Little Saigon: ‘Shop’ may và người tị nạn buổi đầu lập nghiệp
- Thứ Năm, 20 tháng Tám năm 2015 10:27
- Tác Giả: Ngọc Lan
WESTMINSTER, California (NV) - Ở thời điểm này, may được coi là nghề “Làm trắng mắt mà tiền không bao nhiêu” hay “Ði may là để kiếm thêm, chứ không có ai đi may để kiếm sống.” Tuy nhiên, khoảng hơn 25 năm trước, theo lời ông Thanh Đoàn, một trong những chủ shop may còn trụ lại đến ngày nay, “Nếu năm 1990, lương của một kỹ sư vào khoảng 30 ngàn đô la một năm, thì một tháng tôi đã có thể kiếm đến 45 ngàn đô từ shop may.”
Quả thật, may đã từng là một trong những nghề mang lại đời sống kinh tế dư dả cho không biết bao nhiêu gia đình người tị nạn Việt Nam. Tiếng máy may chạy rét rét, tiếng máy vắt sổ xoẹt xoẹt, tiếng hơi nước rít ra từ bàn ủi… một thời là những thanh âm quen thuộc đến vô cùng của những người dành nhiều giờ ngồi ở shop may hơn cả ở nhà.
Điểm lại những công việc gắn bó với người Việt trong bốn thập kỷ qua, không thể quên được hình ảnh của những shop may tại vùng đất vàng này.
May đã từng là một trong những nghề mang lại đời sống kinh tế dư dả
cho không biết bao nhiêu gia đình người tị nạn Việt Nam (Hình minh họa: Getty Images)
Nghề của ‘hoàn cảnh'
Ông Oanh Phạm, vượt biên đến Mỹ năm 1979, đang sống ở Fountain Valley, từng làm chủ một shop may ở Garden Grove trong khoảng 23 năm, nhớ lại, “Lúc mới sang Mỹ, tôi cũng làm nhiều việc ‘assembly’ vớ vẩn, nhưng thất nghiệp lên thất nghiệp xuống, không có công ăn việc làm, cuối cùng hoàn cảnh đưa đẩy đưa tôi đến với công việc may kiếm sống qua ngày.”
Bà Nhiên Bùi, vợ ông Oanh, kể chi tiết hơn, “Lúc mới sang Mỹ gian nan lắm, chỉ sống dựa vào ‘food stamps’. Thấy có người ở cùng apartment đi thuê máy về may, tôi sang xin may. Thấy tôi đạp cũng được, họ kêu tôi đi thuê máy rồi họ đưa hàng cho làm.”
Bà Nhiên thuê máy may 3 tháng mất $50. Đó cũng là số tiền bà kiếm được sau 3 tháng người ta đưa hàng cho bà may! “Vì khi đó hàng của họ cũng quá ít, có dư đồ ra thì họ mới đưa cho mình.”
Mang máy thuê đi trả, bà Nhiên mua một máy may khác và nhận đồ từ chỗ shop về may. Nhưng, lại thêm một lần nữa bà Nhiên bị lận đận khi chủ shop không thanh toán tiền công. Hỏi ra mới biết vì có nhiều thợ may ẩu qua, hãng không nhận không trả tiền thì chủ làm sao có tiền trả cho mình. Trong một thoáng suy nghĩ, bà Nhiên đề nghị chồng theo địa chỉ ở nhãn đính trên áo thử tìm ngay đến đó nhận hàng gốc may thử.
“Tiếng Anh không biết, phải nhờ đứa cháu gọi, ai dè hãng đồng ý. Thế là sau thời gian ngắn may ngay tại apartment, vợ chồng tôi thuê một shop nhỏ chừng 800 sqf ở Westminster để làm rồi từ từ đi lên.” Bà Nhiên cho biết.
Với ông Thanh Đoàn thì lý do mở shop may có phần lãng mạn hơn bởi “thấy cô bạn gái lúc đó may cực quá nên đến chuyện mở shop, lãnh đồ từ hãng về cho cổ may để đỡ hơn.”
Ông Thanh cũng là một thuyền nhân đến Mỹ năm 1981, cũng bắt đầu hội nhập vào xứ người bằng chuyện đi làm, đi học về ngành điện, rồi đi làm cho hãng, đến lúc hãng dọn sang tiểu bang khác thì ông nghỉ.
“Lúc đó có người bạn có vợ ở New York làm nghề may, nghe nói cũng được lắm, lại thêm thấy cô bạn gái làm nghề may cực quá nên tôi nghĩ đến việc đi kiếm hãng lãnh đồ trực tiếp cho cổ may. Thế là bắt đầu từ đó, đâu khoảng năm 89-90.” Người đàn ông có lối nói chuyện vui vẻ, cởi mở nhớ lại.
Vừa làm nhiều giờ, vừa có thể tự do
May trước hết không là một nghề khó bởi không ai đòi hỏi người đi may phải có chứng chỉ, bằng cấp gì hết. Tuy nhiên, may là một nghề cần sự chịu khó.
Ông Thanh, ông Oanh và cả bà Nhiên đều là những người chưa từng một lần ngồi trước chiếc máy may cho đến khi bắt tay vào nghề. Riêng đối với ông Thanh thì cho đến nay, sau 25 năm “sống chết” cùng shop may cũng chưa thể nào đạp được một đường thẳng!
Tuy nhiên, như ông Oanh nói, “Thật sự ban đầu cái gì cũng khó vì mình chưa từng làm, nhưng từ từ rồi cũng quen đi. Người Việt mình mà, chỉ cần có công ăn việc làm thôi chứ không có cái khó nào làm mình nản đâu.”
Bà Nhiên, người làm ngành y tế trước khi vượt biên sang Mỹ, cũng cùng suy nghĩ như chồng, “Khó thì cũng có khó nhưng kiên nhẫn thì sẽ thành công.”
“Từ khi mở shop, chồng tôi đi lấy hàng, đem về tôi may mẫu trước khi đưa cho thợ, cái nào tôi cũng làm được, nghề dạy nghề, cứ kiên nhẫn từ từ làm thôi.” Bà Nhiên nói thêm.
Lý do để nhiều người trụ lại với nghề may, theo ông Oanh, là “Nếu đi làm hãng, hết 8 tiếng chủ đuổi về, mình có muốn làm thêm cũng không được. Còn may thì mình muốn may bao nhiêu thì may, khi nào thấy cần tiền thì may nhiều, may cả 13-14 tiếng mỗi ngày, mai cả Thứ Bảy, Chủ Nhật, còn khi nào mình muốn nghỉ thì nghỉ, không ai phiền hết.”
Bà Nhiên tiếp lời “Nghề này tự do, muốn làm mấy giờ làm, muốn đi đón con lúc nào đi, không bị bó buộc thời gian như đi làm hãng xưởng.”
Ông Thanh, chủ shop may ở đường Euclid và Hazard, chia sẻ, “Có thời gian tôi làm suốt 9 năm không hề biết ngày nghỉ là gì. Vì mình cần tiền thì mình làm thôi. Giờ thì tôi nghỉ đi chơi mỗi năm 1-2 lần.”
Một điều thú vị, theo ông Thanh, là ngoài người chủ, shop may không có ai là người quản lý, bởi vì “tất cả đều là manager, mỗi người tự quản lý công việc của mình chứ đâu có ai quản lý họ.” Sự tự do của nghề may là vậy.
Cũng chính từ sự tự do và mỗi người tự biết quản lý công việc của mình nên đưa đến chuyện thu nhập của người làm nghề may rất khác nhau.
“Để tính thu nhập bình quân của mỗi người thợ rất khó là bởi cùng mặt hàng, người giỏi có thể làm $2,000/tháng, người dở có thể $700/tháng, có khi chỉ $500. Thành ra khó nói.” Ông Thành phân tích.
‘Shop’ may và người tị nạn buổi đầu lập nghiệp (Hình minh họa: Linh Nguyễn/Người Việt)
Kiếm mối, kiếm thợ - cái khó của nghề shop may
“Có mối hàng mà không có thợ cũng chết, có thợ mà không có hàng cũng chết luôn nên hai cái này phải tỉ lệ thuận với nhau.” Ông Thanh nói.
Ông phân tích thêm, “Mối có rồi nhưng nhiều khi có lúc họ lại không cần mình hay có khi mình không có đủ điều kiện để họ giao hàng.”
Ông Thanh kể chuyện, “Cách đây hơn 20 năm, có một hãng mà tôi thích nhất khi nhận đồ làm là hãng Victoria Secret. Lúc đầu họ thích mình, cần mình, họ giao đồ cho mình làm cũng khoảng 2 năm. Nhưng khi họ phát triển hơn, họ tới xem shop của mình, lúc đó không phải mình không đáp ứng được yêu cầu của họ mà là chưa kịp, thì họ đã giao qua cho người khác làm rồi. Lúc mất mối đó tôi tiếc lắm, nhưng rồi mình hên cũng gặp những mối khác.”
Với nghề làm shop may này, ông Thanh cho rằng “hay không bằng hên.”
Người chủ shop này nhớ lại thời gian may gia công đồ buộc tóc và cài tóc cho một hãng bên Philadelphia là mối hàng kiếm được tiền nhiều nhất.
“Họ họ đi khắp khu shop may ở Euclid và Hazard để kiếm người làm, vậy mà cuối cùng lọt vô shop mình. Lúc đó một tuần tôi chỉ mở cửa một ngày để nhận vải, hai ngày cắt đồ, rồi là bắt đầu thợ may. Thợ tôi may quá trời, có người từ San Diego cũng lái xe lên lấy về may. Nhớ lúc đó lương kỹ sư mới ra trường làm chừng 30 ngàn một năm mà mình làm một tháng 45 ngàn. Thành ra nghề này có cái hay, cái hên, vui nên theo luôn.” Ông Thanh nhớ lại “thời hoàng kim” của shop may.
Tuy nhiên, theo ông Thanh Đoàn, người đã gắn bó với shop may suốt 25 năm qua thì bí quyết để ông tồn tại đến hôm nay trong công việc này chính là phải “đàng hoàng đối với thợ, rõ ràng, sòng phẳng về tiền bạc.”
“Mình lãnh tiền từ hãng thì phải lo trả cho thợ trước, còn lại mới là tiền của mình chứ đừng xài bậy bạ rồi không có tiền trả thợ thì thợ sẽ bỏ mình.” Ông Thanh nói về điều tâm niệm ngay từ ngày đầu mở shop.
Buồn vui nơi shop may
Nếu kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà Nhiên sau bao nhiêu năm làm công việc may mẫu là may cái quần ra cái váy thì chuyện khiến ông Thanh phải nhớ để luôn bật cười là thời gian may “underwear” cho hãng đồ lót nổi tiếng thế giới Victoria Secret.
“Như đã nói lúc đầu tôi đâu có biết may. Ông xã mang hàng mẫu về, mình phải tháo ra xem coi người ta may như thế nào nhưng không biết sao mình tháo cái quần mẫu ra, đến lúc ráp lại nó thành cái váy. Giờ mỗi lần nhớ lại là cười không chịu nổi.” Bà Nhiên vẫn cười thành tiếng khi nhớ lại chuyện “tai nạn” nghề nghiệp.
Ông Thanh thì cũng vừa cười vừa kể, “Nhớ lúc đưa cho mấy ông trên shop may 'underwear' của Victoria Secret, mấy ông cười hoài nói 'tội quá anh ơi! anh cứ cho tụi tui nhìn hoài cả ngày thế này tụi tui tẩu hỏa nhập ma hết. Cứ suốt ngày nhìn màu mè, ren rua, rồi cầm lên bỏ xuống, rờ rồi may, chắc chết quá!' Giờ nhớ lại vui lắm.”
Dẫu shop may có lắm những cạnh tranh, nhưng trên hết vẫn là tình người rất thật.
Ông Thanh nhớ, “Tôi làm với đủ các hãng, từ Do Thái, cho đến Mỹ, Đại Hàn, ai cũng ok hết. Trong đó có một hãng Mỹ tôi làm từ lúc mới ra nghề đến giờ vẫn còn làm. Thường thì khi nào mình giao hàng thì hãng giao tiền, vậy mà với ông chủ Mỹ này tôi nhớ khi bà xã tôi sanh đứa đầu, ổng hỏi tôi có cần tiền không để đưa trước tôi $5,000, lúc đó $5,000 lớn lắm. Tôi không dám lấy, chờ làm xong rồi lấy, nhưng vẫn nhớ hoài cái tình cảm họ đối với mình.”
Năm 2005, khi công việc ngày một ít do các hãng may chuyển sang thị trường lao động rẻ hơn ở Trung Quốc, ở Mexico, mà số shop may lại càng nhiều dẫn đến nhiều cạnh tranh, giá gia công rẻ mạt, vợ chồng ông Oanh và bà Nhiên quyết định sang lại toàn bộ shop may. Ông Oanh xin vào sở làm để có thêm các phúc lợi y tế cho gia đình, bà Nhiên ở nhà trông cháu.
Riêng ông Thanh vẫn bám trụ lại với shop may cho đến thời điểm này, dù như ông nói, “ngày nào tôi cũng làm, nhưng làm ít giờ đi.”
Quan trọng hơn, bởi những buồn vui, hên xui với nghề, nên ông Thanh cho rằng, “Tôi chưa bao giờ chê hay phụ gì nghề này. Bây giờ làm cũng khó khăn hơn hồi xưa nhưng cũng nhờ đồng tiền kiếm được lúc trước nên vẫn yêu quý nghề chứ không chê bai gì nó.”
Hơn 5 giờ chiều Chủ Nhật, ông Thanh vẫn còn tất bật nơi shop may, trong tiếng cười sảng khoái bên tiếng rẹt rẹt của máy may, tiếng xoẹt xoẹt của máy vắt sổ và tiếng hơi nước rít ra từ bàn ủi...
Related news items:
Tin mới
- Hai năm không ngủ ghi lại hành trình 40 năm tị nạn của cộng đồng - 28/08/2015 17:09
- Hành trình thắp lửa nhạc dân tộc trong lòng trẻ gốc Việt - 28/08/2015 02:32
- California thúc đẩy chấm dứt dùng hóa chất độc hại trong ngành nail - 25/08/2015 17:21
- Cựu quân nhân Quân Cụ kỷ niệm 35 năm thành lập Hội - 25/08/2015 17:05
- Hội Bạn Ảnh ICS triển lãm và mở dạ tiệc kỷ niệm 30 năm - 24/08/2015 20:49
- Sinh Viên Công Giáo tổ chức đại nhạc hội 'Hương Ca Học Trò' 12 - 21/08/2015 10:00
- Giới trẻ vận động cộng đồng quan tâm đến dân oan Việt Nam - 21/08/2015 09:52
- Betty Tisdale, ‘Người Mẹ của cô nhi Việt Nam’ vừa qua đời - 21/08/2015 09:44
- Hội Thân Hữu Kiên Giang tổ chức trại Hè 2015 - 15/08/2015 14:30
- Hoàn Nhiên Khí Công kỷ niệm 4 năm thành lập và mở hội thảo - 15/08/2015 14:21
Các tin khác
- VIETNAMESE FOCUS, triển lãm cộng đồng tị nạn sau 40 năm - 15/08/2015 13:55
- Con gái nuôi gốc Việt trở thành diễn viên trong X-Men - 15/08/2015 13:44
- Sinh Viên Công Giáo chuẩn bị 'Hương Ca Học Trò' - 11/08/2015 17:02
- Triển lãm hội họa người phụ nữ và ‘Sen Trần’ - 11/08/2015 16:43
- Chi phí quá đắt, người cao niên Hoa Kỳ sang Mexico làm răng - 11/08/2015 16:35
- Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ và '20th Anniversary Concert' - 11/08/2015 12:07
- TNS Janet Nguyễn phát động chương trình “Thiện Tâm California” - 03/08/2015 14:53
- Thân hữu Ðại Học Huế hội ngộ - 03/08/2015 14:42
- Lời cảnh tỉnh những thuyền nhân VN đang đến Úc xin tị nạn? - 03/08/2015 14:28
- Xe hoa Việt đoạt giải diễn hành 'Ánh Ðuốc Seattle Parade' - 02/08/2015 19:37