Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-08-2014

 Bản quyền tác giả của động vật, vấn đề mới nảy sinh
SelfiieMacca
Chân dung tự chụp của 'cô' khỉ với máy của nhà nhiếp ảnh David Slater trong rừng Sulawesi, Indonessia.
Wikimédia

Các tờ báo chính của Pháp ra hôm nay đều dành quan tâm nhiều đến những sự kiện nóng của thời sự như chiến sự, khủng hoảng ở Irak, Trung Đông, Ukraina hay bệnh dịch chết chóc ở châu Phi và nguy cơ lan tràn khắp thế giới.

Tuy nhiên giữa rất nhiều bài viết về những chủ đề không mấy vui vẻ đó, báo le Monde có một bài viết khá thú vị về một việc chưa từng có liên quan tranh luận về quyền tác giả giữa người và động vật.

Bài viết kể lại câu chuyện nghe có vẻ khôi hài nhưng cũng đáng để tranh luận. Đó là chuyện tranh cãi xung quanh bản quyền sở hữu những bức ảnh mà tác giả là những con khỉ.

Theo le Monde, ông David Slater, một nhiếp ảnh gia người Anh chuyên chụp động vật đã bị cười nhạo trong cuộc họp thường niên của các đại diện trang từ điển bách khoa trên mạng Wikipedia diễn ra cuối tuần qua tại Luân Đôn.

Nguyên nhân là từ một bức ảnh của một con khỉ trong rừng rậm Indonesia đang nhe răng cười và « tác giả » của bức ảnh lại chính là con khỉ đó.

Vấn đề tranh cãi chính là ở chỗ ai là người có bản quyền bức ảnh đó.

Đầu đuôi câu chuyện là như thế này : Năm 2011, ông Slater đã sống 3 ngày trong khu rừng rậm tại Sulawesi, Indonesia cùng với một bầy khỉ.

Ông đặt máy ảnh trên chân đế và nối với bộ phận bấm chụp từ xa. Một hôm ông đi ra ngoài và một con khỉ cái trong đàn nhân lúc đó đã ấn bừa vào nút chụp hình hàng trăm lần.

Trong số hình mà con khỉ chụp được đa số đều bỏ đi thế nhưng một số tấm chụp chân dung lại đẹp bất ngờ.

Một trong số ảnh đó đã được đem bán và khá đắt hàng. Thế nhưng, có người nào đó tinh quái khi biết rõ hình này do con khỉ chụp ( do chính ông Slater giới thiệu) đã cho đăng lên Wikimedia Commons, đây là trang dữ liệu ảnh được phép sử dụng chung của Wikipedia.

Đối với những người này, tác giả của bức ảnh là con khỉ chứ không phải nhà nhiếp ảnh. Theo luật hiện nay thì động vật không được sở hữu bản quyền, bởi vậy bức ảnh chân dung con khỉ đó không thuộc về ai.

Nhiếp ảnh gia Slater đã nổi đoá vì từ khi Wikimedia cho đăng tấm hình con khỉ nói trên, ông đã bị mất ít nhất 12 nghìn euro tiền bán ảnh.

Ông giải thích với báo chí ông cũng đã bỏ công sức chất xám ra thì mới có được bức ảnh như vậy, chẳng hạn như đặt máy, chọn khuôn hình và chuẩn bị .... phần còn lại chỉ là do con khỉ bấm vào nút.
Có lẽ vụ tranh cãi này sẽ phải được kết luận trước tòa án, khi đó không hiểu con khỉ bấm máy có xuất hiện ở tòa với tư cách bên bị hay nhân chứng chẳng hạn ?

Dịch Ebola : Bùng phát cũng là do nghèo khổ

Nhật báo L’Humanité đề cập đến chủ đề dịch Ebola bùng phát ở châu Phi và đang đe doạ cả thế giới dưới một góc nhìn khác.

Tờ báo cho rằng chính sự nghèo khổ đã làm bùng phát virus Ebola. Tờ báo khẳng định là chính tình trạng vệ sinh y tế tồi tàn, cuộc sống nghèo khổ ở châu Phi đã góp phần đẩy nhanh tốc độ lây lan dịch Ebola.

Được phát hiện lần đầu từ năm 1976 tại một khu làng nhỏ của Congo nằm bên dòng sông Ebola, virus Ebola đến nay đã nhiều lần xuất hiện trở lại ở nhiều nước châu Phi và đã làm thiệt mạng khoảng 1300 người ở các nước như Cộng hoà dân chủ Congo, Sudan, Gabon và Uganda.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới OMS, chỉ riêng đợt bùng phát trở lại lần này từ hồi tháng Giêng năm nay, virus Ebola đã làm chết gần 1000 người trong tổng số 1700 bệnh nhân bị nhiễm virus, như vậy là tỷ lệ tử vong lên tới 60%.

Bốn nước liên quan chính trong đợt dịch này là Guinéee, Sierra Leone, Liberia và Nigeria.

L’Humanité nhận thấy là gần 40 năm sau khi phát hiện ra virus Ebola, đến nay thế giới vẫn chưa có được vaccin hay cách điều trị nào hữu hiệu.

Tờ báo L’humanité dẫn lời ông Pierre Mendiharat thuộc tổ chức Y sĩ không biên giới (MSF) giải thích, « đó là bởi vì chỉ có số lượng rất nhỏ người mắc bệnh Ebola, chưa đủ tạo thành thị trường cho các hãng dược phẩm tư nhân đổ tiền vào nghiên cứu ».

Mỗi khi dập được dịch xong là không có ai nghĩ đến đầu tư nghiên cứu điều trị hay vaccin nữa và cứ như thế, theo chuyên gia của MSF này, những đợt dịch sắp tới sẽ còn bùng phát trở lại ở những nước nghèo.

Hãng dược phẩm lớn của Anh GSK hiện vẫn còn trong quá trình nghiên cứu và vaccin phòng Ebola có lẽ chỉ có thể có được sớm nhất vào năm 2015. Trong khi đó mức độ lan tràn nguy hiểm của dịch Ebola đang đòi hỏi thế giới phải hành động gấp.

Còn nhật báo Công giáo La Croix nêu « những vấn đề đạo đức của việc tiếp cận điều trị bệnh Ebola » nhân hôm nay Tổ chức Y tế Thế giới công bố những khuyến cáo của Uỷ ban đạo đức về việc đưa thử nghiệm điều trị bệnh Ebola tại những nước châu Phi.

Vấn đề này đang làm dấy lên tranh luận phức tạp về hiệu quả và tính vô hại của những phương pháp điều trị mà hiện tại mới chỉ được áp dụng cho 3 bệnh nhân xuất thân từ những nước giàu có gồm hai nhân viên hoạt động nhân đạo người Mỹ bị nhiễm bệnh tại Liberia và một là linh mục người Tây Ban Nha bị nhiễm virus ở Liberia và đã được đưa về Madrid điều trị. Theo tin mới nhất thì bệnh nhân này đã đã tử vong hôm nay.

Vấn đề mà tờ báo đặt ra đầu tiên là chỉ có những người bệnh ở những nước giàu có mới có thể được điều trị, thử nghiệm chống virus Ebola ?

Xã luận báo La Croix kết luận : « dịch Ebola, biểu hiện của sự bất bình đẳng trong thế giới chúng ta, giữa những nước giàu có được trang bị đầy đủ để ngăn chặn virus lây lan và những nước có hệ thống vệ sinh y tế tồi tàn.

Hy vọng dịch Ebola còn là dịp để thể hiện tình đoàn kết quốc tế có hiệu quả vì những người dân bị đe doạ nhất, cho dù đó là những người dân ở xứ sở xa xôi ».

Irak : Khủng hoảng chính trị giữa lúc cuộc nội chiến khốc liệt

Nhật báo Libération dành trang nhất cho hồ sơ Irak với hàng tựa lớn : « Irak sự phá sản của của một Nhà nước ».

Giữa lúc cuộc chiến khốc liệt với lực lượng của tổ chức thánh chiến Nhà nước hồi giáo đang diễn ra, Irak lại rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị.

Vì không có khả năng chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan đang đe doạ tồn vong của đất nước, bất lực không bảo vệ được các cộng đồng thiều số , Thủ tướng Nouri al-Maliki suốt từ 3 tháng nay từ chối thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia, hôm qua đã bị tổng thống ra quyết định thay thế.

Libération phân tích, đất nước Irak có nguy cơ bị tan vỡ khi mà đội quân thánh chiến của Nhà nước hồi giáo vẫn tiếp tục tiến quân bất chấp các cuộc không kích của quân Mỹ.

Như đổ thêm dầu vào lửa lúc này là cuộc khủng hoảng chính trị tại Bagdad. Vấn đề ở chỗ Thủ tướng mãn nhiệm Nouri al-Maliki không chấp nhận rời bỏ quyền lực cho dù tình cảnh của ông lúc này ở bên trong nước thì bị cô lập ngay trong đảng, đại đa số dân chúng phản đối bên ngoài nước thì bị các đồng minh bỏ rơi, đặc biệt là Mỹ và Iran từ nhiều tuần qua đã quay lưng lại với ông Nouri Maliki.

Irak có nguy cơ bị lôi vào vòng nội chiến giữa những người Shia với nhau tạo thế cho những phe phái cự đoan Suni trỗi dậy.
Trong tình cảnh như vậy như dường như ông Maliki vẫn chưa muốn rời bỏ quyền lực và đang tập hợp lực lượng ủng hộ để phản công.

Chính quyền Cam Bốt muốn kết thúc nhanh chóng phiên toà xử tội ác của Khmer đỏ

Nhìn qua châu Á, thời sự duy nhất trong khu vực này được nhật báo le Monde lưu tâm đó là phiên toà đặc biệt xét xử tội ác của các cựu lãnh đạo Khmer đỏ, đang điễn ra tại Phnom Penh.

Le Monde ghi nhận bằng hàng tựa : « Tại Cam Bốt chế độ không muốn xử thêm các cựu lãnh đạo Khmer đỏ ».

Tờ báo trở lại sự kiện hôm 7/8 vừa qua Toà án quốc tế Phnom Penh đã tuyên án tù chung thân hai cựu lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ Khmer đỏ còn sống là Nuon Chea và Khiêu Samphan vì những tội ác chống loài người. Rất có thể đây sẽ là hai bị cáo cuối cùng trong vụ án xét xử tội ác của Khmer đỏ.

Ngược lại thời gian, Le Monde cho biết, năm 2003, chính phủ Phnom Penh và Liên hiệp quốc đã thoả thuận thành lập một toàn án đặc biệt gồm các thẩm phán quốc tế và Cam Bốt để xét xử các lãnh đạo Khmer đỏ, những người chịu trách nhiệm về những vụ tàn sát hàng triệu người trong thời gian nắm quyền.

Theo thoả thuận Toà chỉ đưa các chức sắc cao cấp của Khmer đỏ ra xử và sẽ không động tới những « cán bộ trung cấp» của chế độ Khmer đỏ. Trong số này có nhiều người đang đứng trong hàng ngũ chính quyền hiện nay, cụ thể là Thủ tướng Hun Sen cũng từng có thời gian là chỉ huy cấp trung đoàn của Khmer đỏ, trước khi đào thoát sang Việt Nam.

Chính trong hoàn cảnh đó mà phiên toà đã trở nên phức tạp và bị kéo dài. Mở ra từ năm 2006 mãi đến năm 2012 mới đưa ra được bản án chung thân cho bị cáo Kaing Guek Eav, biệt danh là « Douch », nguyên trưởng trại tù S21 khét tiếng.

Trong khuôn khổ vụ án, các thẩm phán dự kiến sẽ còn đưa nhiều cựu quan chức khác của Khmer đỏ ra xét xử nhưng Thủ tướng Hun Sen đã từng ngỏ ý với Tổng thứ ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon từ năm 2010 là phiên xử Nuon Chea và Khieu Samphan sẽ là phiên cuối cùng.

Theo Le Monde, vị Thủ tướng độc đoán của Cam Bốt cảnh báo rằng nếu toà án tiếp tục truy tố những nghi can khác thì có nguy cơ làm bùng phát nội chiến.

Cũng chính vì thế mà từ khi bắt đầu phiên toà này, các thẩm phán đã không ít lần tố cáo chính quyền Phnom Penh gây áp lực lên công việc xét xử và hoạt động của Toà, nhất là trong việc đưa ra trước toà thêm những người liên quan đến vụ án.

Sau bản án chung thân vừa được nhận, Nuon Chea nhân vật số 2 của chế độ Pol Pot, nay đã 88 tuổi và Khiêu Samphan cựu Chủ tịch nước Kampuchia Dân chủ, nay cũng 83 tuổi, sẽ còn phải trả lời về những cáo buộc tàn sát người Việt Nam và người Chăm theo Hồi giáo, về tổ chức cưỡng bức kết hôn tập thể.

Bản vụ xử hai bị cáo này đã phải xé lẻ thành nhiều giai đoạn với mục đích ra được bản án trước khi các bị cáo bị chết vì bệnh tật già yếu. Nhìn vào tình trạng sức khoẻ của hai bị cáo trong phiên xử mở ra từ hôm 30 tháng 7, không có ai có thể tin là họ có thể còn sống đến ngày nhận thêm bản án nữa.


Switch mode views: