Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đại Dịch Và Chuyện Cũ & Mới

Dich Coronavirus



​(TVVN.ORG) Ngày ấy, tháng Chín năm 1918, trận đại dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành và đã hủy diệt cả triệu con người khắp nơi trên địa cầu. Kinh hoảng quá nên thay vì ngồi chờ… chết, bá tánh đã hốt hoảng tìm kiếm và sử dụng hầu như mọi cách, hay cũng như dở, để tự cứu chữa.

Đại dịch Vũ Hán năm nay cũng đưa con người đến sự hoang mang, bất ổn tương tự nên không lạ là người ta chịu “thử” những thứ khác thường và ngay cả nguy hiểm như thuốc tẩy, thuốc trị sốt rét… để bớt sợ hãi khi khoa học chưa có cách chữa trị hiệu quả.

Trong cuốn “Pale Rider: The Spanish Flu of 1918 and How It Changed the World”, nhà báo Laura Spinney đã mô tả việc bá tánh tìm kiếm và sử dụng các cách chữa trị được đồn thổi trong dân gian vì y học ngày ấy còn phôi thai, chưa biết nhiều về ảnh hưởng của thuốc men trên cơ thể nên con người có khuynh hướng “vái tứ phương”.

Thuốc men hoạt động ra sao và bao nhiêu thì đủ lượng để đạt hiệu quả mong muốn. Đó chính là các câu hỏi căn bản về ngành nghiên cứu và thử nghiệm dược phẩm trên cơ thể con người hay “clinical trial”.

Bà nhà báo còn đi xa hơn nữa trong việc mổ xẻ các nguyên nhân dẫn đến sự tốn kém về thời gian và tiền bạc trong ngành nghiên cứu và thử nghiệm dược phẩm.
Bà Spinney cho rằng sự tin tưởng vào khoa học bắt nguồn từ mối liên hệ mật thiết giữa bác sĩ và bệnh nhân, có tin tưởng vào bác sĩ thì bệnh nhân mới tự nguyện tham gia các chương trình thử nghiệm kể cả việc họ có thể nhân “giả dược” (placebo) mà không được dùng thuốc “thật”.
Và cũng dựa trên lòng tin [vào bác sĩ], “giả dược” cũng hiệu quả trong việc tiết giảm một số triệu chứng nhất là cảm giác đau đớn.

Vào thế kỷ trước, khi trận đại dịch cúm hoành hành, “niềm tin” kể trên bị hủy hoại vì bệnh nhân nhận ra rằng bác sĩ không có cách chữa trị hiệu quả; do đó họ xoay qua tìm kiếm các cách trị liệu khác để tự chữa hoặc để nuôi hy vọng.

Một tác giả khác, Bác Sĩ Jeremy Brown, trong cuốn “Influenza: The Hundred-Year Hunt to Cure the Deadliest Disease in History” cũng cho rằng khi đứng trước căn bệnh hiểm nghèo mới được nhận diện, con người hoang mang sợ hãi nên sẵn sàng “thử” những cách trị liệu khác thường kể cả những món chưa được kiểm nghiệm.

Ông Brown đưa ra khá nhiều thí dụ về việc sử dụng thuốc men bừa bãi, cách trị liệu bất thường. Chẳng hạn như việc dùng Aspirin, món thuốc phổ thông lâu đời từ ngàn năm, đã được dùng để trị cúm với liều lượng cao gấp 10 lần lượng thuốc được xem là an toàn.

Quinine được / bị sử dụng để giảm sốt từ chứng cúm và chẳng có hiệu quả gì. Thuốc xổ và dầu castor là mấy món cũng đã được dùng để trị cúm trong cơn đại đich.
 Xa lạ hơn là việc rút máu [để giảm cơn sốt]; hít thở hơi [chlorine] gas từ các trạm xăng, và khử trừ ma quỷ đã được áp dụng để trị cúm…

Nhìn chung, khoa học rút ra được nhiều bài học quý giá từ trận đại dịch cúm 1918 và so sánh với trận đại dịch Vũ Hán ngày nay.
Năm ấy, ta chưa có:
-Thuốc chủng ngừa cúm (có mặt từ những năm 1940)
-Trung Tâm kiểm Soát và Phòng ngừa Bệnh Tật /CDC (ra đời năm 1946)
-Tổ Chức Y Tế Thế Giới / WHO (ra đời năm 1948)
– Thuốc chủng ngừa tê liệt (có mặt từ năm 1954)

Năm nay, khoa học đã chế tạo được một số thuốc chủng ngừa siêu vi khuẩn, từ siêu vi khuẩn gây chứng tê liệt, chứng “Giời leo” (shingle), chứng liệt kháng (HIV), chứng viêm gan A & B và cả chứng cúm.

Tạm hiểu là con người đã bước một khá xa trong sự hiểu biết về siêu vi khuẩn và tìm cách chống đỡ.
Thế giới cũng như nhiều quốc gia tân tiến đã có những tổ chức chuyên việc nghiên cứu thử nghiệm và trao đổi kinh nghiệm chữa trị bệnh tật nên tin tức, tài liệu được lan truyền nhanh chóng chưa kể việc ta học được khá nhiều kinh nghiệm từ trận đại dịch trong thế kỷ trước.

Hiểu biết nhiều hơn nên con người cẩn thận hơn trong việc phòng ngừa sự lan truyền của bệnh tật qua việc đeo mặt nạ, rửa tay, tự cách ly trong khi chờ đợi thuốc men được chứng thực là an toàn và hiệu quả sau khi thử nghiệm kỹ lưỡng.
Ấy thế mà vẫn có những người dùng thuốc men bất kể công dụng. Hydroxychloroquine thế chỗ cho quinine. Không biết có ai uống thuốc tẩy không?
Hẳn nhờ các nhà sản xuất đồng loạt kêu là rằng đừng uống thuốc tẩy, chỉ dùng để lau chùi mặt quầy, bàn ghế… nên chưa có kẻ mạng vong?

 Có kẻ mua thuốc men qua liên mạng, sử dụng những món trị liệu được quảng cáo là tốt lắm, hiệu quả lắm và có cả một vài người tên tuổi đứng ra giới thiệu / quảng cáo. Hóa ra khi hoang mang, sợ hãi thì bá tánh dễ siêu lòng chịu móc túi tiêu xài mua lấy ít “hy vọng”?

Ta biết gì về đại dịch Vũ Hán?
Tính đến tháng Mười năm 2020, thuốc chủng ngừa đang được ráo riết thử nghiệm khắp nơi. Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất vẫn là việc dùng mặt nạ, rửa tay, tránh xa chốn đông người.

Việc chữa trị chứng nhiễm trùng Covid-19 cũng vẫn còn nằm trong vòng thử nghiệm. Ngay cả món thuốc Remdesivir, cũng chỉ được “chứng thực” trong việc sử dụng giới hạn (FDA approved for limited use) vì ta chưa có thuốc men nào khác.

Remdesivir chỉ thu ngắn thời gian trị liệu vài ngày so với giả dược. Tuy nhiên, khi phân tích theo khía cạnh “kinh tế” thì một lần trị liệu Remdesivir (giá $3,120 qua bảo hiểm y tế tư nhân và $2,340 qua các chương trình Medicare & Medicaid) xem ra “rẻ” hơn: mỗi ngày trị liệu tại ICU với lệ phí từ bệnh viện có bảng giá cao hơn tiền thuốc?

Một chương trình trị liệu Covid-19 “nổi tiếng” nhất là việc chữa trị cho ông Trump. Ông ấy đến và rời bệnh viện bằng trực thăng (tiền chuyên chở là bao nhiêu?) và sử dụng nhiều phương thức chữa trị từ dưỡng khí, steroids đến một loại thuốc pha trộn các khác thể chưa kể việc thử nghiệm liên tục.

Tính theo thời giá, ba ngày trị liệu ấy tốn trên dưới 100 ngàn mỹ kim; người bệnh [phó thường dân] sẽ gánh một món nợ khá lớn dù được bảo hiểm y tế chịu đựng phần lớn lệ phí chữa trị.

 Theo FAIR Health, một tổ chức chuyên việc phân tích giá cả của các dịch vụ y tế, trung bình, việc chữa trị Covid-19 tốn khoảng $61,912.
Ta chưa biết rõ biến chứng lâu dài sau khi nhiễm trùng Covid-19 là những gì và nếu / khi đạo luật Affordable Care Act bị thu hồi, những người nhiễm Covid-19 hôm nay (pre-existing disease) có thể bị các công ty bảo hiểm từ chối?!

Covid test có bảng giá cỡ $100/ test nhưng đã có bệnh viện đòi đến $6,408 cho một lần thử nghiệm (?).
Với 108 triệu tests đã thực hiện, phí tổn riêng cho việc thử nghiệm đã là một con số đáng kể, trên trăm triệu mỹ kim.

Bảng giá của việc chữa trị Covid-19 chưa được tổng kết, hẳn phải đến sang năm mới có dữ kiện sơ khởi để phân tích?
Cứ sơ sơ mà tính thì 5 ngày bệnh viện, thuốc men, nhân viên y tế thì mỗi bệnh nhân tốn mấy chục ngàn mỹ kim. Còn những người phải dùng ICU thì số tiền chi phí gia tăng nhanh chóng hơn!

Nói chung, cả hai trận đại dịch đều đáng sợ như nhau.
Trận cúm đã qua nhưng cơn Covid-19 vẫn còn đang rầm rộ dù tỷ lệ tử vong vì bệnh tật đã tiết giảm đôi chút.
Cư dân thế giới đang oằn mình chịu trận. Kinh tế đình trệ. Ngân sách quốc gia đi đến chỗ kiệt quệ nên chính phủ tiếp tục đi… vay mà tiêu xài.
Giáo dục lưng chừng, thày trò vừa dạy / học vừa lo âu và chỉ biết cố gắng.

Cầu mong cơn đại hồng thủy sẽ đi qua và con người sẽ xây dựng lại từ các đổ vỡ tang thương này


Switch mode views: