Khi tiệm ăn mang tên đào kép cải lương
- Thứ Hai, 02 tháng Chín năm 2013 00:52
- Tác Giả: Ngành Mai, thông tín viên RFA
Nghệ sĩ Thành Được, ảnh chụp trước đây. File photo
Do vậy buổi nói chuyện này là phản ảnh “ thiên hạ sự” mà tôi ghi nhận nêu lên đây để tùy quyền phê phán của thính giả, đặc biệt là thành phần hâm mộ cải lương, có ít nhiều theo dõi về hoạt động của bộ môn nghệ thuật này.
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Người xưa nói “nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh”, nếu giờ đây đem ra áp dụng cho cải lương thì chắc là không khá, bởi cải lương ở thời này thì “nhất thân vinh” cái nỗi gì chớ! Từ sau cái Tết Mậu Thân cải lương ế ẩm, xuống dốc trầm trọng, đào kép thất nghiệp dài dài, nằm chờ mấy tháng vẫn không thấy dấu hiệu nào hát trở lại, thì trong làng cải lương nảy sinh ra hiện tượng đào kép đi làm nghề khác để kiếm sống, bởi không còn hy vọng gì ở sân khấu, ở tấm màn nhung mà thời gian qua đã là mảnh đất đào tạo sự nghiệp, tên tuổi của họ.
Thật vậy, sau thời gian nhiều tháng chịu đựng mà tương lai vẫn mịt mờ, tiền vay bạc hỏi cũng không còn ai cho, nên gần như hầu hết nghệ sĩ cải lương nhà ta phải chạy tới chạy lui tìm sinh lộ. Lúc đầu thì ai nấy cũng nghĩ rằng làm nghề mới chỉ tạm thời gian thôi, chờ ngày lên sân khấu trở lại, nhưng chờ mãi từ tháng này sang năm nọ, chỉ thấy tình trạng ngày càng bi đát hơn thôi, do đó mà nghề tạm đã dần dà trở thành nghề chính từ lúc nào không hay.
Lúc bấy giờ người ta thấy họ bung ra đi làm rất nhiều nghề như: Tài xế, đứng bến, sửa xe, hớt tóc, bán dạo, bán thuốc lá, làm thuê mướn, khuân vác... nói chung thượng vàng hạ cám gì cũng được, miễn là có cơm gạo sống qua ngày, đồng thời cũng có người giải nghệ luôn về quê làm ruộng rẫy, hoặc mua bán gì đó ở nông thôn.
Có điều là trong thời gian chuyển sang nghề khác, có lẽ do mặc cảm nên đa số giấu đi nghề đi hát của mình, chỉ những người từng biết mặt biết tên, mới rõ biết họ là nghệ sĩ từng ở gánh hát này, đoàn hát kia, chớ hiếm khi họ tiết lộ cái nghề chính hằng đêm lên sân khấu trước đây.
Thế nhưng, có một nghề họ không giấu diếm mà còn trương bảng hiệu nghệ danh của mình chẳng khác gì trương bảng đoàn hát, đó là: Nghề mở tiệm ăn! Không hiểu nghĩ sao mà họ lại lấy nghệ danh hát xướng của mình đặt tên cho cửa tiệm, mà vốn chẳng ăn nhập gì đến nghệ thuật sân khấu, cũng chẳng dính dáng gì đến cái nghiệp cầm ca của mình.
Khi xưa, thời thập niên 1950 ở Sài Gòn đường Lý Thái Tổ có quán “Lệ Liễu” do nữ danh ca Lệ Liễu làm chủ, được giới yêu thích cổ nhạc hoan nghênh một thời. Về sau thì quán Lệ Liễu nằm trong Trung Tâm Giải Trí Trường Thị Nghè, và hề Văn Hường coi như xuất thân từ quán này.
Cô Lệ Liễu, một danh ca đài phát thanh Sài Gòn thời đó, cô đã có mục tiêu rõ ràng khi lấy nghệ danh của mình đặt tên cho quán, bởi quán bán thức ăn song song với tổ chức đờn ca cổ nhạc tài tử. Quán mở mỗi ngày từ chiều cho đến quá nửa đêm, có sân khấu. Hợp tình hợp cảnh như thế nên cái tên quán “Lệ Liễu” chẳng ai thắc mắc gì.
Nghệ sĩ Thành Được và Nghệ sĩ Thanh Nga. File photo.
Ở hải ngoại hiện nay có nghệ sĩ Thành Được, anh này mở nhà hàng dựng bảng hiệu “Thành Được Restaurant” ở San Jose miền Bắc California, và cách đây khoảng 10 năm lại mở thêm “Thành Được Restaurant” thứ hai ở khu Little Sài Gòn, Miền Nam California. Nhưng địa điểm này không thọ, chỉ thời gian ngắn là dẹp bảng không thấy nữa. Thọ sao được, quán đề tên Thành Được, mà anh kép này chỉ hiện diện có một ngày khai trương rồi biệt dạng luôn. Sao kỳ cục vậy hổng biết!
Có người từng là khán giả đi coi hát nhiều năm qua đã nói rằng, cái tên Thành Được gắn liền với nghệ thuật, ăn sâu vào lòng khán giả, trương bảng “Thành Được” mà vào quán không thấy hơi hướng gì của rạp hát, của đờn ca cổ nhạc thì kể cũng lạ. Vào đây không thấy một kiếm sĩ Tô Điền Sơn, một tướng cướp Thy Đằng, mà chỉ thấy Thành Được làm những công việc của nhà hàng. Giờ đây có người nói rằng phải chi Thành Được tổ chức quán của mình như danh ca Lệ Liễu khi xưa thì hay biết mấy.
Còn ở trong nước thì có nghệ sĩ Nam Hùng, anh kép độc này cũng lấy nghệ danh Nam Hùng của mình đặt tên cho tiệm phở ở đường Nguyễn Duy Dương, cũng khiến cho thiên hạ thắc mắc, rằng trong quán có ca hát gì không? Kép độc Nam Hùng nổi tiếng từ thời thập niên 1960, từng đóng vai chàng hiệp sĩ, ý trung nhân của cô gái mù do Thanh Nga đóng, trong tuồng “Tiếng Hạc Trong Trăng” của soạn giả Yên Ba.
Nam Hùng và Thanh Thanh Hoa là đôi vợ chồng nghệ sĩ chung sống với nhau đến những 2 thập niên, có lúc báo chí nói họ như “chim liền cánh, cây liền cành” nhưng về sau thì Nam Hùng “kết” với đào Tô Kim Hồng, và gặp lúc cải lương tê liệt, họ nhảy ra mở tiệm phở.
Người ta nói rằng thấy quán Nam Hùng, vô ăn thử xem có thêm hát xướng gì không? Thật sự là chẳng hề thấy màn cảnh, áo mão, đờn trống gì hết. Thực khách nguyên là khán giả cải lương đến tiệm đã thất vọng, vì không thấy Thầy Đề (tuồng Ngao Sò Ốc Hến). Người ta nói nghệ thuật không có ở đây mà treo bảng cái tên của nghệ thuật thì quả thật là... tréo cẳng ngỗng.
Bán quán cho đỡ buồn
Trên đây là hai nghệ sĩ “tiêu biểu” đã lấy nghệ danh đặt tên cửa tiệm, dĩ nhiên còn nhiều nhưng khó mà biết rõ cho hết, chỉ nghe phong phanh ở nơi nào đó mà thôi. Đó là quán xá mang tên nghệ sĩ của thời kỳ sau 1975. Vậy thì trước 1975 có những đào kép nào mở tiệm ăn với bảng hiệu mang tên nghệ danh của mình? Tôi ôn lại hình ảnh xa xưa thì có đào Hà Mỹ Xuân, từng là đào chánh của đoàn “Thế Hệ Dũng Thanh Lâm”, Hương Mùa Thu, Kim Chung 6... và gặp lúc cải lương kiệt quệ thì đào Hà Mỹ Xuân về quê Long Xuyên mở tiệm nhậu lấy tên “Tri kỷ Hà Mỹ Xuân” (không biết ai là tri kỷ của cô đào này)?
Nghệ sĩ Nam Hùng và Nghệ sĩ Tô Kim Hồng. File photo.
Người ta chẳng biết có phải do quán đẹp, ấm cúng, món nhậu ngon, hay là nhờ cô đào Hà Mỹ Xuân trẻ đẹp mà khách nhậu đông đảo, đều đều mỗi ngày. Tuy nhiên cô này bảo: Bán quán là bán cho đỡ buồn vậy thôi, chớ còn nhớ hát xướng quá, nên lúc nào buồn là vác rương đi hát nữa. Nói vậy chớ cải lương ngày một khốn đốn thêm lên, bởi gánh hát nào cũng sống dở chết dở, do đó mà quán nhậu “tri kỷ Hà Mỹ Xuân” vẫn còn sống nhưng không biết sống đến bao lâu.
Một trường hợp nữa là đôi vợ chồng nghệ sĩ Phong Sắc, Lệ Hằng. Đã có một thời ai cũng biết một gánh hát nhỏ xuất xứ ở Bạc Liêu mang bảng hiệu Phong Sắc – Lệ Hằng, thường hay có mặt ở ngoại ô Đô Thành Sài Gòn, có khi cũng dám nhào vô rạp Aristo hay rạp Nguyễn Văn Hảo. Thế nhưng, sau cái đòn chỉ tử của năm Mậu Thân, gánh Phong Sắc – Lệ Hằng càng lúc càng xuống dốc, đành chịu rã gánh tại Bến Đình, Vũng Tàu.
Thế là vợ chồng cặp đào kép này không làm sao hơn là che lều tại đây để bán cà phê sống đắp đổi, mong có ngày lập gánh lại như xưa, nhưng chừng như cái thời đã hết nên bao phen vận động mà vẫn không dựng lại nổi đoàn hát (có ai dám bỏ tiền ra cho gánh hát vay lúc này chớ)! Rồi thì sống mãi với nghề bán cà phê luôn. Anh này lấy tấm bảng gánh hát Phong Sắc – Lệ Hằng bôi bỏ chữ “đoàn ca kịch” viết lại chữ “quán cà phê”, khiến nhiều người lầm tưởng gánh hát còn, đến khi nhìn kỹ thì... thôi vô uống cà phê vậy!
Còn trường hợp Bầu Quỳ sau khi cho giải tán đoàn Bạch Yến, anh ta ra Vũng Tàu làm quản lý cho khách sạn Ly Ly, rồi nhảy ra mướn quán Mỹ Hương ở Bãi Trước để bán cơm bán rượu. Và chỉ mấy tháng quán phát đạt quá nên trả lại quán cũ, xây lên được quán mới rộng rãi gần đó lấy tên là quán “Việt Nam – Bầu Quỳ”(làm như trong toàn cõi Việt Nam chỉ có quán anh ta là bảnh vậy). Bầu Quỳ được cái nước là chiêu hiền đãi sĩ rất tài tình, tiễn đưa rất niềm nở, và cũng nhờ cái miệng ngọt xớt như lưỡi dao lam, nên khách du lịch ai cũng thích ghé quán Bầu Quỳ để chiêm ngưỡng tài dùng dao cạo của anh.
Bạn bè thân và khách thì ngày một nhiều hơn, những cuộc hội thảo cấp tỉnh, cấp quận nếu diễn ra ở Vũng Tàu, thì quán bầu Quỳ là nơi hội họp đủ mặt anh hùng tứ phướng. Khách sành điệu Sài Gòn ra Vũng Tàu thì ít lắm trước hết cũng tấp vào quán bầu Quỳ trước đã, người ta nói rằng nếu như tuồng cải lương mà bầu Quỳ đóng vai chủ quán thì tuyệt, làm sếp nhà hàng là cái nghề của chàng! Lúc nào bầu Quỳ cũng rất quý bạn bè, kính nể báo chí và với anh thì chẳng khi nào lại quên nhắc chuyện cải lương đã bao phen làm cho anh hoảng kinh hồn vía!
Trên đây là một số trường hợp điển hình đào kép cải lương lấy cái tên đầy nghệ thuật đặt cho cửa hiệu, mà người ta đến đó chẳng thấy gì là nghệ thuật cả. Chỉ tội cho khách nguyên là khán giả, bởi khi vào quán thì ít nhiều gì họ cũng liên tưởng đến những màn cải lương khó quên, do người có tên trên bảng hiệu kia thủ diễn vai trò.
Thiên hạ nói rằng bán tiệm ăn thì yếu tố để được đông khách lâu dài là phải “ngon”, chứ nếu như dùng cái tên nghệ thuật mà phục vụ không đúng mức, thì lại càng phản tác dụng thôi!
Related news items:
Tin mới
- Liên hiệp Truyền thông Công giáo VN lên tiếng vụ Mỹ Yên - 11/09/2013 21:57
- Trường Việt Ngữ Tin Lành Midway City khai giảng khóa mới - 11/09/2013 21:17
- Vụ Do Construction-Donner: Hoán chuyển toàn bộ cảnh sát tuần tra - 11/09/2013 20:26
- Hậu trường dàn dựng Paris By Night (kỳ 2) - 08/09/2013 20:44
- Hậu trường dàn dựng Paris By Night (kỳ 1) - 08/09/2013 20:32
- Vụ Hội Chợ Tết: Sinh viên 'tố' HĐTP Garden Grove bất công - 07/09/2013 00:47
- Một đêm thơ nhạc tại Viện Việt Học - 05/09/2013 09:21
- Thân hữu Cà Mau tổ chức Picnic Hè 2013 - 04/09/2013 11:04
- Hội Ðồng Hương Vinh Lộc-Huế tổ chức tiệc Hè - 03/09/2013 20:51
- Bài diễn văn của MS. King ảnh hưởng đến người Việt ở Mỹ ra sao? - 02/09/2013 01:11
Các tin khác
- Little Saigon: Chủ nợ Việt dùng cảnh sát Việt hăm dọa con nợ Việt - 01/09/2013 01:47
- Tranh cãi quanh đơn xin tổ chức Hội Chợ Tết 2014 - 29/08/2013 14:14
- 'Taste of Westminster' - thiện nguyện là chính, ăn chơi là phụ - 26/08/2013 13:39
- Tìm được con thất lạc, lại muốn giúp người khác tìm con - 24/08/2013 14:32
- Cựu học sinh Châu Văn Tiếp - Vũng Tàu đại hội toàn thế giới - 24/08/2013 14:11
- Luật sư gốc Việt tại Hoa Kỳ mở hội nghị NCVAA - 22/08/2013 14:24
- Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ Việt Nam Toàn Cầu kỳ 3 đạt thành quả tốt đẹp chưa từng thấy. - 22/08/2013 01:07
- Chủ nhân tương ớt Sriracha, tay trắng thành triệu phú (Kỳ 2) - 19/08/2013 20:31
- Orange County tổ chức Hội Chợ Chăm Sóc Người Cao Niên - 19/08/2013 14:13
- Khóa Tu Nghiệp Vietnam Institute 2013 tại Cal State Fullerton - 17/08/2013 13:53