Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Phát súng báo động đầu tiên của ông Kim

Trump Kim

Với chưa đầy một tháng nữa đến ngày chờ đợi của cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn, Bắc Hàn đã trình bày rõ ràng đòi hỏi của họ.

Đòi hỏi này không dính líu gì bao nhiêu đến các cuộc tập trận thường niên mà là vì những lời tuyên bố của Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton và Ngoại Trưởng Mike Pompeo trên các chương trình truyền hình hôm Chủ Nhật tuần rồi, phác họa những điều có thể được đề nghị nếu ông Kim chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân của ông.

Bắc Hàn đã theo dõi và họ không thích những điều họ nghe được. Lý do duy nhất mà Bắc Hàn đã bỏ công bỏ của trong nhiều năm theo đuổi việc xây dựng một kho vũ khí hạt nhân, với biết bao nhiêu chi phí, chính là vì để sống còn.

Thành ra so sánh với cuộc phi hạt nhân hóa Bắc Hàn kiểu Libya – như ông John Bolton đề nghị hôm Chủ Nhật – hẳn sẽ làm Bắc Hàn khó chịu.

Khi ông Bolton nói đến phi hạt nhân hóa kiểu Libya, hẳn ông muốn nói đến thỏa thuận năm 2003 khi Đại Tá Muammar Gaddafi chịu trao hết những dụng cụ và nguyên liệu hạt nhân mà ông có cho Hoa Kỳ mang về để ở Phòng Thí Nghiệm Nguyên Tử Quốc Gia ở Oakridge, Tennessee.

Nhưng ông Kim và Bắc Hàn thì chỉ nhớ đến đoạn sau khi sau Mùa Xuân Ả Rập, dân chúng Libya nổi dậy, Anh, Pháp và một phần nào Hoa Kỳ đã cung cấp trợ giúp qua không kích cho phe nổi dậy trước việc ông Gaddafi tàn sát thường dân khiến ông Gaddafi sau cùng thua trận, trốn chui trốn nhủi một thời gian rồi bị bắt và bị giết.

Ông Kim hẳn nghĩ là nếu ông Gaddafi còn khả năng vũ khí hạt nhân thì Hoa Kỳ, Anh và Pháp sẽ không dám tấn công chế độ của ông.
Cái nguyên ủy của vấn đề là ngôn ngữ và diễn dịch.

Trong nhiều tháng nay, thế giới nghe rất nhiều về việc Bắc Hàn sẵn sàng phi hạt nhân hóa, một điều mà các nhà phân tích về Bắc Hàn ở miền Nam tỏ vẻ ngạc nhiên.
 Họ khuyến cáo là có một khoảng cách giữa những gì phía Hoa Kỳ và phía Bắc Hàn định nghĩa phi hạt nhân hóa.

Hoa Kỳ muốn Bắc Hàn từ bỏ vũ khí trong một thời gian ấn định và chỉ sau khi từ bỏ hoàn toàn khả năng vũ khí hạt nhân “kiểu Libya” thì lúc đó họ mới có phần thưởng kinh tế.
Họ cũng muốn cho tiến trình này diễn biến nhanh chóng, có lẽ chỉ trong vài năm hay như chính ông Bolton đang nói đến từ sáu tháng đến một năm, chậm lắm là hai năm, cho kịp mùa bầu cử năm nay, hay ít nhất cho kịp kỳ bầu cử tổng thống tới.

Bắc Hàn định nghĩa việc phi hạt nhân hóa của họ rất khác.
 Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là họ muốn nói đến toàn bán đảo Triều Tiên.

Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ cũng phải có hành động nữa – có lẽ cắt giảm bớt quân số đang trấn đóng ở Nam Hàn, hay là hủy bỏ cái dù hạt nhân mà Hoa Kỳ đang có để bảo vệ cho các đồng minh trong vùng kể cả Nam Hàn và Nhật Bản.
Và nếu Bắc Hàn có từ bỏ vũ khí của họ thì họ cũng muốn có những bảo đảm an ninh.

Giáo Sư Go Myong-Hyun từ Viện Nghiên Cứu Asan Institute nghĩ là Tổng Thống Trump đã “sau cùng gặp đối thủ” khi nói đến chuyện điều đình trên phương diện địa lý chính trị.”
 Ông tiếp “Hoa Kỳ có vẻ đang ngày càng đưa ra những đòi hỏi thêm, khó khăn hơn, mà Bắc Hàn không muốn.
Và đó là lý do tại sao họ nói là nếu các ông cứ tiếp tục đưa thêm đòi hỏi chúng tôi không thích, chúng tôi sẵn sàng bỏ đi chơi chỗ khác.”

Bắc Hàn, theo Giáo Sư Go, rõ ràng biết là Tổng Thống Trump muốn cuộc họp thượng đỉnh này.
Ông nói “Ông Trump đã trải nhiều tuần lễ nhận công lao của ông cho kết quả tích cực này.
Bắc Hàn hiểu là rất nhiều vốn liếng chính trị của tổng thống nay bỏ vào cuộc họp thượng đỉnh này.

Nói một cách khác ông đã bị mắc kẹt. Nếu Tổng Thống Trump không chấm dứt đưa ra thêm đòi hỏi mà không đưa ra cái gì thay thế thì ông sẽ mất cái hội nghị thượng đỉnh ông thèm muốn đó.”

Thêm vào đó, chính cái “nhận công” của tổng thống đã làm Bắc Hàn bực mình. Đã có chỉ dấu cho sự bực mình đó ngay trong chuyến công du lần cuối của Ngoại Trưởng Mike Pompeo đến thủ đô Bình Nhưỡng.

Đã có một lúc, một viên chức cao cấp của Bắc Hàn nâng ly chúc mừng ông Pompeo với một lời nhắc nhở là tiến trình này không xảy ra vì chiến lược áp lực tối đa của chính phủ Trump hay của cấm vận.
Nhân vật đó nhắc đến chính sách Byungjin, một chính sách song hành phát triển vũ khí hạt nhân và theo đuổi phát triển kinh tế của Chủ Tịch Kim Jong Un.

Chính ông Kim, trong bài diễn văn hôm đầu năm Âm Lịch, mở đường cho những bước ngoại giao này, đã tuyên bố là nay sau khi đạt được vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh, Bắc Hàn có thể mở cửa ngoại giao để phát triển kinh tế.
Bắc Hàn muốn nhắc nhở thế giới là họ nay đến bàn hội nghị trong một vị trí hùng mạnh.

 Họ cũng cảm thấy là họ đang phải làm hết mọi nhượng bộ như là một sự đầu hàng vậy. Họ đã ngưng các vụ thử hạt nhân. Họ đã đồng ý trả ba công dân Hoa Kỳ mà họ giam giữ, mặc dầu một số nhà bình luận bảo là thả mấy con tốt không có gì đáng quan trọng.

Ông Kim Jong Un đã gặp Tổng Thống Moon Jae-in và hai bên đã ký một tuyên bố, và họ đang tính đến chuyện phá hủy khu thử nghiệm hạt nhân ngay trước truyền thông quốc tế.
Thành ra khi nghe chính phủ Trump nhận là nhờ chính sách áp lực tối đa về cấm vận nên Bắc Hàn mới phải tìm đến bàn hội nghị, đã là một điều mà Bắc Hàn không thể chấp nhận được.

Một số bảo là đây đúng là lối hành xử của Bình Nhưỡng. Rằng đây không phải lần đầu tiên Bắc Hàn từ bỏ những thỏa thuận hay tẩy chay các cuộc điều đình. Điều đó đúng.
Nhưng cũng đúng là Bắc Hàn có nhiều kinh nghiệm về đường lối ngoại giao này hơn chính phủ hiện nay của Hoa Kỳ.

Sự việc Bắc Hàn nay công khai tuyên bố là nếu chính phủ Hoa Kỳ cứ tiếp tục với những đòi hỏi như hiện nay, Bắc Hàn sẽ không tính đến chuyện tham dự hội nghị thượng đỉnh nữa, đã chỉ giúp cho những người hoài nghi nói là Bắc Hàn vẫn ngựa quen đường cũ, và lần này cũng chẳng có gì khác.
Và sau những cuộc thù tạc, những nụ cười, những cái bắt tay lịch sử và đi dạo trong vườn với Tổng Thống Moon Jae-in, ông Kim Jong Un vẫn là người không thể tin tưởng được.

Và tuyên bố của Bắc Hàn đã làm cho bước tới thêm khó khăn hơn nữa. Nam Hàn và Hoa Kỳ nay phải quyết định làm sao phản ứng.

Liệu họ có đầu hàng và đưa ra nhượng bộ chăng?
Có thể phải tính đến chuyện giảm thiểu hơn nữa hay ngưng các cuộc tập trận?
Hay là họ cứ tỏ ra cương quyết và hy vọng là ông Kim Jong Un cũng muốn cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Hoa Kỳ không kém gì ông Trump?

Trong khi chờ đợi, phát súng báo hiệu đầu tiêu đánh dấu một giai đoạn mới.
Và cho đến nay ông Kim Jong Un đã chứng tỏ ông làm chủ tình hình nhiều hơn là Nam Hàn hay Hoa Kỳ.
(Lê Phan)

Switch mode views: