Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bắc Kinh chống tham nhũng hay đấu đá nội bộ ?

CHINA-POLITICS-ZHOU


Ông Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc, nằm trong tầm ngắm của cơ quan điều tra.
Reuters


Chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc có dấu hiệu với càng lúc càng cao hơn, nhưng động cơ là gì ?
Đó là câu hỏi đang được giới quan sát đặt ra sau một loạt những vụ cách chức nhằm vào các nhân vật ở thượng tầng chính quyền Bắc Kinh, và nhất là sau khi có tin ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu lãnh đạo guồng máy an ninh Trung Quốc thời Hồ Cẩm Đào, đã nằm trong tầm nhắm của giới điều tra.

Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, 03/09/2013, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng chống tham nhũng chỉ là cái cớ che giấu cuộc đấu đá đang gay gắt trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thông tin mới nhất được báo chí Trung Quốc loan tải vào hôm nay là vụ ông Tưởng Khiết Mẫn (Jiang Jiemin) - Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý Tài sản Nhà nước đầy uy lực - đã bị cách chức trong khuôn khổ cuộc điều tra về các hành vi tham ô thời ông, còn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Trung Quốc CNPC.

Trong tư cách là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu Ủy ban Quản lý Tài sản Nhà nước với hàm bộ trưởng, sự kiện ông Tưởng Khiết Mẫn bị hạ bệ, vì bị nghi ngờ tham nhũng đã thu hút sự chú ý do vị trí rất cao của ông trong chính quyền.

Thế nhưng, dư luận Trung Quốc đang nôn nóng chờ xem số phận của ông Chu Vĩnh Khang, một nhân vật còn có vai vế cao hơn nữa, được cho là cũng ở trong tầm nhắm của chiến dịch « Bàn tay sạch » kiểu Trung Quốc.

Nhật báo South China Morning Post tại Hồng Kông hôm thứ Sáu 30/08 đã tiết lộ nguồn tin theo đó ông Chu Vĩnh Khang – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, cựu lãnh đạo guồng máy an ninh thời ông Hồ Cẩm Đào – cũng đã trở thành đối tượng của một cuộc điều tra không chính thức vì tham nhũng.

Về bề nổi, thì chiến dịch bài trừ tham nhũng tại Trung Quốc đang tăng tốc, đúng theo cam kết mà nhân vật số một tại nước này là Chủ tịch Tập Cận Bình từng đề ra, nghĩa là sẽ săn bắt cả loại hổ báo, tức là các quan chức quyền thế, chứ không riêng gì loài ruồi muỗi, chỉ những kẻ cấp thấp.

Và nếu quả thực là ông Chu Vĩnh Khang bị sa lưới trong chiến dịch này, thì đó quả là một sự kiện kinh thiên động địa chẳng khác gì vụ Bạc Hy Lai, vì cho đến tháng 11 năm ngoái, Chu Vĩnh Khang còn là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị, cơ chế lãnh đạo cao nhất tại Trung Quốc, và từ cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976) đến nay, chưa hề có một ủy viên nào trong cơ chế này bị truy tố.

Cho dù vậy, các nhà phân tích được AFP phỏng vấn đều có thái độ hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch, được xem là xuất phát từ động cơ chính trị, thể hiện một cuộc đấu đá đang diễn ra gay gắt trên thượng tầng Nhà nước Trung Quốc, chứ không phải vì động cơ đạo đức.

Kerry Brown, giáo sư môn chính trị Trung Quốc tại Đại học Sydney nhận định :
 « Rất có thể đây là một sách lược nhằm chứng tỏ rằng chiến dịch không miễn trừ bất cứ ai ».
Cho dù vậy, nhà nghiên cứu này vẫn phê phán : « Đối với tôi, đó vẫn là một phương thức thô sơ để tìm cách đối phó với điều (tệ nạn tham nhũng) vốn là một vấn đề mang tính cấu trúc, và rõ rệt là đang tràn lan ».

Theo giới quan sát, ngày nào mà Trung Quốc không có một cơ chế kiểm tra độc lập, với hệ thống các cơ quan chuyên trách và các tập đoàn quốc doanh khổng lồ chẳng khác gì một « Nhà nước trong Nhà nước » nhưng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc làm sạch tham nhũng đã trở thành một vấn đề không thể làm được.

Bên cạnh đó, việc tấn công vào ông Chu Vĩnh Khang cũng có thể là một cách thức được giới lãnh đạo đương quyền áp dụng để triệt hạ phe nhóm đối nghịch trong Đảng.
 Chu Vĩnh Khang được xem là hậu thẫn chính của Bạc Hy Lai trước khi nhân vật này bị thất sủng.
Dù đã về hưu trên danh nghĩa, Chu Vĩnh Khang vẫn còn nhiều thế lực sau thời gian dài chịu trách nhiệm guồng máy an ninh.

Tương lai của Chu Vĩnh Khang, người thét ra lửa thời Hồ Cẩm Đào sẽ ra sao ?
 Giới quan sát đã chờ đợi xem các bước tiếp theo của chính quyền đối với nhân vật này.

Theo lẽ thường tại Trung Quốc, từ khi một lãnh đạo cao cấp bị tình nghi « vi phạm kỷ luật đảng » - ám ngữ thường dùng để chỉ tội tham nhũng – nhân vật này sẽ phải trải qua một số giai đoạn.

 Sau khi quyết định điều tra được công bố, là khả năng bị bãi nhiệm, bị tước bỏ các chức vụ trong đảng, sau đó bị trục xuất khỏi Đảng và khỏi Quốc hội Trung Quốc, bị chính thức buộc tội và cuối cùng là bị điệu ra tòa.

Nếu ông Chu Vĩnh Khang bị chính thức điều tra, đây sẽ là một động thái chưa từng thấy, vì luật bất thành văn tại Trung Quốc cho đến nay vẫn là miễn truy tố các thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đã về hưu.


Switch mode views: