Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tập Cận Bình Sẽ Không Dám Đụng Tới Đài Loan – Trần Trung Đạo

DaiLoan
Trong thời gian qua, thỉnh thoảng Tập Cận Bình lại hăm he sáp nhập Đài Loan kể cả bằng vũ lực và điều này tạo nên nhiều bàn tán trong giới phân tích chính trị và quân sự Á Châu.

Ngày 14 tháng 10, 2020, khi thăm viếng một căn cứ quân sự tại Quảng Đông, Tập Cận Bình chỉ thị cho quân đội “phải tập trung hết tinh thần và năng lực để chuẩn bị cho chiến tranh.”

Nhưng hăm he là một chuyện, đánh là chuyện khác.
Dưới đây là một số trường hợp và lý do khiến Tập chỉ hăm he nhưng không dám đụng tới Đài Loan:

VIỄN ẢNH MỘT CHIẾN TRANH CHÂU Á

Nếu nhìn theo mười bước đi của Hitler từ khi rút ra khỏi Hội Quốc Liên 1933 đến Thế Chiến Thứ Hai 1939, về mặt địa lý Đài Loan có nhiều nét giống với Áo. Đức và Áo có nhiều điểm tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa và biên giới. Hitler sáp nhập Áo năm 1938 không tốn một viên đạn.

Nhưng lợi thế đó của Hitler không áp dụng được trong trường hợp Đài Loan. Giả thiết có một Thế Chiến Thứ Ba hay Chiến Tranh Á Châu bùng nổ, lần này Tập thay vào chỗ Hitler, Đài Loan sẽ giống Ba Lan hơn là giống Áo.

Tập không “trung lập hóa” được kẻ thù như Đức ký hiệp ước không xâm lăng nhau với Ba Lan 1934, không ký được thỏa hiệp nhân nhượng như giữa Hitler và Nevill Chamberlain 1938, không thông đồng được với kẻ thù tương lai như trường hợp Hitler ký hiệp ước bí mật với Stalin 1939, không có một đồng minh nào như Hitler có Mussolini và Hideki Tojo.
Một Putin chủ nghĩa cơ hội sẽ tìm cách xa lánh Tập. Chung quanh Trung Cộng chỉ toàn là kẻ thù.

Điều này có nghĩa khi tấn công Đài Loan và tạo ra một xung đột kinh tế, chính trị và quân sự lớn, Trung Cộng có thể cũng cùng lúc châm ngòi cho một cuộc chiến Á Châu với sự tham gia ít nhất của Mỹ, Ấn, Nhật, Úc.
Tập Cận Bình không dám nghĩ tới đừng nói chi gây ra tai họa đó.

CHIẾN TRANH TOÀN DIỆN GIỮA TRUNG CỘNG VÀ ĐÀI LOAN

Cho dù không có Thế Chiến Thứ Ba hay chiến tranh châu Á mà chỉ “anh em thù địch” giữa Trung Cộng và Đài Loan, và ngay cả trong trường hợp không có sự can thiệp của Mỹ, Trung Cộng cũng vẫn phải “tắm máu” mới chiếm được Đài Loan bằng võ lực.
Eo Biển Đài Loan sẽ ngập xác quân Trung Cộng không phải sáu trăm ngàn như chiến tranh Triều Tiên mà chắc chắn cao hơn.

Nhiều nhà phân tích ví chiến tranh giữa Đài Loan và Trung Cộng chẳng khác gì David và Goliath. Điều đó đúng nếu chỉ đem võ khí và dân hai nước ra đếm, nhưng thực tế chiến tranh có thể sẽ khác.
Thắng bại không chỉ do quân số và võ khí mà còn do quyết tâm và chiến lược.

Trong Chiến Tranh Mùa Đông giữa Phần Lan và Liên Xô từ 1939 đến 1940, Phần Lan chỉ có vỏn vẹn 34 chiếc xe tăng chống cự với ít nhất 2.500 tăng của Liên Xô và Phần Lan chỉ có 114 phi cơ chiến đấu đương đầu với 3.800 phi cơ đủ loại của Liên Xô.
Nhưng Phần Lan thắng một cách oanh liệt chỉ vì lòng yêu nước và quyết tâm gìn giữ quê hương.

Về chiến lược và chiến thuật, bài học từ các cuộc chiến tranh đảo quốc cho thấy bảo vệ đảo dễ hơn là chiếm đảo.
Các cấp chỉ huy quân sự Đài Loan biết rõ thế yếu của Đài Loan nên kế hoạch bảo vệ đảo là một trong những chiến lược được nghiên cứu và thực tập mấy mươi năm của quân đội Đài Loan.

Trừ phi Trung Cộng dùng bom nguyên tử để xóa sạch Đài Loan trên bản đồ, muốn chiếm đảo, Trung Cộng không có chọn lựa nào khác ngoài đổ bộ. Nhưng đổ bộ và đánh bại được 250 ngàn quân tinh nhuệ bảo vệ quê hương bằng mọi giá không phải là chuyện một vài ngày hay một vài tuần.
Tập Cận Bình không thể không nghĩ đến viễn ảnh sa lầy trên đảo quốc Đài Loan.

QUAN HỆ KINH TẾ PHỨC TẠP VÀ CHẰNG CHỊT

Mạng lưới quan hệ và mậu dịch kinh tế chằng chịt, không chỉ giữa Trung Cộng và Đài Loan mà Trung Cộng, Đài Loan, Mỹ, Châu Âu và khối các nước đang phát triển.
Vì thế, dù có thắng chiến tranh bằng quân sự nền kinh tế Trung Cộng sẽ thiệt hại nặng nề nếu không muốn nói là phá sản.
Bài học Liên Xô cho họ Tập thấy, phá sản kinh tế sẽ tức khắc dẫn tới phá sản cơ chế chính trị.

Sau trận Chiến Tranh Thương Mại tập một với Mỹ, Tập Cận Bình choàng tỉnh và ý thức rằng Trung Cộng từ nay sẽ phải thay đổi chính sách kinh tế để đáp ứng với những bước đi kế tiếp của Mỹ.
Dù tổng thống nào, xu hướng đối ngoại của Mỹ đối với Trung Cộng trong mọi lãnh vực đã thay đổi và sẽ không trở lại như thời kỳ trước “chiến tranh thương mại” nữa.
Do đó, không ngạc nhiên khi Tập tuyên bố Trung Quốc đối diện với một cuộc Vạn Lý Trường Chinh khác và kêu gọi dân Trung Cộng chuẩn bị lên đường.

CHIẾN TRANH GIỚI HẠN

Giả thiết Tập không đánh chiếm Đài Loan mà chỉ pháo kích sang bên kia Eo Biển Đài Loan như Mao đã làm vào các năm 1954, 1955, hay dùng hạm đội bao vây, cô lập giao thông giữa Đài Loan và thế giới bên ngoài.
Tập cũng không dám tự gây ra những bất ổn đó. Bởi vì một nguyên tắc chính trị và quân sự cổ điển là mọi bất ổn chỉ làm cho những kẻ thù đoàn kết chặt chẽ hơn.

Xung đột quân sự Trung Cộng Đài Loan sẽ giúp cho Nhật có lý do chính đáng để tái vũ trang toàn diện và QUAD (Quadrilateral Security Dialogue), một diễn đàn không chính thức của bốn quốc gia Nhật, Úc, Ấn Độ và Mỹ để trao đổi thông tin và bàn về các cuộc thực tập quân sự do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đề xướng năm 2007, trở thành chính thức.

QUAD đang dự tính sẽ mở rộng thêm thành viên và đóng vai trò tiền trạm cho một “NATO Châu Á” ra đời khi cần thiết.
Phiên họp của QUAD 2020 vừa rồi cho thấy dù vẫn không chính thức nhưng các nước chống Trung Cộng đã mạnh miệng và quyết tâm hơn trước. Họ nắm được nhược điểm và khó khăn của Trung Cộng.

Xung đột Trung Cộng và Ấn vừa qua có lợi cho Info-Pacific Strategy của Mỹ.
Ấn thua Trung Cộng trong chiến tranh Trung-Ấn 1962 do sự sai lầm trong chính sách bang giao quốc tế của Nehru và vì Mỹ đứng ngoài.
Bây giờ thì khác. Mỹ sẽ vận dụng các rạn nứt Trung Ấn để dùng 1.35 tỉ dân Ấn làm đối lực cho chủ trương “lấy thịt đè người” của Tập.

TAIWAN RELATIONS ACT

Mặc dù hành pháp và lập pháp của Mỹ đang chia rẽ trong nhiều vấn đề, ủng hộ Đài Loan là một vấn đề cả hai ngành đoàn kết.

Đạo luật Taiwan Relations Act được quốc hội Mỹ thông qua ngày 10 tháng 4, 1979 ghi rõ “Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Đài Loan các dụng cụ quốc phòng và dịch vụ quốc phòng với số lượng cần thiết để cho phép Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ.”
Dụng cụ và dịch vụ quốc phòng đó là gì tùy thuộc vào sức mạnh quân sự của Trung Cộng lúc đó.
Tập không tiên đoán được phản ứng của Mỹ nếu Tập xâm lăng Đài Loan. Vì không tiên đoán được nên không dám ra tay.

NHƯNG TẠI SAO TẬP HĂM HE?

Tập thỉnh thoảng lại hăm he vì hai lý do:
-Thứ nhất, Tập muốn tạo một không khí chiến tranh để áp đảo tinh thần các thành phần chống Tập còn rất mạnh trong nội bộ đảng CSTQ sau khi y tự phong làm hoàng đế Trung Cộng vào đầu năm 2018 như Đặng đã làm trong Chiến Tranh Biên Giới với CSVN 1979.
-Thứ hai, Tập tiếp tục đun sôi chảo dầu đại Hán để giữ “niềm tin vào đảng” và để đánh lạc hướng lòng công phẫn của người dân trước những khó khăn kinh tế sang phía Mỹ thay vì vào Tập.


Switch mode views: