Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

GIÁNG SINH NƠI VỈA HÈ

giang sinh noi via he

Quán tên Thiên Hà, bước vào đã thấy tinh tú lấp lánh từ những ngôi sao kim tuyến trên một cây thông nhân tạo be bé đặt ở quầy thu ngân.


Treo trên những nhánh thông phủ màu tuyết trắng là những gói quà xanh đỏ. Những gói quà cũng nhỏ xíu như từng miếng Fromage vuông hiệu con bò cười, được bọc giấy đủ màu, xếp đều đặn trong những hộp giấy bày bán trong siêu thị, mà tôi thường mua để nhấm nháp khai vị trong những bữa tiệc.

Nằm trên con đường nhỏ bên hông Nhà thờ Ðức Bà, nên ngồi trong quán, vẫn thấy rõ những hàng cây, ngọn cỏ nơi công viên. Một không gian êm đềm của buổi chiều sắp hết.
Ở một vị trí sang trọng, thực đơn của quán cũng đặc biệt theo thời thế, tinh thần «vọng ngoại».

Chiêu muốn ăn thử cái bánh Crepe coi ngon dở thế nào. Với những thứ bánh như Choux à la crème, Paté Chaud hay Eclair từng có mặt ở đất nước này từ thế kỷ trước, thì Crepe, một cái tên còn khá mới mẻ.
Nhìn Chiêu dùng dao nĩa cắt bánh. Tôi cười:
– Ngon không? Có gì lạ đâu, nó như cái bánh xèo ngọt, nhân ngọt. Thay vì thịt, tôm, giá thì nó là mứt trái cây, chocolat hay đường vụn.
– Ừ, thì ăn cho biết!

Nhiều năm qua, Chiêu vẫn còn thích ăn bánh ngọt đầy kem, nhưng tôi thì không. Tôi cũng không hiểu tại sao. Có thể những thứ bánh mà tôi và Chiêu mê ăn ngày đó, xuất xứ từ đất nước tôi đang sống. Vì thấy nhiều quá nên đâm ngán, hay lòng hoài hương của tôi chỉ thao thiết những thứ khó tìm.
Tôi thèm cái bánh cay làm bằng khoai mì bào tẩm ớt, được bán từ những gánh hàng rong. Những miếng bánh được chiên giòn, vớt ra từ chảo dầu còn nóng hổi.
 Những chiếc bánh dầy bột nếp nhân đậu, rắc đầy đậu xanh trên mặt. Thèm cái bánh ú tro bé tí, thường phải đợi đến Tết Ðoan Ngọ, ngày lễ giết sâu bọ Mùng Năm Tháng Năm âm lịch mới có.
Tất cả những thứ tôi thèm đều là quà nhà nghèo. Nhưng về đây, đi quán nào tôi cũng gọi cà phê Liégeois. Uống để mong tìm lại thứ mùi vị ở quán Hoàng Gia, ở Crystal Palace thời trước.

Có thể tôi đã quên hay bây giờ mọi thứ nấu nướng, pha chế đã khác xưa. Tôi không hề tìm thấy hương vị cũ, nhưng vẫn uống vì Liégeois Việt Nam lạ và ngon.
Chúng tôi ngồi đây đã khá lâu, từ lúc tắt nắng và bây giờ bóng tối đang đổ xuống công viên. Xe cộ bắt đầu nườm nượp, rộn rịp phía ngoài.
Chiêu vẫn thắc mắc ngạc nhiên sao tôi lại có thể bỏ chồng, một mình đi chơi với Chiêu tối nay.

Ðêm Noel biết bao nhiêu cuộc vui với một người từ xa trở về, có nhiều bạn bè như chúng tôi. Giờ này chắc Bình đang ngồi ăn uống, nhấm nháp ly rượu trên chiếc tàu Bonzai, một nhà hàng nổi lượn lờ trên sông Sài Gòn, để thưởng thức âm nhạc với người bạn nhạc sĩ mà họ từng chơi nhạc với nhau ở những phòng trà ngày trước.

Người bạn cũng muốn mời anh lên đệm một vài bản với ban nhạc. Gặp nhau, câu chuyện của họ chắc lê thê từ nhạc tới đàn. Tôi xen vào làm gì, biết đâu lại làm hỏng đêm vui của họ.

Chiêu nhìn ra đường:
– Paris đêm Giáng sinh vui không, thường thì mày làm gì ? Mọi người có đổ ra đường như ở đây không?
Tôi trả lời gọn bân:
– Tao làm ô-sin!

Tôi biết Chiêu chẳng tin tôi nói, nhưng thực là vậy. Những mùa Giáng Sinh không bao giờ tôi được có mặt trong căn nhà của mình. Giáng Sinh là mùa sum họp gia đình.
Nhà cửa chật chội, những đứa con lại ở xa. Nên, năm nay tiệc tổ chức nhà đứa này, năm sau nhà đứa khác. Mỗi năm tôi cứ phải lòng vòng theo quyết định của bầy con.
Một đại gia đình, con cháu cả chục người, đôi khi còn có thêm ông bà sui gia ở gần đó cũng đến chung vui.
Làm vừa lòng đám con, đám cháu và nở mặt nở mày với ẩm thực «dân tộc».
Ngoài những món rặt Giáng Sinh «Tây». Tôi còn nấu thêm một hai món thuần tuý quê mình, thết đãi «ngoại bang».

 Sau mỗi mùa Noel, nhìn lại hình ảnh chụp khi nâng ly, lúc mở quà. Tôi thấy mình nhếch nhác, mệt mỏi vì lăng xăng bếp núc. Thật sự tôi không thích Giáng Sinh từ đó, từ khi những đứa con trưởng thành ra ở riêng.

Tôi hỏi Chiêu:
– Mày đói không?
– Ăn ứ bụng rồi, đói gì mà đói.
– Nhịn tới khuya, đi ăn sau nhe!
– Chi vậy?

Tôi ngó ra vỉa hè, chưa đến nỗi kẹt xe, nhưng lòng đường tràn ngập xe và người. Trai thanh gái lịch. Những bộ quần áo màu sắc lóng lánh, sang trọng. Ðặc biệt các cô, tối nay ít người đeo khẩu trang. Có lẽ sợ nhạt nhoà son phấn.

Tôi nói:
– Ra đường ngồi chơi.
Chiêu nhìn tôi thắc mắc:
– Quán vắng teo, có ai đuổi mình đâu mà phải ra đường. Mà ra đường thì đi đâu, ở đâu?
– Mày không biết đâu, mấy chục năm rồi tao mới thấy lại cảnh này. Noel Paris chán ngắt. Ðường phố lạnh lẽo vắng tanh. Tao thì cứ bị ôm đồm đủ thứ chuyện. Noel năm nay coi như được “giải phóng”.

Ra khỏi quán, tôi ngồi bệt xuống đường khoan khoái như vừa đi đâu mệt mỏi trở về nhà, được thả mình nghỉ ngơi trong lòng ghế. Nếu có thêm cái thúng hay cái tủ kiếng đặt trước mặt thì chúng tôi cũng chẳng khác nào những người bán hàng rong, nhan nhản ở các lề đường trên phố.

Tiếng huýt sáo, tiếng la hét cười cợt của những cô cậu  rượt đuổi nhau trên những chiếc xe gắn máy đời mới, nhìn bệ vệ như những chiếc Ca-Nô nhỏ bập bềnh trên cạn.
Có một món đồ chơi từ năm xưa tới giờ vẫn tồn tại. Ðó là thứ đồ chơi được làm bằng giấy, hình thể  như con sâu đo, con cuốn chiếu, hay con rồng con rắn. Chúng được gắn  cái tu huýt ở đầu. Con vật giấy này sẽ dãn ra, cụp vào như ý muốn khi thổi vào cái còi tu huýt. Một trò chơi của trẻ con mà các thanh niên đang tận dụng, thổi phì phèo vào mặt nhau khi hai chiếc xe xáp gần kề cận. Tôi ngồi ngắm sinh hoạt linh động trước mắt như đứa trẻ quê lần đầu lên phố.

Xe chạy đầy đường, người đi trên vỉa hè cũng tấp nập không kém gì xe. Những kẻ yêu nhau, tay trong tay hớn hở niềm vui. Những cặp tình nhân ngồi bên nhau tình tứ dưới những tàn cây, bãi cỏ, trong ánh sáng mờ ảo của những ngọn đèn đường. Có lẽ những hình ảnh ấy đã kéo Chiêu về quá khứ của một thời thanh xuân xa cũ.

Chiêu kể tôi nghe, một đêm Giáng sinh mà đêm đó khu vực này cấm xe cộ lưu thông, chỉ dành cho người đi bộ.
Người đông như kiến, tất cả phải lướt theo nhau về một hướng, có muốn đi ngược lại cũng không thể nào tách ra khỏi đoàn người.
Chen lấn, xô đẩy thế nào mà Chiêu và người bạn trai lạc mất nhau. Khi đến cuối đường, thoát khỏi đám đông, Chiêu đã một mình tủi thân đứng khóc. May mà Chiêu còn nhớ được chỗ gửi xe, đi bộ đến chờ người yêu thất lạc.
Nhắc lại quá khứ đôi mắt Chiêu long lanh, sáng ngời những hạnh phúc, vương vấn chút buồn bã tiếc nuối.

Tôi không được cùng người yêu tận hưởng một Ðêm Thánh Vô Cùng như bạn. Ðêm Noel thuở  vừa biết yêu, tôi ngồi nhà nghe cô ca sĩ Thanh Lan dịu dàng trong những lời ca.
Nghe, thấm thía và ray rứt, nên giờ bài hát như một kỷ niệm.

“Lại một Noel nữa, mấy mùa Giáng Sinh rồi.
Anh ở đồn biên giới, thương về một khung trời… ”

Nhưng cảnh bị chen lấn đẩy đưa đến cùng đường thì tôi đã từng nếm trải thuở mười ba, mười bốn đua đòi theo bạn xuống phố đêm Noel.
Hốt nhiên, có một điều gì gợi nhớ khi tôi nhìn khoảng đèn sáng rực, sau những hàng cây tối.
Một con đường rộng thênh thang. Ðại lộ  ngày xưa mang tên Thống Nhất, nơi có toà Ðại Sứ Mỹ thời nào cũng kiên cố uy nghi.
Ðối diện toà nhà đó là gì nhỉ? Một ngôi trường ẩn mình dưới những hàng me cao toả đầy bóng mát. Hình như không xa trường lắm, có cả vài quán cà phê vỉa hè. Nơi tôi đã có mặt với một vài người bạn, cũng vào dịp Giáng Sinh, dù chẳng đứa nào học ở trường này.

Tôi nhớ Tánh, người con trai gặp tôi lần đầu đã móc túi tìm chai dầu lên thoa mũi và cười cười nói với tôi là đang bị «cảm mạo thương người».
Bữa đó Tánh tặng tôi một phong bánh in Thọ Tháp, nổi tiếng thơm ngon và một chai dầu xanh. Tôi tặng lại Tánh một tập thơ be bé mua ở Khai Trí, giờ cũng chẳng nhớ tên gì.

Tôi không thích dầu, kỵ dầu nữa là khác. Có lẽ vì vậy mà tình học trò ngắn ngủi, phôi pha chẳng vì một lý do nào. Bây giờ Tánh ở đâu? Sài Gòn thay đổi nhiều quá. Bao kỷ niệm chìm chết, quên lãng với đổi thay.
Tôi nhớ đến truyện cổ tích cô bé bán diêm, mà đứa trẻ nào đọc cũng ngậm ngùi rơi nước mắt. Một cô gái nhỏ ngồi trên vỉa hè trong một đêm cuối năm lạnh lẽo. Cô bé đốt những que diêm để tìm hơi ấm và thấy những ước mơ của mình trong ánh lửa.

Tôi và Chiêu chẳng còn bé bỏng, cũng đang ngồi bệt trên vỉa hè hệt trẻ thơ, tìm lại mình những ngày tháng cũ.
Không cần bật một que diêm, thắp lên một ngọn nến. Kỷ niệm vẫn tìm thấy lối để quay về trong giòng người ào ạt. Không khí đêm Giáng Sinh của Sài Gòn có lẽ chẳng bao giờ thay đổi.


Switch mode views: