Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tranh cử Mỹ và nỗi buồn Việt Nam

Việt Nam với những cuộc chạy đua ngầm

Không có bất kỳ một con số chính thức nào được công bố về chi phí chính thức và phi chính thức cho các cuộc vận động mà các ứng viên trong các cuộc bầu cử đã phải chi ra để có được vị trí mà mình mong muốn.
Thường thì con số đó sẽ được giữ kín tới khi họ rời nhiệm sở, chỉ vợ con hoặc những người thân tín nhất của họ mới có thể biết được, thậm chí vĩnh viễn không ai biết được những con số đó.

Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ là khi không may người đó bị bắt và buộc phải khai báo thì bức màn nhung được kéo lên và con số thực sự cho những cuộc đua âm thầm ấy khiến cho những người giàu có cũng phải rùng mình.

Sau cuộc vận động hành lang, mà chủ yếu là tìm sự ủng hộ các “yếu nhân” có quyền thế, làm chủ cuộc đua thì phần còn lại của công cuộc bầu cử chỉ còn mang tính chất hình thức mà thôi.
Để bảo đảm sự chắc chắn cho kết quả cuối cùng, những đối thủ tiềm năng có thể gây khó khăn cho người được chọn sẽ được loại bỏ thẳng tay ngay từ vòng gửi xe.

Thế nên, cuộc bầu cử rình rang về mặt hình thức, tới phần kết không khác gì một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với một vị lãnh đạo cao nhất trong một đơn vị mà những người bỏ phiếu là nhân viên.
 Cũng do tính chất bất minh, nặng tính quan hệ xin cho, ban phát nên những người có tài, có tâm luôn đứng bên ngoài cuộc đua vì họ biết rằng, nếu không bị loại tức tưởi từ vòng  xem xét hồ sơ thì họ cũng chỉ làm nền cho kẻ khác mà thôi.
Hai từ “tranh luận” hình như là không tồn tại trong kế hoạch, chương trình bầu cử.

Như vậy, dù không khua chiêng gõ mõ rầm rộ như những người Mỹ ồn ào nhưng cuộc đua của những ứng viên vào các vị trí quan trọng từ cấp thấp tới cấp cao tại Việt Nam đều rất mạnh mẽ, quyết liệt và đương nhiên là chi phí cho những cuộc chạy đua đó là không hề nhỏ.

Vì sao dân tình chỉ quan tâm tới chính trị Mỹ?

 

tranh cu my
Nhiều người đánh giá, cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ giữa ông Trump và ông Biden vừa qua không khác gì những cuộc cãi vả ngoài chợ cá.


Người điều hành buổi tranh luận này có vẻ như cũng bị choáng vì sự phá vỡ quy tắc của cả hai bên và chính ông cũng được đánh giá là vị trọng tài tệ trong cuộc “so găng” của môn võ tự do giữa hai đối thủ hung hăng.

Dẫu không được đánh giá cao về mặt chất lượng và sự chuyên nghiệp trong tranh luận nhưng theo thống kê của một số đơn vị có uy tín thì có tới khoảng 1/4 dân số Mỹ xem truyền hình trực tiếp chương trình này, đó là sự kiện hiếm thấy xưa nay và nó phản ánh rõ nét sự quan tâm của người dân Mỹ tới tình hình chính quốc gia.


Các ông cãi nhau, nói xấu nhau hay tự làm xấu mình thì cứ việc, cử tri cứ tọa sơn quan hổ đấu, qua nhiều vòng đánh giá, họ sẽ tự chọn cho mình người mà họ cho là phù hợp làm người đại diện cho lợi ích cho mình.
Cũng sau những cuộc võ mồm như những kẻ thù không đội trời chung ấy, ngày mai mọi thứ lại trở lại như xưa, không ai coi ai là kẻ thù của nhau…

Dù không đánh giá cao, thậm chí chê bai cuộc tranh luận trên nhưng tại sao người dân Việt Nam vẫn hứng thú theo dõi sát sao? Vì đất nước chúng ta còn thiếu không khí tranh luận tự do hay không còn chương trình giải trí khác nên họ buộc lòng phải xem chương trình này?

Tôi không biết lý giải sao cho hợp lý, chỉ nhớ tới câu chuyện ông bố vợ tương lai hỏi ông con rể là “nếu đi trên đường, thấy người ta đánh rơi hai cái túi, một cái túi tiền và một cái túi đạo đức thì cậu sẽ nhặt túi nào?”; cậu kia trả lời ngay là mình sẽ nhặt túi tiền; ông bố vợ tương lai tỏ vẻ không hài lòng vì câu trả lời và cho biết, nếu là mình thì mình sẽ nhặt túi đạo đức; anh bạn trẻ chỉ trả lời một câu đơn giản rằng “ai thiếu gì thì nhặt thứ đó thôi ạ”…

Nói khác đi, người dân Việt quan tâm tới chính trường Mỹ vì họ thiếu thứ mà người dân Mỹ đang có.
Ở đó, họ yêu ai, bênh ai là việc của họ; hứng chí lên họ “tổng sĩ vả” ứng viên phe đối lập mà không sợ bị quy chụp trách nhiệm.

Còn ở Việt Nam, chửi lãnh đạo được coi là “phạm huý” và khả năng dính vào pháp luật là vô cùng cao.
Nhắc tới chuyện này, tôi lại sực nhớ tới câu chuyện của một người đàn ông tại một nước anh em của Việt Nam chúng ta, dù hơi mất chút thời gian nhưng tôi sẽ tóm lược tới mức ngắn nhất có thể để các bạn tham khảo: Vốn dĩ là người không biết giữ mồm giữ miệng, nói đúng hơn là một số lần ông đã có lời lẽ xúc phạm lãnh đạo nên người đàn ông này đã nhiều lần phải vào tù ra tội.

Sau những bài học ấy, ông quyết tâm sửa đổi, cẩn trọng, không nói năng, bình phẩm gì nữa. Bên cạnh đó, cứ ông nào lên lãnh đạo đất nước thì y như rằng hôm sau ông mua tranh người đó về treo trong phòng khách.
Có lần có ông lãnh đạo mới lên, ngay lập tức ông đi mua tranh về treo kế bức tranh của ông lãnh đạo cũ vừa bị phế chức.

Ngày hôm sau, một viên cảnh sát tới nhà hỏi thăm ông, sau đó chỉ tay lên tường và nói “sao ông không gỡ cái hình con lợn này xuống?”. Ông nhìn qua, nhìn lại hai bức tranh rồi trả lời: “ông bảo tôi gỡ hình con lợn này hay con lợn này?”
Ngay hôm sau, ông ta lại tiếp tục bị ngồi tù. Giá như ông ta treo mấy “con lợn” Mỹ và chỉ bình phẩm về những “con lợn” ấy thì có lẽ ông ấy đã an toàn.

Nói như vậy để thấy được rằng những thứ rất đổi bình thường ở Mỹ nhưng chúng ta và một số bạn bè của chúng ta cũng chưa có được, thậm chí là nhiều người đang ao ước…

Bao giờ tới lượt chúng ta?

Một số người nói với tôi rằng, anh làm luật sư cho nhiều người bất đồng chính kiến thế chắc là cơ hội đi Mỹ cao lắm ấy nhỉ?
Tôi nói ngay rằng, đất nước này là của bạn, của tôi, của chung của chúng ta, không phải của riêng mình ai.
Tôi đấu tranh cho sự tiến bộ xã hội xã hội để con cái mai này có thể được sống trong một môi trường tốt hơn chứ không phải chọn cuộc sống ly hương.
Và nếu đường cùng, tôi phải đi, tôi đi đường đường chính chính bằng tài chính của mình chứ không lệ thuộc, không làm gánh nặng cho bất kỳ ai.

Để tiệm cận được với nền dân chủ Mỹ, cần mất nhiều thời gian, không phải một sớm, một chiều được. Tuy nhiên, thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào hành động của những con người đang tồn tại hôm nay.
Nhà nước này là của nhân dân, những quan chức đương nhiệm hoặc sắp sửa ngồi vào ghế trống là những công bộc của dân (theo đúng lý thuyết hiện hành), vậy thì tại sao nhân dân không có quyền bình phẩm, thậm chí chê bai hay là đuổi việc họ?

Tại sao họ không dám đứng ra tranh cử với nhau để nhân dân thấy được tài năng, thế mạnh của họ để quyết định lá phiếu của mình mà thay vào đó là những cuộc sắp xếp, chạy đua âm thầm với nhau?
Hàng chục tướng tá công an, quân đội, hàng trăm quan chức lớn nhỏ trước khi bị áp giải bằng xe thùng vào trại giam, tỷ lệ phiếu bầu của họ trong các kỳ đại hội luôn chiếm tỷ lệ trên 90%, thậm chí là 100% – đây là lỗi của người dân bầu cho họ hay là lỗi của sự sắp xếp để khi người bỏ phiếu không có lựa chọn thứ 2?

Mỗi ngày học thêm một chút, mỗi ngày bớt hèn một chút và tự ý thức sống cho tương lai của con cháu một chút, bạn sẽ tự khắc thay đổi hành động của mình.
Tự do, dân chủ không ở đâu xa, không phải chỉ nằm ở những điều vĩ đại, việc làm vĩ đại của một hoặc một số con người vĩ đại mà nó nằm trong hành động nhỏ của mỗi một con người.
Ngày hôm nay bạn đấu tranh cho quyền lợi của mình, quyền lợi của anh em mình trong làng xóm, khu phố thôi cũng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội rồi.

 Ai ai cũng làm như bạn, cái bất công, cái xấu sẽ không có cơ hội tồn tại, không thể nhân rộng lên được. Rồi cơ chế bầu cử, ứng cử cũng từ đó mà ra…
Còn một khi bạn vẫn còn bàng quan, thiếu trách nhiệm vì nghĩ việc đó là của người khác thì “người khác” đó họ cũng có quyền nghĩ giống bạn – khi đó, xã hội không đi giật lùi đã là sự may mắn.
Nếu bạn không cố gắng thì đừng mong và đừng bắt buộc người khác phải cố gắng thay bạn vì điều đó không phải là quyền của bạn.

Hy vọng rằng, sẽ có một ngày nào đó, tôi vẫn còn sống và được nhìn hào “đối thủ” chính trị cãi nhau ỏm tỏi trên tivi mà những người đó không phải là mấy ông Tây…


Switch mode views: