Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-08-2014
- Thứ Tư, 13 tháng Tám năm 2014 19:36
- Tác Giả: Mai Vân
Du lịch Pháp : Trung Quốc dẫn đầu khách châu Á
Khách du lịch Trung Quốc tại Pháp
AFP
Mùa hè 2014 chưa kết thúc, nhưng báo Pháp đã bắt đầu đánh giá về tình hình du lịch ở Pháp, được cho là có khó khăn và không bằng năm ngoái. Về lượng khách nước ngoài đến Pháp, người Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu số khách đến từ châu Á.
Báo Le Monde ngay trang nhất, nhận thấy trong một hàng tựa : « Vấn đề nghỉ hè của người Pháp cho thấy tình trạng khủng hoảng », vì ngày càng có nhiều gia đình không đi nghỉ vào mùa hè.
Tờ báo có vẻ không vui khi cho là vấn đề đi nghỉ hè giờ đây đã trở thành đặc quyền của hơn một nửa dân Pháp một chút, vì theo kết quả thăm dò vừa qua của Trung tâm Quan sát Điều kiện sống Crédoc, 43% người đuợc hỏi cho là họ không thể đi nghỉ vào mùa hè được nữa.
Báo Le Figaro dành một trang dài trong phụ trang kinh tế cho du lịch ở Pháp cũng đánh giá : Một mùa du lịch nửa vời. Le Figaro cho là sau tháng 7 ảm đạm, giới du lịch trông chờ vào tháng 8. Có điều, theo tờ báo, họ cũng phải tính đến các thay đổi trong thói quen của người Pháp.
Cũng như đồng nghiệp Le Monde, tờ báo nêu số người đi nghỉ hè đã giảm nhiều chỉ còn 57%.
Le Figaro cũng nêu lên thói quen đi nghỉ ở vùng biển của người Pháp, mà theo tờ báo còn rất đông, nhất là đến bờ biển miền Tây nước Pháp. Thế nhưng ngày nay, họ chi tiêu dè xẻn hơn, khiến cho giới khách sạn, nhà hàng phải rầu rĩ.
Về tình hình du khách nước ngoài, Le Figaro - cũng như La Croix - chưa có số liệu năm nay, nên đã đăng lại các con số năm ngoái, theo Pháp vẫn dẫn đầu với 84,7 triệu du khách đến thăm, đứng trên Hoa Kỳ (60,7 triệu), Tây Ban Nha (60,7 triệu), trên cả Trung Quốc (55,7 triệu) và Ý (47,7 triệu).
Trong số du khách ngoại quốc đến Pháp, tính theo từng châu lục thì khách Đức, Anh đứng đầu Châu Âu, khách Bắc Mỹ đứng đầu khu vực ngoài châu Âu nói chung. Riêng về thành phần các du khách châu Á, đứng đầu là Trung Quốc, ngày càng tăng, đạt mức 1, 7 triệu, vượt xa du khách Nhật Bản chỉ còn 0,7 triệu.
Vì sao Pháp thu hút du khách Trung Quốc ?
Báo La Croix, trong mục Câu hỏi trong ngày, cũng chú ý đến số lượng du khách Trung Quốc đến Pháp ngày càng tăng, và tìm hiểu vì sao Pháp ngày càng hấp đẫn nhiều khách du lịch Trung Quốc.
Tờ báo cho là với 1,7 triệu người đến viếng nước Pháp năm 2013, du khách Trung Quốc đã tăng 23% trong 1 năm.
Số du khách này sẽ còn tăng lên trong những năm tới với tăng trưởng kinh tế tốt, tầng lớp trung lưu và thượng lưu đông thêm, cùng với ý thích du lịch. Người ta ước tính sẽ có 100 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài vào năm 2020.
Nếu tính về lượng người Trung Quốc đến từng nước Châu Âu, Pháp đứng đầu danh sách trước cả Ý, Thụy Sĩ, Đức. Trước đây người Trung Quốc thường đi theo tour, viếng một lúc 3, 4 nước Châu Âu. Nhưng bây giờ thì họ đi hai nước thôi, và Pháp là nơi đầu tiên họ chọn.
La Croix trích dẫn giới du lịch cho rằng đó là do sức thu hút của Paris, cũng như yếu tố lịch sử : Cách mạng Pháp 1789, hay nhân vật Napoléon. Ngoài ra du khách Trung Quốc ưa thích cảnh đẹp thiên nhiên, các công trình lịch sử như các lâu đài mà Pháp không thiếu - như lâu đài bên sông Loire.
Ngoài ra hiện nay các tuyến du lịch ẩm thực, nếm rượu vang rất được ưa chuộng : Vùng Bordeaux thu hút không ít người. Đó là chưa kể đến số du khách ghé Paris chẳng hạn, để mua sắm hàng hiệu sang trọng.
Theo La Croix, tính ra một du khách Trung Quốc tiêu xài trung bình 1500 euro trong thời gian du ngoạn Pháp (không kể các chi phí khách sạn , cho nên theo tờ báo, Pháp đang nỗ lực thu hút ngày càng đông hơn du khách Trung Quốc.
Ngoại trưởng Pháp đã như thế yêu cầu rút ngắn thời gian cấp chiếu khán cho du khách Trung Quốc : Không quá 48 tiếng đồng hồ, trong lúc trước đây phải mất vài tuần lễ.
Theo La Croix, giới du lịch còn cho rằng người Pháp cũng có phải có góp phần thu hút khách : Du khách Trung Quốc giờ đây đi nhiều với tính cách cá nhân, cho nên họ rất nhạy cảm với cách tiếp đón, nụ cười hay sự giúp đỡ ở ngoài đường.
Ngoài ra giới chuyên ngành du lịch cũng khuyên giới khách sạn là nên hiểu rằng có khi chỉ cần một bình nấu nước đơn giản trong phòng, hay đề nghị một món ăn thích hợp, thì đã là một yếu tố giúp thành công.
Irak : Phương Tây đánh cuộc trên người Kurdistan
Ukraina với đoàn xe trợ giúp nhân đạo của Nga, và Irak là hai hồ sơ lớn được các báo Pháp dành tít đầu hôm nay. Bên cạnh đó, các báo, không quên ‘vĩnh biệt’ diễn viên Mỹ Robin Williams – như tựa Le Monde trang nhất : "Goodbye Robin Williams" bên cạnh bức ảnh, chơi chữ nhắc lại bộ phim đã làm nghệ sĩ quá cố nổi tiếng : "Good Morning Vietnam".
Về Irak, nếu le Monde chú ý đến khủng hoảng chính trị, nói đến « đấu tranh vì quyền lực trong Bagdad bị đe dọa », thì Les Echos và La Croix chú ý đến số phận người chạy loạn.
Theo Les Echos : « Washington suy nghĩ đến việc sơ tán khẩn cấp thường dân », hàng tít lớn trang nhất, còn La Croix nêu lại thảm cảnh người Thiên chúa giáo Irak « không còn sự chọn lựa ».
Le Figaro thì nhìn chiến trường tại đây, nhận thấy : « Phương Tây đang đánh cuộc trên lực lượng Kurdistan trước quân Thánh chiến ».
Tờ báo nêu lên sự kiện là được chiến dịch oanh kích của Mỹ hỗ trợ, các chiến sĩ Kurdistan đã ‘cầm chân’ được cuộc tiến quân của Nhà nước Hồi giáo.
Tờ báo nhận định là cuộc chiến này có thể sẽ làm thay đổi các ranh giới trong khu vực.
Trong bài xã luân trang nhất « Ván bài mới », tờ báo trở lại quyết định của Mỹ - mà Châu Âu hưởng ứng – là trang bị vũ khí cho lực lượng Kurdistan Irak để chống lại quân Thánh chiến.
Le Figaro nhìn thấy là trang bị vũ khí cho một phe, trong một nước có chiến tranh thường không phải chính sách tốt. Tờ báo nhắc lại ví dụ của lực lượng Taliban ở Afghanistan từng được Mỹ hỗ trợ.
Tuy nhiên theo Le Figaro, có những tình huống không thể có chọn lựa nào khác như trong trường hợp Irak hiện nay. Phương Tây nhìn thấy lực lượng Kurdistan như chỗ dựa có thể tin cậy, để đẩy lùi quân Thánh chiến, bảo vệ người Thiên chúa giáo, các cộng đồng thiểu số, giữ ổn định Irak.
Có điều, Le Figaro nhìn thấy vấn đề không đơn giản, vì Kurdistan vẫn mơ uớc thành lập một Nhà nước, tập họp người dân rải rác ở nhiều nước từ Thổ Nhĩ Kỳ, Irak, Iran, Syria.
Tờ báo còn nhìn thấy là trong bối cảnh hiện nay, phương Tây còn sẽ phải hỗ trợ cho Jordanie, Liban đang bị quân Thánh chiến đe dọa.
Ván bài mới này, theo Le Figaro sẽ cho thấy hết hệ quả trong 1 hay 2 thập niên tới. Nhưng cũng đã thấy được nó sẽ làm thay đổi cục diện Trung Đông, cho ra đời những liên minh mới và những biên giới mới.
Đông Ukraina : Chiến dịch trợ giúp nhân đạo Nga đáng nghi ngờ
Về Ukraina, một bức ảnh đập mắt trên các báo : đoàn xe chở hàng cứu trợ nhân đạo của Nga trên đường đến cứu giúp người dân ở Donetsk và Lougansk.
Các báo cũng bỏ công đếm : 262 chiếc như Le Figaro loan báo, và nói đến « đoàn xe nhân đạo kỳ lạ của Nga ở Ukraina ». Nhìn chung báo giới Pháp nghi ngờ thiện ý của Matxcơva.
Le Figaro đánh giá là ông Putin dường như muốn thay đổi chiến lược, để cho Kiev đóng vai trò kẻ xấu. Báo La Croix nhấn mạnh trên tính chất lộn xộn trong chiến dịch nhân đạo. Libération nói đến « đoàn xe nhân đạo khả nghi của ông Putin ».
Ở trang trong, tờ báo cho là Ukraina lo ngại ‘con ngựa thành Troie’, tức là đây chỉ là một sự xâm chiếm trá hình mà thôi, và phương Tây không bị đánh lừa.
Trong bài xã luận trang nhất, tựa đề « Cuộc chiến nhân đạo ở Ukraina », Le Monde nhận định là thoạt nhìn thì một đoàn xe chở hàng nhân đạo đến Lougansk là một tin vui.
Thành phố nằm gần biên giới với Nga, là một trong những nơi bị tác hại nhiều nhất trong cuộc đọ sức giữa quân đội Ukraina và phe ly khai.
Nhưng vấn đề là Nga còn phải chứng minh thiện ý trong chiến dịch đơn phương này. Nga đã đảm bảo là được sự đồng ý của Kiev và trợ giúp này đặt dưới sự giám sát của Hồng thập tự Quốc tế.
Theo Le Monde, sự nghi ngờ quốc tế đối với Nga trong chiến dịch này cũng rất chính đáng vì Matxcơva thường có giọng điệu nước đôi.
Trong thực tế, tình hình khủng hoảng ở Ukraina do chính Nga gây ra, và đến giờ thì Nga vẵn trang bị vũ khí, xe tăng, trọng pháo và huấn luyện lực lượng ly khai.
Cho nên người ta có lý do để nghi ngờ rằng chiến dich nhân đạo của Nga chỉ là cái cớ để đưa quân đang đóng ở biên giới, can thiệp vào miền Đông Ukraina.
Le Monde phân tích là bất chấp các trừng phạt ngày càng mạnh của phương Tây, ông Putin tỏ vẻ không nao núng, cho dù kinh tế Nga bị tác động. Ông còn trả đũa bằng cấm vận. Ngày nay ông có thể nghĩ đến đi xa hơn nữa, đi đến cả chiến tranh.
Le Monde nhận thấy nạn nhân đầu tiên trong tình hình đó sẽ là người Nga. Tờ báo kết luận bằng lời khuyên ông Putin nên hồi tâm trước khi quá muộn.
Hàn Quốc chuẩn bị đón Đức Giáo hoàng
Nhìn sang Châu Á, báo La Croix quan tâm đến Hàn Quốc đang chuẩn bị đón Giáo hoàng Phanxicô đặt chân đến đây vào ngày mai, trong một chuyến thăm 5 ngày.
La Croix nhìn thấy trong hàng tựa :’ Người Hàn Quốc chờ đợi « một sức bật về mặt tâm linh nhân chuyến viếng thăm ».
Bài báo mô tả trước tiên không khí nôn nóng chờ đợi, cả Hàn Quốc như sống theo nhịp chuyến thăm : Chân dung đức Giáo hoàng ở khắp nơi ở Seoul ; những nơi ngài sẽ đi qua được quảng cáo rầm rộ, kể cả các bến tàu điện ngầm ; khoảng 30 nhân vật nổi tiếng Hàn Quốc đều quay clip chào mừng Giáo hoàng đến đây.
Tờ báo nêu mặt trái là Giáo hoàng đến thăm một nước Hàn Quốc bị khửng hoảng, chia rẽ, chia cắt xã hội, chính trị ngày sâu rộng.
Xã hội Hàn Quốc là một xã hội tiêu thụ vượt bực, bị ám ảnh về dáng vẻ bề ngoài và địa vị, và ngày sẽ già đi với tỷ lệ sinh đẻ suy sụp (1,25 cho mỗi phụ nữ) và một tỷ lệ kỷ lục về người tự tử.
Thảm kịch phà Sewol làm hơn 300 học sinh thiệt mạng đã cho thấy những lỗ hổng của một mô hình kinh tế, đã quên đi yếu tố con người.
Vả lại theo La Croix, đức Giáo hoàng đã dự kiến gặp gia đình các nạn nhân.
Theo La Croix, Giáo hội Công giáo có một hình ảnh rất tốt ở Hàn Quốc với các hoạt động xã hội và vai trò lịch sử trong việc dân chủ hóa của nước này. Bài báo nhắc lại hoạt động của những người Công giáo đầu tiên ở Hàn Quốc, những người trí thức đã mang về từ Trung Quốc những quyển thánh kinh vào cuối thế kỷ 18, trước khi các nhà truyền giáo Pháp đầu tiên đến đây, biến Hàn Quốc thành một trường hợp cá biệt trong lịch sử Giáo hội Công giáo.
La Croix cho là người Hàn Quốc mong muốn một cử chỉ của đức Giáo hoàng và một lời kêu gọi hòa giải. Không chỉ giữa hai miền, mà nhất là sự hòa giải ngay trong xã hội Hàn Quốc.
Theo La Croix, hiện nay người Công giáo Hàn Quốc chỉ 5 triệu – tức 10% dân chúng - trong khi đạo Tin lành chiếm đến 18%, và Phật giáo 23%.
Tin mới
- Thảm họa đe dọa hàng không Việt Nam - 16/08/2014 17:59
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-08-2014 - 16/08/2014 16:13
- Tướng Dempsey tuyên bố Mỹ có thể giúp Việt Nam xây dựng hải quân - 16/08/2014 16:00
- Dân California sẽ quyết định dự án nước trị giá $7.5 tỉ kỳ bầu cử này - 15/08/2014 21:14
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-08-2014 - 15/08/2014 21:01
- Indonesia : Tín đồ Thiên chúa giáo gốc Hoa trở thành thống đốc Jakarta - 15/08/2014 19:58
- Tại Seoul, Giáo hoàng đả kích xã hội tiêu thụ - 15/08/2014 19:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-08-2014 - 14/08/2014 21:23
- Tướng Mỹ thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự song phương - 14/08/2014 19:42
- Đức Giáo Hoàng kêu gọi đối thoại hòa giải hai miền Triều Tiên - 14/08/2014 19:35
Các tin khác
- Thăm Hàn Quốc, Giáo hoàng được phép bay ngang qua Trung Quốc - 13/08/2014 19:08
- Mỹ-Úc nhất trí mở rộng liên minh quốc phòng với Nhật Bản và Ấn Độ - 13/08/2014 19:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-08-2014 - 12/08/2014 22:47
- Vì sao Tòa thánh Vatican ủng hộ Mỹ oanh kích Irak ? - 12/08/2014 22:23
- Diễn viên Robin Williams của “Good Morning Vietnam” qua đời - 12/08/2014 22:15
- Nhật sẽ thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình tự chế tạo - 12/08/2014 19:16
- Mỹ khẳng định : Chính hành động hung hăng của Trung Quốc làm Biển Đông căng thẳng - 12/08/2014 19:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-08-2014 - 12/08/2014 00:06
- Tổng thống Irak chỉ định thủ tướng mới - 11/08/2014 23:47
- Hơn 150 đào phạm kinh tế Trung Quốc đang lẩn trốn tại Mỹ - 11/08/2014 22:40