Trung Quốc dùng viện trợ quân sự để gia tăng ảnh hưởng lên Cam Bốt
- Thứ Bảy, 04 tháng Tư năm 2015 23:24
- Tác Giả: Thanh Phương
Cố vấn quân sự Trung Quốc gắn quân hàm cho học viện tốt nghiệp Học viện quân sự Kampong Speu ngày 12/03/2015.
REUTERS/Samrang
Cùng với các hợp đồng bán vũ khí và hàng tỷ đôla đầu tư, viện trợ quân sự đã góp phần thắt chặt quan hệ giữa Trung Quốc với Cam Bốt và qua đó mở rộng ảnh hưởng ra khu vực, kể cả ở vùng Biển Đông.
Đó là nhận định của các nhà phân tích được hãng tin Reuters trích dẫn trong một bài nhận định đề ngày 02/04/2015.
Thể hiện rõ nhất của viện trợ quân sự Trung Quốc cho Cam Bốt đó là Học viện Quân sự, được thành lập vào năm 1999 tại tỉnh Kampong Speu, cách Phnom Penh khoảng 80 km.
Kể từ năm 2009, mỗi năm khoảng 200 học viên được tuyển sinh vào học viện này cho các khóa học kéo dài 4 năm, theo chương trình học do Bộ quốc phòng Trung Quốc và các cố vấn Trung Quốc đề ra.
Các cố vấn Trung Quốc này cũng giám sát một đội ngũ giáo viên Cam Bốt. Chương trình còn bao gồm 6 tháng huấn luyện bắt buộc tại các học viện quân sự ở Trung Quốc.
Con số 190 học viên tốt nghiệp hồi tháng 3 vừa qua là đợt thứ ba được huấn luyện từ trường này.
Theo lời một quan chức cao cấp của chính phủ, xin được miễn nêu tên do đây là vấn đề nhạy cảm, các học viên tốt nghiệp từ Học viện Quân sự được giao nắm giữ những vị trí quan trọng, trong đó có chỉ huy các lữ đoàn.
Theo quan chức này, Trung Quốc chi trả phần lớn chi phí xây học viện và chi phí hoạt động.
Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Úc, học viện quân sự ở Cam Bốt dường như là nỗ lực đầu tiên của Bắc Kinh nhằm xây dựng một cơ sở quy mô lớn kiểu này ở Đông Nam Á.
Ông Thayer nói: “ Đối với Trung Quốc, đó là bước đầu của một chiến lược dài hạn nhằm giành ảnh hưởng trong quân đội Cam Bốt bằng cách đào tạo quân nhân cho nước này.
Và Trung Quốc lưu giữ rất kỹ các dữ liệu tình báo về tất cả học viên. Không ở nơi đâu tại Đông Nam Á mà ảnh hưởng của Trung Quốc lại lớn như thế”.
Học viện Quân sự ở Kampong Speu được phát triển mạnh giữa lúc các hợp đồng vũ khí và viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Cam Bốt gia tăng đáng kể.
Trung Quốc cũng đầu tư hàng tỷ đôla vào nền kinh tế nước này. Vào năm 2013, Cam Bốt đã tiếp nhận 12 trực thăng Harbin Z-9 mua bằng khoản vay 195 triệu đôla của Trung Quốc.
Vào năm tới, quân đội Cam Bốt cũng sẽ tiếp nhận 26 xe tải và 30.000 bộ quân phục từ Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định là sự trợ giúp quân sự cho Cam Bốt không kèm theo các điều kiện chính trị và không làm tổn hại tới lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào.
Nhưng ông Lao Mong Hay, một nhà phân tích và cố vấn cho phe đối lập Cam Bốt, cho rằng viện trợ quân sự hào phóng của Trung Quốc đã thúc đẩy Phnom Penh, với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2012, phá hỏng nỗ lực của khối này nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc.
Ông Lao Mong Hay nói: “ Lợi ích chiến lược của Trung Quốc cũng là nhằm gây chia rẽ ASEAN và Cam Bốt được sử dụng cho mục đích này”.
Viện trợ của Trung Quốc nay lớn hơn nhiều so với viện trợ của Mỹ. Vào năm 2010, Mỹ đã hủy việc bàn giao 200 xe quân sự cho Cam Bốt sau khi chính quyền Phnom Penh trục xuất một nhóm người xin tỵ nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc vào năm 2009.
Hai ngày sau vụ trục xuất đó, Trung Quốc và Cam Bốt đã đã ký các hợp đồng trị giá khoảng 850 triệu đôla.
Tiếp đến, vào năm 2013, Phnom Penh đã tuyên bố ngừng một số hợp tác quân sự với Hoa Kỳ sau những chỉ trích của các nghị sĩ Mỹ về cuộc bầu cử tại Cam Bốt.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-04-2015 - 11/04/2015 21:35
- Tư Lệnh Phó Đệ Thất Hải Đội Khu Trục, Người Mỹ Gốc Việt Chỉ Huy Hai Chiến Hạm Tối Tân Ghé Thăm Đà Nẵng - 10/04/2015 21:04
- Điểm báo Phap Quoc ngay 09-04-2015 - 10/04/2015 02:57
- Điểm báo Phap Quoc ngay 08-04-2015 - 09/04/2015 19:05
- Điểm báo Phap Quoc ngay 07-04-2015 - 07/04/2015 23:13
- Tổng bí thư Đảng CS Việt Nam thăm Bắc Kinh để hàn gắn quan hệ - 07/04/2015 17:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-04-2015 - 07/04/2015 04:13
- Trục hợp tác Nga-Trung : Mối quan ngại mới của Việt Nam - 06/04/2015 23:37
- Thảm sát tín đồ Thiên chúa: Vatican tố cáo sự ''im lặng đồng lõa'' - 06/04/2015 01:13
- Đểm báo Phap quoc ngay 4-4-2015 - 04/04/2015 23:51
Các tin khác
- Học Khu Westminster bỏ sách giáo khoa bị chỉ trích ‘thân cộng’ - 04/04/2015 15:43
- Irak : Ân xá Quốc tế lo ngại các vụ trả thù ở Tikrit - 03/04/2015 22:31
- Biển đông là vấn đề quan trọng đối với Nga - 03/04/2015 12:59
- Giới chức Yemen: Phiến quân chiếm được dinh tổng thống - 03/04/2015 12:53
- Theo Liên Hiệp Quốc, Syria và Irak là nơi đào tạo quân thánh chiến - 01/04/2015 20:54
- Điểm báo Pháp Quốc Ngày 01-04-2015 - 01/04/2015 20:45
- Bangkok bị cô lập, Nga chen chân vào Thái Lan - 01/04/2015 19:51
- Ý kiến về cách chặt cây ở VN và Mỹ - 01/04/2015 18:44
- Hơn 90 ngàn công nhân Sài Gòn tiếp tục biểu tình - 31/03/2015 20:28
- Mỹ - Việt bàn chuyện hợp tác lực lượng tuần duyên - 31/03/2015 20:17