Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hạt nhân Iran - Bắc Triều Tiên : Trump « nhất bên trọng, nhất bên khinh » ?

iran-nuclear-trump 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump rời phòng họp sau khi nói về hồ sơ hạt nhân Iran, Nhà Trắng, Washington, ngày 13/07/2017
REUTERS/Kevin Lamarque

« Khủng khiếp », « thảm họa », hay « lẽ ra không bao giờ được ký kết », tổng thống Mỹ đã giận dữ chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 khi tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ngày 24/04/2018.

Với Bắc Triều Tiên, sau những lời lẽ nặng nề tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9/2017 và cuộc chiến « nút bấm » hạt nhân, Donald Trump lại có thái độ hòa dịu chấp nhận gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 đầu tháng 6/2018.

 Sự việc không ngừng gây ngạc nhiên sau khi nguyên thủ Mỹ tiết lộ việc cử Mike Pompeo, cựu lãnh đạo CIA và lãnh đạo ngoại giao tương lai của Hoa Kỳ, bí mật sang Bình Nhưỡng gặp Kim Jong Un hồi đầu tháng Tư.
Các động thái nói trên có thể gây thắc mắc : Phải chăng Donald Trump mâu thuẫn trong cách xử lý hồ sơ hạt nhân của hai quốc gia thù nghịch là Iran và Bắc Triều Tiên ?

 Washington muốn có được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng, nhưng lại tìm cách « xé vụn » thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 với Teheran ?
Tuy nhiên, đối với nhiều nhà quan sát, trong hai hồ sơ này, lập trường của tổng thống Mỹ rất rõ ràng và nhất quán : Phi hạt nhân hóa.

Trong con mắt chính quyền Hoa Kỳ cho đến tận ngày nay, Bắc Triều Tiên và Iran vẫn là hai quốc gia nằm trong « trục tội ác » do George W. Bush chỉ định từ năm 2002. Nhưng các cuộc đàm phán được thực hiện từ những năm 1990 với Bắc Triều Tiên và Iran lại không có cùng số mệnh.

Các cuộc thương thuyết với Bình Nhưỡng trên nguyên tắc vẫn trong tình trạng chiến tranh với Seoul, chưa bao giờ đi đến kết quả.
Bắc Triều Tiên ngày nay dường như sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt sau những đợt thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên tục từ năm 2013-2017, bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế.

 Trên lý thuyết, tên lửa của Bắc Triều Tiên giờ có thể tấn công những mục tiêu ở xa hàng trăm km (Nhật Bản), thậm chí hàng nghìn cây số đi tới lãnh thổ Hoa Kỳ.
Về phần mình, Iran tuy đã có được thỏa thuận hạt nhân với năm cường quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) và Đức vào năm 2015 nhưng nước này chỉ mới ở mức làm giàu uranium, chưa thể bước vào sản xuất và thử nghiệm hạt nhân.

Thỏa thuận ký hồi tháng 07/2015 trên nguyên tắc có thể ngăn cản Iran phát triển năng lực hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngoài vấn đề « cảm tính », cho rằng thỏa thuận này là một « thảm họa » vì không ai có thể bảo đảm được Iran không lao vào phát triển chương trình hạt nhân sau năm 2025.

Từ những quan sát trên, câu hỏi đặt ra : Phải chăng tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng chiến thuật : Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy ?
Nghĩa là với Bắc Triều Tiên, khi chấp nhận gặp Kim Jong Un, tổng thống Donald Trump ngầm nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Do vậy Washington phải đàm phán để không chỉ buộc Bình Nhưỡng ngừng hoàn toàn chương trình phát triển mà còn giải trừ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của họ.

Còn đối với Teheran, do chỉ mới ở giai đoạn đầu, nên thái độ cứng rắn, những lời đe dọa rút khỏi thỏa thuận của nguyên thủ Mỹ chỉ nhằm để « mặc cả » với Iran và gây áp lực với các bên tham gia ký kết hướng đến việc ngăn cấm hoàn toàn nước này thực hiện chương trình vũ khí nguyên tử.

Switch mode views: