các quốc gia như Nepal, Nhật Bản, Miến Điện, Úc, Sri Lanka, hay các đảo quốc trên Ấn Độ Dương.

Le Figaro cho rằng chuyến đi Châu Âu lần này của Thủ tướng Ấn cho thấy " Một thiện chí mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ ".
Le Figaro nhắc lại, từ năm 1994, Ấn Độ đã đề ra một chính sách đối ngoại "hướng đông". Và chính sách này vẫn được ông Modi tiếp tục theo đuổi qua chính sách mang tên "Hành động về hướng Đông" nhằm khẳng định hơn nữa quyết sách ngoại giao đó. Cách tiếp cận đó phản ảnh mục tiêu kinh tế của Ấn Độ.

 "Ngay khi lên nắm quyền, Narendra Modi đã chuyển trọng tâm sang Trung Quốc và Nhật Bản, hòng tìm kiếm các nhà đầu tư để phục hồi nền kinh tế và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng như đường bộ hay đường sắt", theo như giải thích của cựu đại sứ Ấn Độ tại Pháp, ông Kanwal Sibal.

Cử chỉ đó cũng đã thấy rõ qua suốt 13 năm ông Modi lãnh đạo bang Gujarat. Narendra Modi lần lượt chiêu dụ các nhà đầu tư Trung Quốc và Nhật Bản khi đến thăm Bắc Kinh năm 2011 và Tokyo năm 2012.

Châu Âu và Hoa Kỳ từ chối cấp visa nhập cảnh vì thái độ đáng tranh cãi của ông Modi trong các vụ tàn sát chống người Hồi giáo năm 2002.

Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Châu Á

Nguyên nhân chính của chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ là do bởi New Dehli ngày càng tỏ ra quan ngại về các tham vọng mang tính chất "bành trướng" của Bắc Kinh.

New Dehli gia tăng quan hệ đối tác với các quốc gia láng giềng, nhất là hứa cấp tàu giám sát cho Việt Nam.
Dù vậy, theo quan sát của nhật báo thì kết quả của chính sách "hành động về phía đông" cũng không mấy hiệu quả.

Tiến trình hòa bình với Pakistan vẫn bị cản trở kể từ sau vụ tấn công khủng bố tại Bombay năm 2008.
Thủ tướng Ấn Modi vẫn chưa thể nào khởi động lại được đối thoại, chừa một khoảng sân trống cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Trong lãnh vực đầu tư, kết quả cũng không mấy khả quan. Nhật Bản cam kết chi 35 tỷ đô-la trong vòng 5 năm, trong khi Bắc Kinh chỉ hứa có 20 tỷ.
Dấu hiệu cho thấy nếu chỉ nhắm vào Châu Á không thôi cũng chưa đủ. Cũng theo vị cựu đại sứ Kanwal Sibal: Ấn Độ không thể nào phớt lờ Châu Âu.

Châu lục già cỗi này có thể hỗ trợ cho nền kinh tế thứ ba Châu Á trong những lãnh vực mà nhiều nơi khác đã từ chối.
Chẳng hạn như trong nghành năng lượng hạt nhân, không gian và quốc phòng, Pháp đã là đối tác chiến lược hàng đầu với Ấn Độ từ nhiều năm nay.

Điều này cũng đã được Thủ tướng Ấn nhấn mạnh trên tài khoản Facebook của mình trước chuyến đi công du Pháp.
Không chỉ có ngoại giao kinh tế, ông Modi còn chú trọng đến lãnh vực đầu tư. Do đó, trong lịch trình chuyến đi, ngày mai (Thứ Sáu 10/04/2015) Thủ tướng Ấn sẽ có cuộc gặp trao đổi với các doanh nhân Pháp trong lãnh vực xây dựng hạ tầng và quốc phòng, nhằm thuyết phục họ đến mở xưởng tại Ấn Độ.

Cuối cùng tờ báo nhận định giờ phải chờ xem thiện chí đó đi đến đâu trong chuyến đi này. Quan hệ Pháp - Ấn cũng chỉ vừa được mở rộng trên một số ít lãnh vực như hạt nhân với tập đoàn năng lượng hạt nhân Pháp Areva, hợp đồng bán 126 chiến đấu cơ Rafale của Pháp và hợp tác không gian.

Nhưng theo đánh giá của nhà nghiên cứu Raja Mohan, thuộc Observer Research Foudation tại New Dehli "Chừng nào các hồ sơ trên chưa được đúc kết, đối tác với Pháp chừng ấy cũng khó mà tiến triển".

Với mức đầu tư 9 tỷ euro trong năm 2014 , Paris chỉ đứng hàng thứ 7 về đối tác kinh tế của Ấn Độ tại Châu Âu, đứng sau cả Thụy Sĩ, Bỉ và Hà Lan.

Pháp thật lòng giải mật hồ sơ diệt chủng Rwanda?

Chính phủ Pháp cho phép giải mã hồ sơ diệt chủng Rwanda gần như là phần tin nóng nhất trên các mặt báo.
Thông báo được đưa ra vào chiều tối thứ Ba 07/04/2015, đúng 21 năm sau vụ thảm sát ngày 07/04/1995. Nhật báo Công giáo La Croix đề tựa : "Rwanda, Elysée giải mã các hồ sơ".

Cách đây 21 năm, khoảng 800 ngàn người Tutsi đã bị sắc tộc Hutu tàn sát không thương tiếc không phân biệt phụ nữ hay trẻ con từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1994.

Cuộc thảm sát chỉ chấm dứt cho đến khi phong trào võ trang Tutsi do Tổng thống Rwanda hiện nay lãnh đạo chiếm được thủ đô ngày 04/07/1994. Vụ việc còn gây căng thẳng ngoại giao giữa Pháp và Rwanda khi Tổng thống Paul Kagame trả lời phỏng vấn tuần báo Jeune Afrique hồi năm 2014, đã lên án Pháp và Bỉ, hai cựu thực dân đã đóng "vai trò trực tiếp" và còn tham gia "hành động".

Libération trong bài giải mã đề tựa "Rwanda: Paris mở hồ sơ diệt chủng" đã đặt nghi vấn: "Những hồ sơ này sẽ tiết lộ được điều gì?".

Tờ báo trích nhận định của sử gia Jean-Pierre Chrétien cho rằng "Chưa chắc là việc Elysée cho giải mã hồ sơ có thể cho phép khám phá thêm được điều gì mới mẻ. Đương nhiên một người nghiên cứu về lịch sử sẽ rất hài lòng được tiếp cận hồ sơ trên.

Một tin tốt". Nhưng ông cảnh báo là đừng vội mừng. "Người ta cứ vờ nghi ngờ sự can dự của Pháp trong vụ việc, trong khi từ năm 1998, điều tra của Nghị viện đã nhìn nhận chính thức ít nhiều gì Pháp đã nhắm mắt làm ngơ trong thảm họa đó".

Một nhận định cũng được nhà báo Jean-François Dupaquier đồng chia sẻ. Ông nói: "Người ta muốn làm cho chúng ta tin rằng vẫn còn một điều bí ẩn trong khi cả thế giới đều biết rõ là Pháp ủng hộ quân diệt chủng".

Ông Dupaquier là tác giả của một trong những tác phẩm nổi tiếng về việc bóp méo thông tin và sự can dự của Pháp trong thảm kịch. Ông cũng muốn biết vào lúc nào Pháp mới thật sự đồng tình có khả năng xảy ra diệt chủng và chấp nhận giả thuyết này là không thể tránh được.

Le Figaro cũng có đồng quan điểm. Trong bài viết đề tựa: "Rwanda: Hollande giải mật các hồ sơ thời Mitterand", tờ báo lưu ý là "chỉ được có một phần sự thật thôi.

Bởi lẽ chỉ có những hồ sơ tại Quốc hội, các bộ Quốc phòng và Ngoại giao sắp tới là được giải mã, còn những phần thuộc về bộ phận tình báo, nhất là của quân đội vẫn sẽ bị đóng chặt, bị khóa kín vì những bí mật quốc gia".

Hiệp hội Sống sót nghi ngờ một "sự giải mã nửa vời, sẽ chẳng giải đáp được những vấn đề chủ chốt liên quan đến việc giao vũ khí trong suốt thời gian xảy ra diệt chủng hay như việc thành lập chính phủ diệt chủng ngay trong tòa đại sứ Pháp ở Kigali".

Cuối cùng Le Figaro kết luận: "Để cho sự thật, toàn bộ sự thật được sáng tỏ chắc chắn là chúng ta còn phải đợi thêm nữa...".

Putin: thần hộ mệnh cho nước Nga?

Nhìn sang Châu Âu, Le Monde có bài phân tích đề tựa "Không có Putin, không có nước Nga".
Tờ báo trích lời nhận định của ông Dmitri Orechkine cho rằng: " Putin tự cho mình vai trò tâm của vũ trụ theo đó các chính thể Nga phải bám lấy vào".

Trong con mắt của nhà lãnh đạo Nga, sẽ chẳng có một mô hình chính trị thay thế nào. Chỉ trích chế độ cũng có nghĩa là chống lại nước Nga.

Do đó, đối với ông, các tổ chức phi chính phủ là những "tác nhân nước ngoài", phe đối lập là "những thế lực thù địch".
Tệ hơn nữa người ta còn nói rằng giả như nhà lãnh đạo vừa biến mất, hỗn loạn tức thì sẽ xảy ra, đất nước sẽ chìm trong bóng tối.

Nhưng bất hạnh thay những nhận định trên phần nào cũng đúng, theo nhà chính trị học Dmitri Orechkine. " Do bởi quyền lực không được phân chia rõ ràng, mà vận hành theo một chiều dọc, nên nếu không có Putin, đó có lẽ sẽ giống như là một cuộc chiến phe phái đang diễn ra trên một cánh đồng hoang vậy.
Vì vậy, ông Putin tự cho mình vai trò của một cái đinh ở đó người ta móc chiếc áo "Nhà nước". Vấn đề là người ta không thể nói đó là Nhà nước, đúng ra chỉ là một vị thủ lãnh".

Switch mode views: