Bắc Kinh phủ dụ ASEAN để ngăn trở Mỹ quay lại châu Á
- Thứ Năm, 03 tháng Mười năm 2013 16:55
- Tác Giả: Thụy My
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và đồng nghiệp Mỹ John Kerry tại Washington trước cuộc gặp song phương ngày 19/9/2013.
REUTERS/Jonathan Ernst
Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Indonesia hôm nay 03/10/2013 nhân chuyến công du Jakarta, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến việc siết chặt quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước ASEAN.
Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh đã ghi được một điểm trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với Washington, sau khi Tổng thống Mỹ phải hủy bỏ chuyến viếng thăm hai nước trong khu vực.
Ông Tập Cận Bình tuyên bố : « Chúng ta cần phải đồng lòng làm việc để siết chặt hơn quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN ».
Để làm được điều này, ông Tập hứa hẹn sẽ giải tỏa bất đồng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng tại Biển Đông, chiếc gai trong quan hệ giữa người khổng lồ châu Á với các quốc gia Đông Nam Á.
Nhân chuyến viếng thăm Indonesia - nước thường đóng vai trò trung gian hòa giải trong các xung đột tại Biển Đông, và được dành cho cái hân hạnh là người ngoại quốc đầu tiên phát biểu trước Quốc hội nước này, Tập Cận Bình nói rằng : « Hai bên cần phải tôn trọng nguyên tắc tham vấn hòa bình và đối thoại hữu hảo, giải quyết xung đột một cách ôn hòa nhằm duy trì hòa bình ổn định trong khu vực ».
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, tự ý vạch ra « đường lưỡi bò 9 đoạn » ôm trọn vùng biển này, cho dù có những khu vực kề cận vùng duyên hải các nước láng giềng.
Các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, đều là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), phản đối yêu sách của Bắc Kinh.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ từ tay Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Tại Trường Sa, Bắc Kinh đã chiếm đóng bãi cạn Scarborough gần đảo chính Luzon của Philippines, mà Manila cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình. Các tàu hải giám của Trung Quốc, nay gọi là tuần duyên, thường xuyên xâm nhập các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hiếp đáp ngư dân Việt.
Từ mười năm qua, các nước ASEAN vẫn cố gắng thuyết phục Bắc Kinh ký kết Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông với các điều khoản ràng buộc nhằm ngăn ngừa các diễn biến xấu trong xung đột.
ASEAN cùng với Hoa Kỳ muốn có giải pháp đa phương, nhưng Trung Quốc luôn đòi thảo luận song phương nhằm đè bẹp các nước láng giềng nhỏ yếu.
Ông Bantaro Bandoro, chuyên gia của Đại học Quốc phòng Indonesia ở Jakarta cho rằng những lời nói ngọt ngào của ông Tập Cận Bình trước hết là nhằm ngáng chân chiến lược của ông Barack Obama, coi châu Á - Thái Bình Dương là « cột trụ » trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Chuyên gia này nhận định: « Trung Quốc mưu toan ngăn trở sự hiện diện của Hoa Kỳ ».
Ông Bandoro nhấn mạnh, quyết định mới đây của Tổng thống Mỹ rút ngắn vòng công du châu Á, là có lợi cho Bắc Kinh.
Còn Li Mingjiang, chuyên gia về Trung Quốc tại trường S.Rajaratnam nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Singapore cũng nhận xét :
« Sự kiện ông Obama hủy bỏ chuyến viếng thăm Malaysia và Philippines sẽ gây tác động tiêu cực cho chiến lược của Hoa Kỳ ». Theo ông, có những nước sẽ coi Trung Quốc là một láng giềng gần gũi hơn.
Liệu Hoa Kỳ có sẽ lỗi hẹn với châu Á ?
Do cuộc khủng hoảng ngân sách hiện nay, ông Obama không thể thăm Kualar Lumpur và Manila như dự tính, sau khi tham dự thượng đỉnh APEC (Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) sẽ khai mạc vào thứ Hai 7/10 tới tại Bali. Thậm chí sự hiện diện của ông tại hội nghị quan trọng này cũng chưa phải là chắc chắn.
Tổng thống Hoa Kỳ vốn hy vọng nhân chuyến công du này sẽ đạt được những tiến triển trong việc thương thảo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo AFP, quyết định hủy chuyến thăm hai nước ASEAN trên sẽ gây phức tạp thêm cho các nỗ lực của ngoại giao Mỹ, muốn hiện diện như một cường quốc không thể thiếu vắng ở Thái Bình Dương. Đồng thời cũng làm tăng lên mối quan ngại thầm lặng lâu nay về cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực, trước các kẻ thù như Trung Quốc.
Một chuyến du hành dài ngày qua những múi giờ khác nhau của Tổng thống cùng với đoàn tùy tùng, trong lúc chính quyền Mỹ bị tê liệt như hiện nay quả là khó khăn.
Ông Barack Obama đã gọi điện cho Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Philippines Begnino Aquino để cáo lỗi, hứa hẹn sắp xếp gặp vào một dịp khác.
Bà Caitlin Hayden, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ khi thúc giục Quốc hội giải tỏa tình trạng hiện nay, đã nói rằng việc này ảnh hưởng đến khả năng thúc đẩy vai trò quan trọng của Mỹ tại khu vực những nước đang phát triển rộng lớn nhất thế giới.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên các vấn đề trong nội bộ làm ông Obama phải hủy một chuyến công du châu Á. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông cũng đã từng hủy chuyến đi Indonesia, nơi ông đã sống bốn năm trong thời niên thiếu.
Nhưng tại châu Á và trong giới chính trị ở Washington, đã có những tiếng xì xào là một chiến lược tái cân bằng rất cần có sự trang trọng mà chỉ có một chuyến công du của nguyên thủ mới tạo ra được.
Hy vọng giảm nhiệt với Iran và việc mặc cả khó khăn với Nga trong hồ sơ Syria đã khiến ông Obama có phần xa cách với châu Á trong những tháng gần đây.
Bên cạnh đó, cũng có cảm giác là bản thân Ngoại trưởng John Kerry với những hoạt động ngoại giao Liên Hiệp Quốc và những chuyến đi Trung Đông liên tục, chưa thực sự dấn mình vào chính sách xoay trục sang châu Á.
Sự ra đi của những khuôn mặt nặng ký như người tiền nhiệm Hillary Clinton và cựu cố vấn an ninh Tom Donilon, vốn rất gắn bó với chủ trương xoay trục, cũng đã để lại một khoảng trống đáng kể.
Daniel Twining, chuyên gia về châu Á của quỹ Marshall nhận xét : « Chính quyền Obama coi chính sách xoay trục sang châu Á là một sáng kiến chiến lược quan trọng.
Nguy cơ hiện nay nếu chuyến công du của Tổng thống bị hủy, là chính người Mỹ sẽ làm thất vọng nhiều bạn bè và đồng minh của Mỹ tại châu lục này ».
Học giả Joshua Meltzer của Viện Brookings cho rằng tuy các đồng minh của Mỹ có thể thông cảm quyết định của ông Obama, nhưng điều này cũng là những tín hiệu tiêu cực.
Ông nói : « Tôi không nghĩ là các nước này sẽ đặt vấn đề về sự chân thành của Hoa Kỳ trong chính sách quay lại châu Á, nhưng sẽ đặt câu hỏi về khả năng thực hiện chiến lược này một cách toàn diện ».
Và như vậy, Bắc Kinh với tham vọng bành trướng cố hữu, lâu nay vẫn rất khó chịu trước việc Mỹ gởi thủy quân lục chiến đến Úc, đưa chiến hạm đến Singapore và có thể siết chặt hơn quan hệ quân sự với Philippines, hẳn sẽ không lấy làm buồn lòng trước sự vắng mặt của ông Obama tại Á châu.
Lợi dụng tâm lý hoang mang của các nước đang mong muốn sẽ có được Hoa Kỳ làm đối trọng, Tập Cận Bình khi ve vãn ASEAN, đang tràn trề hy vọng « bất chiến tự nhiên thành » trước người Mỹ.
Tin mới
- 50 năm sau, bình luận gia Beverly Deep Keever nhận định cuộc lật đổ cố TT Diệm là “sai lầm nguy hiểm” - 29/10/2013 16:52
- Hiến Pháp mới: lãng nhách, giáo điều, lạc hậu - 25/10/2013 05:33
- Mỹ Yên, vùng đất chưa yên! - 19/10/2013 16:55
- Bàn về tẩy não - 17/10/2013 03:13
- Đám tang lớn cuối cùng của chế độ - 16/10/2013 18:32
- Chuyện người dân bắt trói 5 công an - 11/10/2013 16:39
- Đảng Cộng Hoà làm lung lay niềm tin vào nền Dân Chủ Mỹ - 09/10/2013 06:02
- Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rệu nát từ bên trong - 07/10/2013 19:06
- Trâu bò đang húc nhau - 05/10/2013 20:52
- Mao sống lại tại Trung Quốc : Các buổi phê và tự phê thành trò cười trên internet - 04/10/2013 19:18
Các tin khác
- Bà Tổng Thống Hillary? - 02/10/2013 15:48
- Biến cố Mỹ Yên: Đã đến lúc Hội Đồng Giám mục Việt Nam không thể không lên tiếng - 25/09/2013 14:57
- Putin, Obama và Syria - 17/09/2013 20:57
- Tại sao Mỹ không đánh Syria? - 14/09/2013 17:23
- Giải pháp ngoại giao cho Syria hay thỏa thuận ngầm Nga-Mỹ ? - 11/09/2013 22:58
- Người thắng và kẻ bại - 11/09/2013 05:42
- Nokia về tay Microsoft : "High tech" của Châu Âu đi xuống - 10/09/2013 23:11
- Ngoại giao Trung Quốc thực dụng trên hồ sơ Syria - 08/09/2013 19:19
- TT Obama: có thật hy vọng đã vươn lên? - 06/09/2013 15:51
- Syria phủ bóng G20, Obama đối mặt Putin trong không khí chiến tranh lạnh - 06/09/2013 01:15