Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ba sư đoàn giới tuyến 1, 2, và 3 hội ngộ lần đầu tiên


GARDEN GROVE, California (NV) - Lần đầu tiên ba Sư Ðoàn 1, 2 và 3 của QLVNCH có cuộc hội ngộ chung vào ngày Chủ Nhật, 4 Tháng Chín, tại nhà hàng Mon Cheri, 12821 Harbor Blvd., H-1B, Garden Grove, CA 92840.

Theo ban tổ chức cho biết, hàng năm các cựu chiến sĩ thuộc ba sư đoàn này vẫn có những cuộc họp mặt vào dịp Tất Niên hay Tân Niên, nhưng chung nhau thì đây là lần đầu tiên.

quangtri
Quảng Trị, từng một thời là địa đầu giới tuyến của miền Nam Việt Nam. (Hình minh họa: Ian Timberlake/AFP/Getty Images)

Niên Trưởng Lê Bá Khiếu, được toàn thể anh em trong ban tổ chức tha thiết mời làm trưởng ban tổ chức, cho biết: “Thật là niềm vui khi được anh em tin tưởng trao trách nhiệm cho việc tổ chức này. Do từ những mong ước của toàn thể anh em từng phục vụ trong ba sư đoàn này trước đây nên qua những email kêu gọi, liên lạc và những cuộc phổ biến của ban tổ chức trên các đài truyền thanh, truyền hình, số anh em ở khắp nơi nhất là chung quanh vùng Little Saigon đã hưởng ứng nhiệt liệt. Ðến hôm nay thì số người ghi danh tham dự đã lên đến trên 250 rồi trong đó anh em Sư Ðoàn 1 là 100 người, Sư Ðoàn 2 cũng 100 người, và Sư Ðoàn 3 được 50 người.”

Ba sư đoàn này là những đơn vị được thành lập để giữ vùng địa đầu giới tuyến của VNCH, nhất là Sư Ðoàn 3 được thành lập ngày 1 Tháng Mười, 1971 để trấn giữ một hành lang an toàn phía trên tỉnh Quảng Trị, gần sát với khu phi quân sự, vào lúc quân đội Mỹ rút đi sau khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách.

Vì thế, Sư Ðoàn 3 được thành lập trong sự thiếu thốn về mọi mặt từ vũ khí, quân nhu, quân cụ, quân xa, pháo binh và thiết giáp và đã được chia sẻ từ các đơn vị bạn. Sư Ðoàn 1 đã nhượng trung đoàn thiện chiến nhất của mình là Trung Ðoàn 2 cho Sư Ðoàn 3 để làm cái cột xương sống chống đỡ cho sư đoàn tân lập này. Sư Ðoàn 1 cũng nhượng luôn Thiết Ðoàn 11 Kỵ Binh mà chiến công đã lừng lẫy trên đất Hạ Lào trong chiến dịch Lam Sơn 719. Nhưng súng ống đạn dược, quân nhu, quân cụ trang bị cho sư đoàn lại trích từ những kho tiếp liệu mà phần lớn đã cũ và lạc hậu vì phía Hoa Kỳ cho biết là “chưa có kế hoạch nào để giúp cho Sư Ðoàn 3.”

Sư Ðoàn 1 được thành lập từ năm 1945, từ một đơn vị của quân đội Pháp, nhưng đã để lại trong quân sử VNCH những chiến công hiển hách khi lúc nào cũng phải đối mặt với địch quân có quân số gấp ba. Không có địa danh nào của Quân Khu 1 mà không có dấu chân của Sư Ðoàn 1 từ thung lũng Ashau, A Lưới đến những cuộc phản công oanh liệt trong vụ Tết Mậu Thân khi Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy sư đoàn.

Ðến Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972 khi tấn công sang Hạ Lào, Sư Ðoàn 1 đã làm nên những kỳ tích trên căn cứ hỏa lực Bastonge làm cho Sư Ðoàn 324 B của Cộng Quân phải tan rã rút chạy để các cánh quân bạn tái chiếm lại Quảng Trị.

Với Sư Ðoàn 2 thì trách nhiệm chính là bảo vệ ba tỉnh phía Nam đèo Hải Vân là Quảng Nam, Quảng Tín, và Quảng Ngãi. Căn cứ Chu Lai ở Quảng Tín là nơi Bộ Tư Lệnh sư đoàn trấn đóng, là mục tiêu liên tục quấy phá của địch quân. Trong những ngày Cộng Quân tàn phá trong vụ Tết Mậu Thân, Sư Ðoàn 2 đã viết bằng máu những chiến tích của mình. Tháng Tám, 1972, Ðại Tá Trần Văn Nhựt đến nhậm chức tư lệnh sư đoàn, giữa lúc Cộng Quân dồn Sư Ðoàn 2, được gọi là sư đoàn thép, từ Thường Ðức đưa quân đánh chiếm được quận lỵ Quế Sơn và đang mưu toan lấn quân ra vùng đồng bằng của quận lỵ Duy Xuyên. Ðại Tá Nhựt bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu cùng với Trung Ðoàn 4 của sư đoàn do Ðại Tá Lê Bá Khiếu chỉ huy, chỉ sau bốn ngày, Cộng Quân phải bỏ chạy khỏi căn cứ Ross và quân ta chiếm lại được quận Quế Sơn. Dưới sự chỉ huy của người hùng An Lộc, Ðại Tá Trần Văn Nhựt đã chấn chỉnh lại Sư Ðoàn 2 sau những tổn thất trong Mùa Hè Ðỏ Lửa rồi dẫn dắt Sư Ðoàn 3 đánh thắng nhiều trận vang dội. Ông được vinh thăng chuẩn tướng.

Sơ lược về lịch sử ba sư đoàn này của QLVNCH để thấy đó là ba đơn vị phải đối mặt với quân CSBV đã bỏ trống miền Bắc nhờ Trung Quốc trấn giữ để xua toàn lực vào miền Nam, tràn qua vùng phi quân sự bất kể Hiệp Ðịnh Geneva chia đôi đất nước mà họ ký kết với thực dân Pháp năm 1954. Trước sự hung hãn điên rồ của các đơn vị lớn CSBV với vũ khí tối tân nhất và quân nhu quân cụ dối dào do Nga và Trung Quốc cung ứng, các sư đoàn này của QLVNCH đã phải chống trả mãnh liệt trong suốt cuộc chiến xâm lược của Cộng Sản, không có một thời gian nào ngưng nghỉ. Vừa chiến đấu ngày đêm, vừa an dân vì khi quân CSBV đến đâu là dân bỏ chạy về các miền quốc gia đến đó nên việc bảo vệ cho người dân cũng là một phần trong nhiệm vụ của người lính thuộc ba sư đoàn này.

Ngày nay, sau 41 năm buông vũ khí rời chiến trường, tị nạn trên những phần đất tự do, tâm tình của những người lính chiến này lúc nào cũng vời vợi nhớ đến đơn vị cũ, nhớ đến chiến trường xưa, chỉ mong có dịp ôn lại với nhau cho vơi niềm tâm sự “xương máu, mồ hôi nước mắt, gian truân, cực khổ đã đổ ra mà vẫn phải chịu để Cộng Quân cưỡng chiếm được miền Nam vào Tháng Tư, 1975.”

Cuộc hội ngộ này chính là dịp để cho những người lính của các đơn vị này vơi đi niềm tâm sự ưu uất. Xin đừng vắng mặt.

Mọi chi tiết về cuộc hội ngộ này, xin liên lạc (714) 467-4832, (714) 910-4467, (714) 352-9969.

Switch mode views: